Ý thức bi tráng - Con người và hố thẳm trong tư tưởng Nikos Kazantakis

Người nghệ sĩ bi tráng không phải là người bi quan; hắn chính là người chấp nhận tất cả sự việc khả nghi, chấp nhận ngay cả những sự việc khủng khiếp. Hắn là người theo Dionysos.
Nietzsche (Die Götzen-Dämmerung, 1889)

1.

Mùi thơm những cây chanh trổ hoa quay cuồng người dân hải đảo. Những con lừa bước chậm chạp trên lối mòn hay triền núi. Vài ba con dê cột bên sân nhà; bụi bay đầy đường. Những đống gạch vụn, những đền đài sụp đổ. Mặt trời. Đá. Mây trắng. Biển. Những trái cây. Gió biển mặn nồng, bụi đá thơm ngát, những người ăn mày rách rưới, những con gà tây lủi trốn qua kẹt nhà.

Nghèo nàn, nóng bức, khô cằn, nhiều trái cây, nhiều đứa con nít dơ bẩn chạy rong giữa chợ, những trái nho khô, những chùm nho tươi, đôi má đỏ hồng của cô gái nhà quê, nụ cười thần thoại của cụ già râu trắng, những đồi đá vôi chôn vùi nền văn minh thượng cổ của Địa trung hải, nằm giữa Âu châu, Phi châu và Á châu.

Đó là đảo Crète, thuộc đất Hy lạp, quê hương của Nikos Kazantzakis, văn sĩ, thi sĩ, triết gia, tư tưởng gia, kịch sĩ, phê bình gia, dịch giả, chính trị gia. Nikos Kazantzakis là nhà văn hoá nổi tiếng nhất của Hy lạp thế kỷ hai mươi.

Quê hương ông là nơi phát sinh ra nền văn minh Tây phương, là một hải đảo muôn đời đón gió từ mười phương thổi về; người con trai Hy lạp ấy đã lớn lên giữa những cơn gió thịnh nộ thổi từ những lục địa xa xôi, giữa những tiếng sóng cuồng loạn của đại dương, dưới một bầu trời xanh lơ đầy mây giang hồ và những cánh hải âu đen mướt.

Những buổi chiều trên bãi vắng, lúc hãy còn trẻ, không biết Nikos Kazantzakis đã nghĩ những gì, khi ngắm nhìn những cánh buồm trắng xuôi gió thấp thoáng bên kia chân trời?

Để rồi đi vào đời, Nikos Kazantzakis trở thành con người nghệ sĩ điêu đứng, sống hốt hoảng với ý thức phân tán trước sự sụp đổ của con người và nền văn minh hiện đại; suốt đời, Nikos Kazantzakis chỉ là một cánh buồm say gió, trôi nổi bập bềnh trên đại dương của Hư vô, khát khao hải đảo quê hương, nhưng hải đảo quê hương ấy cũng chỉ là thần thoại, bởi vì quê hương không phải là nơi mà mình đã chào đời và con người vẫn nhớ quê hương đang khi mình ở ngay nơi quê hương của mình; con người vẫn cảm thấy hoàn toàn xa lạ nơi mình chào đời; có lẽ phải chăng lúc mình thở hơi cuối cùng là lúc quê hương mới bắt đầu xuất hiện?

2.

Trong quyển Letter au Gréco, Nikos Kazantzakis viết một câu văn rất giản dị mà ít người đọc để ý, ý nghĩa thâm trầm phong phú vô cùng:

“Hãy cứng rắn, kiên nhẫn, chịu khó… Hãy khinh bỉ hạnh phúc…”

Những câu văn hay lời nói cũng như những hạt giống, phải gieo đúng nơi, đúng lúc thì mới có thể trổ hoa đơm trái.

Chỉ vào giờ đó, phút đó, với tâm trạng đó, tôi mới thực sự nhận ra tất cả ý nghĩa kỳ lạ trong những lời nói câu văn mà vào những lúc khác tôi chỉ thấy nó tầm thường nhạt nhẽo.

“Hãy khinh bỉ hạnh phúc…”

Chỉ có Nikos Kazantzakis là mới nói lời trên với nỗi lòng chua xót bi tráng.

“Hãy khinh bỉ hạnh phúc…”

Tất cả tư tưởng và tác phẩm của Nikos Kazantzakis chỉ nói lên một câu nầy thôi.

Câu văn này chẳng những có nghĩa là khinh bỉ sự hạnh phúc, mà còn có nghĩa là khinh bỉ cả sự khinh bỉ hạnh phúc, vì không có sự hạnh phúc! Hạnh phúc chỉ là một danh từ rỗng, dùng để nói đến một cái gì không có thực ở đời này.

Tại sao “hãy khinh bỉ”?

Tiếng “hãy” là tiếng kêu gọi, lời thúc giục hay ra lệnh…

Tiếng “hãy” là tiếng gọi đứng dậy, tiếng kêu bước chân, tiếng thúc giục lên đường, tiếng ra lệnh phóng chạy…

Chúng ta tự tạo ra một thế giới ảo tưởng, rồi chui vào đó mà ngủ. Con người hiện nay đang nằm ngủ; con người thế kỷ XX đang còn ngủ, chưa tỉnh thức; chúng ta đang chết, nguy hiểm nhất là chúng ta không biết rằng chúng ta đang chết; chúng ta sống bạc nhược; đi đứng mệt mỏi, hết hăng hái thiết tha; chỉ nhìn lại đằng sau, tiếc thương quá khứ; mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta bị lôi vào một cuộc sống mà chúng ta không biết đi về đâu; chúng ta chỉ còn những cử chỉ không hồn; tất cả chỉ là phản ứng như một cái máy tự động; chúng ta nhìn sự vật chung quanh với đôi mắt thản nhiên lạnh nhạt; không có gì có thể làm chúng ta ngạc nhiên nữa; tất cả chỉ là tổng số những thói quen.

