Làm rõ khái niệm “xung đột”, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích vấn đề “xung đột văn hoá”, “xung đột văn hoá thuần tuý” và “xung đột nhìn từ góc độ văn hoá” trong thời đại ngày nay. Từ những luận giải đó, tác giả đã đi đến khẳng định, bổ sung cho việc nghiên cứu xung đột bằng cách tiếp cận văn hoá và đưa văn hoá như một tham số vào trong các phân tích về xung đột và giải quyết xung đột là cái cần thiết trong thời đại ngày nay.
1. Khái niệm “xung đột”
“Xung đột” [conflicts], theo nghĩa chung nhất của từ này, được hiểu như quan hệ không tương thích giữa các yếu tố trong một hệ thống, dẫn đến sự vận hành trục trặc hoặc sự sụp đổ của hệ thống. Theo nghĩa đó, thuật ngữ “xung đột” đã được sử dụng trong không chỉ các ngành khoa học xã hội, mà còn cả tự nhiên nữa. Mục đích của bài viết này là nhận diện xung đột từ góc độ của khoa học xã hội và nhân văn để từ đó, xác định một hình thái cụ thể của xung đột mà hiện nay, được thảo luận khá nhiều là “xung đột văn hóa”.
Việc phân tích các tài liệu hữu quan cho thấy, cho đến nay, nội hàm khái niệm “xung đột” vẫn chưa được các ngành khoa học xã hội khảo cứu sâu để làm rõ. Nhìn chung, xung đột chỉ được bàn đến dưới hình thái “tình huống cụ thể” trong những nghiên cứu quan hệ quốc tế, trong xã hội học, chính trị học và gần đây nhất là trong các nghiên cứu về văn hóa. Chẳng hạn, trong quan hệ quốc tế, người ta thường sử dụng thuật ngữ “xung đột” để chỉ những “tranh chấp” [disputes] hoặc “đụng độ” [clashes] liên quan đến lợi ích quốc gia và không gian chủ quyền. Trong thương mại, “xung đột” thường dùng để chỉ sự tranh chấp về lợi ích kinh tế. Còn đối với quan hệ giữa các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo, “xung đột” được hiểu như sự phủ định lẫn nhau của các hệ giá trị.
Trong xã hội học, người ta đề cập đến xung đột thế hệ, xung đột gia đình, xung đột giới... Trong luật học, thuật ngữ “xung đột pháp lý” dùng để chỉ tính không đồng bộ, nhất quán trong một hệ thống luật pháp; hoặc sự vênh lệch các chuẩn mực pháp lý giữa nước này với nước khác... [*]
Với cách dùng như vậy, có thể thấy, “xung đột” không phải là khái niệm phản ánh bản chất của sự kiện mà chỉ thâu tóm “vẻ bề ngoài”, tức là quan hệ “không tương hợp” của các chủ thể khi cùng tham dự vào một hệ thống xác định. Thật khó để phân biệt rạch ròi khái niệm “xung đột” với “tranh chấp”, “đụng độ”, “va chạm” và “mâu thuẫn”. Trong từng văn cảnh cụ thể, những khái niệm đó vẫn được các tài liệu dùng theo cách là hoán đổi lẫn nhau.
Triết học mácxít coi mâu thuẫn là mối quan hệ giữa các yếu tố, khuynh hướng trái ngược nhau trong một đối tượng hoặc giữa các đối tượng trong cùng một hệ thống. Có thể thấy sự khác biệt khi đối chiếu quan niệm về “mâu thuẫn” nói trên với thuật ngữ “xung đột” đã được dùng trong nhiều tài liệu hiện nay. Chỉ khi mâu thuẫn phát triển đến một trình độ nhất định mới biểu hiện ra “bên ngoài” dưới hình thái xung đột. Xét từ giác độ đó, xung đột là biểu hiện “bề ngoài”, là “hiện tượng” hay “tồn tại khác” của mâu thuẫn. Mâu thuẫn là bản chất; xung đột là hiện tượng.
