Con người thích khám phá và càng lúc có vẻ như càng khám phá được nhiều. Khi đã khám phá chán chê những vùng đất mới, những châu lục mới trên trái đất, người ta khám phá những cái thật cao, thật xa; tìm đường lên Sao Hỏa, sao Ngưu. Nhưng con đường mà con người đang hằng ngày đi lại vẫn còn chê chán lắm nỗi. Ngoài con đường vật lý còn có con đường của trăm thứ bộn bề, của nhân tình thế thái và những nặng mang trong tâm hồn của triệu triệu con người đang dong ruổi.
Mặt khác, con người thích thấy được, ngắm nghía được những cái thật nhỏ, thật chi li, xem xét đến chỗ tỉ mỉ, đến tận cấu trúc gen tế bào, của hạt tư rất khó thấy; nhưng con người vẫn còn khá thờ ơ đối với những động thái thô tháo của những hành vi và lời nói hằng ngày sờ sờ trước mắt mọi người.
Con người thích tìm kiếm những nguồn năng lượng mới từ hạt nhân nguyên tử, từ sức gió, từ mặt trời… để thỏa mãn nhu cầu tiêu pha càng lúc càng được kích thích qua các phương tiện truyền thông hiện đại nhất; cứ như thể từ điển của loài người không hề có chữ tiết chế; cứ như thể con người không hề biết gì đến khái niệm hướng-đi-để-đạt-đến-một-mục-tiêu-tối- thượng; cứ như thể loài người không có một mục tiêu nào khác ngoài những cái thỏa mãn về ăn uống, về nghe nhìn, về chiếm hữu và khuynh loát dưới những hình thái thô tháo hay tinh tế nhất của nó.
Con người thích khám phá những cái cao xa diệu vợi hay những cái bé tí ti mà tạo hóa ‘không muốn’ hiển bày; thích tìm kiếm những nguồn năng lượng mới bên ngoài, nhưng con người nói chung dường như quên đi bản thân mình có một nguồn năng lực lành mạnh, nguồn năng lực hòa bình, an vui, phúc lạc, cần được khám phá.
Mặt khác, con người thích van vái quỷ thần thiên địa bất kể mênh mang mờ mịt thế nào, miễn là bản thân, cha con, chồng vợ của mình có thêm chút hy vọng được may mắn, được lợi đắc. Mơ hồ huyễn hoặc tới đâu cũng mặc. Nhưng con người lại quên rằng bản thân mình, bản tâm mình chính là vị thần, vị thánh cần được tôn thờ trước hết. Bậc có trí thường bảo chúng ta quay về, chúng ta cứ thích dong ruổi.
…thờ cốt tượng đâu bằng thờ kinh sách học hành, dầu thờ kinh sách cũng chẳng bằng thờ ông thầy dạy đạo cho mình hiện tại đang sống. Nhưng thờ ông thầy kia sao bằng thờ bản tâm của mình trong sạch. (Chơn lý Thờ Phượng)
Thật ra con người nói chung ít hy vọng khám phá thêm một châu lục nào hay vùng đất mới nào; càng ít hy vọng hơn nữa khi con người nói chung biết rằng những máy ảnh gắn trên vệ tinh đang soi rọi từng mét vuông trên mặt quả địa cầu. Với những con tàu vũ trụ, những chuyên gia còn sục sạo cả mặt trăng, nơi có chị Hằng thỏ ngọc, cảnh giới tiên thánh của “ngày xửa, ngày xưa…”.
Thân thể vật lý của con người cũng không còn là chốn thâm nghiêm nữa. Với kính hiển vi cực mạnh, người ta đã soi mói đến từng cơ quan cực nhỏ của tế bào, săm soi cả những sợi thần kinh cảm giác. Tính chất thiêng liêng của thân thể vật lý không là gì nữa nếu không tính đến ‘con người’ trong thân thể đó.