Chúng ta sống trong hiện tại mà đầu óc cứ bị chìm ứ xuống vũng lầy của quá khứ; chúng ta vuốt ve dĩ vãng vàng son; chúng ta chạy trốn hiện tại; chúng ta vuốt ve bản ngã nhỏ bé bằng cách gia nhập những đoàn thể hay những công tác vĩ đại; chúng ta đồng hoá với một sự vật bên ngoài để tâng bốc lòng quan trọng; chúng ta không dám sống, mà chúng ta cũng không dám chết; chúng ta không dám đi, mà cũng không dám đứng; chúng ta không dám nói mà cũng không dám yên lặng…

Chúng ta thích phàn nàn, than thở, thích nói “chán quá, cô đơn quá, khổ quá," mà thực sự chúng ta không hoàn toàn cảm thấy thế; những lời nói ấy chỉ là một mớ thói quen cần thiết để chúng ta bám vào những làn khói thuốc; sự thực thì chúng ta đang chết trong đời sống.

Chúng ta ăn mà không biết mình đang ăn, uống mà không biết mình đang uống; chúng ta thấy mình nằm mộng trong giấc mộng. Mộng của mộng!

Mỗi lời nói của chúng ta là những lời lặp lại vô ý thức, mỗi lời phê phán của chúng ta là những lời nói bâng quơ khờ khệch của một kẻ bước đi trong khi ngủ.

Tiếng “hãy” là một gáo nước lạnh đổ vào mặt chúng ta, là một cái tát tai nẩy lửa, là cái đạp chân tống vào người để chúng ta thức dậy, để chúng ta đứng dậy, rồi chạy… Đứng dậy mà chạy. Thôi đủ rồi, ngủ đã nhiều rồi, chết đã nhiều rồi. Chúng ta hãy ào chạy, xô nhau chạy… chạy rồi nhảy múa. Nhảy múa điên cuồng như bầy mọi da đỏ. Nhảy múa trên hoả diệm sơn.

Cười, hét, tru, tréo, la, kêu, rú, réo và cứ tiếp tục nhảy múa - Nhảy như điên, như loạn. Nhảy như Nijinsky.

Cứ tiếp tục nhảy múa đi.

Rồi chết.

Chứ đừng nằm dài than thở, đừng khóc lóc, đừng chán nản. Đã hết cô độc, hết rồi cô đơn, hết rồi phi lý, hết rồi hiện sinh khắc khoải, hết rồi hư vô, hết rồi đau khổ. Bản nhạc ấy cũ quá rồi, cứ hát đi hát lại hoài. Tất cả đều lường gạt. Tất cả đều giả dối. TẤT CẢ ĐỀU XÔNG LÊN MÙI CHẾT.

Hãy cười rú lên như điên và tiếp tục nhảy múa.

Nhảy múa như bầy mọi Phi châu, nhảy múa như bầy trẻ con, chứ đừng nhảy múa như những xác chết ở phòng khiêu vũ tại Sài gòn.

“Hãy khinh bỉ” là gì? Thế nào là “khinh bỉ”?

Sự khinh bỉ là một điều thiêng liêng.

Sự khinh bỉ lên ngôi thượng đế.

Chúng ta hãy tôn thờ sự khinh bỉ.

Khinh bỉ, khinh bạc, khinh dễ, khinh khi, khinh khỉnh, khinh mạn, khinh miệt, khinh suất, khinh thị, khinh thường, kiêu căng, kiêu ngạo, kiêu dũng, kiêu hãnh, phách lối, ngạo mạn, xấc xược. Tất cả những chữ này là những ĐỨC TÍNH thiêng liêng của những con người dám sống và dám chết.

Chúng ta hãy khinh bỉ tất cả mọi sự.

Chúng ta hãy khinh bỉ cả sự khinh bỉ.

Nghĩa là CHÚNG TA HÃY KHINH BỈ CẢ CHÚNG TA.

Khinh bỉ là đức tính đầu tiên và cuối cùng của nhân loại: khinh bỉ sẽ là sức sống làm lại cuộc HỒI SINH NHÂN LOẠI.

Trái đất này sẽ tan nát, thế giới này sẽ sụp đổ, nhân loại sẽ bị tiêu diệt, nếu không còn những kẻ khinh bỉ trên trần gian này.

Chúng ta hãy khinh bỉ tất cả mọi giá trị: chúng ta hãy khinh bỉ tất cả những gì cao siêu nhất đời này; chúng ta hãy khinh bỉ tất cả những vĩ nhân, tất cả những thiên tài; chúng ta hãy khinh bỉ những kẻ vị tha, bác ái, nhân đạo. Chúng ta hãy khinh bỉ những kẻ xây dựng; đồng thời, chúng ta hãy khinh bỉ những kẻ phá hoại. Chúng ta hãy khinh bỉ những nhà đạo đức và khinh bỉ những kẻ chống đạo đức.

Khinh bỉ hết tất cả.

Và quan trọng nhất là chúng ta phải khinh bỉ chính bản ngã, bản thân chúng ta; hãy khinh bỉ đời sống chúng ta, hãy khinh bỉ lời nói chúng ta, hãy khinh bỉ sự im lặng của chúng ta, hãy khinh bỉ lòng nhân đạo của chúng ta, lòng yêu người của chúng ta, lòng ái quốc, lòng xây dựng xã hội, tình thương, lòng tương thân tương ái, lòng khiêm tốn nhún nhường, sự cao thượng, đức danh dự.

Hãy khinh bỉ tình yêu, hãy khinh bỉ tất cả những người con gái, hãy khinh bỉ văn chương, triết học, hãy khinh bỉ những thi sĩ, hãy khinh bỉ những quyển tiểu thuyết, những bài khảo luận (như bài này).

Hãy khinh bỉ Nikos Kazantzakis, Henry Miller.

