Vong thân

Vong thân bày tỏ tình cảm con người đánh mất hay bị mất bản thân, bản ngã của mình. Mất ở đây không phải là không còn nữa, vì bị tan vỡ, trở thành không có nhưng là bị biến thể. Bản thân vẫn còn có, nhưng bị tách khỏi mình, trở thành khác mình và hơn nữa trở thành xa lạ, đối lập với chính mình.

Vong thân là khái niệm căn bản trong triết học Hegel một triết gia duy tâm nổi tiếng người Đức vào cuối thế kỷ thứ XIX.

Vấn đề quan trọng, đề tài then chốt làm bận tâm các nhà triết học, những thế kỷ XVII, XVIII, XIX vẫn là vấn đề nhận thức: làm sao lý trí tinh thần có thể biết được sự vật, thế giới bên ngoài là một thực tại khác với tinh thần, lý trí? Những triết gia duy lý nhấn mạnh vào vai trò quyết định của tinh thần, lý trí, còn những triết gia duy nghiệm nhấn mạnh vào tính cách tích cực chủ động của sự vật, thế giới bên ngoài. Kant cố gắng dung hòa hai quan điểm đối lập. Đến Hegel, Hegel cho rằng không bao giờ giải quyết được vấn đề bao lâu cứ đứng ở bình diện phân biệt tinh thần là một thực tại khác với sự vật, thế giới bên ngoài. Và đứng ở bình diện tách biệt trên theo Hegel phải nhìn nhận không thể có quan điểm nào hoàn hảo hơn quan điểm của Kant.

Hegel không xóa bỏ vấn đề nhận thức, nhưng thay đổi hẳn quan niệm nhận thức. Trước hết Hegel nhìn nhận chỉ có một thực tại và thực tại duy nhất đó là tinh thần. Nhưng ở khởi điểm, tinh thần chưa biết mình là tinh thần, chưa tự giác là tinh thần, vì tinh thần chỉ biết mình là tinh thần ở tận cùng lịch sử, một diễn biến lâu dài gồm nhiều giai đoạn. Nói cách khác, tinh thần không ở trạng thái im lìm và hoàn tất ngay từ khởi điểm và phải trải qua một lịch trình diễn tiến trong lịch sử để đạt tới tự giác.

Vậy tất cả mọi sự của thực tại: thế giới vật chất, nhà nước, văn minh, tôn giáo, nghệ thuật, triết lý… chẳng qua chỉ là những biểu lộ của tinh thần trong lịch sử diễn tiến hướng về tự giác. Do đó khi tinh thần tìm hiểu thế giới bên ngoài, lịch sử, không phải là tìm hiểu một thực tại khác mình vì không bao giờ hai thực tại khác nhau về bản chất, có thể hiểu nhau mà chỉ là tinh thần tự tìm hiểu mình qua những biểu lộ của chính mình.

Trong viễn tượng đó, nhận thức triết lý không còn phải là giải thích tại sao và bằng cách nào lý trí, tinh thần biết được thế giới bên ngoài hoặc xác định những điều kiện có thể nhận thức như Kant đã làm mà là mô tả những biểu lộ xuất hiện của tinh thần trong lịch trình diễn tiến của nó. Những biểu lộ này cũng từ tinh thần mà ra, tách khỏi tinh thần, trở thành khách quan.

Quan niệm trên đưa đến nhận xét căn bản sau đây: tinh thần không thể tự giác nếu không trở thành khác mình bằng những biểu lộ bên ngoài. Cũng như con người chỉ biết mình là một vật sáng tạo khi đứng trước một tác phẩm, công trình sáng tạo của mình. Tác phẩm là kết quả sinh hoạt sáng tạo của ta, tuy do ta mà ra nhưng đã tách khỏi ta và trở thành khác ta.

