Lãng mạn để làm gì?

(Đối thoại với GS. TS Bogdan Wojciszke về tình yêu không lãng mạn)

* Đọc cuốn sách “Tâm lý học tình yêu” của giáo sư, nhiều người có cảm giác, một trong những mục đích chính của tác giả là thanh toán đến cùng huyền thoại tình yêu lãng mạn vô tích sự.

- Tôi không hề nói, tình yêu lãng mạn là vô tích sự.

* Nhưng giáo sư đã viết: “Sự sùng bái tình yêu lãng mạn thời nay nhiều lúc phổ biến không khác gì tính không thực tế của nó”.

- Bởi tôi không chấp nhận việc thổi phồng nó lên tầm cỡ dạng tình yêu duy nhất cần trải nghiệm và tôn vinh bằng nghệ thuật. Điều đó thật vô nghĩa. Nó giống như việc mô tả cuộc sống con người độc nhất tập trung vào thời điểm 14 tuổi. Trong khi đời người đâu chỉ có một năm?

* Vậy theo giáo sư, chúng ta quan tâm đến tình yêu lãng mạn vì lý do gì?

- Có thể vì tính mãnh liệt của sự trải nghiệm tình yêu lãng mạn, mà ở mức độ lớn bị chi phối bởi cơn bão hormone. Khi ấy chúng ta không hiểu nhiều về thực tế chuyện gì đang xảy ra trong chính mình và chung quan. Chúng ta cảm thấy như con bò không biết vì sao có thể bay bổng lên không trung.

* Có nghĩa, chúng ta thích được phóng đại nhờ trạng thái nhiễm độc hormone ngắn ngủi?

- Đúng thế. Và tôi có cảm giác đó là sự dị thường của nền văn hóa hiện đại - nỗ lực tập trung phiến diện vào điều gì đó hết sức mơ hồ. Tôi cũng ngạc nhiên bởi sự đồng nhất trạng thái này, hay làn sóng này, tình cảm với người thứ hai với tình yêu nói chung. Nền văn hóa hiện đại không cung cấp bất cứ hình mẫu yêu đương nào theo cách khác. Trong khi hình thức tình yêu khác tồn tại nhiều lần dài hơn. Tôi không có mục đích lên án tình yêu lãng mạn, tôi chỉ muốn lưu ý mọi người rằng, việc sùng bái nó như tình yêu duy nhất là hành động khá dị thường.

* Theo giáo sư, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn, một khi không vỗ ngực tự khen mình?

- Việc quảng bá chỉ một dạng tình yêu gắn liền với hậu quả: Mọi người không biết, có thể yêu thế nào bằng cách khác. Bởi một khi trạng thái lãng mạn thăng hoa tắt dần (bản chất tự nhiên của các hợp chất hormone), chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng, vỡ mộng, chúng ta tự trách mình, và còn đổ lỗi cho đối tác nhiều hơn, vì đối tác không xứng với hôn nhân và không biết yêu. Điều đó hoàn toàn không cần thiết. Tất nhiên, thật thú vị, khi gắn bó với ai đó có lòng tin rằng, trạng thái thăng hoa sẽ tồn tại vĩnh cửu. Tuy nhiên, chắc chắn hữu ích hơn - một khi ngay từ đầu đã ý thức được rằng, sớm muộn gì tình cảm đằm thắm hoàn toàn vô tư cũng chấm dứt.

* Có nghĩ, sẽ tốt hơn - một khi yêu bằng lý trí? Vậy tình cảm thông minh và chín muồi dựa trên nền tảng gì?

- Đơn giản, trạng thái bị quyến rũ bởi người thứ hai đóng vai trò hết sức quan trọng.

* Nghe có vẻ quá chung chung. Giáo sư có thể giải thích thêm về trạng thái bị quyến rũ đó?