Hãy khinh bỉ Heidegger, Camus, Nguyễn Du. Tóm lại HÃY KHINH BỈ HẠNH PHÚC. Thế nào là “hãy khinh bỉ hạnh phúc”?

Sự khinh bỉ chính là sự hạnh phúc: vì thế, chúng ta cần phải khinh bỉ cả sự khinh bỉ ấy nữa! Sự khinh bỉ phải đi đến cùng tận, để rồi biến mất luôn mà đi vào cõi hư không của vạn vật. Lúc bấy giờ, tất cả đều huyền bí (huyền chi hựu huyền), không còn phân biệt đối đãi, sắc tức thị không, nói như Heidegger thì Sein tức là Nichts và sự KHINH BỈ CHÍNH LÀ SỰ KÍNH TRỌNG.

Hạnh phúc là gì?

Hạnh phúc là nhà điên. Hạnh phúc là chết trong khi còn có thể sống được. Hạnh phúc là đầu hàng trước xã hội. Hạnh phúc là sự chạy trốn. Hạnh phúc là đánh mất cá tính độc đáo của mình. Hạnh phúc là đứng lại, không dám nhảy tới, phóng tới. (Heidegger: Entwurf).

Hạnh phúc là ảo tưởng của ảo tưởng, mộng của mộng. Hạnh phúc là luân hồi, là hoả ngục nơi cuộc sống này.

Khi chúng ta còn bé nhỏ, chúng ta không đau khổ, không hạnh phúc; tâm hồn ngây thơ hồn nhiên như con chim hót trên cành, lòng trẻ thơ là mặt hồ trong suốt không gợn sóng, in hình mây trời trắng bạch; bầu trời xanh biếc rọi trọn vẹn vào hồn, nhưng thế rồi lúc chúng ta vừa lớn khôn, lúc mà ý thức bắt đầu trưởng thành thì lúc bấy giờ mặt hồ đã nổi sóng tơi bời, bão tố vụt bừng dậy hãi hùng.

Ý thức là hạnh phúc, mà ý thức lại chạy đi tìm hạnh phúc, thế là ý thức trở nên không hạnh phúc. Ý thức đi tìm hạnh phúc, mà càng đi tìm lại càng tìm không được, vì hạnh phúc không ở ngoài ý thức vì hạnh phúc là ý thức, ý thức chạy đi tìm ý thức, mình chạy đi tìm mình; mình chạy đi tìm mình thì không thể nào tìm được.

Khinh bỉ hạnh phúc có nghĩa là không chạy đi tìm nữa. Khinh bỉ hạnh phúc có nghĩa là MÌNH ĐỨNG LẠI NHÌN MÌNH. Khi mình nhìn lại mình thì mình sẽ gặp lại mình. Tìm gặp lại mình thì tìm gặp cái mình đang tìm. Như thế mình chỉ có thể tìm được là khi mình không còn chạy đi tìm nữa. Đó là chân lý, mặc dù mâu thuẫn, khó hiểu nhưng mầu nhiệm vô cùng.

“Hãy khinh bỉ hạnh phúc”. Đây là một trong những chân lý cao siêu của Nikos Kazantzakis.

Câu này có thể giúp ta nhìn ra chân lý mầu nhiệm của cuộc đời.

Bằng cách nào?

Bằng cách thực hiện câu “hãy khinh bỉ hạnh phúc” không phải bằng lời nói, mà bằng tất cả bản thân mình, bằng cả đời sống mình, bằng cả máu lệ tinh thành; đánh cả một ván đời để đổi lấy câu “hãy khinh bỉ hạnh phúc”, như trường hợp Nietzsche hay Van Gogh hay Rimbaud hay Nikos Kazantzakis, hay một cách tuyệt đối tận cùng như Phật Thích Ca, như chúa Jésus, như François d’Assise, như Henry Miller…

3.

Kazantzakis đã từng chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nietzsche. Nikos Kazantzakis và Nietzsche giống nhau như con giống cha. Kazantzakis tôn thờ Nietzsche như con người tiền sử tôn thờ mặt trời. Đời Nietzsche và đời Kazantzakis là cả một chuỗi dài chấp nhận và chối bỏ.

Kazantzakis chấp nhận Nietzsche, rồi chối bỏ Nietzsche. Kazantzakis chấp nhận Chúa Jésus, rồi chối bỏ Chúa Jésus. Kazantzakis chấp nhận đức Phật, rồi chối bỏ đức Phật. Kazantzakis chấp nhận Lénine, rồi chối bỏ Lénine.

Kazantzakis chấp nhận cuộc đời, rồi chối bỏ cuộc đời mà đi vào cõi chết… Tiến trình biện chứng vẫn ngự trị trần gian.

Chấp nhận tức là hạnh phúc; chối bỏ sự chấp nhận ấy có nghĩa là khinh bỉ hạnh phúc. Khinh bỉ sự hạnh phúc là nhìn thẳng vào sự chết, không chạy trốn cái chết mà lại phỉ nhổ vào mặt sự chết.

Đó là tất cả sự vĩ đại của Nikos Kazantzakis, tất cả nỗi bi tráng cực độ của người con trai đất Hy lạp, quê hương của Homère, Eschyle, Sophocle, Euripide.

“Vào những khoảnh khắc khủng khiếp và bất ngờ, một luồng ánh sáng vụt loé qua ý thức tôi: tất cả những cái ấy chỉ là một trò chơi tàn bạo và phù phiếm, vô thuỷ vô chung, hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả” (Nikos Kazantzakis, Ascèse trang 47 – 48).

Cuộc đời chỉ là một trò chơi.

Thiên đàng hay địa ngục gì cũng nằm trong trò chơi ấy.

Tất cả đều là một trò đùa, một trò chơi tàn bạo và phù phiếm. Tôi bị lôi cuốn vào trò chơi ấy, dù muốn hay không.

Nhìn đời với đôi mắt của một kẻ nằm trong cuộc chơi, đó là ý thức đầu tiên của những tâm hồn bi tráng.