Hiện tượng tách khỏi mình, trở thành khác mình Hegel gọi là vong thân. Nhưng vong thân cũng là một điều kiện cần thiết và chỉ có đánh mất mình trong những biểu lộ của mình, tinh thần mới biết được những khả năng, giá trị của mình, mới biết mình. Thực ra việc đánh mất mình ở đây chỉ tạm thời, vì tinh thần sẽ phục hồi tất cả những biểu lộ, sản phẩm của vận chuyển trong lịch sử quá trình diễn tiến ở tận cùng lịch sử, và nhất là không có nghĩa như từ ngữ muốn chỉ thị, vì việc đánh mất mình, chính là một cách phong phú hóa mình. Do đó, vong thân là cần thiết để tinh thần có thể tự giác và chỉ là một giai đoạn trong lịch trình diễn tiến, vì vong thân sẽ chấm dứt khi tinh thần đạt đến giai đoạn chót thu hồi được thực ngã và hoàn toàn tự giác là tinh thần tuyệt đối.

Đến Marx khái niệm vong thân mang một nội dung cụ thể không còn phải tinh thần trừu tượng vong thân như Hegel hiểu, nhưng là con người bằng xương bằng thịt, sống trong những hoàn cảnh lịch sử, chế độ xã hội nhất định bị mất bản thân, giá trị làm người. Tình trạng vong thân cũng không phải là hình thức “khách thể hóa cần thiết để tiến tới chỗ hoàn thiện, trái lại bày tỏ một sa đọa suy đồi thật sự”.

Vong thân xuất hiện dưới nhiều hình thức: tôn giáo, chính trị, pháp lý, triết lý, nhưng tất cả những vong thân, tôn giáo, chính trị, triết lý… đều bắt nguồn từ vong thân căn bản là vong thân kinh tế của con người lao động, sản xuất. Cũng như Hegel, Marx coi con người là một vật lao động và cần lao là yếu tính của con người. Sự làm việc bao hàm dự định và mục đích. Dự định làm việc nhằm thực hiện mục đích, thỏa mãn những nhu cầu sinh sống đồng thời nhằm phát triển con người, nhân hóa con người, phong phú hóa con người. Nói cách khác những sản phẩm con người lao động làm ra thuộc về con người sản xuất và nhằm thực hiện những mục tiêu mà hắn dự định.

Con người lao động vong thân khi những sản phẩm mình làm ra không thuộc về mình, không nhằm thực hiện những mục tiêu, những dự định, trái lại bị người khác tước đoạt nhằm thực hiện những mục tiêu của họ.

Do đó, người làm việc bị tách khỏi những kết quả sự làm việc của mình, bị tách khỏi chính sự làm việc của mình vì nó không còn nhằm thực hiện những dự định của mình và sau cùng bị tách khỏi cả những người khác, trở thành thù địch với mình vì người khác đã chiếm đoạt công lao sự làm việc của mình. Đáng lẽ lao động sản xuất là một sinh hoạt để con người nhận biết mình là người, như vật sáng tạo, một giá trị làm người trước sản phẩm do mình làm ra thì lại một dịp đánh mất bản ngã, giá trị làm người và ném con người vào tình cảnh vong thân trở thành xa lạ, thù địch với người khác, với thiên nhiên, với chính mình.

Nhìn một cách cụ thể, người lao động bị vong thân trong những chế độ nô lệ, phong kiến và nhất là trong chế độ tư bản. Những chế độ này là nguồn gốc sự mất mát, thua thiệt của người làm việc. Thay vì nhằm phát triển những giá trị nhân loại, thăng tiến con người bằng những sinh hoạt kinh tế, những chế độ trên, nhất là tư bản đã lấy tư lợi làm tiêu chuẩn cho mọi sinh hoạt lao động, do đó đã biến con người sản xuất thành một dụng cụ sản xuất như cái máy, cái cày và biến sức lao động thành hàng hóa đổi chác theo luật thị trường.

Marx đã viết những đoạn rất nghiêm khắc để mô tả và kết án sự bóc lột lao động trong những chế độ trên, nguyên nhân tình cảnh vong thân của người làm việc.

