Mối liên kết gia đình đang bị "hóa lỏng"?

Thời đại kỹ thuật số, đầu tiên là ở các đô thị lớn, thành viên trong các gia đình dường như đang có khuynh hướng sống trong "thế giới riêng" của mỗi người mà người khác khó can dự. Đặc biệt là giới trẻ.

Điều đáng nói là nhiều bậc cha mẹ ngày nay thường không hiểu con cái, hoặc không hay biết về cái "thế giới ngầm" mà chúng đang sống hay đang hưởng lạc. Một ông bố giữ cương vị kha khá ở một bộ nọ bỗng dưng tá hỏa khi thấy cô con gái ngoan hiền trong mắt ông bị bắt giữ khi đang lắc điên cuồng với lũ bạn ở một động lắc u minh mờ ảo. Hỏi ra, giáo viên chủ nhiệm cho hay, "công chúa" của ông đã bỏ lớp gần hai tháng nay rồi.

Gần đây, trong một bộ phận của giới trẻ đang diễn ra lối sống thác loạn mà thế hệ đã từng sống qua thời chiến có giàu trí tưởng tượng mấy đi nữa cũng không thể ngờ tới: hết đua xe rầm rộ, quậy phá, hút chích, lắc nhảy, và bây giờ là rượu Tây và thuốc kích dục, làm tình tập thể... Cuối cùng là các video "nóng" tự quay và được lưu trong di động hoặc tung lên blog để thưởng ngoạn...

Rõ ràng là vật chất đến quá nhanh còn các giá trị văn hóa tinh thần không theo kịp đã tạo ra một bộ phận giới trẻ ăn chơi thác loạn trong một "thế giới ngầm" mà cha mẹ và các nhà giáo dục không hề biết để can thiệp.

Khoảng cách giữa thế hệ cha mẹ và con cái thời nay đang ngày càng bị nới rộng. Không phải là tất cả, nhưng trong rất nhiều gia đình, chỉ sau 10 giờ đêm, khi các thành viên cần tìm một chỗ nghỉ ngơi sau những mệt mỏi cả ngày thì họ mới gặp nhau ở nhà. Tình hình đã trở nên đáng báo động khiến người ta lại đề cập tới vai trò của gia đình trong giáo dục nhân cách con người. Các chuyên gia tâm lý đã đưa ra cảnh báo: một đứa trẻ không được sống trong môi trường gia đình lành mạnh sẽ khiếm khuyết vĩnh viễn phần quan trọng làm nên nhân cách văn hóa của chúng. Nếu có ai đặt vấn đề hiện đại sẽ tráo đổi chức năng dạy dỗ con trẻ từ gia đình cho xã hội thì họ đã nhầm to. Bởi lẽ xã hội chỉ giúp cho chúng một chút kinh nghiệm sống chứ không hề dạy chúng những lời nói thật.

Dường như người ta có cảm giác hiện đại đã làm biến đổi căn bản những "thực đơn nhu cầu" mà thời kỳ kinh tế bao cấp không hình dung nổi. Quyền cá nhân và quyền con người được đề cao, giới trẻ ngày càng muốn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ và những định chế ràng buộc về mặt đạo đức xã hội. Chúng thích tìm một thế giới riêng, mong sớm "độc lập"...

Không ít cha mẹ quy việc nuôi dạy ra vật chất đơn thuần: gửi tiền hằng tháng, chu toàn ăn ở, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của các "cậu ấm cô chiêu", còn bản thân họ thì mải mê theo đuổi những tham vọng cá nhân (chưa kể là nhiều người còn say sưa với những mối quan hệ ngoài hôn nhân), đâu còn thời gian quây quần bên mâm cơm gia đình và ân cần chăm sóc con cái như thời bao cấp nhàn nhã? Ngay cả các bậc cha mẹ có trách nhiệm cũng gần như không hiểu được đời sống tinh thần của giới trẻ thời nay. Được ở nhà riêng, ngủ phòng riêng có đầy đủ ti vi, máy lạnh, vi tính nối mạng, thậm chí cả dàn karaoke, máy nghe nhạc hiện đại, nhưng không hiểu vì sao con cái họ vẫn cảm thấy buồn bã, bế tắc. Thế rồi tự kỷ, phá phách, sự sợ hãi nỗi cô đơn nảy sinh... Và máy vi tính bắt đầu giúp bọn trẻ online truy cập vào các website đồi trụy, những cuộc hẹn ảo và kết nhóm qua mạng...

Đã đến lúc chúng ta cần tỉnh ngộ về nguyên lý cân bằng của cuộc sống. Khi kinh tế gia đình trở nên dư dật, thừa thãi của cải vật chất, song lại không tỉ lệ thuận với cải thiện đời sống văn hóa tinh thần thì sự "lệch pha", thiếu hụt tất yếu sẽ xuất hiện. Sự suy đồi những giá trị đạo đức và mờ nhạt các yếu tố dân tộc sẽ làm băng hoại nghiêm trọng các giá trị văn hóa gia đình truyền thống. Hình như cái nguy cơ về sự nguội lạnh tình cảm, thờ ơ với con người và sự căng thẳng xung đột giữa các thành viên luôn rình rập hăm dọa tất cả chúng ta, chẳng với riêng ai. Bài học này các nước phát triển đều đã phải trả giá. Sau một thời gian hưởng thụ thành quả và những khoái lạc của nền văn minh, bây giờ người ta lại có xu hướng ngược dòng trở về với các giá trị gia đình truyền thống.
                            
Đã có một thời, gia đình Việt Nam là một cấu trúc bền vững chứa đựng những giá trị nhân văn không thể phủ nhận, là những tế bào lành mạnh góp phần tạo nên một xã hội ổn định và có kỷ cương. Song thật đáng tiếc, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và sự đảo lộn của những bậc thang giá trị, gia đình Việt Nam - một thực thể nhạy cảm và nhỏ bé - cũng không thể tránh khỏi mất phương hướng và khủng hoảng trong cơn lốc thị trường, những mối liên kết truyền thống đang bị phá vỡ và làm mất đi không ít những giá trị tốt đẹp. Nhưng chúng ta đều biết, giữa truyền thống và hiện đại luôn có một gạch nối không tách rời. Vấn đề là ở chỗ chúng ta phải biết chọn gì, lấy lại gì trong cái phần "gạch nối" thuộc về quá khứ kia để kế tục, xây đắp nên những giá trị tốt đẹp mới cho gia đình Việt Nam hôm nay.

Previous Post
Next Post