- Vấn đề là chấp nhận sự khác biệt. Ở đây tôi không muốn sử dụng từ sự khoan dung, bởi nó độc nhất xui khiến người ta suy diễn đến nỗ lực bỏ qua những hành vi tiêu cực. Trong khi mục đích ở đây là sự cần thiết ngưỡng mộ yếu tố khác biệt của người khác. Theo tôi, phần lớn những thú vị chắt lọc từ cuộc sống chung của hai cá thể khác giới dựa trên những khác biệt trong cảm nhận thế giới, dựa trên sự phát hiện những sự khác biệt ấy và thích thú với chúng. Bởi việc tôi và những cá nhân giống tôi nhìn nhận thực tế quanh mình thế nào, tôi biết rất rõ. Chỉ đến khi gắn bó với người phụ nữ, đấng mày râu mới ý thức được rằng, hoàn toàn có thể nhìn thế giới theo cách khác. Và thậm chí nếu mối quan hệ kéo dài 20 năm hoặc lâu hơn, yếu tố khác biệt này vẫn gây ngạc nhiên. Đây chắc chắn là dạng thú vị chắt lọc từ cuộc sống chung khác hẳn trạng thái thăng hoa lãng mạn. Dạng thú vị khác hẳn này chắc chắn mạnh mẽ hơn, nhiều dấu ấn hơn cho dù có thể khá nực cười - nếu nhìn từ góc độ khác.

* Tuy nhiên sự quyến rũ bởi tính khác biệt của người thứ hai có lẽ vẫn chưa đủ để tạo ra mối quan hệ bền vững?

- Tất nhiên, những thành phần khác cũng hết sức quan trọng. Trước hết là sự thông cảm và giúp đỡ nhau. Thiếu hụt sự hỗ trợ của người thứ hai không chỉ dẫn đến trạng thái tâm lý tiêu cực, mà cả năng lực trải nghiệm cuộc sống của cá thể. Có chi tiết thú vị: Vài năm trước, khi người ta công bố kết quả những công trình nghiên cứu lớn, trong đó có ai đó đã nảy ra ý tưởng tuyệt vời: Tách biệt sự hỗ trợ nhận được ra khỏi sự hỗ trợ của người cho. Kết quả cho thấy: Không phải sự trợ giúp nhận được hưởng thụ tác dụng của việc làm tốt. Việc nhận được là thú vị, song sự cho mới hưởng thụ cái gọi là việc làm tạo ra ý nghĩa. Hiểu đơn giản, nó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Vả lại điều này có lẽ thấy rõ trong một số nghề - nếu ai đó là thầy thuốc và mang lại tâm trạng thoải mái hoặc cứu mạng sống cho người khác, đối tượng sẽ không phải băn khoăn, liệu việc làm của mình có ý nghĩa. Chính nhờ mối quan hệ với đối tác, cuộc sống con người trở nên có ý nghĩa. Sự cô đơn thực sự khó chịu.

* Như vậy quyến rũ là sự khác biệt và hỗ trợ dành cho đối tác. Còn gì nữa không? Trong cuốn sách của mình giáo sư viết: “Sự quy củ của chủ nghĩa hiện thực không giết chết tình yêu, trái lại hoàn toàn cần thiết đối với sự tồn tại của mối quan hệ hai người”. Có thể hiểu, lý trí thay vì những ngọn lửa tình cảm?

- Thực chất khởi đầu mối quan hệ không cần phải làm gì, bởi mọi việc tự nó diễn ra. Đó là trạng thái hết sức dễ chịu. Tuy nhiên đến thời điểm nhất định, người tỉnh táo sẽ nhận ra sự cần thiết phải quan tâm và hoàn thiện mối quan hệ hai người.

* Quan tâm và hoàn thiện bằng cách nào?

- Có câu nói tôi thích nhắc lại: Thay vì mệt người tìm cách làm thay đổi tính nết của vợ, hãy nghĩ cách, tự làm mới bản thân thế nào, để cô ta có thể chịu đựng. Tôi nghĩ, nhiều người - dĩ nhiên không phải tất cả đều ý thức được điều đó.