Tuy nhiên, đối với các ngành khoa học xã hội khác, mà cụ thể là chính trị học quốc tế, hay xã hội học, thì xung đột không nhất thiết là biểu hiện của mâu thuẫn hay bắt nguồn từ mâu thuẫn. Xung đột có thể mang tính ngẫu nhiên và thoáng qua. Chẳng hạn, xung đột lãnh thổ giữa hai nước láng giềng không nhất thiết là bắt nguồn từ mâu thuẫn về chế độ chính trị giữa hai quốc gia này. Hoặc giả, xung đột trên biển xảy ra khi tàu thuyền của một nước nào đó vô tình đi vào hải phận của nước khác. Sự kiện đó không hàm nghĩa rằng: hai nước đã có mâu thuẫn từ trước. Cũng thật khó để cả quyết rằng, xung đột sắc tộc diễn ra trong lòng một xã hội nào đó là bắt nguồn từ mâu thuẫn dai dẳng giữa các cộng đồng sắc tộc ấy trong quá khứ.
Quan niệm coi “xung đột là biểu hiện của mâu thuẫn” còn gặp nhiều khó khăn khác nữa, nhất là khi tiến hành xem xét và luận giải các xung đột trong xã hội, như xung đột giới, xung đột giữa các thế hệ, hay xung đột trong gia đình, hoặc các xung đột khác nữa.
Trên thực tế, xung đột được biểu thị qua ba mức độ khác nhau của phản ứng; đó là: a] bày tỏ thái độ phản đối bằng ngôn ngữ; b] thể hiện sự phản đối bằng hành động phi bạo lực; và c] chủ động trấn áp bằng cách sử dụng bạo lực [vũ trang]. Ở cấp độ cuối này, xung đột có thể chuyển thành chiến tranh, nhất là khi chủ thể tham dự xung đột là các nhà nước dân tộc. Còn nhìn chung, “xung đột” được quan niệm là có quy mô nhỏ hơn so với “chiến tranh”. Chiến tranh là đỉnh cao của sự phát triển xung đột [chỉ xảy ra khi xung đột leo thang, lan rộng và đi kèm với yếu tố bạo lực hay vũ trang].
Xét về bản chất, có thể nói, mọi xung đột xã hội đều bắt nguồn từ sự khác biệt và không dung hợp về quyền lợi giữa các chủ thể có mặt trong tương tác; và tùy theo lĩnh vực tương tác được xét đến mà xung đột được gắn thêm các cụm từ như “ý thức hệ”, “kinh tế”, “thương mại”, “quốc tế”, “sắc tộc”,...
2. Về “xung đột văn hóa”
Khái niệm “xung đột văn hóa” trong vòng thập kỷ trở lại đây đã được sử dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu về quan hệ quốc tế, trong báo giới cũng như chính giới. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm “xung đột văn hóa” cũng chưa được định hình một cách rõ ràng, bởi những thuật ngữ cấu thành như “xung đột” và “văn hóa” vẫn được luận giải theo nhiều cách khác nhau.
Văn hóa, theo nghĩa rộng, là toàn bộ hiện thực mang tính người. Với nghĩa đó, có thể coi mọi xung đột xã hội đều là xung đột văn hóa hay đều nhuốm mầu sắc văn hóa.
Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, “văn hóa” được dùng trong cụm từ “xung đột văn hóa” hay “va đụng văn hóa” là theo nghĩa hẹp; mà cụ thể là dùng để chỉ những đặc thù và khác biệt của các cộng đồng truyền thống. Khái niệm “xung đột văn hóa” đã được phát tán mạnh mẽ nhờ ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu có tiếng vang lớn của S.Huntington và F.Fukuyama vào những năm cuối của thế kỷ XX.
