Cuộc sống vấp váp vô hình chung bắt buộc con người nếu muốn thích nghi được với nói, phải tập sống giả tạo.
Sự giả tạo nếu nói cho hoa mỹ, cho vật chất hóa lên một chút thì chính là một bộ mặt khác – một chiếc mặt nạ mà ở nơi người này thì rất dầy, ở nơi người khác thì có khi lại mỏng dính. Tại sao lại phải tạo ra một thứ như thế? Sống chân thật có phải tốt hơn không?
Chung quy lại cũng chỉ là vấn đề xoay quanh hai chữ “lòng tin”, khi con người chỉ đặt lòng tin vào một cơ số hữu hạn người hoặc cá biệt có khi tập hợp đó là rỗng thì chiếc mặt nạ này trở nên vô cùng cần thiết. Một thứ thành lũy cuối cùng người ta có thể dựa vào, để ngăn chặn lại bớt đi ít nhiều những lừa lọc khốn nạn mà cuộc sống xung quanh mỗi ngày như mọi ngày, luôn tồn tại đó đây đầy rẫy… Không muốn ai nhìn thấu mình, nhưng vô tình, con người không nhận ra rằng với lớp mặt nạ kia, chính bản thân lại tạo ra một sự cố tâm, một trò lừa khác. Để rồi khi con người nhìn xung quanh nhau, tất cả chỉ là một tấm màn giả dối cũ rích mà bất cứ ai cũng có thể vén lên được. Giả dối đối diện với giả dối, hai chiếc mặt nạ nhìn vào nhau, cái ấm áp sẽ trú ẩn ở đâu nơi những bộ mặt lạnh lẽo này? và có phải chăng càng lâu dài thời gian về sau, loài động vật cuối cùng mang trong mình thứ tình cảm ấm áp gọi là “tình người”, sẽ tuyệt chủng?
Bản thân đã quen đối diện với những chiếc mặt nạ, có loại luôn u sầu, có loại luôn vui vẻ, loại thì lúc nào cũng lo toan, loại thì lúc nào cũng hài hước, có loại lại phủ định cả giới tính thật, nhưng cũng có loại nhìn mãi thế nào cũng không nhận ra được… Những loại nhìn ra được thì cơ hồ có thể tự quyết định cách dối diện sao cho tốt nhất, là đeo vào một bộ mặt đối lập, hay trùng lập để mỉa mai thêm hay cố gắng cảm thông cho đối phương đôi chút, hoặc giả, nếu bộ mặt kia được tạo ra một cách tự nhiên vì những nỗi đau quá lớn, bản thân có khi cũng sẽ chẳng cần đến một lớp ngụy trang nào… cách cảm thông một nỗi đau đơn giản nhất là sự từng trãi, ai đó rồi cũng sẽ hiểu được mức độ đau đớn của bạn to lớn đến nhường nào, dù bạn có chôn lấp nó dưới những tầng sâu nhất, với một lớp mặt nạ dầy nhất, ai đó… ai đó đã từng đau một cơn đau như bạn.
Thế còn những bộ mặt ngụy trang quá tài tình thì sao? Vô vọng, khi bạn có khả năng nhìn xuyên thấu những khoảng ngắt nhịp cảm xúc trong những ứng xử phổ thông thường ngày nhất, bạn sẽ hiểu vì sao họ ngụy trang hoàn hảo đến vậy. Đơn giản là ở họ không hề có khoảng ngắt nào, mọi kẻ hở giao tiếp điều bị lấp kín. Những còn người quá nhạy bén để đối phương có thể theo kịp nhịp độ của họ. Nhưng một vài trong số họ vẫn bị nhận ra, thật trớ trêu, người họ đặt lòng tin vào lại nhìn thấu được bản chất phía sau lớp phấn lót vô hình kia.
Ôi bộ mặt u sầu kia, sao không nhận ra rằng khi mình tươi cười, rạng rỡ đo chừng biết mấy?
Ôi những vui vẻ kia, giấu diếm làm chi những chiếc gối ướt sau đêm?
Những lo toan sáng chiều mọi thứ, có ai hay là “mọi thứ” chỉ là bề nổi của tảng băng “vị thân”?
Lại còn cả những hài hước sớm tối đùa cợt, lẫn khuất đằng sau những tràng sảng khoái có chăng chính là cái nhếch mép khinh bỉ đáng sợ?
Lại chính thời gian bất đắc dĩ trở thành nguyên nhân cơ bản nhất làm biến đổi những bộ mặt thứ 2 kia, trở nên dầy dạn hơn, trở nên mỏng manh đi hay có khi lại tác động mạnh mẽ tạo ra một khuôn hình mới, thích nghi hơn với những biến thiên xã hội không theo một quy cách nhất định nào.
Những con người có khả năng thích nghi thấp, lớp mặt nạ sẽ ngày càng dầy hơn, đậm nét hơn, cũng đồng nghĩa với việc dễ bị phát hiện hơn, sớm bị đào thải hơn.
Tất nhiên những cá nhân nhạy cảm với những nhận thức xung quanh, với sự tồn tại của những đôi mắt không chỉ nhìn thấy, mà còn nhìn thấu người khác, sẽ tìm cách bào mòn đi bộ mặt thứ hai, sao cho nó mỏng manh nhất, hoạt động linh hoạt nhất, khó nhận thấy nhất, …
Những con người thật kiệt xuất, nhưng họ không hay biết một điều, lớp keo càng mỏng càng khó khăn khi tháo bỏ, lớp mặt nạ tuy dầy, nhưng bản thân người đeo biết nhận thức một cách rõ ràng, đâu là bản ngã của mình, đâu là bản sao giả tạo, để một khi tháo bỏ nó họ trở lại là chính mình một cách dễ dàng. Ngụy trang quá tài tình có lúc cũng sẽ như người diễn viên quá nhập vai, để rồi sau khi bộ phim kết thúc, nhân cách thực bỗng nhiên biến mất, chỉ còn lại trong thân xác kia một con người không thật…
Vẫn biết là thế, nhưng sao con người vẫn hàng ngày, hàng giờ tự thân tô son trét phấn nên một sắc diện khác vô hình thành một sự cách biệt?
Có phải chăng khi vô tình bước chân ra dòng người tấp nập, bạn quên mất rằng mình đã bỏ lại chiếc mặt nạ thường đeo ở nhà, và khi sự chân thật bị đáp lại bằng những giả tạo trơ tráo, bạn giật mình hối hận vì một phút thật lòng? Và ngày hôm sau khi lại bước chân ra khỏi nhà, thứ duy nhất bạn không thể nào quên, chính là chiếc mặt nạ…?
Con người và con người…
Tôi cũng có một chiếc mặt nạ, nhưng nó vẫn chưa dính liền vào khuôn mặt thật, có thể ngày mai, ngày kia, hay một ngày nào đó chúng sẽ trở thành một? Hay cũng có thể là ngày mai, ngày kia, hay một ngày nào đó chiếc mặt nạ sẽ không còn hữu dụng nữa.
Tôi sẽ gỡ nó xuống? Tôi không biết.
Khuôn mặt và chiếc mặt nạ của bạn? Kẻ hở giữa chúng là bao xa?
Mon Nguyễn