Suy ngẫm: Những thói hư tật xấu của người Việt

Những mâu thuẫn nội tại

Nói chung người Việt có chất nghệ sĩ nhiều hơn chất khoa học. Nhạy cảm hơn là có lý tính. Yêu thích văn học và trang trí. Đa số chỉ mơ ước nghề làm quan là con đường đã vạch sẵn, không đòi hỏi nhiều cố gắng độc đáo, mà lại đem đến nhiều vinh hiển.

Chẳng có mặt nào của tính cách người Việt lại không có mặt bù lại và không gợi ra ngay tức khắc một bằng chứng ngược lại. Chúng ta đã nói vế tính biếng nhác và sự uể oải của người Việt, nhưng người ta chẳng thấy nơi nào trên thế giới một dân tộc cần cù như vậy, và những người lao động sẵn sàng làm những trong việc nặng nhọc trong khi chỉ nhận được số tiền công rẻ mạt đến như vậy.

Chúng ta cũng đã nói về tính phóng túng bông lông và mơ mộng của người Việt. Thế mà chúng ta lại cũng dễ dàng khám phá ở người dân nơi đây một đầu óc thực tế lạ lùng, nó quyết định chiều hướng tâm hồn người nông dân và trở nên một vũ khí lợi hại trong tay những người thợ mỹ nghệ. Nếu tính hay thay đổi là đặc tính của người Việt thì ta cũng phải ngạc nhiên mà nhận xét rằng trong bọn họ có một số kẻ là những tay dai dẳng và bám riết người ta khi xin xỏ, là những kẻ sính kiện tụng không ai địch nổi, là những học sinh sinh viên quyết chí săn đuổi bằng được bằng cấp.
(Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, năm 1944)

Phá hoại rồi bịa ra những thứ không đâu để thờ

Ký vãng là ký vãng. Ngậm ngùi hay nhớ tiếc cũng đều là vô ích, nhưng đọc lại lịch sử Việt Nam, người ta không khỏi lấy làm lạ về cái tài phá hoại của người Việt Nam ta, một dân tộc vốn có tính thích duy trì cả những cái không đáng coi là quốc hồn, quốc tuý.
(Vũ Ngọc Phan, Chuyện Hà Nội, năm 1944)

Khiêm nhường giả, kiêu căng thật

Có sao nói vậy mới là ngay thật. Vẫn biết tự khiêm là một nết tốt, song làm người có sự tự tin thì mới ra người. Cái chỗ mình đã tự tin rồi mà nói ra không dám tỏ ý quả quyết, thì lại thành ra giả dụ, mất sự ngay thật đi.

(...) Người nước mình đã giả dối có tiếng, mà trong đám học thức, cũng lại giả dối quá người thường. Thật bụng thì kiêu căng tự phụ, coi người ta nửa con mắt, mà nói làm ra bộ khiêm nhường, theo lời tục nói, ở nhà như con tép. Cái sự tự khiêm giả dối ấy mỗi ngày một thêm lêm, làm cho sự tự tin mất đi, dần dần chẳng có ai dám chịu trách nhiệm trung việc gì hết, mà ai ai cũng thành ra hiền nhân quân tử hết, vì chỗ tự khiêm đó. Đó là cái bệnh di truyền mà Tống nho đã để lại.
(Phan Khôi, Báo phổ thông, năm 1930)

Cường hào lý dịch gian giảo điêu ngoa

Công việc trong làng, trên thì tiên chỉ không muốn nhìn đến, dưới thì phường lý dịch chẳng qua cũng là con em đầy tớ các kỳ mục, há miệng mắc quai nón. Quyền hành của kỳ mục rất lớn, thế lực rất to. Mà trong hạng này, một hai người phi tay cường hào hách dịch, thì là tay gian xảo điêu ngoa, còn nữa chẳng qua a dua về mấy người ấy mà thôi. Phần nhiều ích kỷ, họ có thiết gì đến vận dân, chỉ động có chút lợi lộc thì xâu xé nhau hoặc dân đàn em hơi có chút gì lầm lỗi thì bới móc hạch lạc. Những người có kiến thức, cho việc hương thôn là việc nhỏ nhặt, không thèm tưởng đến, không mấy nơi cải lương được tục làng, cho nên tục hay.
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)

