Ở đời, như một chân lý xác tín rằng: Ai ai cũng muốn hạnh phúc, ngay cả các tử tội, ngày mai đem ra xử người ta đối xử nhân đạo thường cho một bữa ăn ngon.
Bữa ăn ngon đó là gì? Là ăn cố trước khi chết chăng? Không phải, bởi các tử tội đều sợ hãi, đã làm lưỡi đắng ngắt, đâu có còn thấy ngon, nhưng người ta vẫn trệu trạo nhai trong ý nghĩ rằng: ở đời dù sao vẫn còn có hương vị của hạnh phúc. Những thức ăn trở nên đắng ngắt, không thể nào nuốt nổi kia dù sao cũng dâng lên một ý nghĩ rằng: nhìn cái thấy chúng ngon hơn hẳn những bữa ăn đạm bạc, nghèo nàn, tẻ ngắt thường ngày...
Người bị cầm tù còn yêu ý nghĩa của hạnh phúc. Người mắc bệnh cũng đang cố gắng uống thuốc đắng chữa trị mong mạnh khỏe trở lại, để hưởng thụ hương vị của cuộc đời. Vậy thì những con người mạnh khỏe, những chàng trai, cô gái trẻ măng, sức sống hừng hực kia, chẳng lẽ lại không muốn hưởng thụ cuộc đời? Tất nhiên là có rồi! Nhưng chúng ta thử ngắm nhìn hiện thực. Một đứa trẻ ăn đồ ngọt suốt ngày, rồi mắc chứng béo phì, đi lại ục ịch, rồi mắc chứng đao đần độn, học hành sút kém, các bạn chê bai ruồng bỏ, lớn lên chẳng ai yêu... Vậy thì cái thú ăn thỏa thích đồ ngọt có làm cho nó hạnh phúc hay tiêu diệt chính chất lượng cuộc sống của nó?
Một đứa khác ăn nhiều kẹo, rồi sâu răng chui vào ăn ruỗng vòm lợi, răng xấu, nhai không được, thành còi dinh dưỡng. Thử hỏi thứ kẹo ngọt lịm kia có phải “thuốc độc” dành cho đời nó? Còn có rất nhiều người hám ăn miếng ngon thức béo, rượu uống tràn cung mây, thế là mắc chứng tháo chảy, người mất nước gầy rộc đi... Thử hỏi đồ ăn kia là bổ dưỡng hay là độc hại?
Đây không chỉ là ăn uống đơn giản. Mà ăn uống ở đây đã thể hiện dục vọng dễ thấy nhất của cơ thể, việc này đã được triết gia Socrate bàn rất kỹ từ thời cổ đại. Ông cho rằng: nếu người ta không dùng lý trí để kiểm soát bản năng của mình sống một cách điều độ, thì giống người háu ăn kia, ăn mọi cách chẳng giữ gìn, đến lúc mắc chứng tháo chảy, thì thân bại chi liệt, con người trở thành bất hạnh chứ không phải hạnh phúc khi được ăn nhiều.
Mở rộng ra, có rất nhiều người không để lý trí kiềm chế dục vọng của mình đã dẫn đến hậu quả tai hại thảm khốc. Đó là những người chạy theo khoái lạc của thuốc phiện, herôin, hay thuốc lắc. Những hóa chất gây nghiện liều cao lao thẳng vào mạch máu cũng như dây thần kinh của người ta, tạo ra những cơn co giật quên trời đất, sống mông lung, tê liệt như thể trời đất đã bị đánh thuốc mê để trôi đến thiên thai... Nhưng rồi hậu quả thì sao, thân bại danh liệt.
Có một điều tra xã hội học ở thành phố Mu-níc của Đức mới đây cho thấy: Khu phố ăn chơi nhất, lại đầy rẫy những kẻ du thủ du thực, lao vào ăn chơi đàng điếm, nào tiêm chích, nào lắc, nào gái mú, nào nghiện ngập... Nhưng trời ơi, đó cũng chính là khu phố nghèo nàn nhất, lười biếng nhất, bệnh tật nhất, tuổi thọ thấp nhất với rất nhiều con trai - con gái còn trẻ đã chết yểu vì mắc vô số bệnh tật do cách sống truy hoan vội vàng đem lại.