Liên quan đến những rắc rối xung quanh “xung đột văn hóa” hay “đụng độ văn hóa”, học giả người Trung Quốc - Guo Jiemin cho rằng: “Cái gọi là đụng độ văn hoá, nói khái quát, là chỉ sự đối lập, gạt bỏ, phủ định lẫn nhau giữa các nền văn hoá khác nhau, thực chất là sự đụng độ giữa các đặc tính khác nhau của loài người. Nhưng nghiên cứu đụng độ văn hoá trong quan hệ quốc tế cần làm rõ sự khu biệt giữa nó với đụng độ văn hoá nói chung. Bởi vì văn hoá là một khái niệm vô cùng rộng, các loại hình “đụng độ” dựa trên văn hoá là rất nhiều và đa dạng. Từ giác độ địa lý, có đụng độ giữa văn hoá phương Đông và phương Tây; từ giác độ lịch sử, có đụng độ giữa văn hoá truyền thống và văn hoá hiện đại; từ giác độ quốc gia, có đụng độ giữa văn hoá ngoại lai và văn hoá bản địa; từ giác độ phát triển xã hội, có đụng độ giữa văn hoá nông nghiệp và văn hoá công nghiệp… Hơn nữa, do khái niệm văn hoá và văn minh không hoàn toàn đồng nhất, hàm nghĩa của đụng độ văn minh và đụng độ văn hoá cũng không hoàn toàn giống nhau” [1].
Chính vì tính phức tạp và không rõ ràng nêu trên, nên xoay quanh khái niệm “xung đột văn hóa” đã có nhiều ý kiến khác nhau. Về cơ bản, có thể phân thành hai hệ quan điểm chính; đó là: a] Thừa nhận sự tồn tại của xung đột văn hóa như một đối tượng có nội dung độc lập; và b] Coi xung đột văn hóa chỉ là một chiều cạnh của xung đột nói chung. Những người đi theo quan điểm sau cho rằng, không nên chia tách “xung đột văn hóa” ra khỏi chỉnh thể “xung đột”; nói đúng hơn, không phải “xung đột văn hóa”, mà là “xung đột được nhìn nhận từ góc độ văn hóa”.
Sau đây, những luận điểm như vậy sẽ lần lượt được khảo cứu.
3. Xung đột văn hóa thuần túy...
Những người thừa nhận tính độc lập tương đối của xung đột văn hóa, hay nói cách khác là thừa nhận khả năng tồn tại của xung đột văn hóa dưới dạng tương đối thuần khiết cho rằng, xung đột văn hoá có nhiều hình thức biểu hiện, song bản chất của nó là sự va đập gay gắt giữa các quan niệm khác nhau về giá trị [2].
Các quan niệm giá trị khác nhau sẽ dẫn đến cách giải thích khác nhau về lợi ích quốc gia, về trật tự thế giới… Trên thực tế, tồn tại những quy tắc là hữu ích đối với một thực thể văn hoá nào đó, song có thể là có hại đối với một thực thể văn hoá khác và do vậy, những người bị hại sẽ chống lại. Đó là một trong những nguyên nhân để xung đột văn hóa nảy sinh trong môi trường quốc tế.
Một nguyên nhân khác không kém quan trọng là thái độ bá quyền văn hóa của những nước lớn. Thái độ này cũng góp phần đẩy “khác biệt” văn hóa trở thành “xung đột”. Chủ nghĩa bá quyền văn hóa luôn cho rằng, văn hoá của mình là có giá trị phổ biến, do đó, đối xử bất bình đẳng đối với văn hoá của các quốc gia và dân tộc khác. Chính điều đó đã dẫn đến phản ứng của những nền văn hóa khác và làm nảy sinh các xung đột văn hóa [3].
Tuy nhiên, “xung đột văn hóa” không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực quan hệ quốc tế - nơi mà các quốc gia giữ vai trò chủ đạo, mà còn xuất hiện trong lòng xã hội của mỗi quốc gia. Thực tế này thường được sử dụng để minh chứng cho hình thái độc lập của “xung đột văn hóa”.
Liên quan đến bình diện này có thể thấy, trong vòng vài thập niên trở lại đây, thuật ngữ “Chiến tranh văn hóa” [culture wars] xuất hiện ngày một nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng của các nước phương Tây. Thuật ngữ này dùng để mô tả quá trình phân cực thái độ của xã hội dân sự trước những vấn đề chính trị và đạo đức.[2]
Xét về mặt lịch sử, thuật ngữ “Chiến tranh văn hóa” bắt nguồn từ phong trào Kulturkampf [được dịch là “cuộc chiến văn hóa” hay “cuộc chiến giữa các nền văn hóa”] ở Đức, vào giai đoạn 1871-1878, dưới triều đại của Chancellor Otto von Bismarck nhằm chống lại ảnh hưởng của Nhà thờ Kitô.
