Một câu hỏi cốt lõi về bản chất con người liên quan đến sự tranh cãi lâu đời giữa tự do ý chí và thuyết định mệnh. Những nhà lý luận ở cả hai phía đều hỏi liệu chúng ta định hướng diễn biến hành động của mình một cách có ý thức? Chúng ta có thể lựa chọn một cách ngẫu hứng hướng của suy nghĩ và hành vi của mình, lựa chọn giữa nhiều giải pháp một cách lý tính? Liệu chúng ta có nhận thức ý thức và biện pháp tự chủ? Chúng ta là chủ nhân của số phận hay là nạn nhân của những kinh nghiệm quá khứ, những sức mạnh sinh học, vô thức hay những kích thích bên ngoài – những sức mạnh mà chúng ta không có bất cứ sự kiểm soát nào đối với chúng? Có phải những sự kiện bên ngoài tạo ra nhân cách của chúng ta khiến chúng ta không thể thay đổi hành vi của mình?
Một số nhà lý luận nhân cách có những quan điểm thái quá về vấn đề này. Một số khác có những cách nhìn ôn hoà hơn, lập luận rằng một số hành vi được xác định bởi những sự kiện quá khứ, và một số mang tính ngẫu hứng và dưới sự kiểm soát của chúng ta.
2. Tự nhiên hay nuôi dưỡng?
Một vấn đề thứ hai đó là tranh cãi về tự nhiên – nuôi dưỡng. Cái nào có ảnh hưởng quan trọng hơn đối với hành vi của chúng ta: những đặc điểm và thuộc tính di truyền (bản chất hay đặc điểm di truyền) hay những đặc điểm thuộc môi trường của chúng ta (những ảnh hưởng nuôi dưỡng trong nuôi nấng, giáo dục và đào tạo)? Có phải những phẩm chất, tâm tính, và tố chất chúng ta thừa hưởng xác định nhân cách của chúng ta, hay chúng ta được nhào nặn mạnh hơn bởi những điều kiện sống của mình? Nhân cách không phải là chủ để duy nhất bị tác động bởi vấn đề này. Tranh luận kiểu này cũng xuất hiện trong vấn đề về trí thông minh: liệu trí thông minh bị tác động nhiều hơn bởi sự thừa hưởng di truyền (tự nhiên) hay bởi sự khuyến khích từ môi trường gia đình và nhà trường (nuôi dưỡng)?
Cũng như với vấn đề tự do ý chí – thuyết định mệnh, có nhiều quan điểm mang tính thái quá. Nhiều nhà lý luận thừa nhận nhân cách được hình thành bởi cả hai nhóm sức mạnh. Đối với một số khác, di truyền là ảnh hưởng thống trị và môi trường có ảnh hưởng rất nhỏ; một số khác lại có quan điểm ngược lại.
3. Quá khứ hay hiện tại?
Một vấn đề thứ ba là tầm quan trọng tương đối của những sự kiện quá khứ chẳng hạn như những kinh nghiệm thơ ấu của chúng ta, được so sánh với những sự kiện xảy ra sau này trong cuộc sống. Cái nào có ảnh hưởng mạnh hơn tới việc hình thành nhân cách? Nếu như chúng ta thừa nhận, cũng như một số nhà lý luận, rằng cái xảy ra với chúng ta thời thơ ấu là đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành nhân cách, chúng ta như vậy phải tin rằng những phát triển sau này của chúng ta chỉ như là sự xây dựng trên nền tảng nhân cách đã được hình thành từ những năm tháng thơ ấu. Cách nhìn này được biết với tên gọi là thuyết định mệnh lịch sử[1]. Nhân cách của chúng ta (theo hướng này) là đa phần bị ấn định vào khoảng năm tuổi và thay đổi rất ít trong phần còn lại của cuộc đời. Nhân cách trưởng thành được xác định bởi bản chất của những kinh nghiệm thơ ấu này.
Quan niệm đối lập cho rằng nhân cách là độc lập đối với quá khứ, có khả năng bị ảnh hưởng bởi những sự kiện và kinh nghiệm hiện tại cũng như những khát vọng và mục tiêu của chúng ta đối với tương lai. Một quan điểm trung hoà cũng được đề xuất. Chúng ta phải thừa nhận những kinh nghiệm quá khứ ảnh hưởng tới nhân cách những không theo cách cứng nhắc và cố định. Những kinh nghiệm sau này có thể tác động để củng cố hoặc sửa đổi những cấu trúc nhân cách trước đó.
4. Duy nhất hay phổ thông?
Bản chất con người là duy nhất hay phổ thông? Đây là một vấn đề khác nữa phân cách các nhà lý luận. Chúng ta có thể nghĩ về nhân cách mang tính cá nhân, là hành động, sự bày tỏ của mỗi người và không giống hoặc tương ứng với bất cứ người nào khác. Điều này làm cho việc so sánh giữa một người với một người khác không có ý nghĩa. Một quan điểm khác công nhận tính duy nhất nhưng giải thích trong những cấu trúc toàn diện về hành vi được chấp nhận là phổ thông, ít ra trong một nền văn hoá nào đó.
5. Thăng bằng hay phát triển?
Vấn đề thứ năm là cái chúng ta có thể gọi là những mục tiêu cần thiết và cuối cùng của cuộc sống. Những nhà lý luận khác nhau về cái cấu thành nên động lực quan trọng của chúng ta trong cuộc sống. Liệu chúng ta có vận hành như những cỗ máy, như kiểu một cơ chế tự điều hoà, hài lòng chừng nào mà sự cân bằng bên trong được duy trì? Liệu chúng ta chỉ hành động để thoả mãn những nhu cầu thể xác, để nhận được niềm vui và tránh đau đớn? Có phải hạnh phúc của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào sự căng thẳng ở mức độ tối thiểu?
Một số nhà lý luận tin rằng con người là những động vật làm giảm căng thẳng và tìm kiếm niềm vui. Những người khác cho rằng chúng ta đầu tiên được thúc đẩy bởi nhu cầu phát triển, phát huy toàn bộ tiềm năng của mình, và đạt tới những mức độ cao về sự tự thực hiện và phát triển mà chúng ta chưa bao giờ với tới.
6. Lạc quan hay khách quan?
Vấn đề tiếp theo phản ánh cách nhìn của nhà lý thuyết về cuộc sống. Chúng ta có thể gọi nó là lạc quan đối lập với bi quan. Liệu con người là tốt hay xấu về bản chất, dễ mến hay tàn nhẫn, thương xót hay nhẫn tâm? Ở đây chúng ta đang đề cập tới vấn đề đạo đức, sự đánh giá giá trị được cho là không có vị trí trong thế giới khách quan và không xúc động của khoa học. Tuy nhiên nhiều nhà lý luận đã đề cập tới câu hỏi này ít ra thì ngấm ngầm. Một số quan điểm của các nhà lý luận về nhân cách của con người là tích cực và hy vọng, mô tả chúng ta nhân đạo, vị tha và có ý thức xã hội. Những nhà lý luận khác thấy ít những phẩm chất này ở con người, dù là cá nhân hay tập thể.
[1] Thuyết định mệnh lịch sử: Quan điểm cho rằng nhân cách chủ yếu được ấn định ở những năm đầu tiên của cuộc sống và ít bị thay đổi những năm sau đó
Tài liệu tham khảo : “Các lý thuyết nhân cách” - Duane P. Schultz, Đại học tổng hợp Nam Florida, Nhóm dịch thuật Khoa Tâm lý học, trường ĐH KHXH&NV