Người bận rộn nhưng không bận rộn, sống giữa chốn bận rộn cũng không biết bận rộn. Nhiều người tội nghiệp đến nỗi không để dành ra được năm phút ngồi chơi và nghỉ ngơi. Nhân viên bây giờ có đủ thứ bận: bận làm việc, bận họp, bận đi ra ngân hàng, bận soạn hợp đồng, bận đánh máy, bận trả lời thư, bận kiểm tra thư điện tử, bận điện thoại, … Nhiều người bận quá không có thì giờ uống nước hay đi vệ sinh?!
Đi kèm theo các thứ bận là đủ thứ bệnh: bệnh ăn nhanh, bênh lăng xăng, bệnh nói đủ thứ, bệnh nói nhiều, bệnh chạy tới chạy lui, bệnh đứng ngồi không yên, bệnh suy nghĩ lung tung, bệnh ăn uống cẩu thả, bệnh căng thẳng thần kinh, bệnh suy nhược thân tâm… Các loại bệnh này không có thuốc trị mà nguyên nhân là các loại bận ở trên. Chắc hẳn ta sẽ sung sướng nhảy cẫng lên khi tìm ra ít nhất một phút không bận rộn, có những giây phút không bận rộn len lõi giữa những giây phút bận rộn, do quá thờ ơ nên ta không nhận thấy.
Thiết kế công việc để có giây phút không bận rộn giúp ta nghỉ ngơi, thư giãn hay thảnh thơi. Bận rộn chỉ là tính từ, nó sẽ không có ý nghĩa nếu ta biết cách không bận rộn. Ai cũng phải làm việc, đó là điều dĩ nhiên, nhưng làm việc cho đầu tắt mặt tối là dại dột, kỹ năng quản lý thời gian để làm gì đến nỗi bận rộn như vậy. Trong cuốn sách “Người chiến binh trong thế giới ảo” tôi có viết về thương hiệu “người bận rộn” cho những người không biết cách làm việc. Người càng bận rộn bao nhiêu thì người đó càng dở ẹt bấy nhiêu. Công việc này làm xong, công việc khác lại tới. Người làm việc giỏi vẫn thảnh thơi giữa khối công việc, không bị khối công việc đó đè chết. Một ngày có tám tiếng làm việc, có người làm việc 10 hay 12 tiếng, nhưng vì biết cách làm việc họ vẫn thảnh thơi như thường. Thảnh thơi không có nghĩa là làm biếng hay lề mề chậm chạp, thảnh thơi là chỉ làm những việc đáng phải làm, không làm những việc không đáng phải làm. Như khi đi học đại học có tất cả 50 đến 60 môn học, nếu học đều hết 60 môn học đó không phải là người giỏi bởi vì họ đang chất chứa kiến thức, người giỏi chỉ học những môn chính và không tập trung quá độ vào các môn còn lại vì họ biết kiến thức này phục vụ cho cái gì.
Thương hiệu “người biết làm việc thảnh thơi” xứng đáng dành tặng cho người nào biết cách làm việc. Khẩu hiệu “don’t work hard, work smart” tức là đừng có làm việc cực nhọc, hãy làm việc thông minh. Người làm việc thông minh không chứng minh mình là người bận rộn, mà chứng minh mình là người làm việc thảnh thơi. Người bận rộn luôn mệt mỏi, căng thẳng khi đối diện với vấn đề thì dễ dàng bị đứt gãy. Người làm việc thảnh thơi luôn bình tĩnh, tỉnh thức khi đối diện với vấn đề thì giải quyết nhanh chóng. Làm việc hết mình không có nghĩa bù đầu bù cổ hay vắt chân lên cổ mà chạy, làm việc hết mình mang yếu tố của thảnh thơi, trong đó người làm việc biết rõ cái mình đang làm phục vụ nhu cầu chính đáng và công việc đang làm là chính đáng, cho nên không bị công việc gò bó hay bóc lột mà chỉ làm việc từ tốn biết tận hưởng công việc. Công nghệ chưa chắc làm ta thảnh thơi, có thể ta phải làm thêm nhiều việc kể từ khi có công nghệ và phát sinh nhiều tệ nạn công nghệ, đồng thời đi kèm theo là ô nhiễm môi trường hay tiêu tốn nhiên liệu. Làm việc theo kiểu truyền thống nhiều khi lại thảnh thơi và thoải mái hơn, sử dụng sức lực vừa phải và thân thiện với môi trường.
