Trong cái thế giới bao la này, mấy ai nhận thức được chữ “Ngờ”. Bạn nghĩ rằng tâm bạn luôn vui vẻ, hạnh phúc hay chỉ là những chuỗi ngày buồn bã, giận hờn. Những thứ cảm xúc ấy cứ liên tục khởi lên và tìm cách chế ngự chính chúng ta trong từng ý niệm, lời nói và việc làm. Để rồi nếu không biết và ý thức ta sẽ mãi cảm thấy buồn, cô đơn hay tuyệt vọng dù rằng ta đang sống trong nhà cao cửa đẹp, tiện nghi vật chất tứ bề.
Nếu đời sống của chúng ta cứ mãi mãi như vậy mà không có ý thức và biết thì thời gian trôi qua của năm tháng, ta sẽ thấy và được gì trong đời sống này ngoài những chuyện cân nhắc, hơn thua, so đo, loanh quanh, luẩn quẩn trong cuộc đời. Con người ta khi gặp nhau, đến với nhau ai cũng vui cười, nói toàn những điều tốt đẹp. Quần áo lượt là và đầy sang trọng để chứng tỏ cái đẹp, cái sang giàu và sung sướng mà mình đang có. Thế nhưng bên trong tâm hồn mỗi người ai lại chẳng có nỗi khổ, lo buồn riêng. Mới đó ca múa, nói cười vui sướng cuộc đời sau than buồn, than khổ. Ngày trước thì chửi vợ, mắng con như tuồng kẻ thù không đội trời chung, ngày sau thì lại nựng nịu, hôn hít làm như thương nhất trần đời.
Ôi! Cuộc sống con người và thế gian này giả tạo và mong manh quá! Với muôn hình vạn trạng lừa dối lẫn nhau để rồi ta sống trong đó cũng phải giả bộ đóng trò với trăm ngàn sắc mặt, điệu bộ và màu áo khác nhau bên ngoài. Đằng xa nhìn mọi người thì thấy họ vui cười, có vẻ hạnh phúc. Nhưng qua những mẫu chuyện trao đổi qua lại thì thấy cả cuộc đời họ chỉ toàn là một chuỗi dài đau khổ mà thôi. Thật vậy, người giàu sang có những nỗi khổ của người giàu sang, cái đau khổ giằn vặt, cấu xé về mặt tinh thần, cái khổ của sợ hãi, mất mát, khổ của kiêu mạn, ganh tị… Người giàu sang khi thoát được cảnh nghèo túng, khổ sở về mặt vật chất thì lẽ ra phải tìm cho mình một lý tưởng cao đẹp hơn chứ?
Nhưng không! Họ vẫn tiếp tục bôn ba, bận rộn để kiếm thêm mãi, thêm mãi. Dẫu rằng tiền trong ngân hàng có lên đến bạc tỷ họ vẫn mãi tìm. Dẫu rằng với một số tiền nhỏ của họ thôi, họ cũng có thể ngồi yên ăn và hưởng suốt đời. Nhưng không! Họ vẫn thấy chưa đủ cần phải làm và làm liên tục cho đến khi nào không thể làm được nữa như bệnh nặng, bán thân bất toại hoặc chết, khi đó mới thôi. Cái đủ cho họ sẽ chẳng bao giờ đủ, vậy mà họ còn gánh thêm cái đủ cho con cái, cháu chít. Thế thì cái đủ đó hỏi biết bao giờ mới đủ đây? Thế nên trong kinh Di Giáo, đức Phật có dạy: “Nếu ta biết đủ thì dù nằm trên đất cũng thấy đủ, còn không biết đủ thì dù có nằm trên đống vàng hay trên thiên đường cũng không thấy đủ…”
Lại nữa: Người có tâm tham lam, thường không biết đủ mà luôn luôn mong cầu chẳng bao giờ dừng lại. Do tham danh, tham lợi, tham sắc. Nên họ tìm đủ mọi mưu mẹo để mong thực hiện được tham vọng của họ. Người hay nổi nóng thường làm cho gia đình sầu não không vui, sự đổ vỡ đánh đập cũng từ đây mà ra. Rồi bạn bè, anh em ly tán, mất tình mất nghĩa. Nóng giận làm người ta mất lý trí và hành xử những điều ác để thỏa mãn cơn giận. Nên hiểu rằng gốc của mọi tội lỗi và tai họa là do từ những cơn nóng giận mà ra. Chấp chặt vào những thành kiến của mình cho nó là duy nhất, là đúng nhất mà ngăn chặn những chân lý bên ngoài đưa vào. Tất cả những điều trên luôn tồn tại trong mỗi con người chúng ta.
