Xa quê đã lâu, tôi chẳng còn dịp nghe lại (hay ngửi lại!) cái mùi xoài chín ủ khí đá (Sulfuric Acetylene). Người quê tôi gọi là giú khí đá. Viết tới đây tôi phải giở lại tự điển tiếng Việt của hai ông Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ để viết cho đúng chữ Giú này. Giú trái thì có nhiều cách. Chẳng hạn đem trái cây chất vào một chiếc lu lớn, xong lại đốt một bó nhang lớn để vào rồi đậy nắp lại hoạc đem trái cây vùi sâu trong đống rơm. Nhưng cách giú trái được nhiều người Nam Bộ ngày trước dùng thường nhất vẫn là giú khí đá. Trái chín bằng cách này lúc nào cũng có thêm một thứ mùi thiệt ngộ. Đúng ra thì hơi khó ngửi, gần giống mùi tỏi sống, nhưng nếu đã quen được thì cứ nghe mùi khí đá, ta lại nghĩ ngay đến một nãi chuối hay mấy trái xoài giú trong lu!
Sau này được biết cái mùi đặc biệt ấy thực ra rất độc hại, nhưng tôi vẫn không thể quên được cái cảm giác háo hức trước mấy trái xoài chín kiểu đó. Có điều là nhớ thì nhớ, tôi bây giờ vẫn cứ phải rùng mình khi nghe đâu chút mùi khí đá bám trên vỏ mấy trái xoài chín đó có thể gây bệnh ung thư (cancer). Có thể tại Việt Nam hồi đó vẫn có người biết rõ chuyện này, nhưng vì sao thiên hạ vẫn thích dùng khí đá để ủ chín trái cây? Chỉ vì một chữ nhanh mà thôi. Bằng cách giú này, người ta có thể khiến cho hàng loạt trái cây chín đều và đúng ngày họ muốn, để có thể bán ra với số luợng lớn. Còn như để trái cây chín tự nhiên thì chúng sẽ không thể chín cùng lúc và thời gian cũng sẽ lâu hơn. Và như vậy thì rất khó buôn bán. Để bảo đảm trái chín được ngon, chẳng hạn xoài hay chuối, thì người ta chỉ chọn giú những trái già. Trái bị hái non có đem giú thì cũng chỉ chín ép, chín háp, nghĩa là vỏ ngó đẹp mắt mà ruột thì chát hoặc chua, nuốt không vô.
Chuyện giú trái biết được hồi bé, giờ lớn tuổi bỗng nhớ lại với những thấm thía thiệt lạ về bao thứ chuyện đời. Thì ra không phải bây giờ sống giữa một thế giới văn minh hơn mà người ta bỏ quên chuyện ép trái chín sớm bằng khí đá. Có điều là giờ thiên hạ làm việc ấy tinh vi hơn, cách giú phức tạp hơn, và thứ được giú không chỉ là trái cây. Chẳng rõ do thiếu kiên nhẫn hay ý thức sâu sắc về kiếp người phù du, thiên hạ hôm nay cứ muốn rút ngắn thời gian mọi sự. Chưa phải lúc hoàn tất cũng không sao, miễn là xong chuyện càng sớm càng tốt. Số lượng khí đá từ đó cũng phải tăng đôi, tăng ba.
Một trong những bi kịch mà cũng là thảm kịch cho thiên hạ là phải ăn những thứ trái cây chín ép kiểu đó. Một là họ phải nuốt cả những mầm bệnh chết người, hai là họ biết không chính xác cái hương vị thật sự của thứ trái cây mình đang ăn và do vậy, có người cứ thấy xoài chín là nôn oẹ vì mùi khí đá. Thế có oan cho giống xoài không chứ!
