Vũ trụ vạn hữu vốn vô tận và thiêng liêng. Không riêng một thứ gì là thiêng liêng mà tất cả đều thiêng liêng. Cây cỏ, đất đá, núi sông cũng thiêng liêng như những ngôi đền, đài, chùa, tháp. Khi chúng ta biết cảm nhận sự hòa hợp, biết trân trọng cuộc sống thì mới nhận ra điều đó. Bằng không, những gì đi ngang qua đôi mắt, đi ngang qua cuộc đời đều trở thành vô nghĩa.
Lẽ ra chúng ta phải thích thú với thế giới tự nhiên hơn là những gì nhân tạo. Thiên nhiên sinh động và tiếp nối với vô cùng. Nó hiện thể của sự tự do mênh mông. Một ngọn cỏ, lá cây, viên sỏi đều có sự kết nối với cả thiên hà đại địa. Điều đó thật kì diệu vô cùng. Nhưng chúng ta thường có thái độ ngược lại. Chúng ta trở nên những con người lạnh lùng và không còn khả năng rung cảm trước thiên nhiên. Ngược lại, chúng ta chú ý đến những gì có tính nhân tạo. Điều đó khiến con người ngày càng khô cằn sỏi đá, mất khả năng cảm thụ sự tinh tế; thay vào đó lại luôn đi tìm cảm giác mạnh để hủy hoại bản thể mình. Những nhân tạo được dựng xây lên bằng trí óc và trí óc trở lại kính ngưỡng chính nó. Cho nên, thiên nhiên ngày càng bị tàn phá nặng nề.
Lẽ ra chúng ta ngày càng phải yêu thương cuộc sống này hơn, nhưng tại sao chúng ta lại muốn chối từ sự sống tốt đẹp trong hiện tại để tìm kiếm một thế giới khác, một đời sống khác sau khi chết. Phải chăng chúng ta đã già nua, bịnh tật, suy yếu và trong thân tâm đầy những thương tích đau đớn ê chề nơi thế gian này. Đáng lẽ càng cao tuổi, chúng ta càng hiểu biết và cảm nhận sâu sắc. Đáng lẽ càng cao tuổi chúng ta càng vượt qua những trói buộc, những sai lầm và ngày càng hợp với lẽ đạo để được an hưởng những phúc lành của cuộc sống.
Đành rằng thế gian chỉ là quán trọ, nó vô thường thay đổi không gì là bền chắc nhưng trong khoảng đời ngắn ngủi ấy chúng ta phải biết trân trọng Nếu hiểu được thế, chúng ta ngày càng vui tươi và mãn nguyện hơn và luôn ca ngợi và yêu thương cuộc sống cho đến giây phút cuối cùng. Đằng này, vì ngày càng rời xa nẽo đạo nên chúng ta trở nên khô khan và mất cảm giác, chúng ta cảm thấy mình suy yếu và không còn tha thiết với cuộc sống, chúng ta lãnh cảm và muốn khép mình để cầu nguyện cho kiếp sau. Tâm lý cầu nguyện mong ước kiếp sau tốt đẹp xuất phát từ mong muốn hưởng thụ nhưng không thể hưởng thụ. Đó chính là trạng thái mâu thuẩn, khiên cưỡng, ức chế, bị đè nén mong muốn có ngày trỗi dậy. Thế thì tại sao chúng ta không vui hưởng khi còn đang thở mà phải để dành hay chuẩn bị cho đời sống sau khi tắt hơi.
Chuẩn bị cho kiếp sau chẳng qua là một tâm lí tham lam nhưng sợ người ta biết mình tham lam. Chúng ta vốn có cá tính cất giấu và để dành vật chất cho nên chúng ta nghĩ rằng chúng ta cũng có thể cất giấu và để dành cái gọi là tâm linh. Tuổi già thân thể vật lí bịnh tật và suy yếu nhưng cái thói quen, tập khí tham chấp còn nhiều nên muốn hưởng thụ lại không thể hưởng thụ. Mong ước một kiếp sau, một thế giới khác tốt đẹp chính là lòng tham vi tế được che đậy bởi ngôn từ. Vì tham lam, những gì chúng ta ham muốn mà không thể đoạt được trong đời này người ta thường hi vọng có được nó vào đời sau. Đó chính là động lực để chúng ta cầu nguyện.