Chắc hẳn rằng bạn không thể không một lần nổi cơn thịnh nộ? Không một lần đánh mắng vợ con hay người khác? Bạn nghĩ rằng ý kiến của mình là trên hết? Mình nói ra ai cũng phải tuân theo? Bạn nhầm rồi! Còn nữa. Bạn nghĩ mình có oai lực? Mọi người đều sợ mình, xem mình là thần tượng? Bạn sai rồi! Hết thảy những điều ấy đều là sai cả. Sở dĩ mọi người khép nép khi bạn nói, làm theo những kiến chấp của bạn là vì họ muốn giữ thể diện cho bạn trước đám đông mà thôi. Ngược lại đối với bạn, bạn cho rằng đó là hay là hãnh diện, rồi tự cho mình là cao cả.
Hơn ai hết, xem mọi người như con kiến dưới chân. Đấy chỉ là suy nghĩ phiến diện của bạn mà thôi, thật ra trong mắt mọi người bạn chẳng là ai cả. Chỉ là một kẻ tầm thường hơn những kẻ tầm thường khác mà thôi. Đã bao giờ bạn lắng nghe một ai đó tâm sự mà bạn chỉ đóng vai trò như một người câm chỉ biết lắng nghe mà không đáp trả? Nếu làm được điều này, bạn quả là một người cao thượng, bạn quả là một người biết lắng nghe nỗi khổ niềm đau của nhân loại. Bạn đừng nghĩ rằng, chỉ có bạn mới có quyền nói và được nói. Còn người khác chỉ có nghe và thực hiện theo lời bạn mà thôi. Nếu thế, bạn sẽ trở thành một kẻ gia trưởng, độc đoán tệ hơn bạn là một tay phù thủy độc ác không hơn không kém.
Bạn cho rằng, bạn quan tâm đến con cái? Cố làm thật nhiều tiền để dành cho chúng? Không đâu! Bạn đang hại chúng đấy! Bạn không nghĩ rằng con bạn đã lớn, tự nhận thức, tự kiếm tiền và tự lập được rồi ư? Bạn thử nghĩ, nếu không có bạn thì chúng sẽ ra sao? Chết đói ư? Nếu một người con chỉ biết trông chờ vào số tài khoản mà cha mẹ cực khổ tạo ra để hưởng thì đó là một kẻ đại bất hiếu và bạn chính là người tiếp tay tạo ra những chủng tử như thế, tạo cho chúng tính ỷ lại vào người khác mà không có tinh thần cầu tiến, vượt khó. Có nghèo khổ, đói rách mới biết trân quý những gì mình làm ra.