Căn bệnh “làm việc hối hả” là bệnh thời hiện đại, giống như kiểu của căn bệnh mua sắm hay căn bệnh tiêu thụ. Hối hả không biết vì cái gì khẩn cấp nhưng tất cả đều phục vụ nhu cầu tiêu thụ. Làm việc hối hả ảnh hưởng đến tình cảm và sức khỏe khi tình cảm bị bỏ bê và sức khỏe không được màng tới. Công việc chiếm hết thời gian bày tỏ tình cảm hay bồi dưỡng sức khỏe. Nhiều khi tình cảm được thổ lộ cũng hết sức hối hả và sức khỏe bị đá đít như đá trái banh. Làm việc hối hả đích thực là một căn bệnh tâm lý xã hội, tâm lý luôn ở trạng thái bị thúc ép, bị chất chứa, bị cưỡng bức hay bị thổi phồng. Tâm lý cạnh tranh với người khác, thích bon chen, thích sướng con mắt, thích khoái lỗi tai, thích nếm hương vị tuyệt hảo, thích thoang thoảng mùi hương thơm hay thích cảm giác mạnh… Mọi thứ đều dẫn đến trạng thái hối hả, ăn hối hả, uống hối hả, nói hối hả, đi hối hả và ngủ cũng hối hả. Dự án kinh doanh cũng hối hả như vậy thì chắc chắn có nhiều sơ hở như quyết định đưa ra hối hả sẽ nhận được phản đối và chê trách, kết quả không thể như mong đợi.
Cuộc sống cưỡng bức bản thân bắt phải làm cái này, hoạch định cái kia và lên kế hoạch cái nọ, mọi thứ xảy ra cùng một khoảng thời gian đưa nhân viên vào một thế giới gọi là làm việc dưới áp lực cao. Quan niệm nhân viên có khả năng làm việc dưới áp lực cao thì sẽ tuyển dụng hay đề bạt là quan niệm ngu ngốc, bởi vì cách làm đó mang tính tự sát, đầy bạo động và xa rời sự sống, bắt con người thành nô lệ công việc hay đủ thứ mục tiêu gì đó. Giá trị nhân viên không nằm những chỗ như vậy mà nằm ở giá trị thảnh thơi của công việc, khả năng tiếp xúc với sự sống và đầu tư cho hạnh phúc nghề nghiệp.
Làm việc vô độ có ích gì khi mọi thứ đều sẽ ra đi, khi đã ra đi rồi thì lại hối tiếc, than thân trách phận, tuổi trẻ đến nhanh và cũng bỏ đi nhanh, tuổi trẻ tôn sùng những hy sinh giả tạo và đòi hỏi những thứ giả tạo trong khi sự thật thì bỏ lơ và không dám công nhận. Sự thật chỉ có bây giờ và ngay tại đây, một phút thảnh thơi quý giá ngàn vàng, một phút hối hả là địa ngục trần gian. Tai nạn xảy ra chỉ trong tích tắc, động đất dù chỉ một phút tàn phá cả thành phố, bão lụt chỉ đến trong giây lát và nói lời chia tay trong đau khổ chỉ có trong một lời thôi. Hãy sử dụng một phút kia làm việc thảnh thơi thì phút nào cũng sẽ thảnh thơi, thảnh thơi mà thắng còn hơn hối hả mà sầu khổ.
Doanh nhân phải biết quản trị thời gian và quản trị thảnh thơi nhưng quản trị thảnh thơi phải đặt lên hàng đầu. Thực tập thư giãn hay thiền định ngay trong công việc vì chính công việc có tính thư giãn và thiền định, nếu không biết cách nhận ra sẽ lãng phí thời gian và vắt kiệt sức lực. Thiền định không phải để trở thành ông Phật hay tu sĩ mà đơn giản giúp thân tâm được quân bình, là cách nghỉ ngơi tích cực và tiếp xúc với sự sống đang hiện tiền. Biết nói “không” với công việc và nói “OK” với thảnh thơi. Có những công việc không tên mà ta cứ mãi dính vào và chôn chặt mình trong đó. Có những thảnh thơi đang ngập tràn và tỏa khắp không gian nhưng ta lại bỏ qua rất uổng phí. Phải biết chia sẻ công việc và đón nhận thảnh thơi. Ôm đồm công việc không phải là giỏi, phân quyền và ủy quyền hợp lý làm gia tăng giá trị thảnh thơi. Niềm tin có khả năng xây dựng giá trị thảnh thơi và làm giảm áp lực hối hả. Nhận ra áp lực để chuyển hóa thành thảnh thơi thì đi đúng hướng, việc này làm cho ta áp lực, phân chia việc này ra thành nhiều việc mang yếu tố thảnh thơi, việc nặng nề cách mấy cũng nhẹ nhàng và êm dịu.
Đức Phật dạy phải biết sống xứng đáng là một con người đúng nghĩa của nó. Sinh ra làm người là một việc hi hữu, cho nên làm ăn ra sao phải thành con người, không thể thành cái máy hay con vật. Không thể sống đa nhân cách, đa hối hả hay đa bận. Thảnh thơi thì không bị bủa vây, có tính xây dựng và tích cực. Bận rộn quá đáng thành ra giả dối, có tính phá hoại và tiêu cực. Thảnh thơi hết mình nhưng không bị chìm đắm trong dục lạc hay đi sai đường lạc lối của thế giới ảo. Bận rộn hết mình nhưng biết tự điều tiết, biết kềm chế và an nhiên tự tại, tức là không bị cuốn vào cái kiểu bận rộn thời thượng, bận rộn nhưng có trật tự. Cuộc sống như vậy thấy đáng sống, sống như người còn sống và biết mình đang sống.
Nguồn: sachminhthanh.wordpress.com