Đến năm 1920, nhà mácxít người Ý - Antonio Gramsci đã khởi xướng lý thuyết bá quyền văn hóa nhằm lý giải vì sao cuộc cách mạng vô sản trên toàn châu Âu đã bị đình trệ lại và đã không xảy ra như C.Mác dự báo. Lý thuyết này cho rằng, nguyên nhân cơ bản là giai cấp tư sản đã thực hiện chính sách bá quyền văn hóa để thống trị xã hội đa văn hóa. Giai cấp này đã độc quyền nắm giữ và chi phối truyền thông và văn hóa đại chúng. Bởi vậy, ông kêu gọi các thành phần chống chủ nghĩa tư bản trong xã hội đứng lên tiến hành “chiến tranh văn hóa” để giành được tiếng nói chủ đạo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giáo dục và các thể chế công cộng khác.
Cụm từ “chiến tranh văn hóa” lại một lần nữa được “hâm nóng” vào năm 1992 với tác phẩm “Culture Wars: The Struggle to Define America” của James Davison Hunter – nhà xã hội học thuộc trường Tổng hợp Virginia. Trong tác phẩm này, Hunter đã mô tả hiện thực nước Mỹ như một quá trình phân cực văn hóa. Ông cho rằng, số lượng các “vấn đề nóng” ngày càng tăng, như nạo thai, tự do vũ khí, sự tách biệt tôn giáo với nhà nước, quyền riêng tư, việc sử dụng các chất gây nghiện, trào lưu đồng tính luyến ái, sự kiểm duyệt các phương tiện thông tin đại chúng... đang phân hóa xã hội Mỹ thành hai cực rõ ràng: ủng hộ và chống đối. Những nhóm đấu tranh trong xã hội đã được hình thành nhưng lần này không phải dựa trên những động lực như tôn giáo, sắc tộc, hay giai cấp – mà chính là sự khác biệt về thế giới quan [4].
Vào năm 1992, tổng thống Mỹ - George H.W.Bush đã phát biểu rằng: “Hiện trên đất nước ta đang có cuộc chiến tôn giáo đối với tâm hồn người Mỹ. Đây là một cuộc chiến văn hóa, và với tư cách một dân tộc, một lần nữa, chúng ta sớm muộn rồi cùng phải đứng trước tình trạng phân đôi giống như đã từng xảy ra trong chiến tranh Lạnh”[5].
Do văn hoá thẩm thấu vào bên trong các chủ thể của tương tác, nên xung đột văn hoá thường có đặc trưng là tính gián tiếp, tàng ẩn, tính nội tại. Đụng độ văn hoá một khi hình thành, thì việc giải quyết nó sẽ càng khó khăn so với đụng độ kinh tế hay chính trị, bởi các bên đều dựa theo tiêu chuẩn giá trị của mình để đánh giá và phán đoán sự vật [6].
4. Xung đột nhìn từ góc độ văn hóa
Mặc dù phủ nhận tính độc lập của “xung đột văn hóa”, song những người ủng hộ cách tiếp cận văn hóa đối với xung đột vẫn thừa nhận rằng, văn hóa là một phần quan trọng của xung đột và giải quyết xung đột.[6]
Văn hóa có mặt trong mọi xung đột, bởi bất cứ xung đột trong xã hội nào cũng nảy sinh trên quan hệ người – người. Văn hóa ảnh hưởng đến thái độ, hành vi, khuôn mẫu ứng xử, cách xử lý tình huống, phản ứng với “cái xa lạ” của chúng ta.... Một khi xung đột xuất hiện thì ngay ở đó, người ta cũng đã có thể đặt ra vấn đề văn hóa. Bằng cách này hay cách khác, văn hóa thẩm thấu vào trong các xung đột, không quan trọng là người ta có nhận thức được sự hiện diện của nó hay không.
Các nền văn hóa giống như những dòng sông ngầm chảy suốt chiều dài đời sống con người; có tác dụng định hình quan hệ, nhận thức, cá tính, sự phán xét và ý niệm về bản thân cũng như về người khác. Các thông điệp văn hóa [xuất phát từ nhóm mà cá nhân lệ thuộc vào] đến với các cá nhân và chỉ cho họ thấy điều gì có ý nghĩa quan trọng và họ là ai khi xét trong quan hệ với những người khác. Nói cách khác, văn hóa chỉ cho các cá nhân thấy đâu là bản sắc của họ, đâu là cái làm họ khác biệt với những người còn lại.