Bạn nghĩ rằng, tiền làm nên tất cả? Không, nó chỉ là phương tiện sống mà thôi, cái chính là tình thương nhân loại kia. Nhiều người còn cho rằng: Có tiền mua Tiên cũng được. Liệu có quá không khi đề cao giá trị đồng tiền lên trên nhân phẩm con người, sống theo chủ nghĩa thờ tiền? Rồi khi chết đi họ có mua lại được mạng sống nữa hay chăng? Mà nói có tiền là có tất cả? Hay chỉ là một kẻ trắng tay sau khi nhắm mắt lìa đời. Để lại sau lưng những cấu xé tranh giành từ những người thân thích, những đớn đau ê chề? Ôi! Mạng sống con người mong manh. Thần chết không bao giờ biết chờ ai cả, dù kẻ đó khỏe mạnh hay bệnh tật. Chỉ vì ham cầu sung sướng, chạy trốn khổ cực mà bạn đã tạo nhiều tội ác. Há bạn không hiểu rằng một ngày nào đó sẽ phải ra đi với hai bàn tay trắng sao? Ngày đó sẽ chẳng còn lại gì cả! Từ những kẻ thù bạn, những kẻ thương bạn và ngay cả chính thân xác bạn cũng không còn nữa. Tất cả cảnh vật mà bạn thấy, nghe, chỉ còn lại là một ký ức, tựa như giấc chiêm bao, trải qua rồi biến mất, không bao giờ trở lại.
Trong cuộc đời ngắn ngủi này, biết bao bạn bè và kẻ thù của bạn đã ra đi. Duy chỉ còn lại nghiệp xấu ác (mà bạn đã tạo với họ) là còn ở lại và đe dọa bên bạn. Vì không hiểu và ý thức được con người chỉ là một kẻ du khách trên cuộc đời này nên bạn đã để cho vô minh, ái dục, sân hận dẫn dắt tạo nghiệp. Mạng căn, nhựa sống tàn lụi ngày đêm không ngừng. Không có chi ngăn cản được. Làm sao cái chết lại không thể đến với bạn được? Nằm dài trên giường bệnh, tuy có họ hàng vây quanh nhưng bạn sẽ phải cảm thọ đau đớn một mình trong cơn hấp hối. Một khi bị Tử Thần bắt đi, thử hỏi tìm đâu ra được anh em bạn bè? Duy chỉ có công đức lành mới cứu được bạn, nhưng hỡi ôi, trong lúc sống có bao giờ bạn nghĩ đến nó đâu?
Vì ngu si, nông nổi không ý thức được hậu quả mai sau nên con người đã bám víu vào cuộc đời phù du này mà tạo nhiều điều xấu ác. Một tên tù binh khi bị hành hình thì thân mình co rút, cổ họng thắt nghẹt, ánh mắt lờ đờ không còn nhận rõ gì nữa. Thử hỏi trong trường hợp của ta sẽ ra sao khi bị bệnh tật, hấp hối hành hạ và nhất là khi bị sứ thần của Diêm Vương bắt đi? Lúc đó mắt ta sẽ hốt hoảng cầu cứu. Nhưng ai là người có thể bảo vệ che chở cho bạn trong cơn hiểm nạn này? Bạn bè ta ư? Người thân ta ư? Không! Chẳng một ai cả! Tìm khắp không thấy ai che chở, sợ hãi bạn rơi vào hôn mê bất tỉnh. Ôi số phận con người sẽ ra sao? Bạn nghĩ rằng chết là hết ư?
Không đâu! Đó chỉ là một trạng thái chuyển tiếp. Có thể bạn không tin, nhưng đó là một sự thật. Mà đến khi bạn lâm vào tình trạng đó thì bạn mới thấy được. Cũng như người ăn cơm thì chỉ có họ mới biết họ no hay đói chứ người khác không thể nào mà biết được. Không thể nói bạn ăn, tôi no được. Nhưng đợi đến khi chứng kiến cảnh ấy rồi thì đã quá muộn, hối hận chẳng kịp nữa. Lại nữa, bạn cho rằng mình thông minh? Không ai có thể bác bỏ ý kiến của mình và tự cho rằng mình tài giỏi. Nhầm rồi bạn ạ! Núi này cao còn có núi khác cao hơn. Cho dù ở địa phương bạn là một người tài giỏi, ở một nước bạn là thần đồng. Nhưng có chắc ra khỏi phạm vi địa phương đó, đất nước đó bạn là người thông minh, vẹn toàn. Bạn cho rằng mình là một người tốt? Một người lương thiện?
