Một người nọ mỗi khi cầm tờ báo là mở xem những trang cáo phó chia buồn trước nhất. Anh ta chăm chú đọc từng dòng trên trang cáo phó dù không hề quen biết với người đã mất. Có người bạn thấy thế bèn hỏi nguyên do.
Anh ta trả lời:- À. Tôi chỉ gửi lời cám ơn đến những người này đó thôi.
Người bạn của anh ta trợn mắt ngạc nhiên nói:- Anh nói điều gì mà tôi chẳng hiểu gì cả. Anh cảm ơn những người đã chết mà toàn là người anh chưa hề quen biết! Cái đầu của anh có vấn đề gì không vậy?
Người nọ thong thả trả lời: – Đúng vậy. Tôi trân trọng cảm ơn họ. Vì sự ra đi của họ đã nhắc nhở cho tôi đừng quên rằng kiếp người vốn là vô thường. Cái chết đến bất chợt nào ai hề hay biết. Lúc còn sống những người này cũng có những ước mơ, toan tính, những tranh giành hơn thua, những vui buồn, ganh ghét. Để rồi bỗng dưng trở thành những cái xác vô tri chờ đem hỏa táng, hoặc vùi sâu trong lòng đất lạnh. Họ đã đem chính sinh mạng của mình để nhắc nhở cho tôi bài học lớn trong cuộc đời như vậy chẳng lẽ không xứng đáng được nhận một lời cảm ơn hay sao anh bạn?
*****
Những cung bậc cảm xúc khi vui, khi buồn cứ mãi quẩn quanh, đan xen lẫn nhau suốt cả một ngày dài trôi qua. Khi vui thì nhìn gì cũng thấy vui, mặt mày hớn hở, tươi tắn, lời nói toát lên vẻ phấn khởi khiến cho người xung quanh ít nhiều cũng cảm thấy vui lây. Còn khi buồn thì ngược lại, một vẻ mặt sầu não hiện lên, những nụ cười tắt ngúm, những tiếng lời ảm đảm, ê chề cất lên một cách hững hờ khiến cho người khác cũng không lấy gì làm dễ chịu. Cứ hết vui, rồi lại đến buồn, buồn xong, rồi thì vui lần hồi tìm đến, thật là mệt mỏi biết bao những xúc cảm như vậy vẫn đang vây lấy chúng ta. Không biết đến khi nào, chúng mới lặng dừng, để khi đó, một tâm thái rỗng rang, sáng tỏ, và thanh tịnh sẽ hiện lên với ta. Với tâm thái này, chúng ta sẽ có thể có được một cuộc sống an lành, và hạnh phúc thực sự, mà không phải là những gì chỉ có tính cách tạm bợ nơi những xúc cảm đối đãi với nhau giữa vui và buồn. Chúng ta khi đó, sẽ không còn bị vương vào vòng luẩn quẩn chi phối của chúng nữa, mà vượt lên trên tất cả những thói thường đó, chúng ta, có thể tự hào rằng mình đang sống một cuộc đời thật tràn đầy ý nghĩa.
Trước tiên chúng ta hãy thử xem xét những cảnh tượng của thiên hạ đang diễn ra xung quanh có ảnh hưởng thế nào đến tâm trạng của mình. Giả dụ như sau khi trải qua một ngày dài với biết bao những điều tiếng thị phi tranh cãi, hơn thua nhau ở nơi học tập, hay nơi làm việc, chúng ta, lúc này đây, thực sự là đang rất mỏi mệt cả về thể xác lẫn tinh thần. Mà không như thế thì mới thật là điều khác thường, khi với cái tôi, cái bản ngã của mình, chúng ta đã không ngừng đấu tranh với người để giành lấy những gì tốt đẹp nhất về cho bản thân. Đây có thể gọi là bản năng vốn có ở mỗi người chúng ta, khi mà chúng ta còn quẩn quanh, còn trong vòng vây hãm của những ham muốn, khao khát cất lên từ tận trong sâu thẩm nơi cái tôi đang yên vị. Ở nơi học tập, thì chúng ta có khi tỵ hiềm, ganh ghét lẫn nhau với những ai học hành giỏi giang hơn mình. Thấy người đạt được những điểm số cao, được bạn bè ngưỡng mộ, ngợi khen, chúng ta chẳng những không lấy đó làm tấm gương cho mình noi theo, không biết nhìn lại bản thân để rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai sót, mà ngược lại còn tỏ ra bực dọc, nói này nói nọ về người, thậm chí là dùng mọi lý lẽ biện minh để cái tôi của mình không cảm thấy nhỏ bé, thua thiệt trước người, để chúng ta vẫn còn có thể khởi lên khao khát đạt tới thành quả còn cao hơn người đã đạt được.