Điều tra xã hội này rất quan trọng, nó chứng tỏ với chúng ta một sự thực rất mãnh liệt rằng, câu chuyện lý trí kiểm soát bản năng để tìm kiếm hạnh phúc cho mọi cá nhân cũng như mọi gia đình hay xã hội không còn là thứ lý thuyết mơ hồ để bàn qua tán lại, mà nó đã trở thành qui luật giáng trả vào giữa đời sống. Cuộc điều tra đó không phải chỉ của riêng thành phố Mu-níc.
Trước kia các nhà văn Pháp đã viết rất nhiều về thành phố hoa lệ Paris, ở đó cũng có một tầng lớp tiếng lóng, sống dưới cống ngầm, trộm cắp, lười nhác, hưởng thụ nhưng nghèo đói, bệnh tật sống hôm nay không cần biết đến ngày mai.
Ở Việt Nam thì cũng có vô số thí dụ: nơi nghèo nhất lại mắc những tệ nạn cờ bạc, hút chích, rượu chè, đĩ điếm... Có một câu trong Kinh Thánh nói rằng: Ăn nhiều mật sẽ làm phát ngán, sợ ăn nhiều quá, con sẽ mửa ra chăng. Lạc thú là vậy đấy, nếu không biết kìm chế trước ngưỡng cửa cần thiết, chỉ cần ăn thêm một miếng, bỗng người ta phải nôn thốc tháo ra những gì đã từng ăn. Ăn nhiều, uống lắm, thích hành lạc đó là nhu cầu của bản năng. Nhưng nếu nhu cầu ấy không được một lý trí dẫn dắt, điều tiết thì hậu quả sẽ là: người ta không đến được với hạnh phúc mà tụt trôi xuống vực thẳm khôn dò.
Ở đời, theo các triết gia, đặc biệt là Hegel thì: mọi bài học, mọi nghệ thuật, mọi tôn giáo thì mục đích trước mắt của chúng là để tạo ra bản lĩnh của lý trí, nhằm chống lại đòi hỏi của thân xác bản năng. Người Việt có câu: “Khôn ba năm dại một giờ”. Tức là lý trí dù khôn cả ba năm, nhưng không chống lại phút cám dỗ một giờ của bản năng, thì người ta có thể đánh mất cả thanh danh và cuộc đời mình chỉ trong chốc lát.
Kìa xem, giờ đây có biết bao vụ án của nam thanh, nữ tú. Mở đầu họ quan niệm, trời ơi cứ giữ rịt làm gì cho khổ. Thời đại mới, hiện đại mà, cách mạng tình dục, giải phóng thân xác, nên hãy buông trôi tháo lỏng mọi chiếc khóa giữ rịt đó...
Nhưng than ôi, người ta đã lãng quên lý trí muôn đời, quy luật muôn đời, cũng như thứ bản chất của thân xác chưa từng xê dịch trong lịch sử dù nó có thay quần áo mới hay thoa son mới... Có yêu, chắc có ích kỷ, có ghen tuông, có đòi hỏi trách nhiệm, có giận hờn, có cay cú, và có trả đũa...
Những cuộc tình vô trách nhiệm định tháo chạy, liền bị người yêu cay cú đuổi theo với nhiều thứ vũ khí được ra tay nào axit, dao lam rạch mặt, súng ống. Và kết quả nhiều vụ rất thương tâm. “Khôn ba năm dại một giờ” còn nói lên thời điểm đánh đấm của bản năng đó nhiều bằng cả ba năm cộng lại, thậm chí là phút điểm hỏa làm nổ tung, hoặc một đốm lửa thiêu cháy cả cánh rừng cuộc đời.
Người Trung Quốc có câu: “Nhất thất túc thành thiên cổ hậu”, nghĩa là: một bước lỡ ngàn năm mang hận. Ba năm đó là ba năm học Đại học, hoặc là ba năm chuyển từ tuổi vị thành niên lên thành người lớn. Nhưng mà, do dại một giờ người ta vừa làm hỏng cả thời đi học, cả cái dạ con để sinh nở sau này, thậm chí lại còn ăn cả axit hay dao lam... thì cuộc đời đã bị bẻ ghi lao xuống vực chừng nào. Bản năng có quyền đòi hỏi sung sướng, nhưng bạn hãy dùng lý trí dẫn dắt để tìm kiếm một hạnh phúc lớn hơn. Chớ đừng thả lỏng sợi dây cương lý trí mà đánh tuột cả cuộc đời mình xuống vực.
Nguyễn Hoàng Đức