Suy ngẫm: Những thói hư tật xấu của người Việt

Trì trệ và bất lực

Bị ý thức hệ nho giáo bảo thủ lung lạc, bị nguỵ thuyết của bọn Tống nho đưa lạc nẻo, bị chế độ thi cử chi phối, đẳng cấp nho sĩ Việt Nam không còn một chút hoạt lực[1] nào, không còn được một tính cách cấp tiến nào nữa. Bởi vậy họ đã chống tiến hoá chống cải cách. Phụ hoạ với triều định, họ đã lấy cái học bã giả[2] của Tống nho dựng một bức trường thành ngăn các trào lưu triết học khác không cho tràn tới địa hạt tri thức do họ giữ đặc quyền.

..."Thiếu độc lập về tư tưởng, hoàn toàn phục tùng cổ nhân Trung Hoa về cả mặt tình cảm, quá câu nệ về hình thức thơ Tàu, đẳng cấp Nho sĩ Vệt Nam chỉ sản xuất ra được những lối thơ nghèo nàn. Nhiều tập thơ mài giũa công phu nhưng không chút sinh khí.

Qua ngay hình thức của thơ, ta cũng thấy rõ tinh thần bảo thủ của đẳng cấp Nho sĩ và sự bất lực của đẳng cấp này trong mọi công cuộc sáng tạo xã hội có tính chất cấp tiến.
(Lương Đức Thiệp, Việt Nam tiến hóa sử, năm 1944)

Chú thích:

* Sức sống
* Thường nói bã chả, với nghĩa cái phần dư thừa sau khi lấy hết tính chất và nát ngấu nhão nhoẹt.

Chỉ biết theo đuổi những giá trị tầm thường

Danh dự là có tài có đức có công nghiệp[1] có khí tiết thật, còn kẻ chạy theo hư vinh chỉ lo đâm đầu đâm đuôi chạy xuôi chạy ngược để cầu cạnh chen chúc, làm sao cho có được cái mã ngoài ấy thì tất là lộn sòng về cái chân giá trị. Nào trong xã hội mấy ai là người biết cân nhắc so sánh, mà vẫn thường lầm cái hư vinh là cái danh dự thực! Hỏi trọng gì, ắt là võng lọng cân đai, hỏi quỷ ai, tất là ông cả bà lớn, hỏi cái gì là sang, tất là xe ngựa lâu đài ngọc ngà gấm vóc, hỏi cái gì là sướng, tất là ăn trên ngồi trốc, nhận lễ thu tiền.

Rồi xu phụ khéo luồn lọt bợm để cẩu vinh, ấy là người giỏi, giết người tợn tâng công khỏe để cầu vinh, ấy là người tài, lắm quan thày tốt, thần thế lo gì cũng xong xin gì cũng được, ấy là anh hùng, nạt con em ức hiếp hàng xóm, anh làm ông nọ, em lâm ông kia, ấy là nhà có phúc, khao phẩm hàm, vọng[2] ngôi thứ, ấy là vẻ vang, cổ kim khánh, ngực mề đay ấy là danh giá. Một người như thế, trăm người đều như thế, đời trước như thế mà đời sau cũng như thế nới!
(Dương Bá Trạc, Tiếng gọi đàn, năm 1925)

Chú thích:

* Cũng tức là sự nghiệp
* Nộp tiền hay lễ vật cho làng để có ngôi thứ

Thiết thực nhưng lại phù phiếm

Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý[1]. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo(2) và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hoà hoãn bớt, cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng mà phán đoán thường có vẻ thiết thực.

Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi cờ bạc. Não sáng tác[2] thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng , dung hoà thì rất tài. Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo.
(Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, năm 1938)

Chú thích:

* Tự nhiên cảm thấy hơn là do suy luận mà biết
* Những gì đã quá quen

Hay tự ái và hiếu danh

Người Việt rất hay tự ái. Không mấy khi họ thú thật nỗi cực nhọc từng phải chịu. Nhưng tính tự ái thường đi đôi với tính khoe khoang. Họ dễ kiêu căng. Ở nông thôn vấn đề thể diện có một tầm quan trọng xã hội hàng đầu. Người nông dân rất thích nổi bật trước mắt kẻ khác và thích nên danh nên giá. Để chiếm được một vị trí tốt giữa những người trong cùng cộng đồng, nói chung là để thỏa mãn tính hiếu danh, họ chẳng lùi bước trước một điều gì. Họ sẵn sàng nhịn hẳn thịt cá và các món ăn ngon lành trong cả năm, hay mặc những bộ quần áo vá chằng vá đụp, chỉ cốt để có tiền tổ chức những bữa khao vọng linh đình nhân được thụ phong một loại bằng sắc nào đó.
(Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, năm 1944)

Sự suy đồi toàn diện

Trong khoảng vài mươi năm nay, các bậc đại thần ăn dầm nằm dìa ở chốn triều đình, chỉ biết chiếu lệ cho xong việc, quan lại ở các tỉnh thì chỉ lo cho vững thần thế mà hà hiếp bóp nặn ở chốn hương thôn, đám sĩ phu thì ganh nhau vào con đường luồn cúi hót nịnh, không biết liêm sỉ là gì, bọn cùng dân bị nặn bóp mãi mà máu mủ ngày một khô, không còn đường sinh kế nữa. Đến bây giờ thì thế sự hư hỏng, nhân dân lìa tan, phong tục suy đồi, lễ nghĩa bại hoại, một khu đất bốn mươi vạn dặm vuông, một dân tộc hơn hai mươi triệu người lại sắp ở vào cái địa vị bán khai mà quay về cái địa vị dã man.

(...) Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức... Trong một làng một ấp cũng cấu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống vẫn coi nhau như thù hằn, có dẫu ai có muốn lo toan việc lớn, chưa kể rằng không có chỗ mà nương thân, không có khí giới mà dùng, không có tiền của mà tiêu, giá phỏng Chính phủ[1] cho mượn trăm nghìn khẩu súng, cấp đất vài tỉnh cho ở, không thèm hỏi đến, tha hồ muốn làm gì thì làm, chẳng qua vài năm nếu không báo thù lẫn nhau thì cũng tranh giành địa vị với nhau, nếu không cướp đoạt tiền tài thì cũng giành giật tước vị, tự chém giết nhau đến chết hết mới thôi, quyết không thể sống nổi trong thế giới này, lại còn chống cự ai được nữa.
(Phan Chu Trinh, Thư gửi Chính phủ Pháp, năm 1905)

Chú thích:

* Đây là Chính phủ thực dân Pháp

Hay nghi ngờ và làm hại nhau trong công việc

Người Châu Âu, người Nhật Bản làm việc gì cũng hợp đoàn mà làm. Tôi thường thấy người Nhật Bản lúc bản tính công việc quan trọng họ tin cậy nhau hơn ruột thịt. Còn như nước ta thì không phải không muốn làm nên việc, nhưng cùng làm việc thì nghi ngờ nhau, không phải không muốn thành công, nhưng cùng lập công[1] thì ghét bỏ nhau. Nếu chịu nghĩ kỹ thì tại sao ta lại không biết dằn lòng mà theo nhau, không biết đem lòng thành thật mà đối đãi với nhau, lại cứ nghi ngờ ghét bỏ nhau, thật là ngu quá không thể hiểu được.
(Phan Bội Châu, Việt Nam quốc sử khảo, năm 1908)

Chú thích:

* Ngày nay lập công có nghĩa lập được chiến công chiến tích , hồi đầu thế kỷ XX được hiểu đơn giản là làm mót công việc nào đó...

Cách chống đối tiêu cực

Người Việt ít khi chịu chết vì tín ngưỡng hay vì một vĩ nhân nào đó đã chủ trương trái quyền lợi của họ. Gặp lúc phải dồn vào thế yếu, họ chống lại ngay bằng phương pháp tiêu cực: chỉ trích và châm chọc.