Còn ở nơi làm việc, chúng ta cũng không ngừng những toan tính, những ý nghĩ tranh giành hơn thua với người để có cho được những lợi lộc tốt nhất về mình, để đạt đến những vị trí cao với uy quyền trong tay, để rồi có thể tha hồ mà tận hưởng cảm giác của người chiến thắng, tùy nghi mà sai khiến người khác, tùy ý mà hành xử theo sở thích của mình, và tất nhiên là cái tôi khi đó của chúng ta sẽ được bảo vệ một cách an toàn nhất có thể. Tuy nhiên, những mong muốn của cái tôi ở nơi học tập, hay ở nơi làm việc như thế đơn giản chỉ là mong muốn, còn có thành hiện thực hay không lại là một vấn đề khác. Điều này còn tùy thuộc vào các yếu tố nhân duyên có hội tụ đủ đầy hay chưa để kết thành quả như chúng ta khao khát. Nếu như đã hội tụ đủ, thì chúng ta mới có thể được như ý, mới có thể vui cười hả hê, mới có thể lên mặt với người, chỉ nghĩ đến thôi cũng cảm thấy thật đã làm sao. Nhưng nếu mà chưa được như vậy, nếu chúng ta không có đủ phước báu như thế thì ắt hẳn chúng ta sẽ trở nên thật là ê chề, và ảm đạm thay, thật là cay cú, và đầy những ức chế ngỗn ngang quanh quẩn trong tâm tư. Cuộc sống khi đó, nào có còn tươi đẹp, nào có còn thảnh thơi, và an lành gì nữa, mà chỉ là một sắc màu xám xịt, ảo mờ, dật dờ cho qua ngày đoạn tháng khi thành công đã không đến với chúng ta.
Mang một tâm trạng chán chường, và não nề, hay đầy hả hê, tự mãn như thế, chúng ta trông như thể một cái xác không hồn, hay ngược lại, một hình dáng đầy phấn chấn đang chạy trên chiếc xe gắn máy trên đường trở về nhà. Và bất thình lình, chúng ta bắt gặp một đám tang. Ở nơi đó, khi ngang qua, chúng ta nhìn thấy những khuôn mặt buồn bã, nghe thấy những tiếng khóc than sầu bi, và hơn tất cả, hình ảnh của chiếc quan tài đang nằm áng ngữ giữa căn phòng tang lễ đập vào trong tâm tưởng chúng ta tựa như một cú đánh trời giáng bất ngờ vào sau lưng, làm cho từ trong cõi lòng của mình, chúng ta bỗng khởi lên ý niệm về cái chết. Cái chết, đúng là nó, lạ lùng thay, đang nghĩ quẩn nghĩ quanh chuyện hơn thua, được mất mà tự dưng trong khoảnh khắc chúng tan biến đi đâu hết cả, nhường chỗ lại cho chỉ một ý niệm to tướng hiện lên, cái chết, hai từ thật giản đơn mà khiến cho chúng ta không thể lãng tránh nó. À, chết ư, ai rồi cũng sẽ chết cả thôi, nhưng chết như thế nào, vào lúc nào thì thật là không thể đoán biết cho được, rất có thể mình đang chạy xe tà tà như thế này mà bất ngờ có ai phóng nhanh vượt ẩu va đụng vào mình, làm mình té văng xuống đường và bị xe cán chết không ta, hay cũng có thể chỉ một cơn tai biến mạch máu não cũng có thể khiến mình ngã lăn ra chết, mà từ nãy đến giờ đầu óc mình đang rất căng thẳng, thật là quá đỗi khôn lường, thật là vô thường làm sao…