Cuộc đời chỉ là một trò chơi tàn bạo và vô ích, không có sự bắt đầu, không có sự chấm dứt, hoàn toàn vô nghĩa.

Với ý thức như thế, tôi sẽ không còn tạo cho mình những ảo tưởng xa xôi, những bến bờ hạnh phúc mà tôi không bao giờ đạt đến.

Thiên đàng chỉ nằm trong đầu, thiên đàng không phải ở trên bầu trời xanh lơ kia. Thiên đàng chỉ nằm trong cuộc chơi tàn bạo của giòng đời.

Con người nhào mình vào cuộc chơi mà hắn biết rằng phù phiếm và tàn bạo; nhưng vì hắn là người, hắn không thể thoát ra ngoài vòng cuộc chơi ấy.

Đó là tâm thức bi đát của con người; niềm bi đát ấy trở thành bi tráng, khi con người nhìn thẳng vào sự thực và không nuôi những ảo tưởng, khi con người yêu trò chơi ấy và dự vào cuộc chơi ấy với tất cả mê đắm say sưa của đời mình, mặc dù biết rằng cuộc chơi ấy là phù phiếm, tàn bạo và vô nghĩa.

Biết rằng cuộc đời là vô nghĩa, nhưng vẫn sống một cách say sưa. Biết rằng việc làm vô ích nhưng vẫn làm một cách hăng say. Biết rằng trò chơi ấy nguy hiểm, nhưng vẫn lăn vào trò chơi ấy với trọn vẹn hồn nhiên của đời mình. Đó mới là sức sống bi tráng của con người.

“Điều tôi quan tâm không là con người, không phải là mặt đất, không phải là bầu trời, mà là ngọn lửa thiêu đốt con người, mặt đất và bầu trời” (Nikos Kazantzakis, Toda – Raba, trang 113).

Ngọn lửa ấy là gì? Phải chăng là SỨC SỐNG BI TRÁNG của vũ trụ, của trần gian, của con người?

Sức sống bi tráng là ngọn lửa thiêu đốt cả vũ trụ và con người. Sức sống bi tráng là hơi thở của Thần linh, của Hư vô, của Đại Ngã và Thần Ngã.

Nietzsche đã thổi sức sống bi tráng vào tâm hồn Nikos Kazantzakis:

“Nietzsche đã làm phong phú tâm hồn tôi bằng cách cung cấp cho tôi những vũ khí để lăn vào những cuộc chiến đấu mới; chính Nietzsche đã dạy tôi biến đổi nỗi đau khổ, niềm cay đắng và lòng lưỡng lự thành ra sự kiêu hãnh” (Nikos Kazantzakis), và sức sống bi tráng ấy đã thiêu đốt cuộc đời Nikos Kazantzakis; ông chạy quanh quẩn suốt đời trong những nẻo đường hư vô mà vẫn giữ trong tim một niềm kiêu hãnh vĩ đại của con người bị diệt, nhưng vẫn không chịu thua, của một kẻ đau khổ quằn quại, nhưng vẫn từ chối thiên đàng.

4.

Trong quyển tiểu thuyết Alexis Zorba, Nikos Kazantzakis đưa ra hai nhân vật trái ngược hẳn nhau: một người là trí thức, người kia là công nhân. Anh công nhân tên là Alexis Zorba. Người trí thức ấy chỉ biết sống với sách vở; đầu óc đầy ứ những tư tưởng trừu tượng; trái lại Alexis Zorba thì không đọc sách báo gì cả, đầu óc Alexis Zorba chứa đầy những ý nghĩ thực tiễn hay là không chứa một ý nghĩ nào cả, hoàn toàn trống rỗng thanh tịnh. Kẻ tri thức kia quên sống, hắn đi bơ phờ trong thế giới tư tưởng, suốt ngày hắn cứ bận bịu với triết lý này, triết học kia. Còn Alexis Zorba sống mãnh liệt và trọn vẹn với đời mình, Alexis Zorba chỉ sống chứ không suy nghĩ; trái lại, kẻ trí thức chỉ nghĩ chứ không sống. Alexis Zorba hưởng thụ cuộc đời một cách say đắm triền miên; còn kẻ trí thức kia chỉ là một xác không hồn bước đi hững hờ trong cuộc đời. Alexis Zorba hoàn toàn là đứa con của lòng đất; Alexis Zorba cúi quỳ hôn lòng đất: còn kẻ trí thức kia chỉ biết chạy đuổi theo một ốc đảo ở sa mạc và suốt đời không bao giờ tìm được.

Alexis Zorba là con người hoàn toàn hồn nhiên giản dị, chỉ biết ăn, uống, ngủ, đi đứng, làm ái tình, ca hát, nhảy múa, say sưa làm việc. Còn kẻ trí thức kia quên ăn, quên uống, quên ngủ, quên đi đứng, không dám làm ái tình, không biết ca hát, không nhảy múa và chỉ làm việc một cách mệt nhọc chán chường.

Kẻ trí thức kia cẩn thận, dè dặt, giữ gìn, chín chắn, tâm hồn đầy mặc cảm. Alexis Zorba dám làm tất cả mọi sự, không dè dặt, không giữ gìn; Alexis Zorba lăn vào cuộc đời như một chiến sĩ kiêu dũng lăn vào trận địa; Alexis Zorba nhảy trên những xác chết của quá khứ, say sưa hò hét trong cuộc sống điên cuồng hiện tại.

Nikos Kazantzakis đã dựng hình ảnh Alexis Zorba giữa nền văn minh trí thức thời đại, một hình ảnh hiên ngang bất khuất sống động, tượng trưng cho sự phục hồi sinh lực của truyền thống Tây phương ở vào chặng cùng đổ vỡ.