Người dân quen sống cẩu thả

Dân ta xưa nay chỉ quen sống "sau lũy tre xanh", không thạo cách hội họp. Vả lại về tinh thần lại hay có tính cẩu thả, sống được là may, học hành mà làm gì... đó là những câu họ thường trả lời cho ta khi ta khuyên họ nên học cho biết.
(Ngô Tất Tố, Thời vụ, năm 1938)

Làng xóm “quân hồi vô phèng”, không ai bảo được ai

Làng ở xứ ta như một hội riêng của tư nhân. Nếu cái đặc tính của một pháp nhân cai trị[1] là quyền ban hành những nghị định có ý nghĩa cưỡng bách, buộc mọi người thi hành, thì làng xứ ta quả không phải là một pháp nhân cai trị.

...Muốn đắp một con đường ư? Quyết định năm nay, nhưng có nhẽ rồi một hai năm sau mới làm xong, mỗi họ mỗi thôn mỗi gia đình ung dung tiện lúc nào thì làm lúc ấy. Muốn đào một giếng nước ăn ư? Nếu người khởi xướng ra việc đó không can đảm đứng ra mà đốc thúc thì dân làng cứ chịu khó ăn nước ao mãi. Hội đồng làng xã đặt lệ cấm đổ rác ra đường cái ư? Nếu không có một mối hiềm thù riêng từ trước, thì không một chức dịch nào thấy mình có trách nhiệm là ngăn cản hay trừng phạt người làm trái lệ ấy.

Thường thường những cuộc bàn cãi trong những buổi họp việc làng không dẫn đến một kết quả thiết thực gì cả.

Biết bao nhiêu luật lệ của cơ quan cai trị đã bị xếp bỏ không thi hành được chỉ vì một vài người không muốn nghe theo.

Chỉ cần một kẻ phản đối cũng đủ làm cho điều đề nghị hay đến đâu cũng phải gác bỏ. Mà ở làng nào cũng có vài viên kỳ mục, vài người bướng bỉnh, bao giờ cũng giữ thái độ phản đối: Hoặc vì họ thấy công việc sẽ làm không trực tiếp lợi cho họ, hoặc vì họ ghét người khởi xướng ra công việc ấy hoặc vì họ nghĩ rằng người khởi xướng định bới việc ra để ăn - điều nghi kỵ sau này, tiếc thay, nhiều khi cũng đúng.
(Vũ Văn Hiền, Mấy nhận xét nhỏ về dân quê Bắc Kỳ, Thanh Nghị, năm 1994)

Chú thích:

* Kẻ có tư cách pháp lý

Chửi rủa quát mắng

Nói tục, nói bẩn chắc hẳn không người nước nào bằng người An Nam ta. Lắm câu chửi rủa của ta không tiếng nước nào dịch nổi, giả sử những người nói ra có nghĩ đến nghĩa từng tiếng thì đứa nặc nô[1] cũng phải đỏ mặt đến lòng trắng mắt.

Thử ngẫm mà xem, những câu ấy có nghĩa lý gì đâu. Bảo người ta ăn những gì thì có nghĩa lý nào? Gọi ông cha mấy đời người ta lên mà chém mà vằm cũng không có nghĩa gì cả. Người ngay thật có ai sợ những câu chửi rủa ấy đâu? Mà người mở mồm nói những tiếng dơ bẩn ấy, thì thực là xấu cho cái miệng quá, ra ngay con người thô tục.
(Nguyễn Văn Vĩnh, Ăn nói thô tục, Đông dương Tạp chí, năm 1914)

Chú thích:

* Nặc nô: người làm nghề đi đòi nợ thuê ngày xưa.

