Đối thoại giữa triết gia và con chó

Triết gia cho rằng, con người có tính xã hội, trong khi đó, trong mắt con chó thì cái xã hội loài người là “một cuộc chiến của mọi người chống lại mỗi người”. Bởi vì, cũng theo con chó, nếu loài chó có cắn thì cũng chỉ dùng cái răng nanh mà tạo hoá ban cho để giữ khúc xương, trong khi đó con người phát minh ra rất nhiều vũ khí để huỷ diệt đẫm máu, chiếm đoạt của nhau, kẻ nọ sợ kẻ kia đến độ phải… nuôi chó để giữ nhà mình!

Nhưng rồi cuộc chuyện trò về tính xã hội sẽ đi đến một kết luận rằng, một con chó thì không biết viết sách triết cho mọi người đọc, mà nó chỉ có thể giữ khúc xương cho chính mình và đối thoại xã hội bằng cách cùng nhau sủa… như một dàn hợp xướng vào ban đêm!

Triết gia cho rằng: “Lao động giáo dục con người chứ không huấn luyện họ như huấn luyện một con vật”, trong khi đó, lao động với loài vật lại là một việc bản năng. Con chó cho rằng, nó có linh cảm tốt khi săn mồi, còn theo triết gia, con người phải học lao động và qua lao động, quá trình tiến hoá diễn ra.

Nhưng ở điểm này, con chó cũng dạy cho triết gia một bài học, đó là: “Con người hãy sống cho xứng đáng, như cuộc sống của một con chó đi”. Cuộc sống đó là gì? Đó là: một cuộc sống thật sự không phải là lao động, mà cũng chẳng phải là lười nhác, nhưng phải tự tìm cảm giác nhàn rỗi trong khi lao động thì con người mới hạnh phúc.

Và một việc nữa, nếu con người vỗ ngực tự cho rằng mình có ngôn ngữ, thì hãy thức đêm mà nghe những con chó sủa đối đáp với nhau. Triết gia bảo rằng: “Bọn chó của cậu khi sủa thì nói lên được một tình huống đang xảy ra (khác với con người). Nói chuyện là nói những điều vắng mặt không hiện diện trước mắt ta”. Nhưng với con chó, chính vì có thể “sáng tác” được những điều không tồn tại nên “con người là một con vật dối trá”.

Triết gia nói: “Con người là loài duy nhất biết nói, suy nghĩ và lý tính” nhưng trong lúc đó, ông rất mệt mỏi. Còn con chó nói, nó có hạnh phúc nhờ tổng hoà những điều này: biết chạy nhảy, sống linh hoạt, ăn uống lành mạnh!

Con chó Léo tiếp tục phủ định con người là loài có hạnh phúc và tự do vì đã tự giải phóng mình ra khỏi tự nhiên để mặc vào cái đặc tính văn hoá. Cụ thể là: “Loài chó chúng em sinh ra đã là chó; nhưng các bác khi sinh ra đâu đã hoàn toàn là con người”.

Rốt cuộc thì con người yên tâm làm con người, con chó hài lòng làm... con chó. Vì, theo triết gia: “Ta thích làm con người hơn, làm một động vật yếu đuối nhất hạng, cái thứ động vật sẽ phải hết sức khéo léo để tự trang bị cho mình tất cả những gì tự nhiên không ban cho”. Trong khi đó, con Léo thì nói rằng: nó chẳng muốn làm người tẹo nào, vì làm người “để đến trường nhận điểm xấu từ những người buộc thằng này phải sủa bằng tiếng Anh?”. Với nó – một con chó, thì việc phải trao đổi triết học với một triết gia đã bi đát lắm rồi!

Thấp thoáng sau những mẩu đối thoại bông đùa, hài hước là những tư tưởng Platon, Aristote, Hobbes, Kant, Hegel, Descartes, Hannah Arendt, Épicure, Claude Lévi-Strauss… Có kèm theo những đoạn văn bản, bảng chỉ dẫn cụ thể để độc giả “tra cứu”. Phần đáng kể nữa đó là minh hoạ của hoạ sĩ Lionel Koechlin tạo cho cuốn sách sự sống động thú vị.

Yêu mến triết học là yêu mến sự hiểu biết. Sự hiểu biết đem lại sảng khoái và sáng sủa trong cách nghĩ. Có lẽ từ lý lẽ đó, ý tưởng cuốn sách tư duy “dành cho những độc giả trên 11 tuổi” này không chọn cánh cửa suy tư nghiêm trọng mà chọn tiếng cười, sự hài hước để nói chuyện triết!

(Nhân đọc Con người là gì? của GS văn học Cécile Robelin và GS triết Jean Robelin, Phấn Khanh dịch, Phạm Toàn hiệu đính, NXB Tri thức, 2013)

Vi Thảo Nguyên
Previous Post
Next Post