Mê và Ngộ

Giữa dòng đời sanh tử của kiếp sống phù du, con người không phân định được giữa hai bờ ranh MÊ và NGỘ. Từ đây, cuộc du hành trên con đường luân hồi dài vô tận không bến bờ, càng đi, càng xa diệu vợi:

"Vĩnh du lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý tình"
(Lang thang làm khách phong trần
Quê nhà ngày một muôn lần cách xa)
Trần Thánh Tông

MÊ, là mê BỔN TÂM dấy khởi niệm bất giác (vô minh), tạo thành một chuỗi niệm trùng trùng duyên khởi vô tận, từ ấy mọi cảnh giới sum la vạn tượng được hình thành trong kiếp sống nhân sinh. Con đường lục đạo luân hồi được kết nối, tất cả các pháp được sinh khởi hiện hành, tạo thành một bức tranh muôn màu, muôn vẻ trong cuộc sống. Sự biến động của trời đất bao nhiêu nỗi thống khổ của kiếp người từ vô thỉ đến nay và tiếp nối hiện tại, ngay bây giờ, vẫn đang diễn ra không ít những hoàn cảnh nghiệt ngã khổ đau. Từ một con người trong một gia đình đến một xã hội, một đất nước và trên cả hành tinh nầy, cũng do từ nơi MÊ TÂM mà tạo nghiệp sanh tử triền miên, nên trong Kinh Pháp Cú đức Phật dạy:

"Đêm dài cho kẻ thức
Đường dài cho kẻ mệt
Luân hồi dài, kẻ ngu
Không biết chân diệu pháp"
(PC 60 - HT. THÍCH MINH CHÂU - dịch)

Muốn chấm dứt cuộc hành trình viễn du trong kiếp sống phù sinh ảo mộng, điều quan trọng cần yếu là phải NGỘ được BỔN TÂM. Như thế, mới cắt đứt được dòng sanh tử khổ đau. Chính đức Phật khi xưa, qua bốn mươi chín (49) ngày dưới cội Bồ-đề, Ngài tư duy thiền quán, đến cuối canh hai, khi sao mai vừa mọc, thì Ngài đã chứng ngộ chân lý, thấu rõ được nguyên nhân và cội nguồn của sự sanh tử là từ Vô Minh đến Tham Ái, Thủ Hữu... Chứng ngộ chân lý là chứng ngộ nơi Bổn Tâm, từ ấy, chấm dứt chuỗi dài sanh tử, sự chứng nghiệm ấy được nói lên qua bài kệ Pháp Cú:

"Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp
Người xây dựng nhà nầy
Khổ thay, phải tái sinh
Ôi! người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi!
Ngươi không làm nhà nữa
Đòn tay ngươi bị gãy,
Kèo cột ngươi bị tan,
Tâm ta đạt tịch diệt
Tham ái thảy tiêu vong"
PC 153, 154
(HT. THÍCH MINH CHÂU - dịch)

Chúng ta là người con Phật, đã và đang đi trên lộ trình mà đức Phật đã đi, đó là con đường thể nghiệm và thể nhập chân lý. Chân lý là cuộc sống, là cái hiện tiền trước mắt, cái đang là, ngay bây giờ, cái không một ý niệm sanh khởi, tịch nhiên vắng lặng mà diệu dụng hà sa. Như Krishnamurti đã nói:

Đức Phật Thích Ca gọi là Niết-bàn
Đức Chúa Giesu gọi là Thiên Đường
Krishnamurti gọi là cuộc sống.

Niết-bàn, Thiên Đường hay là Cuộc Sống đều chỉ cho bản thể thanh tịnh nhất như hiện tiền, Cái mà sẵn có ở trong mỗi con người chúng ta. Qua Kinh Niết-bàn, đức Phật xác định: "Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh" (Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật), hay Ngài Mã Tổ khai thị cho Thiền sư Pháp Thường-Đại Mai: "Tức Tâm Tức Phật" lời Phật, ý Tổ xưa nay vẫn nhất quán như nhau.

Một hôm, vua Lý Thái Tông hỏi Thiền lão Thiền sư:

Hòa Thượng ở núi nầy bao lâu?

Sư đáp:

"Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu!"

Dịch:

Sống ngày nay biết ngày nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì!
(HT. THíCH MẬT THỂ - dịch)

MÊ và NGỘ là một cặp phạm trù tương đãi, khi giác ngộ rồi, Mê cũng không mà Ngộ cũng chẳng có, vì Thể tánh của Mê và Ngộ là nhất như bình đẳng.

Con đường của người con Phật đi là để trở về sự tịch lặng của mái chùa xưa ngàn năm cổ kính, là con đường xưa mây trắng thong dong, là tuyệt cùng của đỉnh cô phong vời vợi, nhưng cũng rất bình thường như tiếng chim trong lành buổi sáng, tạo thành một điệp khúc hòa tấu (tâm cảnh nhất như) giữa đất trời mênh mông vô tận. Chính nơi đây là chân lý, là xứ sở, quê hương đích thực, là chân ngã diệu dụng xưa nay. Từ nay nói chi đến tử sanh, bặt dấu vết trầm luân, khỏa trong bờ Mê - Ngộ.

Tk. Thích Giác Tín
Previous Post
Next Post