Truyền thống tư tưởng tây phương đang bị lôi cuốn trong sự độc tôn của lý trí; lý trí đồng nghĩa với ảo tưởng, lý trí chặn đứng sức sống tràn lan của con người, lý trí phá hủy hồn thơ lai láng của vũ trụ, lý trí chỉ biết chia xén, phân hai, phân biệt, phân tích, lý trí tạo ra ảo tưởng của ảo tưởng, rồi sau cùng chính lý trí quay lại chống lý trí; đó là mối mâu thuẫn vĩ đại không thể nào vượt qua được, nếu con người vẫn nằm ngủ trong giấc mộng của giấc mộng.

Alexis Zorba của Nikos Kazantzakis là hiện thân của sự chống đối lý trí; chống đối lý trí không có nghĩa là ca ngợi sự ngu muội; mà là ngược lại thế, bởi chính lý trí là sự ngu muội, một thứ ngu muội trá hình, và vì trá hình, sự ngu muội ấy trở nguy hiểm vô cùng.

Alexis Zorba là một kẻ tỉnh ngộ: nói theo danh từ Phật giáo Thiền tông thì Alexis Zorba đã đi đến Satori (Ngộ). Alexis Zorba là con người lý tưởng mà Kazantzakis muốn đạt tới.

Nikos Kazantzakis từ bỏ thiên đàng để trở về quì hôn lòng đất mến yêu. Nikos Kazantzakis chối từ tất cả những ảo tưởng, kẻ cả ảo tưởng về sự chối từ! Nikos Kazantzakis đi tìm một giải đất mới nhưng giải đất ấy không nằm trong không gian, bởi vì: “giải đất mới chỉ có trong lòng người” (Nikos Kazantzakis, Ascèse, trang 56).

Ta phải quay trở về tìm giải đất mới ấy trong lòng người, ta phải đi tìm Tịnh độ trong Tâm; vì Tâm chính là Tịnh độ.

“Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, một cách rộng lượng và không hy vọng”.

(Nikos Kazantzakis, Ascèse, trang 56).

“Bổn phận mi là…”

Bổn phận, nghĩa vụ, chức phận…

Bổn phận mi là…

Phận mình là…

Phận là điều mình không thể không làm; phận là một việc tất yếu, một sự bắt buộc, một việc quy định.

Bổn phận nằm trong thân phận làm người của mình. Bổn phận có thể nói là xác định tính chất của thân phận con người. Bổn phận là một điều bắt buộc, một điều kiện tất yếu làm con người trở thành con người. Chấp nhận bổn phận là chấp nhận sự thực không thể tránh. Từ chối bổn phận là chạy trốn. Chạy trốn cái gì?

Chạy trốn mình.

Chạy trốn chất tính của mình là con người.

Con người dính liền với thân phận con người, bổn phận là thái độ sống riêng đưa con người trở về con người. Bổn phận có tính cách độc đáo riêng biệt; phận là phận của riêng tôi, của mình tôi nên gọi là phận mình, tức là bổn phận; phận là một sự bắt buộc; phận có nghĩa là chức vị của người; nói rộng hơn, phận chính là người vì chức vị của người (phận) và người chỉ là một; người không có chức vị của người không thể gọi là người, không thành ra người. Nói đến người là mặc nhiên đã nói cái điều làm cho con người trở thành người, tức là phận, nói rõ hơn là bổn phận.

Phận là một điều tất nhiên, một sự đã qui định từ khi tôi mở mắt chào đời và qui định trọn vẹn từ khi ý thức tôi đã trưởng thành.

Mỗi người tự nhận phận mình (bổn phận).

Người khác không có quyền bắt buộc tôi làm bổn phận tôi, vì bổn phận đã là một sự bắt buộc của tôi đối với chính tôi. Sự bắt buộc của người khác xâm phạm đến chức vị của người tôi; chính sự bắt buộc ấy thay thế sự bắt buộc của riêng tôi, vì thế người khác đã đánh mất chức vị của người tôi, vì chức vị của người tôi là sự bắt buộc của riêng tôi đối với tôi.

Người khác bắt buộc tôi làm bổn phận tôi, nghĩa là người khác đã làm tôi đánh mất bổn phận tôi rồi!

Ái quốc hay không ái quốc, đó là bổn phận riêng tôi. Người khác không được quyền bắt buộc tôi ái quốc và nói rằng như thế mới là bổn phận tôi; khi có sự tham dự trực tiếp của người khác vào bổn phận tôi thì tôi đã xa lìa bổn phận rồi, vì bổn phận là phận của riêng mình tôi.

Ái quốc, hy sinh, phụng sự xã hội, vâng lời cha mẹ, hiếu thảo, trung thành, vân vân; người khác không được quyền nói những thứ này là bổn phận của tôi. Nói đến bổn phận là nói đến sự cô đơn tuyệt đối của tôi, của riêng tôi đối với tôi; vì thế, người khác đứng ngoài vòng và chẳng có liên hệ gì với tôi cả; người khác chỉ có liên hệ với tôi là sau khi tôi đã nhìn lại bổn phận (hay là không nhìn lại thì cũng thế).

Tôi nói với tôi như sau:

“bổn phận của mi là…”

Tôi không thể nói như vầy với người khác:

“bổn phận của anh là…”

Nói như thế là trực tiếp phá hủy bổn phận của người khác, là xâm phạm chức vị làm người của người khác.

Nikos Kazantzakis tự nói với mình rằng:

“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm…”

(Nikos Kazantzakis, Ascèse, trang 56).

Nikos Kazantzakis không nói:

“bổn phận của mi là ái quốc, thương người, phụng sự, làm việc, vâng lời, giúp đỡ, hay trung thành vân vân…”

Nikos Kazantzakis lại nói:

“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm”

thế là Kazantzakis đã đập vào trung tâm điểm của ý thức con người; lên đường đi đến hố thẳm là bổn phận quan trọng nhất của tôi; tất cả những thứ khác chỉ là phụ thuộc.

“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm”.