* Đã nhiều người “biết điều” như vậy, vì sao thực tế vẫn nhiều đám ly dị?

- Sự phát triển của nền văn minh là nhân tố chính phá vỡ hôn nhân. Nói chính xác hơn: Trình độ văn hóa và sự giải phóng phụ nữ.

* Giáo sư đổ lỗi cho phong trào giải phóng phụ nữ?

- Tôi hoàn toàn không có ý đổ lỗi hôn nhân đổ vỡ cho phụ nữ. Tôi cũng không cho rằng, các phu nhân có học và độc lập về tài chính có thiên hướng ly hôn nhiều hơn. Tuy nhiên chắc chắn sự giải phóng về kinh tế và giáo dục phụ nữ đã va đập một cách đau đớn với hình mẫu đã được “tạc hình” trong nền văn hóa về vai trò của hai cá thể trong hôn nhân, theo đó đấng mày râu là nhân vật chi phối, người vợ cần phải ngoan ngoãn phụ tùng và lệ thuộc. Vậy nên, nếu chúng ta học được cách sống bình đẳng, khi ấy nhân tố giải phóng sẽ chấm dứt tác dụng tiêu cực. Còn một yếu tố khác có thể tác động mạnh mẽ đến sự không bền vững của hôn nhân. Đó là thực tế: Chúng ta đang sống trong thời đại chủ nghĩa khoái lạc và tiêu thụ tác yêu tác quái. Nhiều người gần như chỉ tập trung vun vén những thú vị của riêng mình, cùng lúc đạo lý nghĩa vụ bị biến mất.

* Chẳng lẽ, thực tế bi đát như vậy?

- Tôi không chứng tỏ điều đó. Tuy nhiên phải công nhận thực tế: Con người thời nay kỳ vọng quá nhiều vào cuộc sống và không hề muốn hạnh phúc. Quá khứ không phải lúc nào cũng thế. Thời những năm 60, thế kỷ trước, có ai đó đã hỏi Tổng thống Pháp de Gaulle, liệu ngài có mong muốn hạnh phúc, lãnh tụ Pháp đã đáp lại bằng câu hỏi: “Ngài nghĩ tôi là kẻ điên rồ?”. Mối quan hệ gần gũi với “nửa thứ hai” thường trở thành nguồn gốc thất vọng lớn, nhất là một khi chúng ta coi “nửa thứ hai” như món ăn để tiêu thụ. Vì thế mọi người bỏ chạy với hy vọng mọi khổ đau sẽ biến mất - một khi xuất hiện trục trặc trong mối quan hệ với đối tác. Có thời chuyện như thế không xảy ra, bởi đơn giản: Con người không tự do như hiện nay.

* Liệu cuộc trốn chạy này chỉ là sự né tránh đau khổ một cách hình thức?

- Tôi nghĩ, trong đó có nhiều yếu tố hình thức. Có thể vì nó như ảo tưởng khác - giống như tôi sẽ hạnh phúc hơn, khi mua xe hơi mới hoặc từ căn nhà bé đổ sang căn nhà rộng hơn. Vấn đề không đơn giản như vậy, nếu biết rằng, cảm giác hạnh phúc khá nhanh chóng quay về điểm xuất phát. Các chuyên gia tâm lý đã lượng tính được khá chính xác, khoảng 10% cảm giác hạnh phúc phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài như tuổi tác, hôn nhân ổn định, mức thu nhập… 10% thực sự không nhiều. Trái lại khoảng 40% cảm giác hạnh phúc con người gom từ thực tế, liệu chúng ta có sống đúng với sở thích và năng lực của bản thân.

* 50% còn lại là gì?

- Tùy thuộc vào những đặc điểm cá tính và dường như do gene di truyền quyết định.

Previous Post
Next Post