Tiếng cười vô duyên

Có một phần đông người Pháp ở đây, ta hằng ngày thấy họ, cũng có thể chiêm nghiệm được một dân tộc. Ví dụ như gặp khi trời mưa, đường trơn có người nào đó bất kỳ đi vô ý mà trượt té, bấy giờ có năm ba người Pháp đứng đó họ có cười không? Tôi và nhiều người như tôi, dám chắc rằng họ chẳng những không cười mà còn chạy lại để đỡ người bị té ấy lên nữa. Còn như con rồng cháu tiên ta, tôi cầm chắc rằng trước khi chạy lại đỡ, ta phải cười một chặp cho no nê đã.
(Phan Khôi, Phụ nữ tân văn, năm 1931)

Ăn ở luộm thuộm

Nhà nào ở ta cũng chỉ những gỗ ngổn ngang, trên không có thừa trần[1], dưới ít khi lát gạch, chung quanh tường kín bốn bề, ít cửa thông hơi thật không hợp cách vệ sinh. Trong nhà không mấy nhà phân biệt phòng nào là phòng ăn, phòng nào là phòng ngủ, chỗ nào là chỗ làm việc, chỗ nào là chỗ ngồi chơi. Nhà nào cũng chỉ thấy bày la liệt những ghế những bàn những giường những phản, có khi ăn ở đấy ngủ ở đấy, làm việc ngồi chơi cũng ở đấy.

Đường mỹ thuật làm cửa làm nhà của ta còn kém mà tính người lại cẩu thả nhiều, quý hồ thế nào cho dung thân được thì thôi, chứ không quản gì đến hoa mỹ. Các nơi nhà quê, nhiều nhà nào trổ nào chạm, chẳng qua chỉ cho nhện dễ chăng võng, kê lắm giường, lắm phản, chẳng qua chỉ để cho mối xông đất. Mái tụp hụp như chuồng ngựa, buồng kín mít như buồng tằm, chẳng qua chỉ để cho chuột bọ rúc rích ra vào, gớm ghê bẩn thỉu như thế thì sao cho sạch sẽ được!
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)

Chú thích:

* Tức cái trần nhà. Chữ trần đây vốn nghĩa là bụi, thừa trần là chịu bụi, ngăn bụi.


Nông nổi, hời hợt

Những phong trào ở nước ta, bất cứ phong trào gì, đều có một tính chung là nông nổi, hời hợt bề ngoài. Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc. Bởi ta không chịu phân tích và suy xét kỹ nên bất cứ vấn đề gì chúng ta cũng không biết được rõ ràng và chu đáo, biết một cách thấu suốt.

Chúng ta có cái đời sống bên trong rất nghèo nàn và rất bạc nhược. Những tính tình phong phú, dồi dào hay mãnh liệt chúng ta ít có. Chẳng dám yêu cái gì tha thiết và cũng chẳng dám ghét cay đắng, lòng yêu ghét của chúng ta nhạt nhẽo lắm. Chúng ta đổi lòng tín ngưỡng sâu xa ra một tín ngưỡng thiển cận và nông nổi, giữ cái vươn cao về đạo giáo của tâm hồn xuống mực thước sự săn sóc nhỏ bé về ấm no.
(Thạch Lam, Theo dòng, năm 1941)

Đối với những tư tưởng lớn chỉ hiểu sơ sài

Thu nhặt tất cả những gì về văn chương nghệ thuật đã được làm ra trên đất nước ta, dễ thấy nguồn tài sản tổ tiên ta để lại là mỏng manh so với các dân tộc khác. Không thể từ cái di sản đó tiếp thêm sức mạnh trong cuộc chiến đấu giành một chỗ đứng trên thế giới.

Những tác phẩm đã đóng góp vào việc nâng cao trình độ học thức của người Trung Quốc thật là nhiều, nhưng với các nhà của ta, hình như các ông ấy chỉ biết mỗi một mình Khổng Tử.

Đạo Khổng dưới dạng một món hàng xuất khẩu mang sang nước An Nam đã gây tai hại: Các nhà Nho ta muốn Khổng hóa tất cả những gì nằm trong tầm mắt của họ, giải thích mọi thứ theo cách hiểu hẹp hòi của họ.

