Văn hóa và văn minh

Ngày nay, chúng ta được tiếp cận nguồn thông tin rất lớn thông qua internet. Tuy nhiên, có cảm giác, ngay cả bản thân, chúng ta thiếu những hiểu biết về những khái niệm cơ bản và các thuộc tính gắn với khái niệm đó. Vì vậy, việc hiểu đúng và đủ là rất quan trọng để có thể tiếp cận các vấn đề một cách khoa học.

Nhân đọc một bài báo của một tác giả về Văn minh nhân loại, và có một độc giả nói rằng không phân biệt được thế nào là “văn minh” và “văn hóa”. Vì vậy, xin được mở chủ điểm này nhằm góp phần làm sáng tỏ hơn vấn đề.

1. Văn hóa

Văn hóa – “culture”, có gốc chữ Latin chính là sự “trồng cấy”. Ở đây theo nghĩa bóng thì culture có nghĩa: Văn hoá là quá trình nuôi dưỡng tập thành con người như thể gieo trồng và chăm sóc mầm cây vậy. Còn văn hoá theo nghĩa Hán tự thì: Văn hoá là quá trình con người hoá con người.

Như vậy, văn hóa là khái niệm gắn với con người – cá thể. Con người với nhận thức cơ bản vốn có, tích lũy kinh nghiệm thông qua các hoạt động nhằm nuôi dưỡng, hoàn thiện đặc tính người. Quá trình này là liên tục.

2. Văn minh

Theo Hán tự thì Văn là Người, và Minh là Sáng; bởi vậy văn minh ám chỉ một dân tộc, một nhân loại đã khai sáng, đã bước vào đời sống trí tuệ hiền minh.

Theo phương Tây, thì chữ Văn minh “civilization” – được khởi nguồn từ gốc chữ Latin “Civis” nghĩa là Thị dân. Theo quan niệm đó , thì văn minh là quá trình “thị dân hoá”, “thành thị hoá” con người.

Theo nhà triết học White Head thì các nền văn minh đều khởi đầu bằng cuộc tập trung cao độ về dân số. Nền văn minh Ai cập đã khởi đầu bằng việc dân chúng tập hợp lại trong công cuộc trị thuỷ sông Nil, và sau đó là cuộc xây dựng các “Pyramid” bất hủ, nền văn minh Trung Hoa là cuộc tụ họp dân số bên sông Hoàng Hà, với Vạn lý Trường thành nổi danh đồ sộ; nền văn minh Babilon là cuộc huy động nhân công để xây lên “Vườn treo vương đình” độc nhất vô nhị , nền văn minh Hy Lạp là cuộc tụ họp của những trí giả đi dép cỏ và cuộc biểu diễn sức mạnh của các chàng trai Olempic hào hoa mã thượng; nền văn minh La Mã là cuộc kéo quân rầm rộ đem theo cả khối dân hoan hỉ về kinh thành Roma.

Như vậy, văn minh là khai niệm gắn với một quần thể – xã hội.

3. Con người văn hóa trong xã hội văn minh

Voltaire nói: “Nền văn minh của chúng ta là sự chiến thắng kỳ diệu cái thú tính”. Như vậy, con người trước hết phải vượt qua cái “thú tính” bằng việc “con người hóa con người” một cách liên tục. Cứ kết thúc một chu kỳ đó, con người xác lập một nền văn minh mới.

Một xã hội văn minh khi và chỉ khi, trong xã hội đó, con người phải có văn hóa. Văn minh không phải là xe hơi, nhà lầu, súng ngắn, tên lửa, rạp hát, mà văn minh phải bao gồm toàn bộ giá trị con người. Một xã hội nhà cao cửa rộng, người xe tấp nập, không hẳn đã văn minh khi những công dân của nó sống bê tha, bừa bãi, phóng túng, phi luật pháp, phép tắc và đạo lý. White Head nói: “Các nền văn minh chỉ có thể hiểu được bởi những người được văn minh hoá”.

Như vậy, việc xây dựng con người có văn hóa là điều kiện cần, nhằm tạo dựng nên một xã hội văn minh. Một xã hội văn minh không thể làm nên bởi những con người nghèo nàn về văn hóa.

“Văn hoá là điều cứu vớt con người để mà không trở thành một thảm hoạ: văn hoá là tiếp lực cho con người sống một đời sống vượt lên trên bi kịch vô nghĩa hoặc vượt lên sự điếm nhục nội tâm của mình.” (Ortega Y Gasset)

“Đầu hàng cám dỗ là hành động của thú tính, chiến thắng nó mới là con  người.” (Waterstone) 

Previous Post
Next Post