Mái nhà giữa cơn giông thời đại

Con cáo có hang, con chim có tổ, còn con người có mái nhà của mình. Nếu không có tổ ấm, muôn loài và cả con người sẽ ra sao? Tất nhiên là sẽ diệt vong! Như con cáo không hang nó làm sao trú ẩn? Hoặc như con gấu ngủ đông nếu không chui vào tổ của mình thì sẽ trở thành món ăn cho muôn loài, bởi vì, khi ngủ vùi suốt mấy tháng nó làm sao chống cự! Con chim không tổ cũng không sống được. Còn con người, nếu không có mái nhà che thân, nắng mưa sà sã đổ xuống đầu, rồi tuyết rơi, gió lùa liệu sống được bao lâu?

Chắc hẳn không có mái nhà con người sẽ diệt vong. Mái nhà cần thiết đến độ, chỉ cần nó dột vài chỗ người ta đã cảm thấy cuộc đời sao mà trống trải, nghèo khổ, không chốn nương thân!

Đấy mới chỉ là mái nhà nghĩa đen, với tường bao quanh, có mái lợp phía trên, và cửa để ra vào. Nhưng mà mái ấm còn hệ trọng gấp bội. Mái ấm đó do bố – mẹ, vợ – chồng, con cái xây lên. Nếu không có tương quan đó, người đời sẽ gọi đó là kẻ bất hạnh, "kẻ không gia đình". Trời ơi, không gia đình, khác nào cuộc đời hoang phế, người ta phải sống giữa hoang mạc của tình thương. Theo những điều tra, xa có, gần có, người ta thấy những đứa trẻ vô gia cư, bị bố mẹ bỏ rơi, đã trở thành một "miếng mồi" méo mó đến thế nào trong tay giới giang hồ. Chúng lớn lên lệch lạc về nhân cách, lòng chất chứa những mặc cảm chán đời, thù hận, tự ti nhưng lại liều lĩnh bất cần, lúc nào cũng sẵn lòng phá huỷ cuộc đời của chính mình cũng như của người khác.

Mái ấm thật là hệ trọng với mỗi con người cũng như toàn xã hội. Theo tất cả các lý thuyết hay tôn giáo, thì gia đình là một đơn vị đầu tiên khai sinh xã hội. Nếu không có gia đình, cặp vợ – chồng, bố mẹ đầu tiên, như cặp của A-đam và Ê-va thì thế giới sẽ được nối dõi bằng cách nào?

Gia đình hệ trọng lắm! Người ta còn ví: Gia đình là xã hội thu nhỏ. Ở đó, vợ – chồng có tình yêu nam nữ, cha – con có tình phụ tử, mẹ – con có tình mẫu tử, nghĩa là, ngay trong một gia đình người ta đã phải tiến hành tất cả các tương quan như một xã hội. Vợ – chồng là yêu thương bình đẳng. Còn cha – con thì thiết lập nên lớp thang quyền lực từ trên xuống dưới, hình ảnh phụ quyền cũng chính là nơi phát sinh ra quân quyền, như ngày xưa người Trung Quốc quan niệm "quân – thần – phụ – tử". Còn người phương Tây thì thiết lập một ngành lý thuyết hết sức đồ sộ về chủ nghĩa phụ quyền papaism, chắc hẳn các linh mục, giám mục, giáo hoàng đều được gọi là "cha", và cả Chúa Trời cũng được gọi là Cha.

Nhưng gia đình còn quan trọng hơn cả xã hội thu nhỏ, như người ta vẫn nói: Gia đình là tế bào xã hội. Nghĩa là nhờ có tế bào đó, cùng với những tế bào khác, xã hội mới được xây nên.

Chính vì sự hệ trọng của gia đình, mà nhiều chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia A.Toffler đã nhiều lần hoảng hốt la lên: Cuối thế kỷ XX, sang thiên niên kỷ thứ ba, thảm hoạ lớn nhất của loài người là nạn tan rã gia đình. Thảm hoạ này còn lớn hơn thảm hoạ nguyên tử.