Hiểu biết của ta về các vấn đề Trung Hoa, về nền văn hóa Trung hoa còn rất xa yêu cầu hiểu biết thực sự (những người đã hiểu thấu đáo văn hóa Trung Hoa có đủ trình độ để tiếp thu mọi luồng tư tưởng của nhân loại). Cũng như, cho đến nay, chưa có một người Việt Nam nào tiếp thu đầy đủ ý nghĩa của văn hóa Pháp.
(Nguyễn An Ninh, Lý tưởng của thanh niên An nam, năm 1924)

Tín ngưỡng xen lẫn hoài nghi

Tín ngưỡng của người Việt không có tính cách đơn thuần. Họ nhận thức rằng trong vũ trụ có những lực lượng có thể nguy hại tới họ, nên họ tìm cách ngăn ngừa. Không rõ các lực lượng âm thầm tác động ra sao nên họ tế lễ để cầu yên. Đối với họ, ông thánh nào cũng thiêng, ông thần nào cũng mạnh, Phật tổ Lão tổ đều là bậc thánh thần cả, bởi vậy họ phải kiêng sợ mà lễ bái để cầu lợi lộc. Thực ra, trong trí họ vẫn lởn vởn ít nhiều hoài nghi. Đem chứng nghiệm với cuộc đời thực, họ thấy uy quyền của Thần Phật có mà cũng lại không. Thái độ lưng chừng và thiết thực làm họ dung hòa được các tôn giáo. Họ không có một tín ngưỡng vững chắc nào cả.
(Lương Đức Thiệp, Xã hội Việt Nam, năm 1944)

Cần mẫn một cách bất đắc dĩ

Dân An Nam ta có nhiều tật xấu, duy có một tật làm biếng là không ai trách được[1]. Chỉ hiềm một điều làm ăn thì cần mẫn, nhưng lại không coi cái cần mẫn ấy là vinh hiển, tựa hồ như một điều bất đắc dĩ phải làm thì làm, chớ không có gì vẻ vang. Hồ[2] nhờ được cày cuốc mà có dư ra thì lo ngay danh miệng[3]. Đến lúc lên được ông nọ ông kia, mà có ai nhắc đến phận cày phận cuốc khi xưa thì xem hình như người ta xỉ vả mình.

Cái lý tường sai ấy là do trong bọn thượng lưu, trong các nhà chữ nghĩa lấy cái nhàn làm cái hân hạnh. Chỉ có dăm ba chữ ngồi rung đùi từ sáng đến chiều, còn gạo thổi cơm ở tay ai mà ra, vải may áo ở tay ai mà ra, không nghĩ đến.
(Nguyễn Văn Vĩnh, Xét tật mình, Đông Dương Tạp chí số 12)

Chú thích:

* Ý nói phải nhận là người chăm chỉ
* Nếu, giả như
* Tiếng hão

Không thiết chuyện gì

Người nước ta, đối đãi với nhau một cách nghiêm khắc, trách bị nhau những chuyện nhỏ nhặt. Ngoài sự hư danh, một tiểu lợi, nhất thiết hoài nghi cả, không thiết chuyện gì: phàm những sự nghiệp lớn lao, những chủ nghĩa cao thượng cho là viển vông, không biết đem lòng ham chuộng, không biết dốc chí theo đuổi.

Tật thứ nhất của dân mình là hay xét nét. Bới lông tìm vết, người nọ dùng trí khôn để dò xét người kia. Xã hội như cái sa-lông, đông khách ngồi, nhưng cứ rụt rè mà nhìn nhau, ngoài những lời thăm hỏi vẩn vơ những câu hàn huyên vô vị, không gây nên được câu chuyện đượm đà hứng thú.
(Phạm Quỳnh, Hoàn cảnh, Nam phong, 1924)

Trống rỗng tầm thường

Trong sự bày biện của chúng ta thiếu hẳn sự hợp lý. Sự thiếu hợp lý này có đôi khi mang lại tính chất muôn màu muôn vẻ mà ờ những nước hiện đại không thể có: họ mắc chứng rập khuôn hàng loạt.