Cùng với những bước tiến chóng mặt của kỹ thuật thông tin hiện đại, nhân loại hôm nay đã có một núi sách báo và Website để đọc. Điều đáng nói là trong số đó có vô số những thứ trái được giú chín vội vã bằng khí đá. Sách đạo, sách đời đủ cả. Người ta chỉ cần một ít thời gian để viết nghìn trang về mọi lãnh vực, kể cả những lãnh vực không thể tán suông bằng cách tưởng tượng và ghép chữ. Chỉ cần một thời gian ngắn, ngắn đến mức khó tin, người ta đã có ngay một bản dịch dày cộm, một công trình biên soạn đồ sộ vừa đủ để cầm mỏi tay, nhìn mỏi mắt. Và ai ngờ được rằng một số lớn trong đó đã lấy mất của tôi niềm hứng thú phải có đối với rất nhiều nguyên tác, hay những lãnh vực quan trọng. Người ta đã bôi tro trét trấu lên những viên ngọc quý bằng những bản dịch thiếu trách nhiệm, những biên soạn vô tội vạ. Thực là đáng tiếc và cũng thiệt là đáng tức!
Ngay bây giờ, nếu có ai bảo văn hoá Việt Nam chẳng có gì đáng đọc, tôi không giận nữa, vì ít nhiều hiểu ngầm họ đã ăn phải ở đâu đó những thứ trái giú khí đá. Tôi cũng sẽ chẳng buồn để bụng khi ai đó mắng tôi theo Tiểu Thừa, một hệ thống kinh điển mới đọc qua đã thấy buồn cười và nông nổi, chỉ vì tôi đã lờ mờ đoán ra rằng họ vừa cắn nhầm một thứ trái chín háp nào đó.
Tôi không có nổi một học vị nào cả, nên chỉ xin góp ý bằng chút suy nghĩ thiếu chuyên môn không đòi hỏi khoa bảng là mong ai đó trước khi trình làng công trình của mình làm ơn yêu nghề một tí bằng cách nhớ chừng rằng mình đang chạm tay vào lãnh vực nào. Và ngoài tình yêu đối với chúng sanh cũng xin quý vị yêu lấy tiếng mẹ đẻ để có thể, một cách tối thiểu, viết ra thứ ngôn ngữ mà chính mình vẫn nói, vẫn nghe mỗi ngày. Đọc nhiều bản dịch kiểu trái cây giú khí đá, tôi ngờ rằng có lẽ đến cả người dịch cũng không hiểu nổi những câu chữ mà mình vừa viết ra trong bản dịch.
Bày bán một đống lớn những trái cây đẹp mắt chưa hẳn đã là cung cấp những thứ ngon miệng, ra mắt ào ạt những trang sách hay bài viết chưa hẳn là cống hiến cho đời những thứ đáng đọc. Cái quan trọng là mùi vị thật sự của những thứ đó như thế nào. Xin đừng khiến ai nhăn mặt lắc đầu khi nghe nhắc tới xoài chín chỉ vì ta không chịu mời họ thưởng thức những trái chín tự nhiên ngoài vườn, trên cây.
Tôi quá dốt để có thể đọc hết những nguyên tác mà người ta đã phiên dịch ra tiếng mẹ đẻ của tôi. Do đó, tôi không thể không tri ân các dịch giả đã dắt tay tôi cho vào thăm những kỳ quan minh triết của nhân gian. Nhưng nói thiệt, tôi cũng không thể không phiền lòng khi không ít người đã lấy bản dịch của họ làm gậy để xua tôi rời xa những nguyên tác mà mình vẫn thầm mong có lúc được ghé mắt. Từ giờ trở đi, cứ ngó thấy mấy cuốn nguyên tác đó, tôi lại nghe một mùi khí đá nồng nặc quanh mình…
Gấp gì chứ, vua chưa vội sao thái giám đã bồn chồn chứ. Trong thiên hạ có biết bao người còn nôn nóng thưởng ngoạn công trình đó hơn ta nữa. Sinh non thường khó nuôi. Đó là chưa kể trường hợp Cầm Nhầm mà kẻ viết bài này đã nói tới trong một bài viết khác (VÌ ĐÂU NÊN NỔI) là có kẻ cứ muốn bắt cóc trẻ con hàng xóm về làm khai sinh để coi như con đẻ. Chịu khó có một gia đình đàng hoàng thì sớm muộn gì cũng có được vài mụn con cho vui cửa nhà một cách yên tâm. Mong thay!
Tâm bút by Toại Khanh