Cô đơn! Đó là sự giải phóng, khẳng định bản thân hay nỗi buồn thời đại? Dù muốn hay không, sự độc lập của mỗi cá nhân dường như vẫn đang là xu hướng không thể cưỡng lại.
Chỉ trong vòng hơn nửa thế kỷ, mô hình gia đình “tứ đại đồng đường” mà ông bà ta từng mơ ước đã phải nhường chỗ cho “gia đình hạt nhân” với cha mẹ và con cái chưa trưởng thành. Gia đình có thể còn nhỏ hơn nữa không? Đó là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Thuỵ Điển, một đất nước có thu nhập bình quân tính theo đầu người vào loại cao nhất Châu Âu có rất nhiều người sống độc thân. Một gia đình nọ chỉ có hai mẹ con sống với nhau. Vậy mà khi đứa con gái mới tròn 18 tuổi, đã xin nhà nước phân nhà để ra ở riêng, chứ không thích sống với mẹ. Khi hỏi người mẹ: "Sao chị không bảo cháu ở cùng, có mẹ có con cho vui?” Chị thản nhiên cười trả lời: "Tôi cũng thích thế!”. Thấy vẻ mặt khó hiểu của khách, chị giải thích thêm: "Nó ở đây hay ở chỗ khác cũng chẳng khác nhau mấy. Là vì ban ngày mỗi người một việc. Đêm ngủ mỗi người một phòng. Tối mỗi người xem một ti-vi. Ngay cả ăn cũng mỗi người một món theo sở thích, ít khi ngồi ăn cùng.” Lại có anh chàng độc thân ở lì trong nhà 3 ngày liền, không bước chân ra cửa. Khi vào thăm, anh ta đang ngồi xem 3 cái ti-vi cùng một lúc. ở đây, hầu như nhà nào cũng có ăngten parabol, người ta có thể bắt được khoảng 60 kênh truyền hình.
Ở nước ta, sau này chưa biết thế nào nhưng hiện nay, có lẽ không mấy ai thích sống như thế. Cuộc sống vợ chồng con cái quấn quít, có bạn bè để trò chuyện hình như đã trở thành nhu cầu tinh thần, tình cảm không thể thiếu của người Việt Nam . Ngay cả giao tiếp xã hội cũng thế! Vào một nhà ga tàu hoả hay máy bay ở ta thường thấy cảnh những người xa lạ nói chuyện râm ran. Nhưng cũng một nhà ga như thế ở Châu Âu thường lặng ngắt như tờ. Mỗi người cầm một tờ báo hay quyển sách. Hỏi chuyện một người không quen biết là điều kỳ lạ. Không những thế, nếu ngồi cạnh một người lạ trên máy bay, cứ quen mồm hỏi: "Bác đi đâu? Bác đi làm gì?”, rất dễ bị người ta tưởng mình là người ... thần kinh.
Nhưng suy cho cùng, cái yếu tố tạo ra thói quen tụ tập để vui chơi, trò chuyện hàng ngày có lẽ bắt nguồn từ nền kinh tế tiểu nông. Mọi người đều làm công việc giống nhau, giờ giấc nghỉ ngơi như nhau. Thời bao cấp cũng thế, ai cũng đi làm nhà nước, hết “tám giờ vàng ngọc” là về nghỉ ngơi, không làm thêm gì cả mà có muốn làm thêm cũng không được. Còn bây giờ, đến sinh viên cũng có người vừa học hai trường lại còn vừa làm thêm để kiếm tiền. Cán bộ có người làm việc hai ba nơi. Buổi tối, nhiều người cũng vẫn làm việc hoặc học hành. Ngay cả lúc người ta ngồi không, thì có khi trong đầu óc cũng vẫn nghĩ công việc. Biết đâu, sự hỏi chuyện của mình lại làm gián đoạn dòng suy nghĩ của họ?
Nói chung, xã hội ta đang đổi mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, do đó, nếp sống, phong cách sống cũng đang chuyển biến theo với đời sống công nghiệp hiện đại. Nhìn nhận chiều hướng phát triển của xã hội phương Tây hiện đại, nhà xã hội học Gilles Lipovetsky cho rằng: "Giữa hoang mạc xã hội đang nổi lên con người chúa tể, hiểu biết, tự do, thận trọng, tự quản cuộc sống bản thân mình” và ông gọi đó là “nỗi cô đơn thời đại”. Với các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, con người ngày nay có thể tiến hành các cuộc “tiếp xúc từ xa”, thậm chí có thể làm việc mà không cần đến công sở, thông qua một hệ thống máy vi tính kết mạng.
Một bác sĩ người Mỹ công bố trên chuyên san “Américan Médican” một công trình nghiên cứu tại bệnh viện St. Luke’s Roosevelt ở NewYork cho thấy: "Sống độc thân làm gia tăng nguy cơ bị những cơn suy tim hoặc loạn nhịp”. Ông giải thích: "Điều đó dễ hiểu thôi. Những người sống cô đơn tích tụ các stress trong người không chia sẻ được với ai. Đó chính là nguyên nhân gây bệnh”. Mặc dầu vậy, trong thế giới hiện đại vẫn có những người thích sống độc thân vì quan niệm riêng của họ về cuộc sống, về hôn nhân.
Một cô gái người Trung quốc nói: "Khi lập gia đình, ngoài việc chăm sóc cha mẹ mình, bạn sẽ bận bịu nhiều nữa vì phải chăm sóc thêm cả cha mẹ họ hàng bên nhà chồng. Hôn nhân thật là ràng buộc, tôi sẽ chọn cách sống chung nhưng không kết hôn cho đỡ rắc rối”. Một cô khác, Stella Kwork, 41 tuổi chưa chồng lại khẳng định: "Ta có thể tìm được một người bạn đời ưng ý, đó là hạnh phúc. Nhưng ta cũng có thể vẫn hạnh phúc khi sống một mình”.
Các nhà khoa học cũng đề ra nhiều biện pháp giúp những người độc thân thoát ra khỏi trạng thái cô đơn. Trong đó, hoà mình với những người “cùng hội cùng thuyền” là giải pháp tích cực nhất. Sự đối thoại giúp người tìm thấy giá trị bản thân, tìm lại ý nghĩa cuộc sống và công việc. Để cuộc sống đỡ trống vắng, nhiều phụ nữ Pháp xây dựng cho mình một kiểu “gia đình tự chọn”. Theo kiểu gia đình này, quan hệ thân quyến không còn dựa vào huyết thống và cũng không tồn tại thường xuyên. Nhân những ngày nghỉ cuối tuần, người ta nhắm những người hợp “gu” mời tới nhà chơi hoặc đi picnic. Tất nhiên tan cuộc, ai lại về nhà nấy.
Cô đơn! Đó là sự giải phóng, khẳng định bản thân hay nỗi buồn thời đại? Điều đó phụ thuộc vào sở thích và quan niệm sống của mỗi người. Nhưng dù muốn hay không, sự độc lập của mỗi cá nhân dường như vẫn đang là xu hướng không thể cưỡng lại của thời đại. Chỉ trong vòng nửa thế kỷ, chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu biến chuyển của xã hội. Khó mà dự đoán được trong khoảng nửa thế kỷ nữa, tế bào gia đình sẽ biến động như thế nào và nỗi cô đơn có phải là nỗi ám ảnh kinh hoàng của thế kỷ 21 hay không?
Theo – aFamily
Xem thêm: Vì sao người trẻ lại cô đơn?