Đó là ý thức tiên khởi mà tôi phải nhìn nhận cho riêng tôi; bổn phận của tôi là thế, vì vậy, tôi phải làm bổn phận ấy cho riêng tôi; chính tôi phải làm tròn bổn phận ấy. Làm tròn cái gì?

Làm tròn bổn - phận – lên - đường – đi - đến- hố - thẳm.

Không làm tròn bổn phận này là chạy trốn; không làm tròn bổn phận này là không xứng đáng được gọi là người; không làm tròn bổn phận này là đánh mất chức vị làm người, là tự dối, tự lường gạt mình.

Người chỉ là người, khi người làm bổn phận; bổn phận chỉ là bổn phận khi bổn phận lên đường đi đến hố thẳm.

Sự kiện lên đường đi đến hố thẳm là một thực tại; từ chối thực tại là nuôi ảo tưởng, là tự đánh lừa.

Người dính liền với việc lên đường đi đến hố thẳm. Heidegger có từ ngữ “Sein zum Tode” (Tính hướng tử hay hướng tử tính; Pháp gọi là “L‘être-pour-la-mort”). Ta bắt chước Heidegger mà đặt từ ngữ mới cho ý nghĩa câu văn trên của Kazantzakis là “Sein-zum-Abgrund” (tính hướng huyệt hay hướng huyệt tính; dịch ra Pháp ngữ là: “l‘être-pour-l‘abïme”.

Người vừa mới chào đời là đã lên đường đi đến hố thẳm.

Người thực sự người là lên đường đi đến hố thẳm; người không thực sự người là kẻ chạy trốn vào cuộc sống thường nhật của thiên hạ (“ le On de la banalité quotidienne”) và không chịu nhận mình để lên đường đi đến hố thẳm. Việc lên đường đi đến hố thẳm là một sự bắt buộc, một sự thực bắt buộc; nhưng sự bắt buộc ấy trở thành sự tự do khi tôi bắt buộc cho riêng tôi.

Nếu để người khác bắt buộc tôi hay nếu sự bắt buộc ấy xảy đến tôi ngoài ý muốn của tôi hay nếu tôi không tự bắt buộc cho riêng tôi, thì sự bắt buộc ấy trở thành sợi dây trói buộc tôi lại, quăng tôi xuống hố thẳm như quăng một con vật, làm tôi mất sự tự do và đánh mất chức vị làm người của tôi.

“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm”

Khi tôi chịu làm bổn phận lên đường đi đến hố thẳm thì tôi trở thành con người tự do, sự tự do này mới đúng nghĩa là tự do thực sự, vì dù có ở trong tù, tôi vẫn có thể tự do; và những con người sống bên ngoài kia, họ tưởng là họ tự do, nhưng thực ra, họ bị nhốt bưng bít trong cuộc sống thường nhật nhạt nhẽo của thiên hạ “le On de la banalité quotidienne”; (Heidegger gọi là “Das Man”).

Tự do của tôi là tự do thực sự; bởi vì tôi biết rằng tôi lên đường đi đến hố thẳm cho nên tôi tự do, tôi chỉ được tự do thực sự khi sự tự do của tôi là tự do trước hố thẳm, bắt chước từ ngữ của Heidegger mà gọi là: “Freiheit zum Abgrund” (Heidegger: Freiheit zum Tode”).

“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm”.

Nikos Kazantzakis tự nói như thế.

Nhưng lên đường đi đến hố thẳm bằng cách nào?

Nikos Kazantzakis tự nói thêm:

“một cách im lặng...”

Như thế nghĩa là gì?

“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng…”

Im lặng là không nói, không nói là không dùng lời, không diễn tả, không bào chữa, không bênh vực.

Im lặng chẳng những có nghĩa là không nói, mà còn có nghĩa là không không-nói.

Im lặng ở đây không chỉ có nghĩa là im lặng suông, vì im lặng ở đây có nghĩa là im lặng luôn cả sự im lặng!

Im lặng luôn cả sự im lặng là không còn tiếng nói, cũng không còn tư tưởng, không còn suy nghĩ, không còn trí nhớ, nói gọn lại là tiến trình ý thức ngừng lại.

Im lặng có nghĩa là sự im lặng ý thức hay là ý thức im lặng.

“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng…”

Nikos Kazantzakis nói thêm:

“không hy vọng…”

Tôi lên đường đi đến hố thẳm một cách im lặng, và không hy vọng.

Đó là điều hiển nhiên.

Im lặng mà còn có hy vọng, thì chưa hẳn là im lặng.

Hy vọng nuôi ảo tưởng, ảo tưởng trong thời gian.

Còn hy vọng là còn lường gạt, là còn ý thức; ý thức lường gạt ý thức bằng cách phóng tới đằng trước nhờ hy vọng; còn hy vọng thì chưa giải thoát; hy vọng là triển hạn; triển hạn là hạnh phúc; khinh bỉ hạnh phúc là không hy vọng, là mở đường giải thoát; hy vọng triển hạn và chận đứng sự giải thoát: hy vọng giải thoát là chưa được giải thoát.

Đến bao giờ mới được giải thoát?

Chỉ đến lúc không còn hy vọng giải thoát, ta mới được giải thoát. Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ…

Chỉ đến lúc tôi không còn mộng sự tỉnh thức, tôi mới thức tỉnh.

“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, không hy vọng…”

Nikos Kazantzakis còn nói thêm:

“một cách rộng lượng”.

Tôi đi đến hố thẳm, một cách im lặng, không hy vọng và một cách rộng lượng.

Rộng lượng hay nhân từ cũng gần nghĩa với nhau.

