Ngày xưa, Zarathustra cũng đã phóng chiếu ảo tưởng của mình bên kia con người, giống như tất cả những kẻ nuôi ảo giác về cõi-bên-kia[1]. Lúc ấy, Zarathustra đã xem thế giới như là công trình của một vị Thượng đế khổ đau quằn quại.
“Trước đây thế giới đã xuất hiện với ta như là giấc mộng và sự phát minh của một đấng Thượng đế: tương tự những hương khói muôn màu trước đôi mắt của một viên bốc sư bất mãn.
Thiện, ác, và Hân hoan và Thống khổ, và Tôi và Anh, - tất cả đối với ta lúc ấy đều là những hương khói muôn màu trước mắt một đấng sáng tạo. Đấng sáng tạo đã muốn đừng nhìn chính mình nữa, - và lúc bấy giờ, ngài sáng tạo ra thế giới.
Đối với kẻ đang chịu đựng thống khổ, quả là một niềm vui ngây ngất khi được rời mắt khỏi nỗi khổ đau và được tự quên lãng mình. Niềm hoan lạc ngất ngây và sự tự lãng quên mình: có một lúc thế giới đã xuất hiện với ta như thế đó.
Cái thế giới vĩnh viễn bất toàn này, hình ảnh bất toàn của một mối mâu thuẫn ngàn thu - một nỗi hoan lạc say đắm đối với đấng sáng tạo bất toàn của nó: có một lúc thế giới đã xuất hiện với ta như thế đó.
Vì vậy, cả ta nữa, ta cũng đã phóng chiếu ảo tưởng của mình vượt quá bên kia loài người, giống hệt như tất cả mọi kẻ nuôi ảo giác về cõi-bên-kia. Mà thực ra, có phải là bên kia con người chăng?
Than ôi! Hỡi các anh em, vị Thượng đế mà ta đã sáng tạo ra là công trình của con người và là sự điên cuồng của con người, tương tự như tất cả những đấng Thượng đế thần linh khác.
Vị Thượng đế đó chỉ là con người, là mảnh vụn thảm thương của một con người và một “Ngã thể”: vị Thượng đế hình ma bóng quế ấy xuất sinh từ mớ tro lạnh và từ lò than hồng của chính ta. Thực ra, vị Thượng đế ấy không đến với ta từ cõi-bên-kia!
Hỡi các anh em, lúc bấy giờ sự gì đã xảy đến cho ta? Ta, kẻ đang thống khổ, ta tự vượt bỏ mình, ta mang mớ tro tàn hương lạnh của ta về miền núi cao, ta phát minh cho chính ta một ngọn lửa rực rỡ hơn. Và nhìn kia! Bóng ma đã tan thành mây khói.
Đối với ta, kẻ đã bình phục, giờ đây mà còn tin vào những hình ma bóng quế như thế nữa là cả một điều đau khổ sỉ nhục. Ta muốn nói với những kẻ nuôi ảo giác về cõi-bên-kia như thế.
Đau khổ và bất lực, - đấy là cái đã tạo nên những cõi-bên-kia, tạo nên cơn điên cuồng ngắn ngủi mà duy kẻ chịu đựng thống khổ ngất trời mới biết đến.
Sự mỏi mệt muốn, chỉ bằng một cái nhảy, đặt chân đến tận những miền biên viễn, một cú nhảy trí mạng[2], sự mỏi mệt nghèo nàn ngu dốt đó lại còn chẳng muốn ước muốn nữa: chính sự mỏi mệt đó đã tạo nên tất cả những vị Thượng đế thần linh cùng tất cả những cõi-bên-kia.
Hãy tin ta, hỡi các anh em! Chính thân xác đã tuyệt vọng về thân xác, - bằng những ngón tay của tinh thần lạc lối, thân xác đó đã sờ soạng dọc theo những thành lũy tối cao.
Hãy tin ta, hỡi các anh em! Chính thân xác đã tuyệt vọng về mặt đất, - thân xác đã nghe những ruột rà của Thực thể lên tiếng.
Vì thế, thân xác mới muốn thò đầu qua những bức tường tối cao, và chẳng những thò đầu qua mà thôi[3] nó còn muốn đi vào trong “thế giới khác”.
Nhưng cái “thế giới khác” đó lại né tránh con người, cái thế giới bị giảm thiểu và phi nhân đó thực ra chỉ là một cõi trời Hư không; và những ruột rà của Thực thể không lên tiếng với con người, nếu không phải là bằng giọng nói của con người.
Thực ra, khó mà chứng minh Thực thể và khó mà bắt Thực thể phải lên tiếng. Hỡi các anh em! Hãy nói cho ta biết, anh em há chẳng thấy là những sự vật đặc thù kỳ diệu nhất lại được chứng minh rõ ràng hơn sao?
Vâng, cái Ngã thể đó, - với tình trạng mâu thuẫn hỗn loạn mơ hồ của nó đã xác quyết sự hiện hữu của mình một cách chân thực nhất - cái Ngã thể đứng ra sáng tạo, ước muốn, định giá, ban bố tiêu chuẩn và giá trị cho mọi vật.
Và cái Ngã thể này, cái Thực thể chân thực nhất, nói về thân xác và lại còn ước muốn thân xác nữa, ngay cả khi Ngã thể ấy mơ mộng, lang thang và chớp cánh bay với đôi cánh gãy.
