Khi những hình ảnh hành hạ và giết con voọc quý hiếm xuất hiện trên internet, dư luận đã lên tiếng phản ứng dữ dội dẫn đến việc loại ngũ các quân nhân vi phạm luật bảo vệ động vật quý hiếm... Trả lời phỏng vấn sau khi bị loại ngũ, một thủ phạm đã thanh minh mình không giết mà chỉ ghi và đưa hình ảnh giết voọc lên mạng.
Dù thế nào, những hình ảnh sát hại động vật được Công ước quốc tế bảo vệ đã nói lên bản chất cần lên án của một số người hoàn toàn bất bình thường trong tiêu chí văn minh của nhân loại.
Tiêu chuẩn kép bất thường
Từ góc độ văn hoá, đặt trường hợp nêu trên cạnh những trường hợp đối xử dã man với động vật khác, sẽ thấy trong xã hội hôm nay rõ ràng vẫn đang tồn tại một thứ tiêu chuẩn kép trong ý thức và trong hành xử của nhiều người. Một kiểu tiêu chuẩn kép kỳ lạ: không ăn thịt chó mình nuôi, nhưng chó người khác thì xơi ngon lành; thuộc lòng những quy định về cấm ăn thịt rừng nhưng có ai bán, hoặc người khác săn có thịt thì không từ chối... Và những tiêu chuẩn kép ấy không dừng lại ở chuyện ăn nhậu mà còn phổ quát sang tất cả các lĩnh vực khác như: luôn lên án thói tham nhũng – hối lộ nhưng vì lợi ích cá nhân sẵn sàng nhận tiền bẩn hoặc móc túi chung chi...
Khi xã hội vẫn có không ít người sẵn sàng sống theo những tiêu chuẩn kép thì sự phá nát đạo đức và pháp luật là điều có thể thấy trước mắt, ghê gớm hơn là sự lây nhiễm của một thứ dịch bệnh đang huỷ hoại không thương tiếc những giá trị văn minh. Sự trừng phạt về mặt pháp lý hay hành chính trong vụ giết voọc vừa qua chưa đủ để ngăn ngừa việc vi phạm quy định bảo vệ động vật quý hiếm, mà cái chính là phải thúc đẩy giáo dục tôn trọng luật pháp và cả xã hội cùng đồng lòng lên án cách sống theo những tiêu chuẩn kép lẫn lộn đánh tráo trắng – đen, phải – trái, bất phân và dã man.
Bất thường cả nhân tính, tâm thần
Qua vụ án chấn động dư luận mới nhất, vụ giết và hiếp dâm trẻ em ở Sơn Tây, Hà Nội, một lần nữa dư luận cả nước bức xúc đặt lại câu hỏi: đâu là nguyên nhân khiến tội ác ngày càng trở nên man rợ? Nối kết tội ác mới nhất này với những vụ án đáng ghê sợ gần đây mà điển hình là vụ cướp tiệm vàng của Lê Văn Luyện, sẽ thấy một điểm chung: kẻ thủ ác không còn chùn tay trước trẻ em, điều mà chỉ những kẻ mất hết nhân tính hoặc mắc bệnh tâm thần mới làm được.
Vì vậy, còn phải nêu lên một yếu tố đáng quan tâm: nguyên nhân tâm thần trong xã hội hiện đại. Khi ca ngợi tốc độ phát triển mọi mặt của Việt Nam , đề cao những thành quả kinh tế – xã hội, người ta đã quên đi đang có không ít người bị loại bỏ, bị hất khỏi nhịp sống chung, không đủ điều kiện hoặc yếu đuối không thể hội nhập dẫn đến chấn thương tâm thần. Ở triệu chứng nhẹ, chỉ cần được bác sĩ, chuyên gia tâm lý điều trị, họ có thể tái hoà nhập cộng đồng bằng sự thông cảm, sẻ chia được khai thị. Ở thể tâm thần nặng, việc chữa trị và giám sát trong những bệnh viện chuyên khoa là cần thiết, vì những người này có thể đe doạ mạng sống người khác bất kỳ lúc nào.
Thế mà lâu nay ở các đô thị lớn, không còn lạ cảnh người tâm thần nặng sống lang thang giữa cộng đồng. Một cô giáo tâm sự: “Tôi có hai đứa con gái tuổi học cấp một, mỗi lần chúng chạy chơi ở hành lang chung cư khuất là tôi ớn lạnh, vì thỉnh thoảng tôi thấy mấy ông ngơ ngơ ngẩn ngẩn ở đó!” Thương người bệnh tâm thần đồng nghĩa với việc phải lên tiếng đòi quyền chăm sóc tốt nhất cho những người bất hạnh này. Với thực trạng vừa yếu vừa thiếu trầm trọng hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần và bác sĩ tâm lý trong khi người trầm cảm nặng, người bị chấn thương tâm lý và người chớm có dấu hiệu bệnh tâm thần ngày một tăng, thì khó hy vọng tìm ra giải pháp cân bằng giữa điều trị và ngăn ngừa những hậu quả bất thường để bảo vệ an toàn cho cả cộng đồng.
Trách nhiệm giúp đỡ và chăm sóc những cá nhân, nhóm người không đồng hành, không hội nhập được với đà phát triển và tốc độ sống hiện đại chính là điểm sáng mà mọi quốc gia đã và đang phát triển phải hướng tới để được nhìn nhận là một xã hội văn minh.