Trước hết, người lao động bị tách rời khỏi những kết quả sự làm việc. “Người thợ càng nghèo khi càng sản xuất nhiều và hơn nữa, sản phẩm sự làm việc càng văn minh, người thợ càng trơ trẽn, mọi rợ. Lao động càng mạnh, người thợ càng yếu, lao động càng thông minh người thợ càng không được sử dụng trí khôn và trở thành nô lệ thiên nhiên. Lao động làm ra sự đẹp đẽ nhưng đối với người thợ nó chỉ đem lại sự đui què. Lao động làm ra tinh thần nhưng đối với người thợ nó chỉ đưa đến sự sa đọa thành con vật”. Nói tóm lại. “sản phẩm lao động thế nào thì chắc chắn người thợ không được như thế. Người thợ trở thành một món hàng rẻ nếu nó càng sản xuất được nhiều hàng hóa”.

Sau là sự phân ly giữa con người với chính hoạt động làm ăn của mình. Lao động ở ngoài người thợ, nghĩa là không còn thuộc bản chất người thợ, vậy người thợ không phải là mình khi làm việc, người thợ như tự phủ nhận trong khi làm việc, không phát triển năng lực thể xác hay tinh thần nhưng là kìm hãm thể xác và phá hủy tinh thần trong sự làm việc. Cho nên người thợ cảm thấy thoải mái như ở nhà mình ngoài giờ làm việc, còn trong lúc làm việc, người thợ cảm thấy ngoài mình. Sự làm việc của người thợ không phả là tự ý nhưng là bị bó buộc. Do đó sự làm việc không có nghĩa là làm thỏa mãn những nhu cầu. Tính cách xa lạ của sự làm việc xuất hiện trong sự kiện sau đây: nếu không bị bó buộc người ta trốn tránh làm việc như trốn dịch. Cho nên, hoạt động của người thợ là sự tiêu diệt chính mình.

Sở dĩ người làm việc cảm thấy sự làm việc xa lạ, chống đối lại mình vì sự làm việc không còn ý nghĩa gì đối với người làm việc. Nếu lao động là yếu tính của con người, người là người vì biết lao động sản xuất và lao động sản xuất nhằm thực hiện yếu tính làm người, thì người lao động bị vong thân là người đã phải lấy yếu tính của mình làm phương tiện bảo đảm sinh sống. Khi “Sự làm việc sinh hoạt thân thiết, do sản xuất của con người đã trở thành phương tiện, con người lao động sẽ chỉ cảm thấy tự do trong những sinh hoạt thú vật: ăn uống, sinh đẻ mà thôi, còn trong những sinh hoạt nhân loại nghĩa là trong lao động làm cho con người khác hẳn thú vật, người lao động cảm thấy mình là thú vật, người lao động cảm thấy mình là thú vật. Do đó cái thú vật trở thành nhân loại và cái nhân loại thú vật”. Nếu con người là một vật lao động, lao động cũng tạo cho con người một ý nghĩa sống. Nhưng con người không thể gán cho mình một ý nghĩa sống. Cho nên, khi ý nghĩa sống thực không còn dựa trên sinh hoạt lao động, con người vong thân phải tạo ra những ý nghĩa sống dựa trên những ước mơ ảo tưởng, những thế giới huyền bí không thực để tìm một niềm an ủi, một lối thoát. Đó là những quan niệm triết lý, những tôn giáo, những triết lý và tôn giáo này chỉ là một hình thức vong thân khác bắt nguồn từ vong thân cần lao. Sự lầm than vật chất tạo ra lầm than tôn giáo “Lầm than tôn giáo một đằng vừa là biểu lộ của lầm than thực sự, là linh hồn của thế giới không hồn, cũng như là tinh thần của một thời đại thiếu tinh thần đó là thuốc phiện của dân chúng.

Vậy trong lối nhìn của Marx con người bị vong thân về kinh tế, trong sự làm việc, sẽ bị vong thân về toàn thể cuộc đời, vì tất cả những xuất phát từ hoàn cảnh vong thân kinh tế căn bản trên như tư tưởng, nghệ thuật, tình cảm, tôn giáo… đều không thực, xa rời yếu tính thực sự của con người. Do đó, khái niệm vong thân mang một ý nghĩa luân lý vì đã rõ khi ý thức được tình cảnh vong thân, con người không thể chấp nhận nó và phải tìm cách chấm dứt, xóa bỏ vong thân. Sở dĩ không thể chấp nhận tình cảnh vong thân, vì con người là một vật đáng lẽ phải sống cho mình, như thể bản thân, cuộc đời mình là của mình, thuộc về mình thì lại bị mất bản thân, ý nghĩa cuộc đời, phải sống cho người khác như thể bản thân, cuộc đời mình không còn thuộc về mình.

