“Con cái người ta vừa học vừa phải làm mà vẫn học giỏi. Con nhà mình thì ăn không xong, học không nên, suốt ngày trốn học đi chơi, tiêu tiền như phá”. Đây là lời tâm sự của một vị phụ huynh thuộc loại “nhà có điều kiện”...
Được cha mẹ chăm lo từ đỉnh đầu đến gót chân ngay từ khi sinh ra, chỉ biết hưởng thụ mà chẳng hề lo toan, các cậu ấm cô chiêu quen sống trong nhung lụa trở nên lạc lõng giữa đời thường. Nghèo vượt khó đã khó, giàu vượt sướng cũng không phải là chuyện dễ.
Vì sao trẻ ham hưởng thụ?
Xuất phát từ quan điểm nuôi dạy con của cha mẹ, họ cho rằng đời mình đã khổ nhiều, nay có của ăn của để thì phải cho con hưởng. Chả lẽ bắt con cũng phải chịu khổ như mình thì phấn đấu để làm gì. Ý nghĩ ấy của các bậc cha mẹ khiến họ vô tình (có khi là cố ý) tiếp thêm sức mạnh ăn chơi cho con cái. Không phải chỉ có nhà giàu, nhiều nhà kinh tế chỉ thường thường bậc trung mà con cái cũng quen ỷ lại chỉ vì cha mẹ nuông chiều con quá mức. Điều nguy hiểm hơn cả là không chỉ cha mẹ mà những người thân khác như ông bà, cô chú bác cũng tiếp tay cho bọn trẻ để bức chân dung “dày ăn mỏng làm” của các cô/cậu bé đó ngày càng được khắc họa rõ nét hơn.
Một số trẻ em sống trong hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, cha mẹ quá bận rộn, cha mẹ ly hôn, cha mẹ đi làm ăn xa, bị tù tội… dẫn đến việc thiếu sự giáo dục của cha/mẹ hoặc cả hai người đối với con cái. Khi ấy, hoặc là họ mặc kệ con muốn phát triển theo hướng nào cũng được, chỉ cần hàng tháng cho con đủ cơ số tiền bạc là được; hoặc là cha mẹ và người thân bằng mọi cách đáp ứng nhu cầu của trẻ để trẻ đỡ thiệt thòi. Từ đó, trẻ cho rằng cuộc sống dư thừa là có sẵn và đương nhiên chúng phải được hưởng.
Trẻ chưa có ý thức và chưa được giáo dục kỹ năng thoát ra khỏi hoàn cảnh để đứng vững bằng đôi chân của mình. Đôi khi, trẻ tìm cách sống tự lập thì lại gặp phải rào cản từ phía cha mẹ và gia đình, cộng thêm những áp lực về một cuộc sống khó khăn khiến trẻ chùn bước, chấp nhận làm tầm gửi dài hạn.
Giúp con vượt sướng có ích lợi gì?
Tạo cho con tính tự lập ngay từ nhỏ là một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ tự tin trong cuộc sống, biết cách ứng xử với những tình huống cụ thể mà chúng sẽ gặp phải.
Tạo cho con một điểm tựa vững vàng dựa vào chính khả năng của trẻ chứ không phải là dựa dẫm. Bởi cuộc sống luôn luôn thay đổi, biết đâu hôm nay cha mẹ giàu có nhưng ngày mai có thể phá sản, hôm nay khỏe mạnh nhưng ngày mai ốm đau... Khi ấy, nếu trẻ đã được tạo dựng bản lĩnh thì có thể dễ dàng thích ứng với hoàn cảnh mới và trở thành chỗ dựa cho cha mẹ. Còn nếu vẫn chỉ là một đứa trẻ thụ động thì trẻ khó có thể tồn tại được hoặc sẽ phát triển theo hướng tiêu cực như “ngồi chờ sung rụng” hoặc trở thành tội phạm để thỏa mãn nhu cầu của mình.
Giúp trẻ hòa nhập và gây dựng niềm tin, sự chia sẻ với cộng đồng. Trẻ không chỉ sống trong gia đình mà còn có bạn bè, thầy cô và các mối quan hệ khác. Nếu chỉ quen sống xa hoa, trẻ sẽ khó hòa nhập trong môi trường sống, có thể sẽ bị kỳ thị, ghét bỏ. Với mối quan hệ như vậy, trẻ sẽ trở nên kiêu căng, lãnh cảm, ích kỷ, thiếu tình thương.
Làm gì để giúp con vượt sướng?
Dạy con thói quen tự lập ngay từ khi còn nhỏ như tự rửa mặt, thay quần áo, cất dọn đồ chơi… để trẻ có ý thức chủ động với công việc của mình.
Dạy con biết yêu lao động bằng những công việc đơn giản theo từng lứa tuổi như quét nhà, rửa bát, giặt quần áo…, điều này giúp trẻ hiểu giá trị của sức lao động.
Dạy con biết cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ khi người khác gặp khó khăn; biết trân trọng tất cả mọi người, kể cả người giúp việc, người làm thuê…
Giáo dục con ý thức tiết kiệm. Cha mẹ hoàn toàn có thể cho con tiền để con chi tiêu ngay từ khi trẻ nhận biết được tiền nong là gì nhưng phải giúp con lập kế hoạch tiêu tiền đó một cách hợp lý đồng thời phải có sự giám sát chứ không để con muốn làm gì thì làm. Nếu trẻ có thói quen tiết kiệm từ nhỏ thì khi lớn lên, trẻ sẽ biết làm ra tiền và chi tiêu đồng tiền hiệu quả chứ không thể là người "ném tiền qua cửa sổ".
Không nên bắt con phải sống kham khổ nhưng cũng chỉ nên trang bị cho con những vật dụng cần thiết để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu. Trong một số trường hợp cụ thể vẫn có thể mua cho con vật dụng đắt tiền như laptop, xe máy nhưng phải có giao kèo với con về việc sử dụng những đồ vật đó đúng lúc, đúng chỗ.
Cha mẹ là tấm gương để con cái soi vào. Vì thế cha mẹ trước hết phải là người biết làm ra đồng tiền một cách hợp pháp, biết sử dụng và tiết kiệm tiền thì mới có thể giáo dục con. Bên cạnh đó, cha mẹ phải tâm lý và đồng thuận trong việc hướng dẫn con cái chi tiêu, tránh trường hợp chỉ nói mà không làm hoặc không thống nhất với nhau, người này thì chặt chẽ nhưng người kia lại quá hòa phóng.
Hãy ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi khi con có ý thức tự lập, tự kiếm tiền nhưng cũng phải có sự kiểm tra để trẻ không làm điều gì bất hợp pháp.
Cho con cần câu chứ đừng cho con cá và cái chính là hướng dẫn con cách sử dụng cần câu hiệu quả để bắt được cá ngon. Đó là điều các bậc cha mẹ cần nhớ khi giúp con vượt sướng.
Trâm NguyễnXem thêm: Đánh cắp tương lai?