Bất an và cầu an

Ðền, chùa quá tải cho thấy nhu cầu tâm linh của người dân ngày càng tăng. Nhưng sự gia tăng đó chỉ là bề nổi, ngầm sâu trong đó là sự gia tăng của sự… bất an. Bởi hàng vạn người đi lễ, còn mấy ai cầu có đủ cơm ăn áo mặc? Ða phần họ cầu phát tài, phát lộc, thăng quan, tiến chức, buôn bán thuận lợi, thậm chí là lọt lưới pháp luật mỗi khi làm ăn bất chính.

Thành tâm hay “hành xác”?

Dường như mỗi năm, sự nhếch nhác, quá tải ở các lễ hội đầu xuân đều tăng, như thể khi nhiều người có nhu cầu đến đền, chùa, miếu, phủ lễ bái thì càng làm cho chốn linh nghiêm trở nên… bớt linh nghiêm. Đó là thực tế đau lòng mà ai cũng thấy. Nhưng trong khi không ít cơ quan chức năng đau đầu tìm phương thuốc chữa “bệnh nhếch nhác” thì một số nơi nhởn nhơ, cho rằng đó là việc “chả liên quan đến mình” theo kiểu cha chung không ai khóc. Họ mặc nhiên để những tiêu cực diễn ra nơi lễ hội và chính người nhà, anh em của họ kiếm lời, chặt chém khách đến lễ bái. Có một nghịch lý đau lòng là nhiều lễ hội vốn đã bị mai một, nhưng mấy năm gần đây liên tục được khôi phục, dựng lại và tổ chức khá hoành tráng chỉ vì người ta thấy… có lãi. Việc dùng đền, chùa để kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, có thể làm một mùa mà ăn cả năm.

Có một nhà văn hóa đã đi khảo sát ở nhiều lễ hội và đưa ra một câu hỏi rằng, bao nhiêu phần trăm số người đến lễ hội có thiện tâm? Một câu hỏi khó trả lời trọn vẹn. Nếu họ thiện tâm thì họ sẽ không mang sự nhuốc nhơ trần tục đến chốn linh nghiêm, họ sẽ “dọn mình” và tỏ lòng thành kính với Phật, các thần linh, cầu mong sự thanh thản. Đằng này, đến lễ hội, họ cười hô hố, nói tục, chửi thề, ăn uống linh đình, xả rác, cướp lộc, kiếm tiền; thậm chí là mong cấp trên “rụng” để mình thế chỗ, xin tiền của người ta rơi vào túi mình… Cũng chính nhà văn hóa này nêu một quan điểm, rằng ý thức càng kém thì càng đi lễ hội nhiều và những thói xấu xa nhất thường ngày được thể hiện đậm đặc nhất trong lễ hội. Nơi đây cũng là chốn nghèo văn hóa nhất, là chốn mà con người biểu hiện cách đối xử xấu xa với đồng loại.

Quan điểm này chắc chắn làm không ít người thành tâm thực sự thấy bực bội, nhưng điều đó đã được chứng minh cụ thể. Qua đó, chúng ta càng thấy sự kêu cứu ngày càng bức thiết, hòng trả lại giá trị thật cho lễ hội, nhưng những lời kêu cứu đó vẫn quá yếu ớt, chưa đủ làm nên sức mạnh, chỉ như một làn khói nhỏ lạc lõng tan vào thinh không. Kết quả là người trẩy hội đi “trẩy khổ”, khách hành hương đi “hành xác”, con người trần tục hóa tâm linh và rẻ rúng trái tim mình. Thêm nữa là con người hiện đại đã ném mình vào thế giới hỗn tạp, chen lấn, nghẹt thở, ngất xỉu, đau đớn, bực dọc, mệt mỏi và tinh thần bị tổn thương nghiêm trọng. Cuối cùng, các lễ hội đầy điều tiếng và điều tiếng...

Cứ thử trẩy hội chùa Hương, cứ thử lạc vào đền Bà Chúa Kho sẽ thấy cái khổ hạnh cõi tục, cứ tham gia đêm khai ấn đền Trần sẽ lãnh đủ sự ngộp thở. Cứ trèo non thiêng Yên Tử sẽ biết gian nan, cứ đi cướp phết ở Hiền Quang (Phú Thọ) sẽ biết thế nào là nhọc mệt, cứ lọt vào hội Lim sẽ choáng váng, cứ đi chùa Bà (Bình Dương) sẽ biết thế nào là hội hè… Mỗi người tham dự lễ hội có biết không? Có chứ, họ thừa biết. Nhưng họ vẫn a dua, vẫn theo phong trào, vẫn cố tình lĩnh nhận cái khổ đó để thể hiện là mình có đi lễ, có một đời sống tâm linh lành mạnh. Họ lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn của chính mình, tự làm khổ mình mà không biết rằng, trước khi đi lễ hội, đến chốn linh nghiêm thì phải xây dựng một ngôi đền, chùa trong chính trái tim mình.

Càng giàu có càng bất an?

Dân gian vẫn bảo: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Câu này chỉ đúng ở một chừng mực nào đó. Khi giàu có, người ta sẽ có nhiều điều kiện để đi lại, hành hương và cúng tiến hơn; sẽ có của cải để đóng góp và thể hiện lòng thành hơn. Nhưng điều này cũng bị không ít người giàu có làm cho xáo trộn, gây nên nhiều tiêu cực khác. Đi lễ, đa phần người ta cầu lộc, cầu tài (tiền), rồi thăng quan tiến chức. Khách dâng cúng đồ ăn mặn, rượu Tây là không đúng. Họ nhầm tưởng đồ cúng càng sang trọng, càng đầy đặn thì sẽ được nhiều lộc, nhiều tài thì thật sai lầm.