Luôn luôn bị áp bức về kinh tế và chính trị, cuộc sinh hoạt tinh thần thường lẩn cả vào trong tâm tưởng nên sức phản ứng của tình cảm và tư tưởng không mau lẹ. Tính ưa hư danh là một tật phổ thông của những người hằng cố gắng tìm vượt lên trên địa vị hiện tại của mình. Tật cờ bạc, do cuộc sống chật hẹp gây nên, cũng là một tật phổ thông khác.
(Lương Đức Thiệp, Việt Nam tiến hóa sử, năm 1944)

Thói tục di truyền

Một là, học để làm quan: Người sinh ra ở đời có học mà không khôn mới làm hết được bổn phận làm người. Làm quan chẳng qua là một việc trong sự làm người đó mà thôi. Thế mà người mình có cái tính di truyền “đi học cốt để làm quan", cha truyền con nối, trước bày nay làm, dầu cho ngày nay phép học phép thi đổi ra cách mới, mà người đi học vẫn ôm cái hy vọng làm quan chủ chốt.

Hai là, làm quan ăn lót: Làm quan... cốt là mượn cái địa vị thế lực mà làm cái lợi riêng, thói ăn của dân cho là cái quyền lợi tự nhiên mình được hưởng, tập dữ tính thành[1] không ai cho là điều quái lạ hồ thẹn.

Ba là, a dua người quyền quý. Ngu dốt mà cũng tán rằng thông minh, bạo ngược mà cũng tán rằng nhân đức. .. bất cứ việc gì người ra thế nào, đã là quyền quý thì cứ nhắm mắt tán dương.

Bốn là, trọng xác thịt[2]: Ngoài sự ăn sung mặc sướng ở yên ra, gần như không có tư tưởng gì nữa. Đối với kẻ khác cũng lấy cái mục đích đó mà xem xét Nghĩa là không hỏi nhân cách thế nào, mà chỉ thấy ăn mặc xa hoa, lầu cao nhà lớn thì sinh lòng hâm mộ, dầu có hại nòi nát giống, mà đạt được mục đích thì cũng không từ.
(Huỳnh Thúc Kháng, Báo Tiếng dân, năm 1929)

Chú thích:

* Làm quen mãi rồi thành ra một thuộc tính tự nhiên
* Tức là trọng vật chất

Ỷ lại như một căn bệnh

Tôi không nhớ vị Giáo sư Pháp nào, ở lâu năm bên ta, đã nói: “Những thanh niên Việt Nam đào tạo ở trường học mới, không có một tinh thần sáng tạo chắc chắn". Lời bình phẩm có vẻ vội vàng gắt gao, nhưng không phải là không có một phần sự thực. Vì cái bệnh ỳ lại đã ăn sâu vào trong xương tuỷ người nước ta, cơ hồ không gột rửa được nữa.

Không phải bây giờ mà từ bao giờ, ở khắp các địa hạt, người Việt Nam đã tỏ ra mình là một giống người sống một cách lười biếng và cẩu thả (...) trong sự ăn, sự mặc, sự ở, nhất là trong sự phô diễn tư tưởng. Tự tử không hề cố gắng và tạo tác ra một cái gì hoàn toàn của ta, ta chỉ muốn hường thụ những của sẵn và cam tâm làm kiếp con ve của thơ ngụ ngôn[1]. Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhặt đến một đạo lý cao xa. Hồi xưa kia chúng ta là những người Tàu, gần đây chúng ta là những người Tây, chưa có một lúc nào chúng ta là những người Việt Nam cả.
(Lưu Trọng Lư, Một nền văn chương Việt Nam, năm 1939)
Chú thích:

* Ý nói vui chơi ca hát, không biết tính xa, và sẵn sàng vay mượn để sống qua ngày Lấy tích từ bài thơ ngụ ngôn con ve và con kiến của La Fontaine, bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh.

