Sự thật sẽ làm thăng hoa trí tuệ và nhân cách

Thánh Mahatma Gandhi là người dám tự hào nói: “Tôi không bao giờ biết nói dối”. Sở dĩ ông có được đức tính đó là nhờ sự giáo dục của bà mẹ. Lúc còn nhỏ, một hôm đi học về, sợ bị quở trách, ông đã dối mẹ. Bà mẹ biết, liền nhất định không ăn cơm, dù cho Gandhi khóc lóc van xin. Bà nói với con: “Mẹ thà thấy con chết hơn là thấy con nói dối. Vì nói dối là tỏ mình có một tâm hồn khiếp nhược. Có con như thế là cái nhục. Mẹ không muốn sống nửa”. Gandhi bèn thề với mẹ suốt đời không bao giờ nói dối. Ông là một nhà chính trị lãnh đạo cuộc kháng chiến bất bạo động giành độc lập cho Ấn Độ, thế mà ngay đối với kẻ thù, ông cũng không bao giờ gian dối để được việc cho mình.

Trong năm học 2006-2007, toàn ngành giáo dục quyết tâm thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong học tập”. Nói nôm na là không gian lận trong thi cử và không gian dối trong học tập, cũng có nghĩa thi cử và học hành phải trung thực, tức là đúng sự thật.

Ông tân bộ trưởng rất có lý khi khởi đầu công cuộc chấn hưng giáo dục bằng sự trung thực, bởi vì ở bất cứ xã hội nào nhà trường cũng là bức tường cuối cùng bảo vệ sự trung thực; bức tường đó sụp đổ tất đưa đến sự hư vô hoá mọi giá trị khiến đạo đức suy đồi và xã hội băng hoại. Sự gian dối thường gắn liền với quyền lợi của rất nhiều người có chức quyền và đã ăn quá sâu trong nếp nghĩ nên hầu như xã hội đã coi đó là chuyện bình thường. Vì thế “nói không” ở đây phải là hành động cụ thể, là thái độ cương quyết xuất phát từ lòng yêu quí và tôn trọng sự thật. Đức tính nầy không thể cứ phát động phong trào hay nêu lên khẩu hiệu là có được, mà phải do một quá trình giáo dục từ trong gia đình cho đến nhà trường và xã hội.

Còn đối với những người có trách nhiệm trong xã hội, đặc biệt ở ngành giáo dục, sự trung thực hay chân thật đòi hỏi nhiều dũng khí, dám phân tách tìm hiểu, nhìn nhận và nói lên sự thật. Giống như mỗ một khối ung nhọt bao giờ cũng phải can đảm chịu đau đớn. Bởi vì theo lời Merleau Ponty: “Điều khủng khiếp khi người ta tìm sự thật chính là đôi khi tìm thấy nó” (Ce qu’il y a de terrible quand on cherche la ve1rite1, c’est que parfois on la trouve). Nhờ khám phá và nói lên sự thật, rồi hành động theo sự thật, xã hội mới đổi mới, nhân loại mới tiến bộ.

1. Sự sống chỉ có thể phát triển trong môi trường sự thật

Người La Mã có có câu “Vita in motu” để nói lên đặc điểm của sự sống là chuyển động. Ông bà ta có lý hơn khi hơn khi nói “biết thì sống”. Dù là cỏ cây, nhờ “biết” đất tốt rễ mới hút nước và chất khoáng nuôi thân và “biết” hướng tàng lá về phía ánh sáng để quang hợp. Động vật nhờ các giác quan biết môi trường sống chung quanh để tìm nguồn thức ăn và tránh được kẻ thù hãm hại. Con người không những nhờ giác quan mà còn dùng lý trí để dần dần hiểu rõ và làm chủ thiên nhiên giúp cho sự sống không ngừng phát triển tốt hơn.