Rộng lượng ở đây có nghĩa là rộng lượng mà không có đối tượng, vì tôi đang lên đường đi đến hố thẳm. Rộng lượng là mối tình bao la mênh mông; rộng lượng là xoá bỏ sự cố chấp, rộng lượng có đối tượng hãy còn là rộng lượng có sự cố chấp; tôi rộng lượng với người khác nghĩa là tôi còn chấp vào chính sự rộng lượng ấy, nghĩa là tôi còn phân biệt người khác với tôi và sự rộng lượng của tôi đối với người khác là một sự phân biệt ngụy trang. Rộng lượng còn phân biệt tôi với người khác thì vẫn chưa là rộng lượng.

Rộng lượng đồng nghĩa với sự không phân biệt; rộng lượng không phân biệt mới thực sự là rộng lượng; như thế, rộng lượng không có mục đích; rộng lượng mà có mục đích, dù mục đích ấy là sự rộng lượng thuần túy thì rộng lượng chưa thuần tuý là rộng lượng.

Rộng lượng chính là sự im lặng; rộng lượng chính là không hy vọng. Rộng lượng mà còn hy vọng thì chưa phải rộng lượng; ý thức rằng tôi rộng lượng thì chưa phải là rộng lượng; rộng lượng đồng nghĩa sự im lặng ý thức.

Con đường đi đến hố thẳm gồm có 3 lối.

trí và tình: im lặng

trí: không hy vọng

tình: rộng lượng

Đó là cố gắng phân chia cho dễ hiểu; nói một cách tuyệt đối thì con đường đi đến hố thẳm không có lối, vì còn có lối là còn hy vọng, mà còn hy vọng là không thể rộng lượng, vì rộng lượng còn hy vọng là rộng lượng chưa trọn vẹn và ý thức chưa im lặng.

“bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, không hy vọng, một cách rộng lượng”.

Hố thẳm ở đây không phải là địa điểm hay mục đích. Không phải hố thẳm ở một nơi chốn nào đó và bổn phận của tôi là đi đến hố thẳm ấy.

Hố thẳm ở đây không nằm trong không gian và sự-lên-đường-đi-đến không nằm trong thời gian; bởi vì chính việc-lên-đường-đi là hố thẳm, và hố thẳm chính là sự im lặng, là sự rộng lượng, và không hy vọng. Phương tiện (một cách im lặng, không hy vọng, một cách rộng lượng) chính là cứu cánh (hố thẳm), hành động (sự lên đường đi đến) chính là mục đích (hố thẳm). Phương tiện là cứu cánh; hành động là mục đích.

Chúng ta hãy lập lại trọn câu văn của Nikos Kazantzakis: “giải đất mới chỉ có trong lòng người… bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, không hy vọng, một cách rộng lượng” (Ascèse, trang 56).

Như thế, tôi thấy rõ nghĩa như vầy:
giải đất mới là lòng người;

lòng người là hố thẳm

đi tìm giải đất mới là đi tìm lòng người;

lòng người là lòng mình;

bổn phận mình là đi tìm lòng mình;

tìm lòng mình là lên đường đi đến hố thẳm;

sự đi tìm ấy chính là lòng mình;

lòng mình chỉ là lòng mình, khi lòng mình im lặng, rộng lượng, không hy vọng;

lòng mình là giải đất mới;

giải đất mới là sự giải thoát.
“giải đất mới chỉ có trong lòng người… bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, không hy vọng, một cách rộng lượng” (Nikos Kazantzakis, Ascèse, trang 56).

Trong quyển tiểu thuyết Le Christ Recrucifié, Nikos Kazantzakis đã dựng lên một nhân vật lạ thường, tên là Manolios, Manolios chính là hình ảnh con người lên đường đi đến hố thẳm; Manolios đi lại con đường của chúa Jésus; Manolios lên đường bước đến hố thẳm một cách im lặng, không hy vọng, một cách rộng lượng. Manolios đã sống một đời thánh thiện trong sạch và đã hy sinh chịu chết để chuộc tội lỗi của con người.

Trước khi hoàn toàn quyết định sống cuộc đời của một kẻ lên đường đi đến hố thẳm, Manolios kể lại câu chuyện ngụ ngôn cho các bạn thân thiết để nói qua về sứ mạng của chàng:

“Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện về một thầy tu kia… Giấc mộng lớn của đời thầy là được Thượng đế cho đi hành hương đến quỳ lạy trước thánh mộ của Chúa Jésus. Thầy đi khắp nơi trong những thôn làng để xin của bố thí. Sau nhiều năm dài, lúc đó thầy đã già, thầy thu góp được một số tiền khá lớn vừa đủ để lên đường hành hương. Thầy ăn năn khổ hạnh, xin phép thầy bề trên rồi lên đường hành hương… Vừa bước ra khỏi tu viện, thầy gặp một người nghèo khổ ăn mặc rách rưới, xanh xao, gầy yếu, trong thê thảm đau đớn vô cùng mà đang cúi xuống đất nhỏ cỏ. Người ấy nghe tiếng gậy của thầy vang lên trên đá, liền ngước đầu lên và hỏi: “Linh mục đi đâu đó? Thầy trả lời: “Tôi đi đến thánh mộ của Chúa. Tôi sẽ đi ba vòng quanh Thánh mộ và quì lạy. Người ấy hỏi : “Linh mục có bao nhiêu tiền?” Thầy trả lời: “Một số tiền khá lớn”. Người ấy nói: “Linh mục hãy cho tôi số tiền ấy đi; tôi có vợ và một bầy con đang chết đói, linh mục hãy cho tôi số tiền ấy đi; đi ba vòng quanh tôi, rồi quì và lạy trước tôi”. Thầy lấy tiền ra và đưa hết cho người nghèo ấy, thầy đi ba vòng quanh kẻ ấy, rồi quì gối và cúi lạy. Sau đó thầy đi trở về tu viện”.

Manolios im lặng, rồi nói tiếp:

“Buổi chiều nay, sau nhiều năm trôi qua, tôi mới hiểu rằng người nghèo khổ ấy là ai”.

Mấy người bạn hỏi:

“Người nghèo khổ ấy là ai?”