Ai mạnh thì theo, bỏ hết liêm sỉ

Sĩ phong[1] nước ta, suy đồi đi là tự đời Lê Trung Hưng về sau. Lúc bấy giờ các Vua nhà Lê vẫn cầm quyền mà họ Trịnh dám dấy lên cướp quyền, quan lại và sĩ dân trong nước đều theo họ Trịnh. Hóa nên cái tâm lý sĩ phu thời ấy có hai đàng: thờ Vua Lê để tránh tiếng phản quân, thờ họ Trịnh để kiếm đường thực lợi. Ban đầu chắc cũng có người áy náy trong lòng, về sau tập thành quen, không còn biết thế nào là sỉ nhục.

Một người như thế thì trăm nghìn người hùa theo, người trên như thế thì người dưới bắt chước theo, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa, quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau vào vòng danh lợi. Từ đó về sau, người mình trở nên mềm như con bún, không biết vua là gì, không biết nước là gì, hễ ai mạnh thì theo. Lòng tự trọng của người mình như ngọn lửa đã tắt, không còn bừng lên, như hạt giống bị ẩm, không còn nứt lên được. Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống ở dưới[2] lên, làm cho nhân dân ngày một đê hèn ngày một yếu ớt. Lòng tham lợi mạnh hơn lòng tư kỷ[3] thì luồn cúi lạy lục mấy cũng chẳng từ, ưa cái sống đục hơn cái thác trong, thì mặt dạn mày dày đâu có quản.
(Phan Khôi, Luận về khí tiết, báo Hữu Thanh, năm 1923)

Chú thích:

* Tương tự như một thứ khí hậu trên phương diện tinh thần.
* Theo Tự vị An Nam Latin (1772 - 1773) đợ có một nghĩa cổ "trao của tin cho ai”, ở đây đợ lên tạm hiểu là nhẫn nhục chấp nhận.
* Tự ý thức về cá nhân mình.


Biếng nhác, vô cảm, lẩn tránh

Hiện tượng quá đông dân và thường xuyên thiếu việc làm khiến cho nhiều người có tâm lý sống ngày nào biết ngày ấy. Ở thôn quê, những kẻ có chút tiền bạc hoặc có đủ ruộng chỉ còn thích ăn không ngồi rồi.

Xét về phương diện tinh thần, xu hướng biếng nhác này càng trầm trọng thêm bởi nền giáo dục cổ lỗ và chưa bao giờ có phương pháp. Thành ra có sự lười biếng về trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy. Sau khi chất đầy trí nhớ các loại kinh sách, nhà nho xưa kia chẳng còn nghĩ đến chuyện trau dồi trí tuệ nữa. Họ thường già trước tuổi. Hoặc là họ nhẫn nhục chịu đựng cốt không để ai đó ganh ghét mà kiếm chuyện lại thôi. Hoặc là họ sa vào thói chơi ngông đôi khi cũng tinh tế đấy, nhưng dễ làm cạn kiệt cái năng lực phát minh cũng như năng lực lập luận khoa học.

Có những nhà quan sát nước ngoài nhận xét người Việt hay trộm cắp và dối trá. Trong một thời gian dài, người dân nước này chỉ được nhận một nền cai trị kém cỏi, trong đó thấm sâu chính sách ngu dân. Cá nhân con người luôn luôn bị săn đuổi, họ buộc phải bao quanh mình một tấm màn bí mật. Làng xã cũng vậy, trong quan hệ với chính quyền trung ương họ cố giữ lấy một thái độ nếu không độc lập thì cũng ương bướng bất phục.
(Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, năm 1944)

Nặng óc hư danh

Dân ta là dân rất hiếu danh, mà hiếu hư danh, tật đó dẫu người nông nổi xét xã hội mình cũng đủ biết. Từ trên xuống dưới từ thấp chí cao, từ anh khố rách trong làng cố cầu cạnh cho được chức trương tuần phó lý để được người ta khỏi gọi là bố đĩ, bố cu cho đến bậc phú thương nơi thành thị thi nhau mà mua lấy tiếng ông bá ông hàn để ra mặt thượng lưu trong xã hội, cậu cả cậu hai luồn lót hàng chục hàng trăm để được gọi là thầy thông thầy phán, hết thảy đều như có cái ma lực nó run rủi, phải cố chuốc lấy chút danh tiếng hão mới mãn nguyện.