Thế nhưng rút lại thì ở ta cái ấn tượng chung vẫn là một bức toàn cảnh tầm thường. Con người trì trệ, quần áo đồ đạc cũ kỹ và đáng sợ hơn cả là người ta luôn luôn gặp những khung cảnh đẹp mà bên trong rỗng tuếch, những trang trí sặc sỡ tham gia vào một vở kịch nhạt nhẽo, cái nọ triệt tiêu cái kia, do đó mà chỉ có những vai phụ ra múa may để làm ra vẻ đang đóng những vai chính.
(Nguyễn Văn Vĩnh, Đời sống và khung cảnh An Nam, Báo L’Annam Nouveau, năm 1934)

Tài hèn trí đoản, bán quẩn buôn quanh

Việc buôn bán của ta không được thịnh vượng bằng các nước khác cũng bởi nhiều cớ. Dân ta nhát tính không dám đi xa. Nhiều người cậy có dấn vốn, chỉ ngồi một xó, cái gì cũng chờ người ta mang đến tận nơi, mua tranh bán cướp với nhau, chớ một bước cũng không dám đi đâu cả. Có đi chăng nữa, thì chẳng qua Hà Nội xuống Hải Phòng, Sơn Tây xuôi Nam Định đã cho là xa xôi, ai bần cùng lắm mới lên đến Lào Cai, Yên Bái hoặc vào đến Bình Định, Sài Gòn. Còn chỉ lo những nước độc ma thiêng, hoặc là phong ba bất trắc, mà quanh năm chí tối bán quẩn buôn quanh.

Phàm làm việc gì có phải dễ dàng mỗi chốc mà thành hiệu[1] ngay được đâu. Ta buôn bán động hơi thấy lỗ vốn một chút hoặc hơi vấp váp điều gì đã ngã lòng ngay. Hoặc đóng cửa, hoặc xin thôi, làm cho việc có cơ tấn tới cũng phải tan không thành nữa.
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)

Chú thích:

* Tức có kết quả

Bôi bác, giả dối

Cái chí của người Việt Nam ta cũng khác: muốn bán cho rẻ và nhiều, thích thế để xiêu lòng khách, còn cái phẩm có tất hay không, không quan tâm đến. Bát mằn thắn của người mình có đủ cả rau thơm, xá xíu, đôi khi mấy miếng dồi và một phần chia tám quả trứng vịt. Mằn thắn làm rất te bột, nặn xuề xòa để trông càng to hơn, nhưng nhân thì hết sức kín đáo và nhỏ bé vì được một tí thịt chỗ bàng nhạc[1] mua rẻ của các hàng thịt lậu ôi ở ngoại ô, lúc trút hàng bán rẻ. Nước cũng rất nhiều -nữa, dềnh lên như ao sau trận mưa, nhưng nhạt ví như nước bèo.

Tất cả chỉ bán có năm xu. Tưởng đắt hàng là phải. Thế mà không. Khó lấy nhiều hoa mắt người ta được. Miễn là thức hàng bán xứng với đồng tiền, đừng lừa dối người mua, của ngon thì người ta ăn đắt rẻ không kỳ quản. Đó là một sự thức giản dị trong nghề buôn bán mà tiếc thay nhiều nhà buôn người mình không biết đến, làm tồi bán rẻ rồi đánh lừa được người mua thì lấy làm sung sướng.
(Thạch Lam, Hà Nội ba sáu phố phường, năm 1994)

Chú thích:

* Bạc nhạc, chỉ chỗ thịt dai không có nạc

Cái gì cũng giả

Đọc báo hàng ngày, thỉnh thoảng lại thấy xã hội Vệt Nam sản ra những bọn người giả. Giả mật thám, giả lính đoan, giả làm người của Sở nọ, Sở kia. Hạng người nào cũng có kẻ giả, trừ ra một bọn ăn cướp.

Có lẽ trong các thực đơn của thế giới, không đâu có nhiều món giả bằng nước An Nam. Cũng thì một miếng thịt, người ta bày ra đủ trò: nấu với tiết gọi là giả trâu, nấu với riềng mẻ gọi lả giả cầy, nấu với hành răm gọi là giả chim, nấu với đậu nghệ gọi là giả ba ba, đốt đi rồi bóp với thính đỗ tương thì lại bảo là giả dê.