Manolios lưỡng lự. Sau cùng, một cách im lặng, như một trái chín ban đêm rụng trong vườn, Manolios trả lời:

“Đó là Chúa Ki Tô.”

Một lúc sau, Manolios giải thích:

“Như vị thầy tu kia, tôi đã xây bao nhiêu là kế hoạch to lớn, đang khi tôi chỉ là một thằng tầm thường: chuồng cừu của tôi vẫn chưa đủ đối với tôi, tôi nóng lòng muốn đáp tàu to lớn, muốn đi đến tận địa cầu để tìm giải thoát cứu rỗi. Tôi cho rằng thánh mộ của Chúa nằm rất xa xôi trùng điệp, ở tận địa cầu, và tôi đã khinh bỉ mảnh đất nhỏ bé này mà Thượng đã đặt ném tôi vào… Nhưng bây giờ tôi đã hiểu: Chúa Ki Tô ở khắp nơi trên trần gian này, ở cận nơi lòng ta. Trong thôn làng giàu sang này, Chúa Ki Tô đang nghèo đói, không nơi trú ẩn. Chúa nghèo và có một bầy con đang đói. Chúa đi ăn mày, gõ cửa từng nhà, gõ cửa từng lòng, và người ta xua đuổi Chúa, người ta đuổi Chúa từ nhà này đến nhà khác, từ lòng này đến lòng khác” (Nikos Kazantzakis, Le Christ Recrucifié, trang 274-276).

Những lời nói trên của Nikos Kazantzakis đã làm sáng tỏ ý nghĩa câu:

“Giải đất mới chỉ có trong lòng người…”

Thánh địa không phải ở tận bên Do thái, thánh địa ở đây, nơi lòng ta “Tuỳ kỳ tâm tịnh, tức Phật độ tịnh”

Khi tôi không hiểu Tự Tánh, tôi chạy loanh quanh khắp mọi phương trời để tìm giải thoát, tôi cho rằng giải đất mới (hay thiên đàng) ở xa lắm, tận bên kia chân trời; cũng như vị thầy tu kia đi tìm cứu rỗi tận thánh mộ xa xôi, tôi chạy đi tìm khắp nơi, cầu Đông cầu Tây nhưng thực ra thì “giải đất mới chỉ có trong lòng người”, chứ không phải ở nơi nào cả.

Có nên nhắc lại lời của đại sư Huệ Năng, lục tổ Thiền tông: “Phàm phu bất liễu tự tánh bất thức thân trung tịnh độ, nguyện Đông nguyện Tây; ngộ nhơn tại xứ nhứt”, kẻ tầm thường chẳng hiểu tự tánh, chẳng biết cõi Tịnh độ là ở trong thân mình, mà cầu Đông cầu Tây, chứ người đã tỏ ngộ thì chỗ nào cũng vậy thôi (Pháp bảo đàn kinh, phẩm quyết nghi).

Ta hãy suy tưởng ba câu văn dưới đây:

“thân trung Tịnh độ” và “Thiên đường chỉ tại mục tiền” (Huệ Năng, Pháp bảo đàn kinh)

“nước Chúa Trời ở trong lòng các ngươi” (Thánh kinh, Tân ước, Lu ca, 17, 21)

“giải đất mới chỉ có trong lòng người” (Nikos Kazantzakis, Ascèse, trang 56).
Khi biết rằng: “Chúa Ki Tô ở khắp nơi trong lòng thế gian này, Chúa Ki Tô ở cận ngay nơi lòng ta” (Nikos Kazantzakis, Le Christ Recrucifié, trang 276), thì Manolios đã quyết định làm gì? Sau khi đã biết như thế, Manolios có bổn phận nào?

Nikos Kazantzakis để Manolios trả lời cùng mấy người bạn đồng đường:

“Này anh em, tôi đã quyết định thay đổi hoàn toàn lối sống của tôi, tôi quyết định cắt đứt quá khứ và đi theo đấng Ki Tô trên dặm đường” (278).

Đi đâu?

Manolios trả lời:

“Đi đâu ư? Anh đã quên rằng vị thầy tu kia đã tìm thấy thánh mộ ở đâu sao? Bất cứ người nào tranh đấu và đau khổ trên một mảnh đất nhỏ, tức là người ấy đã tranh đấu và đau khổ trên trái đất này. Tôi sẽ ở lại cùng các anh em mãi mãi! Ở nơi đây, nơi thôn làng này và nơi núi này, trên giải đất chúng ta. Chính nơi đây là nơi tôi phải gieo và gặt; chính nơi đây là nơi trời đã đặt để tôi, là nơi mà trời dạy tôi phải tranh đấu. Mỗi một cục đất ở bất cứ nơi nào cũng đều là thánh mộ” (trang 278).

Ta hãy quì hôn lòng đất; mỗi mảnh đất đều thiêng liêng.

Trong tập Ascèse (tâm thuật), Nikos Kazantzakis viết nơi trang 46: “Không nổi loạn phù phiếm, và nhận những giới hạn của trí thức con người và trong vòng giới hạn chặt chẽ ấy, hãy làm việc không ngừng”.

Làm việc gì?

Làm việc giải thoát.

Làm việc giải thoát là gì?

“Một cách im lặng” là không nổi loạn phù phiếm.

“Không hy vọng” là nhìn nhận những giới hạn của trí thức con người.

“Một cách rộng lượng” là không ngừng làm việc.

Bây giờ ý nghĩa phong phú của câu văn này đã mở ra trọn vẹn.

“Giải đất mới chỉ có trong lòng người… Bổn phận mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, không hy vọng, một cách rộng lượng” (Nikos Kazantzakis, Ascèse, trang 56).

Ý nghĩa câu trên được cô đọng lại trong hình ảnh một người bước đi ba vòng quanh một kẻ nghèo khổ rồi cúi lạy quì hôn lòng đất.


Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tư, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản điện tử do talawas thực hiện. 
Previous Post
Next Post