Không có lòng danh dự mà có tính hiếu danh thời dễ táng thất lương tâm. Quỵ lụy khúm núm trước mặt người trên, châu tuần[1] nơi quyền quý để cầu sự nọ, khấn việc kia, ví phải đập đầu xuống đất mà lạy cũng cam tâm. Xét cái danh dự phổ thông trung xã hội, cái danh dự hàng ngày hiển hiện ra trong cuộc giao tế[2], thời phải chịu rằng người mình ít có thật.
(Phạm Quỳnh,Danh dự luận, Nam phong, 1919)

Chú thích:

* Loanh quanh chầu chực nơi nào đó.
* Quan hệ trao đổi tiếp xúc với nhau.


Sống không lý tưởng

Có chí mà không làm nổi, đó là vì tài lực không đủ thật không đáng trách. Nhưng trong chúng ta, đáng trách là hạng người sau: sống ở đời, không có mục đích gì cao hết. Họ không có một cuộc đời lý tưởng. Họ không coi một thứ gì là đáng ham chuộng, ngoài sự làm tôi đồng tiền mặc dầu phải quăng bỏ liêm sỉ bán rẻ nhân cách.

Ngoài ra, lại còn một hạng cho ai cũng là người võ vị , việc gì cũng là việc không đáng làm, ngất ngưởng qua ngày, hững hờ đoạn tháng, để đồng tiền huyết hãn[1] của cha, mẹ, vợ, con vào vòng trời hoa đất rượu, phung phí tuổi giàu sức khoẻ vào những cuộc đỏ đen suốt sáng, mây khói thâu canh. Họ chỉ cốt sống để tìm những thỏa mãn về vật dục[2]...
(Hoa Bằng, Hư sinh, Tri Tân, 1943)

Chú thích:

* Huyết: máu, hãn: mồ hôi, ngày nay hay nói mồ hôi nước mắt.
* Mọi ham muốn vật chất.

Tuỳ tiện trong quản lý

Việc quản trị dân xã là ở trong tay mấy người tổng lý, chánh phó lý cựu chánh phó tổng cựu, xã tuần, phần thu. Bọn đó quanh năm trông vào khoán ước của làng mà đình mà đám mà thu mà bổ, mà xà xẻo bớt đầu bớt ngọn, mà bắt vạ kẻ nọ kẻ kia.
Các khoán ước ít khi biết tự đời nào để lại. Cũng có khi là do một chuyện mộng ảo huyền hồ[1] mà lập nên. Cũng có khi là công nghiệp[2] của một người hách dịch một thời, nhân lúc có thần thế mà đặt cho làng mình một lệ để lưu truyền mãi mãi. Được lệ hay thì dân làng nghìn năm được nhờ thói tốt. Phải lệ dở thì dân làng vạn đại phải noi[3] tục hủ, lụn bại phong tục đi.
(Nguyễn Văn Vĩnh, Chỉnh đốn lại cách cai trị dân xã, năm 1914)

Chú thích:

* Do những cớ ngẫu nhiên, vớ vẩn
* Việc làm
* Tuân theo

Mưu lợi trên sự kém cỏi của dân

Người nước ta không hiểu cái nghĩa vụ ăn ở với loài người đã đành, đến nghĩa vụ của mỗi người trong nước cũng chưa hiểu gì cả. Phải ai tai nấy, ai chết mặc ai! Đi đường gặp người bị tai nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt bỏ qua, hình như người bị nạn khốn ấy không quan hệ gì đến mình.

Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích, là bởi ba bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc ham quyền tước, ham bả vinh hoa của các triều vua, mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết có vua chẳng biết có dân.