Khái niệm vong thân cũng còn đượm tính chất bi đát vì sự phân ly đáng lẽ không thể phân ly. Con người bị vong thân không được sống cho mình, trở thành một phương tiện, dụng cụ, thú vật, sống cho người khác, phục vụ người khác, nhưng nếu nó là phương tiện dụng cụ thực sự thì không sao và cũng không có vong thân vì phương tiện dụng cụ thiết yếu có cho con người, không có hiện hữu riêng, đằng này, con người bị giản lược vào vai trò dụng cụ nhưng vẫn là người, không phải dụng cụ, do đó mới có bi đát vì một sự giản lược đáng lẽ không thể giản lược, một sự tách biệt đáng lẽ không thể tách biệt. Đó là cái bi đát của tình cảnh ly dị trong hôn nhân, một sự phân ly đáng lẽ ra thể phân ly. Cho nên đối với Marx vong thân không phải chỉ là một khái niệm triết học dùng để tìm hiểu cuộc đời và chỉ hiểu cuộc đời như một tri thức. Nhưng là một lợi khí tranh đấu cách mạng nhằm gây dựng ý thức cách mạng của người lao động bị vong thân và ý thức cách mạng đưa đến hành động cách mạng nhằm chấm dứt tình cảnh vong thân để thực hiện sự làm hòa giữa người với người, giữa người với thiên nhiên và giữa người với chính mình.

Chấm dứt tình cảnh phân ly là tiêu diệt những chế độ xã hội duy trì sự bóc lột sức lao động và một khi đã xóa bỏ được sự bóc lột lao động, nguồn gốc vong thân kinh tế, cũng sẽ xóa những vong thân tùy thuộc vào vong thân kinh tế như tôn giáo và triết lý chính trị.

Vong thân dựa trên bóc lột

Quan niệm của Marx về vong thân cho thấy sở dĩ con người bị vong thân là vì có sự bóc lột kinh tế. Do đó vong thân dựa trên bóc lột kinh tế, nhưng vượt khỏi bóc lột kinh tế vì bao gồm cả những hậu quả không có tính cách kinh tế (ý thức hệ, tôn giáo, triết lý, chính trị) do bóc lột kinh tế mà ra. Hiện tượng bóc lột kinh tế cũng không phải chỉ tạo ra những tình cảnh vong thân cho những người bị bóc lột mà cho cả những người bóc lột.

Những người bị bóc lột không phải chỉ ở giới lao động thợ thuyền mà bao gồm tất cả những người làm công, làm thuê hoặc bằng lao động chân tay như thợ thuyền, nông dan, đi ở thuê, nô lệ hoặc bằng lao động trí óc như thư ký, nhà văn, nghệ sĩ… cũng có thể dùng khái niệm vong thân dựa trên sự bóc lột kinh tế theo nghĩa của Marx để tìm hiểu hoàn cảnh của người dân thuộc địa và thân phận người gái điếm.

Người làm công

Người làm công có thể rơi vào tình cảnh vong thân khi bị bóc lột sức lao động. Người làm công là người không có dụng cụ sản xuất, không phải là chủ (chủ đất, ruộng, vườn…), phương tiện giao thông như ô tô, xe lửa, xe đò… hoặc không có vốn nển chỉ có thể đi làm thuê, nghĩa là bán sức lao động, đổi chác sự làm việc để sinh sống. Có bóc lột lao động khi quan hệ chủ người làm công không hợp lý, bất công. Người làm công bị bóc lột khi làm mà không được hưởng kết quả sự làm việc của mình, hoặc được hưởng không tương xứng với công lao của mình hoặc trầm trọng hơn nữa, không được làm vì quyền quyết định ở trong tay người chủ, người thuê.

