“Người xa lạ”: Ám ảnh mãnh liệt về sự cô đơn của kiếp người

Chưa bao giờ “Người xa lạ” trở nên xa lạ và cũ kĩ với tâm hồn con người, mà ngược lại, càng ngày cuốn sách kể về câu chuyện về chàng Meursault càng trở nên gần gũi...


Tôi nghĩ rằng cuốn sách này xuất hiện trên tất cả giá sách của những người luôn kiếm tìm cảm xúc thật sự về cuộc sống. “Người xa lạ” đã vượt qua được quy luật khắc nghiệt của thời gian để tồn tại suốt bao nhiêu năm qua, khiến biết bao nhiêu thế hệ người đọc phải rên lên những tiếng kêu thảm thiết vì sự lạc loài nghiệt ngã trong chính xã hội mà họ đang sống. Chưa bao giờ “Người xa lạ” trở nên xa lạ và cũ kĩ với tâm hồn con người, mà ngược lại, càng ngày cuốn sách kể về câu chuyện về chàng Meursault càng trở nên gần gũi.

Cuộc đời chàng Meursault trong “kẻ xa lạ” chính là điển hình cho những thân phận người cô đơn trong cuộc đời này. Sự cô đơn tồn tại như hơi thở, và tồn tại ở bất kì nơi đâu họ đặt chân tới. Chàng trai trẻ ấy không còn nhận ra bất kì một cảm xúc  nào tồn tại trong tâm hồn mình nữa dù cho có điều gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống của chàng. Mẹ chàng mất, chàng vẫn đi uống café, vẫn thản nhiên đi chơi cùng bạn gái ngoài bãi biển sau đám tang.

Ở chàng, tôi và bạn dù cố gắng lục gọi trong tất cả mọi “ngõ ngách” cũng không thể nhận ra bất kì một dấu hiệu cảm xúc nào. Chàng xa lạ với tất cả những cảm xúc của thế giới này: các vấn đề tôn giáo, các quy ước xã hội, các trạng thái xúc cảm. Ở chàng không hề tồn tại niềm vui, hạnh phúc, đau khổ, tuyệt vọng. Chàng cứ sống vô hồn, nhàm tẻ và thụ động với tất cả mọi chuyện như một chiếc máy được lập trình sẵn mà chẳng bao gồm một trạng thái xúc cảm nào. Sự hiện diện của chàng ở thế giới này là một điều khó tin đối với cả một cộng đồng người đang cuồng nhiệt tìm cách tồn tại giữa dòng đời.

Khi tôi đọc “Người xa lạ” lần đầu tiên tôi không thể cắt nghĩa được lý do tại sao với tất cả mọi chuyện đang diễn ra trong cuốn sách. Tôi không thể hiểu được rằng làm sao lại có một người có thể giết người mà không biểu hiện bất kì điều gì, đi tù cũng chẳng thành vấn đề đáng lưu tâm. Tôi cứ cảm thấy phi lý ngồn ngộn trong từng chi tiết, tâm trạng của câu chuyện. Nhưng khi đọc lại cuốn sách lần hai, lần ba… và những lần sau đó, cảm giác sợ hãi, đau đớn và tuyệt vọng bắt đầu bao trùm xung quanh cuộc sống của tôi.

Tôi chìm trong những suy nghĩ về số phận con người giữa cuộc sống này. Tôi bắt đầu có những cảm nhận rõ nét về sự cô độc tận cùng của Meursault với cuộc đời, với xã hội và với chính cái thân thể bao bọc chàng. Tôi sững sờ khi nghĩ rằng chàng trai trẻ giữa cái xã hội ấy không thể tìm thấy chốn nào gần gũi để cảm nhận được sự tồn tại của chính mình. Còn điều gì đau đớn, tuyệt vọng hơn là chính bản thân mình lại xa lạ với mình. Tôi bắt đầu hiểu được sự bất hạnh đó, tôi bắt đầu thương xót cho chàng.