Dẫu trôi nổi, dẫu cực khổ thế nào mặc lòng, miễn là có kẻ mang đai đội mũ ngất ngưởng ngồi trên, có kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới, trăm nghìn năm như thế cũng xong. Dân khôn mà chi! dân ngu mà chi! dân lợi mà chi! dân hại mà chi! Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý.

Chẳng những thế mà thôi , "một người làm quan, một nhà có phước", dầu tham dầu nhũng, dầu vơ vét dầu rút ưa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình, dầu lấy của dân mua vườn sắm ruộng xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai. Người ngoài thì khen đắc thời, người nhà thì dựa hơi quan, khiến những kẻ ham mồi phú quý không đua chen vào đám quan trường sao được?!
(Phan Chu Trinh, Đạo đức và luân lý Đông Tây, năm 1925)

Sợ tự do, cam chịu bất công

Đế vương xưa chỉ dạy thờ người trên và biết nghĩa vụ của mình còn quyền lợi không cần biết đến mà cũng không có nữa. Tục ngôi thứ đã in rất sâu vào óc người dân quê, đến nỗi những tư tưởng tự do phóng khoáng từ phương Tây truyền sang, đến lũy tre xanh là dừng lại, biến mất như một ngọn gió mát tan vào một bầu không khí nồng nực nặng nề.

Tục vị thứ hóa ra tục sùng bái nhân tước[1] một cách u ám đê hèn, và thay vào óc kính thượng là một óc nô lệ đáng khinh.

Tự do cá nhân và hết thảy các tự do ở bên ta và nhất là ở nơi thôn quê chỉ là một câu chuyện hoang đường. Cũng vì thiếu tự do - nếu ta không kể sự tự do phục tùng và tự do uống rượu - nên tình cảnh dân quê về phương diện tinh thần mới có vẻ điêu linh tàn tạ. Cũng vì thiếu tự do nên người ta đối với những công cuộc cải cách mới lạ thường có cái não ngờ vực. Sức phản động dìm dập dân quê vào nơi ngu tối, tạo thành cho họ cái tính nô lệ, cái căn tính chịu đựng trước những sự tàn ngược ức hiếp.
(Hoàng Đạo, Bùn lầy nước đọng, 1939)

Chú thích:

* Vị thứ tức ngôi thứ trong làng, nhân tước là những tước vị do con người đặt ra.

Thù ghét mọi sự thay đổi

Chúng ta không có những nhà tư tưởng xây dựng được những công trình huy hoàng phong phú. Chúng ta chỉ cốt sống được, và trong địa hạt sinh hoạt vật chất cũng như trong địa hạt tư tưởng nghệ thuật, chỉ nghĩ đến cái gì có thể giúp cho mình thích ứng với hoàn cảnh ác liệt, để theo đuổi một cuộc sống tầm thường kín đáo mà thôi. Bởi thế nếu thỉnh thoảng có một người nào có khí độ phóng khoáng, không chịu ép mình làm nô lệ thánh hiền mà vượt ra ngoài vòng lề lối - mới vượt ra ngoài chứ chưa chắc đã xây dựng được cái gì mới - thì xã hội đã xem là quái vật mà không dung. Hoặc giả khi có nhà nghệ thuật thực hiện được một cái gì to lớn phi thường như pho tượng thánh Trấn Vũ ở Hà Nội[1] chẳng hạn thì cái mái nặng nề của ngôi đền lại đè bẹp nó xuống ở trong bóng tối mò của gian chính tẩm[2]. Những cái thái độ và quan niệm xuất kỳ[3] ấy thường bị cái tính thiết thực của dân tộc kìm hãm hay bài xích ngay.
(Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử đại cương, 1950)

Chú thích:

* Pho tượng này cao 3, 95m, đặt ở chùa Quán Thánh.
* Gian nhà to rộng ở giữa.
* Bày ra kế lạ, có những tư tưởng mới mẻ.

Previous Post
Next Post