Tình cảnh trên thường trở thành tất yếu, người làm công không không chấp nhận quyết định của người thuê mình mặc dù việc thuê mướn bất công là bóc lột, vì không có cách nào khác để sinh sống, tình cảnh bóc lột cũng có thể kéo dài và trở thành thường xuyên, trường kỳ.

Người làm công bị bóc lột buộc phải chấp nhận sự bóc lột, nhưng vẫn tìm một lối thoát. Lối thoát đó không phải để lôi kéo người bị bóc lột ra khỏi tình cảnh bóc lột mà chỉ làm cho họ chấp nhận tình cảnh đó bằng cách biện hộ cho nó, để người làm công bị bóc lột có thể sống bằng chịu đựng. Ý nghĩa đó không thay đổi cuộc đời bị bóc lột mà chỉ biện hộ cho nó mà thôi, nghĩa là nhằm duy trì nó, củng cố nó. Chẳng hạn một gia đình nông dân nghèo túng ở thôn quê, người chồng đi cày cấy thuê, vì nhà nghèo không có lấy một mảnh ruộng. Làm suốt ngày, quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Người vợ cũng phải đi làm mướn, con cái đông, đứa gái lớn ở nhà giúp cha mẹ, còn đứa nhỏ phải cho đi làm công trong một gia đình ngoài tỉnh. Nhà cửa túng bấn, con cái đau ốm luôn, hai ba đứa nhỏ mới sinh bị bệnh chết, những đứa lớn không được đi học vì không có tiền trả học phí và phải làm đỡ những việc lặt vặt… Trong làng, gia đình thuộc thành phần cùng đinh không có chức vụ gì thường bị khinh bỉ, đôi khi còn bị bắt nạt, áp bức, uất ức, tủi nhục, nhưng không làm gì được vì thấp cổ bé họng.

Tuy nhiên, cuộc sống nghèo cực đen tối, lầm than đó rút cuộc gia đình vẫn ráng chịu đựng và tìm an ủi trong những quan niệm sống có thể làm cho gia đình bằng lòng với số phận mình. Hoặc gia đình tin rằng đó là cái số trời đã định cho mình, nên đành phải chịu vì làm sao có thể chống lại được số trời. Hoặc gia đình theo thuyết luân hồi, cho rằng sở dĩ kiếp này mình khổ vì kiếp trước đã ăn ở không lương thiện nên đành phải chịu quả báo. Hoặc gia đình theo những tôn giáo tin có đời sau hạnh phúc và đời này nếu có khổ cực thì chẳng qua đó chỉ là sự thử thách lập công để xứng đáng được phúc đời sau. Hoặc gia đình nghĩ rằng mình nghèo từ đời cha ông trở về trước, cả họ tổ tiên của mình vẫn nghèo đói, nên bây giờ gia đình nghèo là điều tự nhiên có gì phải than trách. Những lối thoát trên biện hộ cho sức bóc lột và duy trì nó vì gia đình đã tưởng sự lầm thancuar mình bắt nguồn từ những lý do trên. Gia đình rơi vào tình cảnh vong thân. Vong thân dặ trên sự bóc lột kinh tế, nhưng vượt sự bóc lột vì bao quát cả những hậu quả do sự bóc lột gây ra. Gia đình trên đã bị vong thân vì không thấy rằng sở dĩ mình bị nghèo túng không phải tại trời phật, số kiếp gì cả mà chỉ tại một chế độ xã hội bất công, một quan hệ sản xuất không hợp lý và có thể chấm dứt được sự nghèo túng cùng khổ nếu xóa bỏ quan hệ sản xuất không hợp lý và chế độ xã hội bất công.

Vong thân trầm trọng, bi đát hơn sự bóc lột vì người bị bóc lột không biết mình bị bóc lột và bằng lòng chấp nhận sự bóc lột do những niềm tin này nọ. Do đó để giải tỏa sự uất ức, bất mãn, để đề phòng sự phản kháng, nổi loạn cách mạng, của người nô lệ người bị bóc lột, không cần nhà tù, lính canh võ lực vì chính người nô lệ, người bị bóc lột đã tự cầm tù mình, tự giam hãm mình trong tình trạng lầm than đen tối bằng những niềm tin quan niệm vong thân.