Phật có dạy: “Ta không ban phước, không giáng họa cho ai hết mà chính các người lãnh cái quả do mình gây ra. Con người sống lương thiện thì được phúc, đó là luật nhân quả chứ không phải do Phật ban”. Thế mà người ta vẫn cố tình hiểu sai, nghĩ sai, làm sai, lấy lòng tiểu nhân đo lòng thánh thần! Bao nhiêu năm qua, cái sai trong cách nghĩ, cách xử đối với thần linh thể hiện sự hạn chế trong vốn văn hóa của một bộ phận người. Người dân ta vẫn nghĩ đức Phật là một vị thần thánh có nhiều phép thần thông. Thêm vào đó, lại đặt tâm thế người trần tục vào tâm thế thần linh, họ tìm đến đức Phật để cầu xin cho mình những giá trị thực tiễn… Sự thiếu hiểu biết đó tạo thêm cho con người sự bất an, không biết cách để trấn an mình.

Con người luôn sợ hãi chính họ. Sợ mất tài, lộc; sợ mất chức, danh; sợ bị “sờ gáy” mỗi khi làm điều bất lương. Tôi từng chứng kiến những người vợ đi cầu xin, “vái tứ phương” để chồng được bình an, vững vàng đương chức. Họ không tiếc tiền, hễ nghe thấy nơi nào có đền, chùa, phủ linh thiêng là tìm đến. Có những người “đốt” hàng trăm triệu đồng tổ chức một buổi hầu đồng, cố tình mua thần, bán thánh, đặt những nỗi lo của chính họ lên vai các đấng thần linh.

Tôi từng bắt gặp một người đàn bà giàu có đến đền Bà Chúa Kho đặt lễ. Chị ta bị mấy bà sồn sồn khấn thuê, lễ mướn “chăn dắt”. Thế là ngay tức khắc chị móc ví nhờ “từ A đến Z” với hy vọng họ có “nghề nghiệp”, ăn nói trơn tru sẽ làm lay động đến thánh thần nên các ngài sẽ hiểu được lòng thành. Trong khi hành lễ, người đàn bà giàu có không thấy ả khấn thuê nhắc đến câu “ngày càng thăng tiến trong vững bền, không bị đánh đổ” như đã dặn thì bực bõ, sinh ra quát mắng. Ả khấn thuê xin lỗi và làm lại, sau cùng vẫn bị trừ tiền công nên ấm ức, thế là cãi nhau om sòm.

Thử hỏi khấn bái như thế thì được ích gì? Vậy mà hiện tượng đó ngày càng phổ biến ở các đền chùa. Có phải ngày càng nhiều người giàu có, quyền cao chức trọng thì nhiều người bất an?! Bất an, đó có thể là trạng thái người ta đánh mất tự tin ở chính mình. Bất an, đó có thể là khi cái tâm không còn sự hiện diện của lòng thiện. Áp lực mưu sinh và dã tâm chinh phục, thống trị đã làm mai một sự thuần khiết của trái tim, nó sai khiến trí óc nghĩ xấu, làm xấu. Nó làm cho người ra rơi vào vòng trầm luân khổ hạnh.

Cần giữ tâm thiện

Lễ hội đang khủng hoảng bởi những hệ giá trị bị đảo lộn. Chốn tôn nghiêm đang ngày càng bị xúc phạm nặng nề và ngay cả cách thờ, cầu khấn thần linh của một bộ phận dân chúng cũng đang khủng hoảng. Chúng ta đi đâu để tìm một lễ hội “trong lành”? Chúng ta tìm đâu một lễ hội còn đầy đủ bản sắc, trật tự và bình yên?

Xứ Huế là một mảnh đất nghèo, nhưng nhiều vùng vẫn giữ được những lề thói, bản sắc văn hóa và một cách ứng xử với thần linh rất cung kính. Đầu năm, người dân thường đi lễ cầu an. Đây là một nghi lễ truyền thống dịp rằm tháng Giêng, một nét sinh hoạt văn hoá tâm linh giúp phật tử có thêm động lực và niềm tin, tin vào sự gia hộ độ trì của thập phương chư phật. Ngoài ý nghĩa bình an thông thường, nghi lễ cầu an đầu năm sâu xa hơn, còn hướng đến sự an lạc. Tâm an lạc trong Phật giáo không phải là cầu sự bình an do bất kỳ một đấng thần linh nào mang đến, mà phải từ nội lực của mỗi phật tử. Giá ai cũng nghĩ được thế, vùng miền nào cũng có một nét tương tự thế, cùng nhau gột rửa bụi trần, sám hối, ăn năn về những lỗi lầm mình đã làm. Rồi cầu mong những điều tốt đẹp cho nhau, cùng hướng thiện thì tốt biết mấy.

Đất nước ta là đất nước của lễ hội. Con người sống tựa vào những sinh hoạt tâm linh. Con người hòa quyện vào lễ hội và lễ hội sống trong cộng đồng người. Xã hội cần ráo riết bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp để trả lại những mùa lễ hội… “sạch” và để mỗi mùa xuân, trái tim người lại nở hoa ngát thơm, cho thế giới này luôn là mùa xuân và an bình.