Hãy nói về cuộc đời

1. Con người ta khi sinh ra là đã phải cất tiếng khóc chào đời, chẳng ai cất tiếng cười chào đời cả. Thiên nhiên lạ thế nhưng chắc là có cái lý của nó. Cái lý đó, có lẽ là: con người sinh ra là khổ. Một triết gia rất thâm thuý phương Đông, Đức Phật, từ 2500 năm trước đã phân tích trí lý về nguyên nhân của khổ. Ông bảo chúng sinh đang bị tám thứ khổ đau hoành hành từ thể xác đến tinh thần: sinh là khổ đau, già là khổ đau, bệnh tật là khổ đau, cái chết là khổ đau, bắt buộc phải kết hợp với những gì mình không thích là khổ đau, xa lìa những gì mình yêu quý là khổ đau, không đạt được những gì mình thèm muốn là khổ đau.

Một triết gia khác ở phương Tây thì lại thốt lên: phi lý tôi sinh ra, phí lý tôi tồn tại, và thật phi lý khi tôi chết đi. Có lẽ thế, sự tồn tại của con người và rộng ra, cả thế giới này, là một chuỗi phi lý nối tiếp phi lý... Thế nhưng lại thành hữu lý. Thiên Chúa giáo giải thích sự hữu lý ấy bằng sự tồn tại của một vị Chúa, kẻ đã tạo ra con người và mọi thứ, cả cái tốt và cái xấu, có lẽ thế, mặc dù Kinh Thánh không nói điều này.

2. Khi tôi sinh ra, một cách ngẫu nhiên, đấy là tôi nghĩ thế, tôi sinh vào gia đình tôi như hiện nay; một cách ngẫu nhiên, tôi nghĩ thế, tôi có hình hài như thế này, sức khoẻ và trí tuệ, tính cách như thế này. Và có lẽ cũng ngẫu nhiên mà tôi có một số phận như tôi hiện thời, nhìn chung không quá tệ, mặc dù có lúc tôi đã ước mình khác đi, tất nhiên là tốt đẹp hơn, ngoại trừ thỉnh thoảng tôi có ước ao ngược lại: mong mình tồi tệ hơn.

Phải, cuộc đời tôi không có gì đáng phàn nàn lắm, nếu như đối chiếu với một quan niệm của ai đó: người hạnh phúc là người có được 3 điều: có ai đó để yêu, có việc gì đó để làm, có điều gì đó để hy vọng. Những điều trên tôi có cả, có lúc còn vượt xa hơn thế, chẳng hạn có lúc tôi có tới vài người để yêu, một đống việc để làm và với rất nhiều tham vọng. Lạ là ngay cả những lúc ấy tôi cũng thấy mình thiếu thiếu cái gì đó. Thiếu gì nhỉ? Hàng ngày tôi vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn làm, nói cười với tất cả mọi người, yêu thương người mình yêu và được người ta đáp trả, có khi thật nồng nàn. Vậy nhưng vẫn thiếu, tôi không biết là thiếu gì?

Cho đến một ngày, một ngày trời không đẹp cũng không xấu, không có gì đặc biệt, nhưng đột nhiên tôi thấy sống chán quá, cuộc sống là một gánh nặng. Chán quá vì nó nhàm. Ngày nào cũng như ngày nào. Chán vì những lo toan vụn vặt: cơm áo gạo tiền. Chán vì đột nhiên tôi hỏi: nếu mai mà mình chết thì bao nhiêu toan tính, vun vén của mình thành không, số không, một con số tròn trĩnh y như cái vòng đời lẩn quẩn mà tôi, ta vẫn mãi miết và mù quáng đi. Cuộc sống từ khi làm người là tôi đã gánh trên vai mình những trách nhiệm với bổn phận. Rất thường xuyên tôi phải làm những điều tôi chẳng thích thú gì, thậm chí là căm ghét, để rồi thấy mình thật tồi tệ. Có lúc tôi sống không phải cho mình mà cho ai đó, và rồi cũng chẳng phải là cho một ai đó cụ thể cả. Tại sao lại phải như vậy nhỉ? Đột nhiên tôi thấy mình buồn cười. Đột nhiên tôi thấy mình ngớ ngẩn. Tại sao mình cứ phải lao vào cuộc sống như là mình sống mãi, như là mình có thể hưởng thụ tất cả những gì mình vun vén mãi mãi vậy nhỉ? Tại sao tôi phải sợ hết cái này cái khác, chịu hết cái này cái khác để không còn là mình nữa nhỉ?