Con người bị vong thân hoàn toàn, vì sống trong một hoàn cảnh phi nhân, trong những niềm tin huyền diệu mà vẫn tưởng đó là hoàn cảnh tự nhiên, ý nghĩa cuộc đời thực sự của mình.

Không phải chỉ những người lao động chân tay mới bị vong thân mà cả những người lao động trí óc, làm những nghề vẫn gọi là tự do, hơn nữa chính tình cảnh vong thân của những người lao động trí thức này mới trầm trọng vì hình thức vong thân tế nhị tinh vi hơn. Người lao động trí óc như nhà biên khảo, người văn nghệ sĩ, nghệ công, nhà giáo, quan tòa, luật sư… sáng tạo ra sản phẩm tinh thần, một giá trị luận lý nghệ thuật… Do đó có thể in mình đã thực hiện được cái phần cao quý nhất của con người, cái giá trị tốt đẹp nhất của địa vị làm người, đã phục vụ được nhân loại, chân lý, nghệ thuật chân chính… nhưng nếu một người lao động trí óc không có phương tiện tự túc để sáng tác, không đủ điều kiện để sinh sống và phải làm ăn trong một chế độ xã hội coi tham vọng là động cơ và lấy tư liệu làm mục đích, mộ người lao động trí óc cũng chỉ có thể là một người làm công, làm thuê, bán sức lao động của mình cho kẻ khác do đó cũng bị tách kho kết quả sự làm việc trí thức của mình và đánh mất bản thân trong sự làm việc, vì sự làm việc không thực sự phát huy những vẻ đẹp, giá trị cao quý của con người như mình tin tưởng, mà chỉ phục vụ cho những mục tiêu của người khác dựa trên ích kỷ tư lợi, tham vọng… Chẳng hạn một người viết sách vì không có phương tiện, phản bán tác phẩm cho một nhà xuất bản. Nhà xuất bản, nhà in là một nhà buôn và nhà buôn trong một xã hội lấy tư lợi làm cứu cánh sẽ không xét sách có phản ứng chân lý hay không và có đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Cái gì nói trong sách không quan hệ bằng cái đó có bán được hay không, nghĩa là món hàng sách có giá hay không và có giá ở đây không phải là giá trí tự tại của nó, giá trị vô giá của tinh thần mà là giá theo khả năng đáp ứng thị hiếu của xã hội bị vong thân trong vòng cạnh tranh của tư lợi.

Do đó, người viết không được tự do viết cái gì mình muốn, mà chỉ được tự do viết cái gì mà nhà buôn sách yêu cầu, nghĩa là những gì xã hội muốn vì hoặc là không có tiền in sách, hoặc là có tiền in nhưng không có người mua.

Viết theo đòi hỏi “phiếu đặt hàng” của nhà buôn sách, theo thị hiếu của xã hội, người lao động trí óc chẳng qua cũng chỉ là một người làm công, làm thuê của nhà xuất bản và ít khi có quyền quyết định về giá cả tác phẩm, nghĩa là được hưởng xứng đáng kết quả sự làm việc của mình và nhất là sự làm việc không nhằm thực hiện những mục tiêu cao đẹp mà mình mong muốn.

Hoặc nhà xuất bản, nghĩa là xã hội, dựa trên tư lợi có thể đón nhận thứ tác phẩm chẳng những không chiều theo thị hiếu xã hội mà còn tố cáo, phản kháng, chống đối xã hội. Nhưng trong trường hợp này, sự chấp nhận thực ra cũng chỉ biểu lộ một đòi hỏi, nhu cầu đặc biệt của xã hội đó mà thôi. Xã hội, nhất là những thế lực chính trị, kinh tài chi phối xã hội đó không sự gì món hàng văn hóa đối lập mà còn coi nó rất hữu ích vì nó biện hộ cho chế độ bằng cách che dấu nền tảng phi nhân dựa trên những giá trị tinh thần, luân lý cao cả giả tạo. Xã hội không sợ thứ hàng văn hóa phản kháng vì nó chẳng nguy hại gì, trái lại xã hội có thể tự hào vì đã để cho những món hàng đó ra đời, phổ biến truyền thống đề cao những giá trị đạo đức, những lý tưởng cao quý.