Rồi con người lại biết sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt ý nghĩ của mình cho người khác và truyền thông sự hiểu biết từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Những hiểu biết ngày càng thêm phong phú giúp nhân loại khám phá sự thật về mọi mặt của vũ trụ, hữu hình cũng như vô hình. Chỉ vì không biết được kịp thời cơn sóng thần cuối năm 2004, hàng trăm ngàn người dân Nam Á và du khách phải chết, hay gần đây vì không được thông tin đúng về hướng đi của bảo Chanchu, nhiều ngư dân miền Trung mất tích.

Bệnh nhân không cho thầy thuốc biết các triệu chứng bệnh thì thầy thuốc không chữa được. Trong phân tâm học, nhờ gợi lại từ nơi tiềm thức sự thật đã xảy ra trong quá khứ mà dần dần bệnh nhân thoát khỏi các ức chế, hoang tưởng hay dồn nén lâu ngày. Trong một tập thể, dù nhỏ hay lớn, đầy dẫy dối trá, có quá nhiều “chuyện nói dzậy mà không phải dzậy”, con người không thể sống thoải mái vì chỉ có đố kị chia rẽ và tập thể đó dĩ nhiên cũng không sao phát triển được.

Như vậy sự thật cần thiết cho sự sống con người và xã hội chẳng khác nào khí thở vậy.

Cũng nên nhắc ở đây trong tâm thức chung của loài người, sự dối trá xảo quyệt bao giờ cũng là thuộc tính được gán cho Sa tăng, quỉ dữ hay thế lực đen tối luôn rình rập hãm hại sự sống con người.

2. Giáo dục lòng yêu quí sự thật được bắt đầu từ trong gia đình

Gia đình là cái nôi của sự sống đồng thời cũng là cái nôi của sự thật. Chính trong gia đình, qua cha mẹ và những người thân gần nhất mà đứa trẻ khám phá ra thế giới chung quanh, bằng những câu hỏi “Cái gì đây?”, Thế nào?”, “Tại sao?” v.v… thể hiện lòng yêu quí sự thật một cách ngây thơ. Ở giai đoạn đầu đời, trẻ con không biết nói dối, chúng thấy sao nói vậy nên dân gian mới bảo “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”.

Khi đứa trẻ có trí khôn biết suy nghĩ thì do nhiều nguyên nhân nó bắt đầu biết nói dối. Đây là lúc cha mẹ cần theo dõi uốn nắn và đặc biệt làm gương cho con cái bằng cách không bao giờ nói dối và luôn giữ lời hứa với con. Nhưng không nói dối chưa đủ, cần phải tập cho con biết nói thật, sống chân thành và ngay thẳng. Dần dần giúp cho con hiểu: Chân thật không phải là nói hết những điều mình nghĩ mà không được nói sai điều mình nghĩ.

Sở dĩ trên đời có những kẻ nói dối dễ dàng, chẳng qua là do họ lớn lên trong môi trường có nhiều gian dối và cha mẹ hay những người lớn chung quanh đã làm gương xấu cho con trẻ. Lời nguyền rủa của Kinh thánh dành cho những kẻ nầy là: “Chỉ đáng cột cối đá mà thả xuống biển” hay “Thà chúng đừng sinh ra thì hơn!”.

3. Trường học chỉ có thể là môi trường truyền đạt sự thật và là nơi có nhiều tấm gương trung thực.

Trong nhà trường, dạy học không phải là tuyên truyền mà chủ yếu truyền đạt sự thật để từ đó khơi dậy và phát huy nơi người học lòng yêu thích đi tìm sự thật. Nhờ vậy mà từ trường học, nhân loại mới có được những nhà bác học đam mê tìm tòi khám phá sự thật trong mọi lãnh vực.

Khi tuyên truyền, người ta có thể thông tin một phần sự thật, còn sự thật trong nhà trường phải là 100%, bởi vì “nữa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng nữa sự thật chưa phải là sự thật”. Nghệ sĩ Lê Vân trong cuốn tự truyện “Yêu và sống” còn đi xa hơn: “99% sự thật cũng chưa là sự thật”.