Cái Ngã thể ấy học cách để luôn luôn lên tiếng một cách chân thực hơn: càng học hỏi, Ngã thể ấy càng tìm thấy những tiếng nói dành ngợi ca thân xác và mặt đất.
Ngã thể của ta đã dạy cho ta một niềm kiêu hãnh mới, giờ ta đem giảng dạy cho loài người: đừng nên vùi đầu mình vào trong đống cát những sự vật thiên đình nữa, nhưng phải biết kiêu hãnh mang lấy đầu mình, một cái đầu trần thế đứng ra sáng tạo những ý nghĩa cho mặt đất trần gian!
Ta rao dạy cho loài người một ý chí mới: hãy ước muốn con đường này, con đường mà loài người đã theo đuổi một cách mù quáng, hãy tán thành con đường này và đừng nên lánh xa nó bằng cách lê lết sát đất, như những người bệnh cùng những kẻ hấp hối!
Chính những người bệnh cùng những kẻ hấp hối đã khinh bỉ thân xác và mặt đất, đã tạo ra những sự vật thiên đình cùng những giọt máu cứu thế. Nhưng, những chất thuốc độc dịu ngọt sầu thảm đó, bọn chúng lại cũng đã vay mượn từ thân xác và mặt đất!
Chúng muốn thoát khỏi sự khốn khổ lầm than của chúng, và chúng nhìn thấy những ngôi sao lóng lánh quá xa mình. Vì thế chúng thở dài: “Than ôi! Giá gì có những con đường thiên giới để chúng ta có thể bò lết vào một Thực thể khác, một hạnh phúc khác!” - Rồi chúng bày đặt ra những điều giả tạo và những thức uống đẫm máu của chúng!
Những tên bội bạc vong ân đó, chúng tưởng rằng đã được giải phóng khỏi thân xác và mặt đất này. Nhưng cơn động kinh và nỗi vui thú mê ly ấy, chúng có được nhờ đâu? Nhờ thân xác chúng và nhờ mặt đất này.
Zarathustra là người có lòng khoan thứ đối với các bệnh nhân. Thực ra, Zarathustra chẳng hề nổi giận về cách thức tự an ủi hay về sự bội bạc của họ. Cầu cho họ chóng hồi phục, tự vượt thắng mình và tự tạo cho mình một thân xác thượng đẳng hơn.
Zarathustra cũng chẳng nổi giận đối với người đang thời hồi phục đưa mắt trìu mến nhìn về ảo tưởng xa xưa và giữa đêm khuya đi lang thang quanh ngôi mộ chôn vị Thượng đế của mình: nhưng ngay cả những giọt lệ của y hãy còn là bệnh hoạn và hư nhược.
Bao giờ cũng có nhiều người bệnh hoạn trong số những kẻ đang mơ mộng và khát vọng Thượng đế; họ cuồng nộ thù ghét kẻ đạt được tuệ giác, họ thù ghét thứ đức hạnh trẻ trung nhất có tên là: chính trực.
Họ luôn luôn nhìn lại đằng sau về các thời đại tối tăm mù mịt: quả thực lúc bấy giờ cơn điên và đức tin là chuyện khác. Cơn điên cuồng của lý trí đã xuất hiện dưới hình ảnh của Thượng đế, và thời ấy, hồ nghi là tội lỗi.
Ta biết quá rõ những kẻ giống với Thượng đế: chúng muốn rằng thiên hạ tin nơi chúng và hoài nghi là một tội trọng. Nhưng ta biết quá rõ chúng tin tưởng vào điều gì hơn cả.
Thực ra, chúng không tin vào những cõi-bên-kia cùng những giọt máu cứu thế: chính chúng cũng tin vào thân xác nhiều hơn và chính thân xác chúng là cái được chúng xem là sự vật tự nội.
Nhưng đối với bọn chúng, thân xác là một điều bệnh hoạn: và chúng sẽ sẵn lòng thoát ra khỏi xác thịt mình. Chính vì thế chúng mới lắng nghe những kẻ thuyết giáo về sự chết, và chính chúng cũng thuyết giảng về những cõi-bên-kia.
Hỡi các anh em! Nên lắng nghe tiếng nói của thân xác lành mạnh: đó là một tiếng nói chân thực hơn và thuần khiết hơn.
Thân xác lành mạnh lên tiếng một cách chân thực hơn, thuần khiết hơn, thân xác toàn vẹn, đứng thẳng: thân xác ấy nói về ý nghĩa của mặt đất trần gian”.
Trích Zarathustra đã nói như thế.
Chú thích:
[1] “những người nuôi ảo tưởng thế-giới-bên-kia” hay “những kẻ nuôi ảo giác về cõi-bên-kia” dịch chữ Hinterweltler, một chữ do Nietzsche bày đặt ra, để gợi nhớ tới chữ Hinterwãldler: kẻ dị hình, kỳ quái.
[2] “một cú nhảy trí mạng”, có thể Nietzsche nhằm bác bỏ quan điểm của triết gia Đan Mạch Sõren Kierkegaard (1813-1855), chủ trương con người cần phải thực hiện một “bước nhảy” từ tình trạng vô tín đến tình trạng tín ngưỡng.
[3] “thân xác muốn thò đầu qua những bức tường tối cao” diễn dịch thành ngữ Mit dem Kopfe durch die Wand wollen, có nghĩa chính là “chạy ào đến mọi vật”.