"Sống giữa đời này chỉ có
thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu là vô hạn" - Nhạc
sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn khi sinh thời đã từng nói như thế, viết như thế.
Mỗi khi buồn, tôi thường tìm nghe
bản nhạc Trịnh nào đó như một bản năng. Tôi cũng không hiểu vì sao…Có lẽ là vì
cảm giác vô hình về một bàn tay chạm nhẹ vào nỗi buồn sâu thẳm trong tôi, và
khẽ khàng xoa dịu nó! Tôi luôn muốn lý giải điều đó, nhưng thật khó khăn giống
như việc cắt nghĩa những ca từ triết học của Trịnh vậy.
Những ca khúc của Trịnh, giống
như cơn gió tình yêu cuộc sống dịu dàng lùa vào trái tim. Lòng lại tự nhủ rằng
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn
đi, để gió cuốn đi…”. Vâng, dù chỉ để gió cuốn đi thôi, bạn nhé bởi vì “ngày
sau sỏi đá cũng cần có nhau”.
Tôi những muốn “mỗi ngày tôi chọn
một niềm vui” và sẽ “yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người”…Một thứ âm hưởng nhẹ
nhàng thoát ra từ những lời ca ấy.
Khi chia tay với mối tình đầu,
nghe ca khúc “Như một lời chia tay” tôi lại thấy lòng mình nhẹ như mây bay,
thấy một đoá hoa vàng mỏng manh nơi cuối trời thật đẹp. Chợt chiêm nghiệm ra
một điều giản dị rằng: “Tôi đi bằng nhịp điệu/ Một, hai, ba, bốn, năm/ Em đi
bằng nhịp điệu/ Sáu, bảy, tám, chín, mười/ Ta đi bằng nhịp điệu, nhịp điệu
không giống nhau/ Ta đi bằng nhịp điệu, nhịp điệu sao khác màu” cho nên “làm
sao ta gặp, làm sao ta gặp được nhau…”, nhưng vẫn muốn gửi tới một người lời tạ
từ: “dù đến rồi đi ta cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời…”
Những ca khúc của Trịnh Công Sơn
thoát thai từ cuộc sống, giản dị mà cũng sâu sắc như chính cuộc sống vậy. Và vì
thế mỗi người luôn tìm được điều gì đó thật gần gũi trong mỗi lời ca ấy. Nghe
nhạc Trịnh có thể ta chưa hiểu hết lời nhưng vẫn cảm nhận được một sự đồng cảm
vô hình nhẹ nhàng chạm tới trái tim
Và có lẽ không thể không nói tới
Diễm xưa trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Diễm xưa đã vượt
qua “những mùa mưa nắng khắc nghiệt” sống mãi trong lòng bao thế hệ người nghe
nhạc bằng một thứ triết lý sâu sắc đến đớn đau: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có
nhau”
Diễm xưa, gợi cho ta nhớ về xứ
Huế của những tháng năm cách đây hơn nửa thế kỉ. Cố đô lặng lẽ như một giấc
chiêm bao đã đi vào thi phẩm Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử đầy hư ảo: “Gió theo
lối gió mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay/ Thuyền ai đậu bến sông
trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay”
Mảnh đất vốn mang nhiều bóng hình
của quá khứ với những đền đài, lăng tẩm ấy là nơi ghi đậm dấu ấn của mối tình
éo le của người nhạc sĩ tài hoa:
Mưa vẫn bay bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thủa mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Xuyên suốt bài hát là bóng hình
mong manh của cô thiếu nữ xứ Huế đi về trên những con đường “hun hút” và cả
trong nỗi khắc khoải mong chờ của người nghệ sỹ. “Thuở ấy có một người con gái
rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường
Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy
vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng
theo qua” – Ấy là giai thoại nổi tiếng do chính tác giả đã kể lại về mối tình
đã tạo nên bản tình ca Diễm xưa mĩ lệ.
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa
Thật khó có thể cắt nghĩa được vẻ
đẹp mơ hồ, huyền ảo của Diễm xưa. Phải chăng, đó là do những triết lý mang
chiều sâu nhân sinh trong sự hoà quyện cái vô sắc, vô hình, và cái hư ảo của
tình yêu tuổi trẻ? Mỗi lần nghe những câu hát đó, tôi lại cảm thấy nỗi đau cứa
qua tâm hồn:
Mưa vẫn hay mưa, cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…
Diễm xưa đã được dịch ra tiếng
Nhật dưới nhan đề Utsukushii mukashi (tạm dịch là Nét đẹp xưa) và sau này được
thể hiện bởi giọng ca trứ danh Yoshimi Tendo. Utsukushii mukashi được đánh giá
là một trong những bản tình ca hay nhất mọi thời đại của Nhật Bản:
Ai là người đã bảo tôi rằng
Nơi cuối con đường ấy có tình yêu
Tình yêu mà em không hề biết
Phải chăng đấy là lời của gió
Hay những lời đồn thổi
Giá như em có thể ở bên tôi
Ở bên tôi mà không hề biết đến tình yêu
Tôi đã mơ thấy
Giờ đây tôi ở bên em
Cho đến cuối cuộc đời
Vậy mà…
Giờ đây ở phía cuối con đường
Tôi vẫn tìm kiếm tình yêu
Còn em
Em đã biến mất theo làn mưa
(Tạm dịch Diễm xưa từ lời tiếng
Nhật)
Có lẽ Diễm xưa đã chinh phục
người Nhật bởi giai điệu khắc khoải, sâu lắng thực sự gần gũi với mỹ cảm của
họ. Trên phương diện nào đó, âm nhạc của Trịnh Công Sơn dường như giúp ta thấy
sự giao cảm giữa tâm hồn của hai dân tộc. Và tôi tự hỏi, trong những bản tình
ca hay nhất của Việt Nam ,
liệu có thể thiếu Diễm xưa?
Lê Anh - Nguyên Anh