Trong vũ trụ tuyến này, tâm thức cá nhân và tâm thức vũ trụ có sự tương ứng với nhau. Giữa các tầng sóng trí não và tâm thức với các tầng sóng vũ trụ có một sự tương giao mật thiết với nhau. Tâm thức có tầng sóng an tịnh chừng nào sẽ chiêu cảm một tầng sóng siêu nhẹ chừng đó của vũ trụ. Ngược lại trí não cành lăng xăng và tâm thức mang nhiều nghiệp xấu sẽ chiêu cảm những tầng sóng thô và năng lượng xấu của vũ trụ. Cho nên, giây phút của kiếp sau sẽ kế tiếp giây phút của kiếp trước và tâm thức đang như thế nào sẽ chiêu cảm một cảnh giới tương tự ở kiếp sau. Như thế, nếu hiện tại chúng ta thảnh thơi, an vui và tự do thì kiếp sau nhất định chúng ta bắt đầu với giây phút thảnh thơi, an vui và tự do. Nếu hiện tại lo âu và sợ hãi thì thế giới kế tiếp không gì ngoài trạng thái đó. Như vậy, chúng ta cứ đè nén và tham vọng thì cảnh giới kế tiếp không gì khác hơn là thế giới của những con người mất tự nhiên và sống trong niềm khổ đau dằn xé.
Lẽ ra chúng ta phải tu tập và học đạo lý khi còn trẻ để ngày càng già thì càng hợp với đạo và an hưởng được nhiều phúc lành của cuộc sống. Chúng ta thường sống ngược lại, tuổi trẻ là một sự đăm mê rượt đuổi vào bao ảo vọng lớn lao cho đến khi sức tàn lực kiệt. Những tham vọng vẫn còn đó và khi lực bất tòng tâm chúng ta lại muốn có nó vào kiếp sau. Thế là chúng ta phải cầu nguyện để hi vọng.
Vũ trụ vốn thiêng liêng và chu toàn cho mọi sinh linh tồn tại trong nó. Chúng ta cảm thấy thiếu thốn chẳng qua vì đòi hỏi quá mức và tham muốn những điều quá lớn lao. Nếu biết vừa đủ, chúng ta sẽ không thấy thiếu thốn điều gì.
Nếu có sinh vào kiếp sau, chúng ta lại được mở mắt và tiếp tục an hưởng một cuộc sống mới trong một không gian và thời gian mới. Nếu chúng ta không an hưởng mà cứ có thái độ đè nén và cất giấu hoài thì vô tình chúng ta bỏ phí cuộc đời này và cứ thế liên tiếp bỏ phí nhiều kiếp sống. Như thế muôn đời chúng ta chỉ là kẻ cất giấu, kẻ mong đợi, kẽ lãng phí và mang theo như là một gánh nặng. Rồi cái ngày cuối cùng và điều giác ngộ xảy ra cũng không gì khác hơn là chúng ta nhận ra được niềm phúc lạc trong thực tại. Tình yêu thương tất cả lại hiện ra.
Bùi Giáng – kẻ tận hưởng và tận hiến đã sống trọn vẹn trong cuộc đời này:
“…Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương.
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm, cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng, sâu bọ cũng yêu luôn.
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay vói kiễng chân cao…”
Bùi giáng đã sống trọn vẹn trong thế giới nhân sinh vô thường. Sống thiết tha và trọn vẹn với đời như thế, nhưng sau đó bỏ lại hết không mang theo gì cả:
“Có thương tiếc xin đừng thương tiếc lắm
Buồn cũng buồn như mọi cuộc chia ly
Rồi để lại không mang theo gì cả
Và nhẹ nhàng như gió lúc ra đi”
Đó chính là một con đường thực tại mà một con người đi qua nó đã sống trọn vẹn, tự do, hạnh phúc và giải thoát.
Thông Nhã