Những ý nghĩ như thế có thể sẽ khởi lên trong tâm tưởng chúng ta, và khi nghĩ đến hai chữ vô thường, thì đột nhiên, chúng ta không còn cảm thấy chán chường, ảm đạm, hay hả hê, phấn chấn như trước đó nữa, mà ngay lúc này đây, một cảm giác tỉnh táo hiện lên, một ý thức rõ ràng về những gì đang diễn ra xung quanh, cảnh vật, con người, tiếng xe, tiếng máy đều được chúng ta nhận biết một cách tinh tường, dường như cả người chúng ta đang được đổi khác, trở nên nhạy bén, tinh anh hơn, không còn những quẩn quanh nghĩ tưởng, những hỗn độn xúc cảm như khi trước nữa. Sao lại lạ lùng như thế nhỉ. Thế là chúng ta sẽ có thể tự nhủ rằng hay là mình thử nghĩ đến chuyện gì vui vui một chút xem có vui lên được hay không, nhưng chẳng thể, vừa khởi nghĩ thì ngay lặp tức ý niệm về cái chết lại xen vào, thế là vui tan mất, nhưng cũng chẳng phải buồn tìm đến theo sau, mà vẫn là một trạng thái tỉnh thức rõ ràng. Sao kỳ lạ vậy, hay là mình thử bày mưu tính kế để tranh giành hơn thua với người trong công việc, hoặc trong thành tích học tập xem sao, nhưng cũng như lần trước, ý niệm về cái chết lại lấn át tất cả, và sự tỉnh thức khác thường vẫn hiển hiện trước mắt. Vậy là chính hình ảnh về đám tang mà chúng ta đi ngang qua nhìn thấy đã khiến cho tâm tưởng, xúc cảm của chúng ta tan biến mất những thói thường nghĩ suy, những cung bậc hỷ, nộ, ái, ố.
Sau tất cả những gì đã trải qua, giờ đây, chúng ta lại có thể thong thả ngồi trên yên xe mà tiến về nhà. Trong ta lúc này, không còn những cung bậc xúc cảm đan xen lẫn nhau như khi nào nữa, mà thật là nhẹ nhàng, thật là bình an thay, và cũng quá đỗi bất ngờ thay khi nhìn thấy cảnh tượng một đám tang chẳng những không làm cho chúng ta cảm thấy bối rối, cảm thấy thêm phần não nề, mà ngược lại, hình ảnh đó, ý niệm về cái chết như thế lại khiến cho tâm tư chúng ta thêm phần tĩnh lặng, mà nghĩ suy về sự vô thường của cuộc đời, để rồi dư vị đọng lại là một tâm thái không còn quanh quẩn những ý nghĩ hơn thua, được mất, cay cú, hay tự hào với đời nữa. Giản đơn, tâm hồn ta đang ở trong trạng thái yên bình sau bao sóng gió của cuộc đời đẩy đưa, nhưng nhờ có sự thức tỉnh kịp thời từ một cú hích phát khởi lên nơi hình ảnh của cái chết đã làm cho chúng ta trong khoảnh khắc đạt tới một sự rỗng rang, sáng tỏ, và thanh tịnh nơi tâm tư mình. Ý niệm về vô thường ngay khi vừa khởi lên, cũng chính là lúc chúng ta có thể phần nào đó sống được trở lại với cái thường hằng bất biến vốn vẫn theo cùng ta tự bấy lâu nay nhưng đã bị che mất bởi những xúc cảm thường tình đan xen lẫn nhau như khi vui khi buồn chẳng hạn, giờ đây, chúng ta đã vượt lên trên chúng. Chân thành cảm ơn những con người đã chết và đem đến cho chúng ta trải nghiệm như vậy.
Tâm Thiền