“Con người” này thật ra là cả một thế giới, thế giới tâm thức. Một thế giới mà những máy ảnh gắn trên vệ tinh, những con tàu vũ trụ, những kính hiển vi cực mạnh không làm sao đụng chạm đến được. Dụng cụ khoa học dù tinh tế cũng chỉ đo được một ít diễn biến về sóng điện, cái vỏ bọc của cả một cơ cấu kỳ bí bên trong.
May mắn là con người đang sở hữu một công cụ tương thích và hữu dụng để khám phá thế giới đó. Khám phá cơ cấu diễn biến của tâm thức; cũng có nghĩa là khám phá ra hướng đi-để đạt đến một mục tiêu tối thượng. Công cụ đó chính là chánh niệm. Với chánh niệm được tu tập một cách kiên trì, con người có thể quan sát mọi động tịnh từ thô đến tế của thế giới kỳ bí này. Có tính năng như một công cụ: càng được sử dụng thì càng dễ sử dụng và càng sắc bén. Cũng vậy, chánh niệm càng được sử dụng càng trở nên mạnh mẽ và tinh tế.
Con người có thể sử dụng chánh niệm để thường trực nhận ra, thường trực tỉnh giác, thường trực tiếp xúc với thực tại, với sự đúng nghĩa; tức là thường trực sống. Tâm trí người ta thường phải có cái gì đó để tâm trí sống với, cái gì đó kích thích tâm trí; nghe cái gì đó, thấy cái gì đó, suy tư cái gì đó, toan tính cái gì đó.
Nếu không bị cái gì đó kích thích, người ta có cảm giác buồn chán, vô vị. Những lúc không bị kích thích vị giác qua việc ăn uống, không bị kích thích thính giác qua việc nghe thấy; không bị kích thích thị giác qua việc nhìn thấy; những lúc không bị kích thích ý niệm sở hữu qua việc chiếm hữu và khuynh loát, người ta cảm thấy mất sức sống, mất năng lượng, cảm thấy buồn chán, tẻ nhạt.
Chúng ta không nhận ra rằng có một nguồn năng lượng luôn luôn mới, rất tinh tế và thanh thoát ở ngay bên trong chúng ta. Khi chánh niệm liên tục mà không cần bất cứ sự kích thích nào thì người ta khai thác được nguồn năng lượng mới này. Thiền sư U. Jotika từng nói:
- “Cái tâm rất là xảo quyệt, nó muốn những điều khác lạ và những thay đổi… nó luôn luôn khao khát những thú vui và những kích thích. Đó là những gì mà hành giả thường gặp phải… Nếu quý vị có thể huân tập để tâm mình luôn luôn tỉnh thức mà không cần bất cứ một sự phấn khích (hay kích thích) nào thì quý vị sẽ cảm nhận được một loại năng lượng mới”.
Ở đây chúng ta cố gắng loại trừ chữ nếu và chữ nhưng trong những câu đại loại như: Nếu sử dụng chánh niệm thường trực thì sẽ được như thế này, như thế kia nhưng vì… Thường xuyên sử dụng chánh niệm thì chúng ta không còn sử dụng hai chữ nếu-nhưng trong lời nói và ngay cả trong suy tư của mình nữa.
Hãy thủy chung với chánh niệm. Đừng sống hai lòng: một bên là chánh niệm, bên kia là phóng túng, mê vọng. Những bậc trí nói chánh niệm vừa là công cụ vừa là kết quả. Công cụ để soi sáng vô minh và kết quả là nguồn trí tuệ, là nguồn năng lượng đang tiềm ẩn chờ đợi chúng ta khám phá. Khám phá là chức năng của con người . Chúng ta sử dụng ngay chức năng khám phá bẩm sinh này để khơi dậy nguồn năng lượng mới, làm cho tỏa sáng. Tỏa sáng ánh sáng của chư Phật và chư Hiền Thánh Tăng xưa.