Xã hội không những để mặc mà còn ca tụng người trí thức vì thái độ trí thức cao cả của họ mời họ dự những buổi tiếp tân, tiệc trà để chứng tỏ xã hội chấp nhận, quý trọng họ, xã hội xử như thế hẳn là khéo léo hơn cấm đoán hoặc bỏ tù họ và đằng khác cũng hiệu nghiệm hơn vì để tạo cho người trí thức những niềm tin, để họ tự giam hãm họ trong những niềm tin ảo tưởng đó. Người tri thức sẽ thấy mình quan trọng, sẽ tự nhận đóng vai trò cao cả trong xã hội.

Người lao động trí óc bị bóc lột và bị vong thân vì không thấy rằng mình thực sự phục vụ cho một chế độ phi nhân trên phương diện văn hóa, ý thức hệ, đóng vai trò biện hộ cho nó và cũng không biết rằng mình chỉ đã lấy sự bất lực hèn kém của mình làm sự cao cả và niềm hãnh diện.

Cho nên, trong một xã hội vong thân vì những quan hệ giữa người với người về hoạt động kinh tế đã bị chi phối bởi mục đích tư lợi dưới hình thức bóc lột không còn có nghề gì tránh khỏi cảnh vong thân, kể cả những nghề lao động trí óc vì những nghề đó không thể tự lập, biệt lập với đời sống kinh tế, sinh hoạt sản xuất để chỉ phục vụ tinh thần đạo lý, mà phải bám víu vào sinh hoạt sản xuất và chịu sự chi phối của nó.

Trước Marx, Adam Smith nhà kinh tế người Anh đã tỏ vẻ khinh bỉ những nghề mệnh danh là “cao cả” và không ngần ngại châm biếm, chế diễu khi đề cập đến người công chức, quân nhân, nghệ sĩ, linh mục, quan tòa, luật sư mà ông so sánh công việc của họ giống công việc của người ở giúp việc trong nhà, nghĩa là những người làm thuê.

Đến Marx, Marx phô bày những liên hệ giữa những nghề cao cả với những tệ đoan xã hội là nền tảng đồng thời cũng là lý do tồn tại của những nghề cao cả đó. Marx đã gắn liền những nghề trên với những lầm than do một xã hội vong thân đẻ ra. Hơn nữa, chính những lầm than đó nuôi dưỡng những nghề cao cả trên “Người ta có thể nói bệnh tật tạo ra thầy thuốc, sự ngu dân tạo ra giáo sư nhà văn, sự tầm thường tạo ra thi sĩ và họa sĩ, sự vô luân nhà luân lý, sự mê tín nhà tu giảng thuyết và sự bất an vua chúa quan quyền”.

Marx đã lấy một ví dụ điển hình để bày tỏ mối liên hệ giữa một hiện tượng sa đọa xã hội với tất cả những nghề cao cả sống nhờ hiện tượng đó, đó là hiện tượng tội phạm “Nhà triết học tạo ra tư tưởng, nhà thi sĩ tạo ra thơ, ông mục sư tạo ra bài giảng và nhà giáo những lời biên khảo… cũng như phạm nhân tạo ra tội phạm. Phạm nhân không những tạo ra tội phạm mà còn tạo ra hình luật, và do đó, giáo sư dạy hình luật và đến cả bộ sách không thể tránh được mà vị giáo sư đã dùng hình để tung giảng khóa của mình ra thị trường với tư cách là một món hàng.

Cũng như cả một hệ thống tư pháp, cảnh sát dựa trên sự hiện hữu của tội phạm và phạm nhân, cả một ngành sáng tác văn học nghệ thuật tìm nguồn cảm hứng trong những xúc động luân lý và thẩm mỹ mà phạm nhân đã gợi ở nơi quần chúng. Tội phạm trở thành một động lực thúc đẩy tăng gia sản xuất, tạo điều kiện cho xã hội trưởng giả giải quyết được một phần nhân số không có công ăn việc làm bằng cách cho họ các nghề chống lại tội phạm và phạm nhân.