Mỗi người chúng ta đều thuộc về một nền văn hóa nào đó mà từ đấy, chúng ta nhận được các thông điệp về các chuẩn mực, về tính tương thích và về những điều mà chúng ta trông đợi là phải như vậy. Văn hóa hiện thân như tập hợp các thấu kính, cho phép nhìn thấy cái này mà không nhìn thấy cái khác, do đó, chi phối nhận thức cũng như cách lý giải sự kiện... Tóm lại, văn hóa vạch xung quanh chúng ta những đường biên vô hình mà vượt qua đó là “cái xa lạ”, hoặc “cái không được làm”. Khi ai đó hành động không phù hợp với điều trông đợi của chúng ta thì ở một chừng mực nhất định, điều này ngụ ý là văn hóa của chúng ta khác với văn hóa của họ. Nhưng trên thực tế, người ta thường sai lầm khi vội vã quy kết sự khác biệt nói trên về tình trạng “mất lòng tin” hoặc “không có chung nhận thức” giữa các bên. Bởi vậy, một cách vô thức, giao thoa văn hóa có thể trở thành một trong các điều kiện để xung đột nảy sinh. Nhưng khi xung đột đã nảy sinh thì lại khó có thể nhận biết trực diện hoặc rạch ròi về các tác nhân văn hóa.
Thường thì những người thuộc về cộng đồng văn hóa chiếm đa số sẽ ít để ý các thông điệp phát ra từ cộng đồng của mình, vì họ mặc định các thông điệp ấy là “tự nhiên”, “bình thường”, là “phải như vậy”; họ sẽ chỉ lưu ý đến ảnh hưởng của những thông điệp được đến từ những cộng đồng văn hóa được xem là “khác”, “ngoại lai” hay “xa lạ” với họ. Trong bối cảnh như vậy, một chiều cạnh bản sắc của một cộng đồng nào đó có thể bị hiểu sai do những cộng đồng văn hóa khác coi những cái đó là “không quan trọng”. Điều này sẽ dẫn đến những phản ứng và đẩy quan hệ giữa các nền văn hóa đến nguy cơ xung đột. Đây cũng là tình huống thường gặp trên thực tế và là nguyên nhân trực tiếp của những xung đột nhuốm màu sắc văn hóa.
Văn hóa luôn đan bện vào xung đột, bất chấp việc nó có phải là nguyên nhân chủ yếu gây ra xung đột hay không. Nó có thể là tác nhân chính yếu, song cũng có thể là phụ, hoặc gián tiếp, sâu kín. Người ta có thể nhìn nhận cuộc chiến dai dẳng Ấn Độ - Pakistan tại Kashmir không chỉ là vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, mà đó cũng là sự đụng độ giữa thế giới quan, giữa tính đại diện và tính hợp pháp của bản sắc và lối sống khác nhau.
Mặc dù xung đột không nhất thiết bắt nguồn trực tiếp từ những khác biệt trong giao thoa văn hóa. Nhưng, không có giao thoa văn hóa thì hiển nhiển không thể có xung đột. Tuy nhiên, thật khó để tiến hành các nghiên cứu giao thoa văn hóa, vì chúng quá phức tạp.
Phức tạp thứ nhất, văn hóa là một chỉnh thể phân tầng nội tại. Ẩn giấu dưới bề mặt hiện thực là những khác biệt. Cùng với thời gian, những hố sâu ngăn cách giữa các thế hệ trong nội bộ một nền văn hóa sẽ xuất hiện. Sự kế tiếp lịch sử, kinh nghiệm, cảm xúc, trải nghiệm và quan hệ giữa các thế hệ là mang tính liên tục, song cũng giống như di truyền, mỗi lần nhân bản thông tin là một lần khác biệt.
Phức tạp thứ hai, văn hóa thường xuyên biến đổi. Mỗi khi hoàn cảnh thay đổi thì cộng đồng văn hóa cũng biến đổi theo để thích nghi với, và không hiếm khi nó thay đổi theo chiều hướng bất ngờ. Do đó, không có sự khái quát duy lý nào có thể đứng vững để có thể đưa ra một công thức về bản sắc văn hóa của một cộng đồng nào đó.