Tôi nói thế chẳng phải là tôi theo chủ nghĩa tự nhiên có thể đứng đái giữa quảng trường, chứ không phải là đứng đái ven đường thì thường quá; cũng không phải là kẻ có thể cởi truồng chạy nhông nhông ngoài đường tìm kiếm cảm giác nào đó khả dĩ thấy rằng mình tồn tại, như một số người có thể làm, mặc dù đã có lúc và nhiều lúc tôi muốn làm điều gì đó thật điên.

3. Cách hôm nay hơn 10 năm, chuẩn ra là 16 năm, tại ngôi nhà của cha mẹ tôi, trên cái bàn gỗ cũ kỹ từ thời bao cấp, tôi đã viết dòng nhật ký thế này: 1 năm nữa, cũng giờ này, ngày này, tháng này không biết mình ở đâu, đang làm gì và như  thế nào nhỉ? 3 năm sau đó, rồi 3 năm tiếp sau nữa tôi vẫn có những câu hỏi tương tự. Chắc nhiều người cũng như tôi, ai chẳng có lúc tự hỏi mình có thành đạt không, có giàu có không, vợ (chồng) mình là ai, con mình như thế nào.v.v và .v.v..? Cho đến bây giờ tôi vẫn thường có những câu hỏi tương tự như vậy, mặc dù đã có lúc nhìn lại để trả lời cho câu hỏi của 10, 15 năm trước và biết mình làm được chẳng bao nhiêu và biết rõ hơn rằng câu hỏi đó thật vô ích. Có lần tôi đùa đùa một người đồng nghiệp già khá thành đạt: bao giờ cháu được như chú nhỉ? Bạn biết người đó nói gì không? Chắc là không! Người đó nói: đừng ước được như tớ bây giờ, rồi sẽ đến một ngày cậu giống tớ ước trở lại cái ngày còn trẻ!

4. Cuộc đời có vô khối thứ khiến ta buồn bực, khiến ta không hài lòng. Hôm nay bị sếp mắng, hôm qua thì bị bạn quay lưng lúc ta cần chúng nhất, còn ngày mai,.... Có lúc tôi tự nhủ: nếu việc này được thế này thì mình chẳng phải lo gì nữa. Khi việc như tôi ước, tôi lại mong nó phải thế khác cơ,... Con người ta luôn hướng thượng, luôn mong muốn vượt lên trên người và vượt quá chính mình. Điều đó thì dễ hiểu. Nhiều lúc tôi chợt nghĩ phải chăng quả thật con người ta sinh ta từ sự ngẫu hứng hay trong cơn say, hoặc là lúc đãng trí của một kẻ thần thánh nào đó. Và cuộc sống là hệ qủa của sự đỏng đảnh của thần thánh? Sẽ chẳng là gì cả nếu một mai ta không thức dậy nữa, như nhạc sĩ tôi yêu là Trịnh Công Sơn đã viết:

"Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên  kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi…"

Điều khó hiểu là ta lại luôn buồn bực vì những vụn vặt hàng ngày, về những đòi hỏi của chính ta không được đáp ứng, mà chuyện vụn vặt thì là "việc hàng ngày ở huyện", còn đòi hỏi thì luôn diễn tiến tăng lên theo cấp số nhân khi mong muốn của ta được thoả mãn. Mà cuộc sống thì luôn phải đối diện với khó khăn. Ta muốn thoát khỏi nó thật nhanh, muốn ta thành một ai đó, một mẫu hình nào đó ta ước ao, mà quên mất rằng cuộc sống bên ta và thời gian đang trôi. Một ngày nào đó chợt tỉnh, nuối tiếc những ngày tháng đã qua lãng phí. Tại sao ta lại để những lo lắng dày vò, để nỗi tức giận bóp chết niềm vui sống của ta, chiếm đoạt lấy khoảng lớn đời ta? Ta có 20 năm để lớn, 30 năm để già, chỉ 20 năm cho tuổi trẻ, đó cũng là thời gian của ham muốn, thất vọng và thụ hưởng. Phải đợi đến lúc nào nữa mà không phải là ngay bây giờ nhỉ, để tận hưởng cuộc sống, dù còn nhiều khó khăn và gian lao thường trực?

Previous Post
Next Post