Đồ ăn là thứ sẽ ăn vào miệng, hễ qua hàm răng thì nó là lợn hay trâu, hay gì gì nữa, cái lưỡi sẽ biết tức thì, thế mà chúng ta cứ làm giả, thì có khác chi xúi giục nhau rằng: trên đời không có cái gì mà không giả được? Cái nạn nhiều hạng người giả từ đấy mà ra.
(Ngô Tất Tố, Báo Thời vụ, năm 1938)

Những cuộc khao vong nặng nề vô nghĩa

Người thi đỗ, người được bổ làm quan, người được phẩm hàm... đều phải khao vọng. Nhà vua cũng đã đặt lệ giản tiện cho người ta dễ theo. Đại để như đỗ tú tài thì khao một con gà, một đĩa xôi và ba quan tiền, đỗ cử nhân thì khao một con lợn, một mâm xôi và năm quan tiền. Nhưng ngặt vì tục dân đã quen, chiếu lệ ra mà làm thì họ cung phải chịu, nhưng tình ý không thỏa hiệp thì họ sinh ra lắm sự ngăn trở. Họ có câu rằng "Phép vua thua lệ làng" thực là một lời nói đáng khinh bỉ.

Lại ngán nỗi cho hạng kỳ mục, động ai có việc gì mới mọc đến ăn uống no say rỗi thì giở ra cách chơi bời, thuốc phiện hút khói um nhà, bài bạc đùa cười rầm rĩ, ấy thế là thỏa thuê, ấy thế là hể hả. Giá đám nào kém thì đã thấy lắm kẻ hậm hà hậm hực, tiếng lọ tiếng kia, làm cho người ta khó chịu.

Than ôi! Ngoài chốn hương thôn không còn biết trời đất là đâu, người sự ăn uống không còn có sự nghiệp gì, như thể thì trách làm sao mà dân chẳng hèn, nước chẳng nhược?
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)

Đời sống hàng ngày hủ bại tầm thường

Các tật của nhà nho đại khái như sau:

1- Tính lười nhác, làm việc gì không mấy ông chịu chăm chút siêng năng. Đi đâu thì lạng khang rẽ ràng. Sáng không dậy được sớm, mà đứng dậy thì làm thế nào cũng phải ngồi ngáp một lúc, rồi nào hút thuốc, nào uống nước, nào ăn trầu, nào rửa mặt sau mới nhắc mình lên được mà ra ngoài.

2 - Tính nhút nhát, động làm việc gì thì lo trước nghĩ sau, không dám quả quyết làm ngay. Thí dụ như chưa đi buôn đã lo lỗ vốn, chưa làm ruộng đã sợ mất mùa. Quanh năm chỉ ngồi một xó không được một trò gì.

3 - Hay nghĩ viển vông mà không lo việc trước mắt. Tiền sờ túi không một xu mà vẫn gật gù đánh chén, sánh mình với Lý Bạch, Lưu Linh. Gạo trong nhà không còn một hột, mà vẫn lải nhải ngâm thơ, tỉ[1] mình với Đào Tiềm, Đỗ Phủ. Học thì chẳng được một điều gì thực dụng mà vẫn tự đắc là tai thánh mất hiền[2]. Nói khoác thì một tấc đến trời mà rút lại mười voi không được bát nước sáo.

4 - Ngoại giả các tính ấy, lại còn một tính làm cho hại việc là tính cẩu thả. Xem điều gì hoặc làm việc gì, chỉ cẩu cho xong việc, chớ không chịu biết cho đến nơi đến chốn hoặc làm cho thực kinh chỉ[3] vững vàng. Lại một tính tự mãn tự túc, học chưa ra gì đã lấy làm khôn, tài độ một mẩu con đã cho là giỏi. Vì các tính ấy mà làm cho ngăn trở sự tiến hóa.
(Nguyễn Văn Vĩnh, Chuyên mục Nhà nho, Đông dương Tạp chí, năm 1914)

Chú thích:

* So sánh
* Người có tài có đức
* Tạm hiểu: đạt tới chuẩn mực

Bóc lột thay cho quản lý

Vua đè ép các quan lớn. Các quan lớn đè ép các quan nhỏ. Các quan nhỏ đè ép dân. Cái không khí áp chế chỗ nào cũng nồng nặc khó chịu, xuống đến bậc dân thì không còn dân đạo[1] dân quyền gì nữa. Có miệng không được nói có tai không được nghe, phần nào sưu thuế nặng nề, phần nào quan lại sách nhiễu, biết chết mà không đám tránh, bị ép mà không dám than. Chốn thôn đã thì đường xá khuất lấp, trộm cướp nổi lung tung. Ngoài thành thị một bầy quỷ sống, đua nhau ăn thịt dân uống máu dân. Mỗi năm bão lụt, dân bị chết đói, mỗi năm tật dịch, dân bị đau chết, không biết chừng nào.
(Trần Huy Liệu, Một bầu tâm sự, năm 1927)

Chú thích:

* Đạo, nghĩa gốc là giáo lý, chủ thuyết, dân đạo có thể hiểu là một quan niệm về người dân trong xã hội

Quan cao chức lớn cũng sống như kẻ hạ lưu

Nghĩ như những người quan cao chức lớn, cửa rộng nhà to, mũ áo đai cân, mày đay kim khánh mà gian tham xiểm nịnh, bất nghĩa vô lương hút máu hút mủ của dân thứ để nuôi béo vợ con, như thế có phải là hạng người hạ lưu không, tưởng công chúng cũng đều công nhận. Lại nghĩ như những người tây học nho học, học rộng tài cao duyệt lịch giang hồ, giao du quyền quý mà quỷ quyệt giả trá, bôi nhọ ra hề, lấy văn học[1] gạt xã hội để mua cái hư danh, phụ xã hội thân người ngoài[2] để kiếm bề tư lợi , như thế có phải là hạ lưu không, tưởng công chúng cũng đều công nhận.
(Tản Đà, Đông Pháp thời báo, năm 1927)

Chú thích:

* Văn học ở đây tức là học vấn nói chung
* Người ngoài: chỉ người Pháp cũng như người Tàu là các thế lực lúc ấy đang có nhiều ảnh hưởng

Từ ảo tưởng tới thoái hóa

Mấy trăm năm nay, thuyết minh đức tân dân[1] làm hại cho sĩ phu nhiều lắm, nhất là trong thời đại khoa cử thịnh hành. Buổi còn đang đi học thì người nào cũng nhằm vào hai chữ tân dân đó mà ôm những hy vọng hão huyền, cứ tưởng rằng mình ngày sau sẽ làm ông nọ bà kia, sẽ kinh bang tế thế, rồi mình sẽ thượng trí quan, hạ trạch dân, làm nên công nghiệp[2] ghi vào thanh sử[3] đến đời đời, không ngờ thi không đậu hay đậu mà không làm ra trò chi, thì trở nên thất vọng, thiếu điều ngã ngửa người ra, tay chân xuôi lơ và bủn rủn.

Còn người khác đắc thời, thi đậu ra làm quan thì lại ỉ rằng bấy lâu mình đã có cái công phu minh đức, nghĩa là mình đã học giỏi rồi, thì bây giờ cứ việc thôi sờ học ư sở hành, chớ có lo chi. Bởi vậy nên có những ông thượng thư bộ hộ mà làm chẳng chạy bốn phép toán, thượng thư bộ binh mà cả đời chẳng biết đến cái lưng con ngựa ra sao cái cò khẩu súng là gì. Mà rồi ông quan nào cũng như thượng đế cả, nghĩa là toàn trí, toàn năng(!).
(Phan Khôi, Báo Thần chung, năm 1929)

Chú thích:

* Trích từ câu đầu tiên của sách Đại học, có nghĩa làm sáng đức và khiến dân luôn luôn đổi mới
* Cũng tức là sự nghiệp
* Thanh sét thời cổ ở Trung Quốc dùng thẻ tre để chép sử, nên lịch sử thường được gọi là thanh sử

Previous Post
Next Post