Phức tạp thứ ba, văn hóa là rất mềm dẻo. Các chuẩn mực văn hóa đã biết của một nhóm văn hóa nào đó không đủ làm cơ sở để chúng ta tiên đoán về hành vi của các thành viên hoặc của cả nhóm đó. Hành vi mà chúng ta trông đợi rất có thể bị những nguyên nhân nảy sinh trong bối cảnh cụ thể làm sai lệch đi. Bởi vậy, cái cách thức mà chúng ta dùng để phán đoán rằng “Người Pháp nghĩ như vậy” hoặc giả “Phật tử thích cái đó”... là rất hạn chế. Nếu lạm dụng, dễ dàng dẫn đến những sai lầm trên thực tế.
Phức tạp thứ tư, một bộ phận lớn của bản sắc văn hóa lại nằm dưới “tầng đáy”, còn bộ phận không mấy quan trọng thì lộ ra bề mặt. Chính điều đó khiến những “người bên ngoài”, chỉ bằng cái nhìn kinh nghiệm, hay bằng sự quan sát thuần túy, khó có thể nhận ra thực chất của vấn đề. Nói cách khác, văn hóa không phải cái có thể thấu hiểu chỉ bằng quan sát. Hiểu văn hóa có nghĩa là “dấn thân” và “trải nghiệm”. Bởi vậy, với cách tiếp cận “đến từ bên ngoài”, khó có thể khám phá được ý nghĩa và biểu tượng của văn hóa. Để thấu hiểu, đôi khi không phải là cái nhìn trực diện mà phải cầu viện đến lịch sử, huyền thoại và thậm chí cả lễ nghi nữa.
***
Với những phân tích trên, có thể thấy, trong xung đột, văn hóa giống như tảng băng ngầm mà phần đáy lớn chìm bên dưới. Những tảng băng ngầm như vậy sẽ càng trở nên nguy hiểm nếu chúng ta vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về chúng. Bổ sung cho việc nghiên cứu xung đột bằng cách tiếp cận văn hóa sẽ giúp chúng ta “đọc tình huống” tốt hơn, đầy đủ hơn và từ đó, có giải pháp giải quyết xung đột thích hợp và triệt để hơn.
Bởi vậy, việc đưa văn hóa như một tham số vào trong các phân tích về xung đột và giải quyết xung đột là cần thiết. Theo đó, sự thấu hiểu hay “thông thạo văn hóa” [Cultural fluency] của các bên trong xung đột được xem là một trong những tiền đề quan trọng đối với việc giải quyết xung đột.
Thấu hiểu hay “thông thạo văn hóa” được diễn giải theo nghĩa là thân thiện, quen biết với nền văn hóa mà mình định làm việc với; mà cụ thể đối với việc giải quyết xung đột thì chính là: tìm được phương thức giao tiếp thích hợp; “đọc đúng” các thông điệp qua giao tiếp; hiểu đúng hàm ý của các biểu tượng và hành vi.
Cũng nhờ sự thấu hiểu, mỗi bên sẽ được trang bị kinh nghiệm của “người khác – phía bên kia” để có thể lọc ra những giá trịmang tính chia sẻ và dựa vào “cái chung”đó, nỗ lực tìm kiếm giải pháp khả dĩ chấp nhận được đối với các bên.
CHÚ THÍCH
[1] Guo Jiemin. Thử bàn về đụng độ văn hóa trong quan hệ quốc tế. Guoji zhengzhi, 2004n., d.1q., d.18-y. [Tài liệu nghiên cứu, Viện Thông tin Khoa học xã hội, số 85&86, 2004].
[2] Xem: Tài liệu đã dẫn.
[3] Xem: Tài liệu đã dẫn.
[4] Xem: James Davison Hunter, Culture Wars: The Struggle to Define America . Basic Books, 1992.
[5] By E. J. Dionne. Culture Wars? How 2004. http://www.realclearpolitics.com/articles/2008/03/ reclaiming_faith_and_politics.html.
[6] Xem: Guo Jiemin. Tài liệu đã dẫn.