Một con người tốt thật sự, ăn ở hiền lành là một người có đầy đủ tính chất cao quý trong mọi hoàn cảnh, dù nghèo khó, đói khát hay sang giàu mà họ vẫn giữ được những đức tính tốt và thiện thì thực sự đó mới là người thiện và tốt. Ai có đủ can đảm cho rằng mình có đầy đủ cái tốt và thiện ấy? Tôi không có tính tham, có thể là không tham gì năm mười ngàn, trăm ngàn, nhưng với bốn năm chục triệu trước mắt chắc gì tôi không tham? Tôi không sân hận khi người ta khen tôi hay làm tôi phật ý sơ sơ nhưng nếu người ta chửi tôi, người thân tôi hoặc ngay cả nhục mạ đánh đập tôi và người tôi thương. Hỏi, liệu tôi có bình thản để đối phó được chăng? Khó lắm! Hiếm ai mà có được bình tĩnh để giải quyết được vấn đề này. Thiếu điều muốn nện cho kẻ kia một trận chí mạng, có khi còn gây họa nữa cũng chừng! Ai dám chắc rằng mình nhẫn nhịn được?
Vốn dĩ cuộc đời chỉ là một vòng tròn thay đổi bất tận mà con người luôn chạy theo những danh vọng, hơn thua trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Để rồi phải hối tiếc khi về già mắt mờ, tai điếc, chân run lập cập đối mặt với tử thần. Khi ấy mới nhắc đến hai chữ “GIÁ MÀ”. Giá mà mình biết thương yêu, nhường nhịn, biết sống vì mọi người thì giờ đâu phải cô đơn, giá mà mình biết sẻ chia tất cả thì giờ mình đâu đói khổ ê chề. Giá mà… giá mà… Rồi một ngày kia tử thần đến gọi, những hành động, những lời nói, những ý nghĩ của bạn đối với mọi người xung quanh sẽ theo bạn đến tận lớp đất nơi bạn yên nghỉ. Để lại cho đời những lời đắng cay tủi nhục. Ôi! Ông ấy chết cũng đáng! Giàu mà keo rít, bo bo giữ của không biết sang sẻ cùng ai, khi cho mượn thì sợ người ta không trả. Lại còn hung dữ, độc đoán. Chết là đáng!!! Hay không? Những lời ấy? Xót xa lắm, thiếu điều không đội mồ dậy được mà thôi.
Tại sao bạn không thương lấy chính gia đình mình? Tại sao bạn không thương lấy chính bạn? Đem tình thương nhỏ nhặt ấy trải rộng ra, khi ấy bạn sẽ có tình thương bao la. Bạn yên tâm đi, nếu bạn cho bao nhiêu thì kết quả bạn thu lại sẽ tuyệt vời hơn. Dù rằng nó chưa kịp đến với bạn trong hiện tại. Nhưng tương lai bạn sẽ là một người có tấm lòng rộng mở và được nhiều người kính trọng. Đã bao lần bạn nghĩ rằng mình đã sai và nhận sai hay chưa? Hay chỉ cho rằng lời mình là đúng, mình luôn đúng? Người khác là sai? Bạn hãy tập cho mình thói quen tự nhận lỗi với chính bạn hơn là nhận lỗi với mọi người bởi không chiến thắng nào vinh quang bằng chiến thắng lấy bản thân mình. Bạn thử một lần mỉm cười với chính bạn, biết lắng nghe bằng cả trái tim, sống hòa nhã với mọi người xung quanh. Khi ấy, hạnh phúc thật sự đến với bạn. Hãy thử xem, bạn sẽ thấy ngay điều đó trong một thời gian không xa. Đừng nghĩ một người ngu sẽ mãi là một kẻ đần.
Tác giả : --TK--