"Một người dành cả cuộc đời chỉ để chờ cái chết của người kia xảy ra, nhằm phục hưng 1 tình yêu bất diệt. Còn người kia, lại dành cả đời nhằm thử thách chính tình yêu bất diệt ấy"...
Có thể nói, sau bi kịch “Romeo và Juliet” của đại văn hào William Shakespeare thì “Tình yêu thời thổ tả” là câu chuyện tình để lại trong lòng tôi nhiều day dứt nhất. Không phải vì cái tên G.G. Marquez nổi tiếng với “Trăm năm cô đơn”, cũng không phải vì giải Nobel mà ông đạt được năm 1982, mà chính bởi chất nhân văn lan toả, thấm sâu trên từng trang viết mới chính là điều lưu lại trong lòng người đọc những hồi ức khó phai…
“Tình yêu thời thổ tả” đi theo mô-tip quen thuộc của những cuộc tình ngang trái, ấy là sự cấm đoán của gia đình vì xuất thân không cân xứng. Một bi kịch có tính phổ biến, thậm chí là điển hình trong văn học cũng như chính cuộc sống thường nhật của con người. Ngày hôm qua, ngày hôm nay và kể cả mai sau, có một ai dám chắc bi kịch này sẽ không còn tái diễn? Vâng, chàng (F.Ariza) chỉ là con trai của người đàn bà bán hàng vặt vãnh, nàng (F.Daza) lại là tiểu thư lá ngọc cành vàng của gia đình quý tộc. Cái quan điểm phận người không tương xứng khiến cho nỗi giày vò đôi lứa càng trở nên đau khổ…Yêu tha thiết người tình F.Ariza nhưng F.Daza chấp nhận làm vợ bác sĩ J.Urbino giàu có. Quyết định bất lực của nàng đã gây nên một mối thù truyền kiếp giữa hai người đàn ông ấy - một mối thù với cả những lỗi lầm, kiêu hãnh, sự phản bội và những nỗi đau…
Bị bỏ rơi trong tâm thế của một người thua cuộc, F.Ariza đã dùng mọi thủ đoạn để lao vào làm giàu, như con thiêu thân vùi mình trong đống lửa, và cuối cùng cũng nghiễm nhiên trở thành ông chủ một hãng tàu. Khắc hoạ hình ảnh nhân vật F.Ariza, nhà văn mang lại cho bạn đọc cái nhìn về một con người “u sầu, si tình nhưng phóng túng và đam mê dục vọng”. Hắn trải qua hàng trăm mối tình từ thời trai trẻ cho đến lúc về già, từ các quả phụ cho đến những người đàn bà xa chồng, chán chồng hoặc chồng chê… Vô số những cuộc tình “bí mật, vụng trộm, chớp nhoáng đầy màu sắc tính dục ấy đã làm nên sắc màu đa dạng trong Tình yêu thời thổ tả”. Cái mà Marquez muốn nói ở đây là gì? Là “chỉ ra bản năng phồn thực tất yếu của tình yêu?” hay chính là lột tả những năm tháng trống rỗng, cô đơn của kẻ mang vết thương lòng và đợi chờ người xưa cũ?
Trong cuốn tiểu thuyết của mình, G.G.Marquez đã xây dựng hình ảnh hai người đàn ông song hành trong cuộc đời nàng F.Daza: “Một người (F.Ariza) đã dành cả cuộc đời chỉ để chờ cái chết của người kia xảy ra, nhằm phục hưng một tình yêu bất diệt. Còn người kia (J.Urbino), đã dành cả cuộc đời trường thọ của mình nhằm thử thách chính tình yêu bất diệt ấy”. Để rồi cái kết cho cuộc tình ấy là gì? Ai sẽ là người hạnh phúc, còn ai chịu chấp nhận là một kẻ khổ đau?...
Rồi cái ngày mà người đàn ông ôm mối hận đợi chờ mòn mỏi rồi cũng đến, khi J.Urbino nằm xuống thì cũng là lúc F.Daza và F.Ariza trở thành những ông cụ bà cụ ngoài tuổi 70. Tình yêu vẫn nồng nàn, vẫn cháy bỏng như xưa, nhưng lại một lần nữa, họ không thể vượt qua trở lực của những định kiến xã hội mà trước kia đã từng một lần chia cắt. Mối tình đầu trong sáng đã vỡ tan, đến gần cuối cuộc đời mới tìm thấy nhau, và dĩ nhiên họ không muốn phải xa rời lần nữa. Cả hai trốn lên tàu thuỷ với chiếc tàu treo lá cờ vàng - lá cờ báo hiệu sự hiện diện của những người bị bệnh thổ tả - để rồi từ đó sống một kiếp lênh đênh…
Câu chuyện tình ám ảnh độc giả đến tận những trang cuối cùng của cuốn sách, khi mà người ta nhận ra cuộc hành trình “phục hưng tình yêu” trên dòng sông Magdalena - với lá cờ vàng báo hiệu bệnh tật - thực sự không phải là chuyến du sơn ngoạn thuỷ, không phải là đôi tình nhân về già đi du lịch đó đây để thoả mãn ước mơ tự do, mà đó thực sự “là một cuộc hành xác lưu đày bởi tội lỗi của tình yêu”…
“Tình yêu thời thổ tả” không chỉ đơn thuần là bản tố cáo đanh thép cái xã hội phân biệt giai cấp sang hèn đương thời mà nó còn là khúc bi ca về một tình yêu đẹp, vĩnh hằng cùng năm tháng… Khi mà trong thời đại ngày nay, con người luôn tự hào về những phát minh, sáng chế vẻ vang trên lĩnh vực khoa học - là cái thuộc về văn minh - mà quên mất rằng, những giá trị chân thật của tình yêu đang dần mờ nhạt hơn lúc nào hết. Tình yêu không chỉ khai hoa ở độ tuổi thanh xuân, ở thời trai trẻ, mà ngay cả khi gần đất xa trời, bạn vẫn có thể tìm được một tình yêu chân thành, thậm chí là mãnh liệt, thiết tha và đáng quý hơn bao giờ hết.
Đọc “Tình yêu thời thổ tả” của Márquez để thấm thía cái si mê của những người trong cuộc, để cảm thông cho một mối tình đi đến gần hết cuộc đời mới có thể gặp lại nhau, để xót xa cho một lá cờ vàng báo hiệu căn bệnh của những người bị thổ tả, phất phơ trên chuyến tàu ngược xuôi dòng Magdalena…
Đình Đình
Tình yêu thời thổ tả
Tác giả: Gabriel Garcia Marquez
Dịch giả: Nguyễn Trung Đức