Dù tôi không trải qua sự hững hờ và vô hồn đến mức vô thức mãnh liệt như chàng, nhưng tôi đã từng có cảm giác bản thân mình cứ bước đi trên một con đường ngùn ngụt xa xôi chỉ có riêng một mình mà cứ tưởng rằng mình bước đi bằng đôi chân của người khác. Chẳng thể kiếm tìm nỗi một cảm xúc nào trong giây phút ấy, tôi mới nhớ rằng, có người đã từng nói với tôi rằng, khi chúng ta còn biết buồn, biết khóc và biết rằng mình cô đơn, có nghĩa là chúng ta vẫn còn có cảm xúc với tâm hồn mình, vẫn còn có cảm xúc với cuộc sống này. Khi đó nỗi cô đơn vẫn còn có cơ hội để thoát ra, và chúng ta khi ấy vẫn chưa phải đi đến tận cùng. Tôi đã từng không hiểu. Nhưng khi đọc đi đọc lại “Người xa lạ” thì tôi bắt đầu hiểu rất rõ ràng. Tận cùng của cô đơn chính là khi ta chẳng thể nhận ra rằng ta đang cô đơn, là khi ta chẳng còn bất kì mối liên hệ nào với cuộc sống này nữa. Ta trôi nổi. Ta chờ đợi cái chết níu kéo ta. Và có lẽ ta còn chẳng thể nhận ra rằng bản thân ta đang chết.

Chàng trai còn quá trẻ trong “Người xa lạ” đã tự nhủ với bản thân mình rằng: “Cuộc đời không có gì đáng sống… khi mà con người rốt cuộc sẽ phải chết, dù việc chết bằng cách nào và bao giờ, điều đó không mấy quan trọng”. Như vậy là chấm hết cho một cuộc đời hữu hạn với sự cô đơn trùng trùng. Cuộc đời chàng là câu chuyện thực thà và buồn bã nhất về sự cô đơn của những thân phận người. Câu chuyện ấy nghiệt ngã, đau đớn và sẽ còn ám ảnh người đọc suốt cả ngàn năm nữa, khi cuộc sống càng ngày càng trở nên lạnh ngắt và tan vỡ, chính điều đó sẽ bào mòn mọi cảm xúc của con người, biến con người chúng ta trở thành cái máy trong chính cuộc sống và tâm hồn mình.

Tác giả của “Người xa lạ” đã kể lại câu chuyện của chàng trai ấy, cũng dửng dưng hờ hững như chính bản thân những suy nghĩ của chàng. Câu chuyện chẳng bộc lộ bất kì một trạng thái tâm lý và xúc cảm nào nhưng đó lại là điều tuyệt vời nhất. Chính điều đó đã thể hiện tài năng của người viết, đồng thời đã tạo được hiệu quả tốt nhất để truyền tải tư tưởng và suy nghĩ của mình. Dửng dưng như chưa bao giờ là vô cảm. Sự dửng dưng hóa ra lại khiến người ta đau đớn nhất. Sự dửng dưng của tác giả lại khiến tôi tin tưởng rằng tâm hồn ông luôn ám ảnh nhất về số phận của những con người trong cuộc đời này. Dường như càng sống con người càng cô đơn, càng sống con người càng đau khổ, càng sống càng hụt hẫng và vơi cạn đi tất cả xúc cảm, đặc biệt là tình yêu thương.

Tôi vẫn thường đọc lại “Người xa lạ” như để soi chiếu tâm hồn mình, như để kiếm tìm chút sự sống những khi tôi thấy mình hao hụt niềm ham sống giữa cuộc đời này. Tìm chút day dứt để biết rằng tôi hóa ra vẫn còn có thể có cảm xúc với điều gì đó, để không cô đơn giữa tâm hồn riêng mình.

Nguồn: afamily.vn
Previous Post
Next Post