Khổng tử nói: “Không sợ người không hiểu ta, chỉ sợ ta không hiểu người”. Đây cũng rất giống cách sống vô ngã của Phật gia—yêu người và không chú tâm vào ta. (Dù là ở nhiều điểm khác thì Khổng giáo không vô ngã).
Đây là điều rất quan trọng trong giao tiếp và ngoại giao, và rất nhiều người lầm lỗi. Mình đã gặp nhiều nhà ngoại giao của các nước, và rất nhiều người chú tâm vào làm người khác hiểu nước họ, nhưng không chú tâm vào họ hiểu nước khác.
Sở dĩ người ngoại giao chuyên nghiệp cũng có lầm lỗi nầy thường xuyên là vì họ tự cao và xem thường nước khác, họ đã có thành kiến là nước kia tồi tệ dốt nát, hay gian ác, và đó là họ đã “hiểu” nước kia. Bây giờ họ chỉ cần nước kia hiểu họ.
Nhưng với thái độ đầy thành kiến và kiêu căng với nước kia như thế, mình càng cố làm cho người ta hiểu mình, người ta lại càng ghét mình.
“Hiểu người”, không phải là chỉ “hiểu” với con mắt đầy thành kiến và khinh khi của mình. Hiểu người là “đặt mình vào vị thế người kia”, là “put yourself in the other’s shoes”, là thông cảm, thấu hiểu những tình cảm, những âu lo, những khó khăn của người kia, để hiểu một cách sâu sắc tại sao người ta làm điều người ta làm.
Hiểu người thực sự là hiểu như hai người yêu nhau hiểu nhau, không phải như hai đại địch “hiểu” nhau.
Và đương nhiên là muốn hiểu người kia thì bạn phải yêu người đó, có lòng nhân ái với người đó. Tự “đặt ta vào đôi giày của người đó” mà thiếu tình cảm và đồng cảm thì cũng không được.
Ví dụ: Một quan chức nhà nước tự đặt mình vào vị trí dân quê bị cưỡng chế đất đai và đang khiếu kiện, xong rồi quan chức kết luận: “Tôi đã đặt tôi vào vị thế của những người dân khiếu kiện, và tôi thấy là nếu tôi là họ thì tôi cũng nhận thấy là các quan chức nhà nước đã làm đúng mọi việc, tuân theo luật lệ rõ ràng, tiền bồi thường đúng luật, vậy thì tôi sẽ vâng lời nhà nước và chẳng kiếm chuyện gì cả.”. Đây là quan chức đặt mình vào đôi giày bé xíu của dân quê, hay là vào chính đôi giày bốt của mình vậy?
Đặt mình vào vị thế của một người khác, là nhìn vấn đề với trái tim, cảm xúc, lắng lo, uất ức, và tư duy của người đó. Và ta chỉ làm thế được nếu ta yêu người đó.
Quan phải yêu dân thì mới có thể nhìn vấn đề trong vị thế của người dân.
Lãnh đạo phải yêu thuộc cấp thì mới có thể nhìn vấn đề với con mặt của thuộc cấp.
Ta phải yêu người mới có thể nhìn vấn đề với con mắt của người.
“Hiểu người” là hiểu bằng trái tim, không bằng lý luận, nhất là lý luận hơn thua.
Lòng nhân ái là cánh cửa đưa vào trí tuệ.
Yêu người và hiểu người luôn đi đôi với nhau. Yêu người sẽ tự động đưa đến hiểu người. Tình yêu luôn luôn là ánh sáng của trí tuệ.
Và khi ta đã hiểu người thì tự nhiên người sẽ hiểu ta, kể cả khi người có hiểu lầm lúc đầu. Không cần phải cố gắng để cho người hiểu ta.
Nếu bạn thực lòng yêu người yêu của bạn, vợ/chồng bạn, người ấy không hiểu được bạn sao?
Nếu bạn thực lòng yêu bạn của bạn, đồng nghiệp của bạn, hàng xóm của bạn, những người ấy không hiểu được bạn sao?
Yêu người thì tự nhiên hiểu người, và người tự nhiên yêu mình và hiểu mình.
Điều quan trọng hơn thế là: Nếu tâm ta không vướng bận vào cái tôi của mình, mà cứ lẵng lặng yêu người, hiểu người, làm điều gì ta nghĩ là tốt cho người, không mong cầu gì cho ta cả, thì trời đất thánh thần hiểu ta ngay tức thì. Một tiếng khảy móng tay có thể rung động đến vô lượng thế giới. Một trái tim vô ngã như thế há không làm cho vô lượng thánh thần mỉm cười hay sao?