Nội dung chương trình học ở nhà trường phổ thông thường bao quát nhiều phạm vi trí thức của nhân loại, nên khi đề cập những vấn đề nhạy cảm liên quan đến niềm tin chẳng hạn, truyền thống giáo dục của một nước dân chủ là tôn trọng sự tự do lựa chọn của cá nhân và gia đình người học, chứ không o ép hay áp đặt khiến người dạy và người học phải nói hay viết không đúng với điều mình tin. Thí dụ, sau sự kiện các nhà ngoại cảm tìm được hàng trăm ngàn hài cốt liệt sĩ, bức màn bí mật của thế giới tâm linh được vén lên phần nào. Đó có thể là điều mà trước đây nhiều người cho là mê tín dị đoan. (*) Ngay như lịch sử đáng lý là môn học hấp dẫn giúp cho người công dân tương lai làm chủ vận mệnh đất nước, “dân ta phải biết sử ta”. Vậy mà tại sao học sinh chúng ta lại yếu kém hơn hết về môn nầy trong các kỳ thi phổ thông và tuyển sinh đại học? Phải chăng đó là cái giá phải trả cho việc nội dung môn sử ở nhà trường chỉ nhằm phục vụ cho chính sách ngắn hạn trước mắt, nghĩa là chỉ để tuyên truyền, nên không thuyết phục người dạy cũng như người học? (**)

Người thầy trong trường học còn phải là biểu tượng của sự trung thực. Dù không có tất sắt trong tay, nhưng với cây viết đỏ, người thầy có quyền tối thượng đánh giá bài thi cũng như trình độ học trò theo đúng lương tâm mình. Truyền thống giáo dục xưa nay và muôn đời ở đâu cũng như thế. Thật đáng buồn và xấu hổ cho một nền giáo dục ở đó nhiều thầy cô giáo hay người quản lý xài bằng cấp giả (hoặc bằng thật mà học giả) búa xua tràn lan và tham gia gian lận một cách phổ biến. Phải chăng do “Thượng bất chánh, hạ tất loạn”? Một sự kiện rất có ý nghĩa trong năm nay: Người đứng đầu ngành giáo dục, nghĩa là thầy của những ông thầy, hàng chục năm, kết thúc “sự nghiệp giáo dục” của mình bằng việc tìm cách gian lận tiền ngân sách nhà nước để đi du học (??), cướp phần của đám trẻ hậu sinh.

4. Lòng yêu quí sự thật cần được củng cố và phát huy trong một xã hội biết tôn trọng sự thật nhưng ngành giáo dục không thể là một ốc đảo giữa hoang mạc.

Trong một buổi phỏng vấn của VTV3, giáo sư Văn Như Cương, hiệu trưởng một tư thục ở Hà Nội, phát biểu rất chí lí rằng cuộc vận động “hai không” phải được thực hiện đồng bộ trong xã hội. Bởi vì thiết nghĩ ngành giáo dục bấy lâu nay bị tác động và chi phối bởi các nguyên nhân và quyền lực chẳng những ở ngoài mà còn xa lạ với giáo dục.

Những người có chức quyền ở mọi cấp cũng cần phải làm gương về sự trung thực cho cấp dưới và cho dân chúng, bằng cách làm tròn trách nhiệm được xã hội giao phó. Mọi sự tắc trách như làm đường lún, xây cầu sập, nước sinh hoạt ô nhiễm, điện kế dỏm v.v…, không kể nạn tham ô lãng phí tràn lan, đều là những gian dối làm gương xấu cho giới trẻ và làm mất lòng tin nơi người dân.