“Bằng những cách xâm phạm luôn luôn đến tư hữu, tội phạm luôn luôn gây tạo những biện pháp bảo vệ mới và những hậu quả của những biện pháp đó cũng có tính cách sản xuất như những vụ đình công tác dụng trên việc sáng chế máy móc”.

Người gái điếm

Người đàn bà bị vong thân trong hoàn cảnh phái tính của mình khi tất cả con người chỉ còn là một cái xác, một xác thịt đối tượng của cái nhìn, dụng cụ thỏa mãn dục tính của người khác. Người đàn bà vì nhu cầu sinh sống, phải làm việc bằng cách bán thân xác mình cho người khác như một món hàng theo giá thị trường: Cung nhiều cầu ít, giá rẻ, cung ít cầu nhiều, giá cao. Có nhiều cách bán, trước hết bán dưới hình thức phô trương, biểu diễn thân xác trong những trường hợp: hoa hậu, đào kép, minh tinh… Những chủ hãng phim, phòng trà, tiệm nhảy khai thác thân xác đàn bà như một cái vốn để hốt bạc. Họ là bọn con buôn, buôn một thứ hàng đặc biệt là thịt người đàn bà, ngụy trang sau bộ mặt trình diễn nghệ thuật, nhưng thật ra chẳng có nghệ thuật gì cả. Nghệ thuật chân chính dùng thân xác để biểu lộ một tình tự, một ý tưởng, để người xem ngắm nhìn thưởng thức bộ mông, bộ ngực, đùi người đàn bà như một xác thịt…

Cách bán thân đồi trụy hơn cả là hiến thân. Ở đây thân xác không còn phải chỉ là đối tượng để nhìn ngắm mà còn là phương tiện thỏa mãn dục tính của người đàn ông mua dâm.

Dục tính không còn nhằm phát huy con người như một mục đích trong quan hệ hôn nhân, gia đình, mà trở thành thú tính thuần túy giản lược con người vào hàng thú vật.

Người đàn bà đĩ điếm bị vong thân vì đã mất tư cách làm người, vì thân xác, điều kiện ở đời và làm người của mình đã trở thành sở hữu của người khác. Vong thân, vì thân xác không còn là xác tôi, tôi là thân xác tôi, tôi hiện hữu trong thân xác tôi, như là tôi, nhưng chỉ còn là cái xác cho người khác.

Thực ra vong thân về thân xác cũng thường bắt nguồn từ bóc lột kinh tế. Chỉ thay đổi đối tượng, một đằng là thân xác, một đằng là sức lao động.

Người giàu có

Khái niệm vong thân giả thiết khái niệm có cho mình như là giá trị và vong thân là đánh mất, bị mất cái có đó. Cái hiểu như bản thân, bản ngã, hữu thể là dự phóng nguồn gốc những cái có như dụng cụ, đồ dùng, của cải.

Người bị vong thân là người bị bóc lột những cái gì do họ làm ra , đồng thời cũng bị bóc lột cả cái đó là bản thân hữu thể, nguồn gốc những cái có, vì sự làm việc là yếu tính của hữu thể, của con người cũng như quê hương, đất nước, hoàn cảnh sinh sống ngôn ngữ và thân xác là những cái thiết thân, gắn bó với con người, với hữu thể vì một người không thể sống không có quê hương, ngôn ngữ và thân xác.

Nhưng không phải chỉ người bị bóc lột cả về cái có lẫn cái thiết thân, bản thân rơi vào tình cảnh vong thân, mà cả người bị bóc lột. Người bóc lột trở thành giàu có bị vong thân vì những cái họ có do bóc lột người khác (đồng tiền của cải) đồng thời của dự định bóc lột, tham vọng chiếm đoạt gắn liền với bản thân, hữu thể của họ, là nguồn gốc sự bóc lột.

Nguyễn Văn Trung - NXB Nam Sơn - 1972
Nguồn tạp chí Triết học
Previous Post
Next Post