Bom nguyên tử là gì? Câu hỏi này thật là vớ vẩn, bởi lẽ, nhanh hơn cả câu trả lời, trong chớp mắt nó có thể hủy diệt cả thành phố, cả quốc gia, thậm chí cả thế giới. Nhưng mà một nguy cơ lớn kinh hoàng như vậy cũng không bằng nguy cơ tan vỡ gia đình. Bởi lẽ, nguyên tử là thứ sức mạnh khủng khiếp áp chế từ bên ngoài vào, nó tiêu diệt và huỷ hoại người ta bằng sức phóng xạ, nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là vũ khí tấn công từ bên ngoài vào, diễn ra chỉ trong nháy mắt. Nhưng tan vỡ gia đình thì khác hẳn. Bởi đó là cuộc tàn phá dai dẳng và âm ỉ, đặt bộc phá hoặc a xít ngay sát con tim, thường trực hành hạ người ta, đổ vỡ về niềm tin, nghi kỵ, thủ thế, hành hạ lẫn nhau, làm tương quan nhân ái giữa con người thoái hoá, nhân cách bị bóp méo, và nó đẩy ra ngoài đường những kẻ chán chường bất cần đời, sẵn sàng huỷ diệt thế giới bằng bất kể thứ gì vớ được trong tay.

Qua hàng loạt các vụ nổ súng ở Mỹ, hay giết người hàng loạt ở nhiều nước khác, mà lý do chủ yếu là: kẻ kia bị thất tình, hoặc mang cảm giác bị hắt hủi, thế là hắn ôm súng vào một trường học nào đó, đặc biệt là nơi có cô nhân tình không thành của mình, xả súng vô tội vạ. Để làm gì? Để tiêu diệt nhân loại theo cách mà hắn nghĩ rằng: nhân loại có thương hắn đâu, ngay một chút tình còn tiếc hắn, vậy thì hắn phải xả súng để trả thù hoặc cho nhân loại một bài học… Những hình ảnh suy thoái xuống cấp về tình cảm này, rõ ràng, ít ra cũng chứng tỏ luận chứng của A.Toffler: sự nghi kỵ về tình cảm sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng lớn biết nhường nào!

Đó là những thảm kịch hiện ra sờ sờ trước mắt. Còn những thảm kịch thầm kín khác thì đếm khôn xiết kể. Chẳng hạn, vô vàn các vụ trầm uất do ly hôn để lại, ở Anh Quốc mới đây là nạn tăng giá nhà ở vì nhu cầu tăng gấp đôi, trước kia thì hai người sống một nhà, giờ tan đàn xẻ ghé, không chỉ cần hai nhà, mà con cái cũng muốn ở riêng, thế là một nhà có thể thành ba, bốn nhà… Ở Nhật Bản thì nạn sống bà cô…

Gia đình tối thiểu là nơi trú ẩn của con người, có mái nhà che nắng, che mưa, có cơm dẻo canh ngọt, có lò lửa sưởi ấm mùa đông, thậm chí còn có cả trái tim sưởi ấm dưới lớp chăn đã rất ấm rồi; Nhiều hơn thế gia đình là nơi người ta cầu mong có được những hạnh phúc tột đỉnh dù thành công ở xã hội đến mức nào, dù lắm của nhiều tiền đến đâu, người ta đều muốn khơi chảy về gia đình tất cả những ân huệ mình có được để biến tổ ấm trở nên tốt đẹp nhất. Gia đình không chỉ đảm bảo cho các thành viên có được hạnh phúc mà hơn thế nó còn đảm bảo cho các thành viên của xã hội có hạnh phúc. Ở Mỹ trong những năm bốn mươi thế kỷ XX, khi hôn nhân khủng hoảng, các gia đình tan vỡ, thì liền ngay đó nó gây ra cuộc khủng hoảng trên toàn xã hội, năng suất lao động giảm sút, vấn đề xã hội gia tăng, khiến quốc gia lâm cảnh khốn đốn…

Ngày nay rõ ràng chúng ta đang phải đối mặt với nạn khủng hoảng gia đình trên phạm vi toàn cầu. Chỉ cần nhìn vào con số thống kê các vụ ly hôn thì thấy, hơn 40% các gia đình tan vỡ, còn lại vô số các con tàu gia đình húc phải đá ngầm vỡ, hoặc sắp vỡ mà không công bố… vấn đề quả là hệ trọng. Hệ trọng đến mức người Đức, xưa kia nổi tiếng với phương ngôn: "Hôn nhân là bệnh viện của tình yêu", nghĩa, đó là nơi người phải biết chạy chữa lẫn nhau để gìn giữ gia đình, giờ đây họ bảo: "Hôn nhân là biết chịu đựng những cái xấu của nhau". Nghĩa là chúng ta đừng chê bai bạn đời nữa, bạn đời không phải là hình ảnh lý tưởng để chúng ta lựa chọn đâu, mà chỉ là con người bình thường cần có gia đình. Vậy thì hãy coi bạn đời là bình thường và hãy làm quen với thói xấu của bạn đời để chúng ta vẫn còn lại một gia đình. Đó có thể là phương thuốc thực tiễn nhất để cứu vãn nạn đổ vỡ mái ấm ngày nay.

Previous Post
Next Post