Chính vì lý do trên mà một xã hội muốn phát triển nhanh chóng và bền vững luôn cần sự phản biện, như một qui luật tất yếu nhằm ngăn ngừa sự gian dối và phát hiện sự thật. Trong một xã hội bình thường, bộ phận có trách nhiệm phản biện chính là các phương tiện truyền thông, cơ quan dân cử và các đoàn thể áp lực v.v… . Bên cạnh đó, xã hội còn cần một cơ chế pháp lý chặt chẽ và hệ thống hành chánh hợp lý để luôn có những thông tin đa chiều, công khai và minh bạch, giúp hạn chế tối đa sự gian dối ở mọi cấp. Xin lấy thí dụ: chính sách thuế thu nhập hiện nay chẳng những không góp phần tạo được sự tái phân lợi tức quốc gia mà còn khuyến khích người kinh doanh lớn nhỏ đều khai gian dối, nếu muốn tồn tại.

Chưa hết, nhiều dự án lớn tiêu tốn hàng trăm triệu USD như Dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được thực hiện bất chấp những cảnh báo chính xác của các nhà khoa học. Còn trong nhiều lãnh vực khác mà sự thiệt hại còn lâu dài và nghiêm trọng hơn như chính sách đối với Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc, người rất am hiểu về vùng nầy, có viết một bài phàn nàn về tình trạng các cơ quan có thẩm quyền cấp cao đưa ra các đề án quan trọng mà không hề đếm xỉa gì đến những công trình nghiên cứu rất nghiêm túc của các nhà khoa học về chính vấn đề đó, “thậm chí có thể không thèm liếc mắt đọc qua” mà chỉ làm việc theo báo cáo của cấp dưới. Và nhà văn đáng kính kết luận một cách bức xúc: “Có những nhà khoa học dám làm, dám nói, không quá ít đâu,… nhưng có ai dám nghe không?”. (***)

5. Đồng tiền và quyền lực thường khiến nhiều người bất chấp sự thật

Ai cũng biết đồng tiền thường làm cho mờ con mắt, không còn thấy sự thật. Người kinh doanh muốn kiếm lời nhiều nên có khuynh hướng gian dối dưới mọi hình thức. Vụ bán độ bóng đá đầy tai tiếng tại Seagames vừa qua đưa đến sự đổ bể của hệ thống tham ô tại PM18 cho thấy sức mạnh ghê gớm của đồng tiền. Tại các cơ quan công quyền mà không có sự quản lý chặt chẽ, do cái bụng ham hố vô độ, người ta bày đủ trò để đục khoét hay vòi vĩnh tiền của nhân dân. Trong môi trường xã hội lành mạnh, chính nhờ các biện pháp chế tài hự hiệu đối với mọi công dân dù ở chức vụ nào và nhờ không có nạn ô dù bao che hay vùng “đất cấm” mà những kẻ kinh doanh hay quan tham “không có cửa” để gian dối. Chắc chắn khi đã vào WTO, đất nước chúng ta sẽ tiếp thu được nhiều bài học về cung cách làm ăn lương thiện trên thương trường quốc tế.

Còn quyền lực, đúng như lời triết gia Alain, còn dễ làm cho con người hư hỏng vì mù quáng, bất chấp cả những sự thật hầu như hiển nhiên. Cách đây chỉ hơn 60 năm, hàng triệu người Do Thái bị giết hại trong các lò sát sanh mà di chứng nhân chứng vẫn còn đó. Và trong khi ở nhiều nước, việc phủ nhận nạn diệt chủng nầy bị coi như phạm pháp, thì người đứng đầu một nước lại có thể ngang nhiên phủ nhận, thậm chí tổ chức cả một hội nghị quốc tế hùa theo với mình… Sự kiện nầy chứng tỏ những người có quyền lực thường muốn quên đi những sự thật không có lợi cho mình hay muốn bóp méo lịch sử theo chiều hướng riêng của bản thân hay phe phái.

Năm 1921, Lénine nói rất rõ: “Chúng ta cần phải thông tin đầy đủ và chân thực. Mà sự thật thì không được phụ thuộc vào việc nó phục vụ cho ai”. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà nghiên cừ lịch sử mới giựt mình khám phá ra nhiều điều mà nhà văn Nga đoạt giải Nobel Soljenitsyne từng gọi là những dối trá chồng chất lên dối trá (mensonges superpose1s) và cho rằng đây mới là nguyên nhân sâu xa đưa đến sự tan rã… Cũng chính trong ý nghĩa đó, nhà văn nổi tiếng Tiệp Khắc Milan Kundera cho rằng “Cuộc đấu tranh của con người chống lại quyền lực là sự chiến đấu của sự nhớ lại chống lại việc quên đi” (La lutte de l’homme contre le pouvoir est la lutte de la me1moire contre l’oubli).

Con đường tiến bộ của nhân loại chỉ có thể đi qua sự thật

Vì sự thật thiết yếu cho sự sống của con người nên giáo dục lòng yêu quí sự thật cũng là giáo dục lòng yêu quí sự sống, yêu quí con người. Người biết yêu quí và tôn trọng sự thật chằng những là người tự do, tự trọng, mà còn xứng đáng là người hơn kẻ gian dối, dù kẻ nầy có quyền cao chức trọng hay giàu sang phú quí. Đó là bài học căn bản của đạo làm người và nền tảng của chủ nghĩa nhân bản chân chính.

Khi người ta nói dân làm chủ đất nước thì trước hết người dân có quyền biết mọi sự thật liên quan đến mình. Có một thời cách đây không lâu, dân mình tìm mọi cách nghe đài nước ngoài, mặc dầu có thể gặp nguy hiểm, không phải vì vọng ngoại mà vì muốn tìm đến nguồn thông tin tương đối chính xác hơn là các phương tiện truyền thông trong nước.
Còn bây giờ, đơn giản với cú nhấp con chuột trên máy vi tính là có thể nhận được hay gửi đi đủ mọi thông tin ở khắp nơi trên thế giới. Nhờ tiến bộ khoa học kĩ thuật, “bức màn sắt” không còn ngăn cách thế giới, mà “bức tường lửa” cũng sẽ không có tác dụng bao nhiêu đối với người biết sử dụng vi tính. Các thông tin chính xác và nhanh chóng về các tai ương như động đất, sóng thần, bệnh Sars, cúm gia cầm hay những biến cố chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội v.v…, dù xảy ra dù ở đâu, đã giúp cho loài người nhận thấy trái đất nầy là ngôi nhà chung của nhân loại và cảm nhận được tình liên đới trong thân phận làm người. Âu đó là con đường phát triển của sự thật không thể đảo ngược và cũng không thể cưỡng lại được!

Và chắc chắn không phải vô lý khi những người tin vào sự sống và con người lại xác tín rằng “Chỉ có sự thật mới giải phóng chúng ta”!

HỒ CÔNG HƯNG

(*) Xem “Những chuyện kỳ bí về thế giới tâm linh” của Huỳnh Anh Sướng, Tạp chí Thế Giới Mới, từ số 700 đến 713.
(**) Thí dụ: Trong bộ “Lịch sử Việt Nam” do Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn, tập I xuất bản năm 1971, được coi như bộ sử chính thức, cơ sở để viết các sách giáo khoa cho trường phổ thông, nơi trang 304, các tác giả đã phịa và gán cho Alexandre de Rhodes, người sáng lập ra chữ Quốc ngữ, một câu nói sặc mùi thực dân đế quốc và cẩn thận ghi xuất xứ ở phía dưới, cũng phịa nốt, vì không tìm đâu ra câu nói nầy.
(***) “Công trình nghiên cứu khoa học… để làm gì?” (3.2002), Nghĩ dọc đường, NXB Văn Nghệ, 2006. Tr.59-64.
Previous Post
Next Post