Cái nhan đề dài dòng trên là một “luận đề” được một học giả nêu ra tại một cuộc cà phê sáng thứ bảy, tại một quán cà phê đông vui với sự hiện diện của khá nhiều các bậc trưởng lão trí thức văn nghệ vốn rất ham nhàn đàm vì ưu thời mẫn thế cùng một số ít bạn trẻ tò mò.
Tò mò vì cái “chủ đề” người Việt xấu xí và tò mò hơn là về thái độ của lớp cha chú với những cái xấu xí chủ yếu là của lớp trẻ/chưa già hôm nay. Diễn giả, nghiên cứu VTN, tâm tình về “bước đầu nghiên cứu” của ông với các loạt bài đăng tải từng gây xôn xao dư luận “Người xưa cảnh tỉnh”, “Thói hư tật xấu…”.
Mỗi đất nước trước thúc bách tiến bộ, muốn đổi mới đều phải xem lại mình, vạch ra những cái kém cỏi, lạc hậu, xấu xa, hạn chế… trong tính cách, truyền thống và thực trạng cộng đồng để mà khắc phục, đặng tiến lên. Cần đổi chiều mũi tên. Ta đã quá quen tự ca ngợi để nuôi lòng tự hào dân, quốc: Dân ta anh hùng, thông minh, sáng tạo, cần cù. Non sông ta gấm vóc. Môi trường ta rừng vàng biển bạc…
Từ đổi mới công chúng đã quen dần với những phê phán chê trách về tính cách, phẩm hạnh, trí tuệ, đạo đức của “người Việt”. Dân thường cũng nên tự vạch ra cái mặt xấu của mình kiểu như cán bộ Đảng, Chính quyền phải “luôn luôn tự phê bình sâu sắc” vậy. Nhà nghiên cứu kỳ công tra cứu, trích dẫn, phân tích những phê phán của các “cụ nhà ta” - từ Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh tới Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Phan Kế Bính… cũng như những nhận xét tiêu cực của vô số người nước ngoài về con người Việt Nam.
Cả một rừng thói tật hư xấu: Từ chuyện to như dân ta kém sáng tạo, háo danh, gian manh… tới chuyện nhỏ như hay mách lẻo, chửi bậy, kém vệ sinh… Nhìn từ trong ra, nhìn từ ngoài vào đều thấy quá nhiều rác hến, xú uế! Tình hình nay tệ hơn xưa bội phần: Hành hạ con trẻ, hôi bia, ăn chặn tiền liệt sỹ, mua bằng, bán chức, lừa chồng, tạt a xít vợ, con kiện cha, cháu chém bà, tham nhũng tày đình vượt xa tình hình “cướp đêm là giặc cướp ngày là quan” trong ca dao!
Một vị hỏi: Những thứ hư xấu này có dân tộc nào không có không? Phải chăng từ xửa xưa dân ta cũng như dân các nước khác đều đầy mình các thói tật ấy. Đọc Toàn thư sẽ thấy triều đình năm nào chả ra chỉ dụ quyết liệt giáo hóa răn đe trộm cướp, cờ bạc, đĩ điếm, gian lận… Vậy mà dân ấy vẫn làm nên bao chiến công huy hoàng, để lại cho cháu con vô vàn di sản văn hóa!
Đọc lại “Bỉ vỏ”, “Việc làng”, “Số đỏ”, “Giông tố”… “tiền chiến” đây thôi xem cái xã hội thời ấy thối nát thế nào, lương tâm, nhân tính, phong hóa tàn lụi đến đâu. Vậy mà người Việt xấu xí ấy đã đánh thắng mấy đế quốc to lừng lẫy địa cầu là tại làm sao? Vị khác hỏi: Dân số ta nay gấp 4 lần năm 1945 - thời Tản Đà than:
“Dân 25 triệu không người nhớn/ Đất bốn ngàn năm vẫn trẻ con” - thì cái xấu, cái ác… tăng 400% vẫn là chấp nhận được! Phải chăng chỉ vì truyền thông quá nhanh, mạnh khiến ta thấy xã hội và con người nay xấu xa hư hỏng hơn xưa? Lại thêm một comment rất tâm lý học: Trẻ tuổi tất phải khủng hoảng niềm tin, bất mãn với hiện tại để tìm ra đường mới cho mình. Tuổi già thường kỳ vọng quá lớn ở cháu con hóa bất mãn với hiện tại. Thế là thất vọng tràn trề, tam đại đồng đường cùng nhìn hôm nay trong màu đen kịt!
Cãi thế là ngụy biện, là cãi cùn! Ngay thời bao cấp lầm than và u mê tù túng và áp chế tâm lý xã hội cũng không bức xúc, hoang mang, thất vọng như bây giờ! Xuống cấp nhân tính, nhân tình, đạo lý, đạo đức là sự thực đau đớn, ô nhục, đáng xấu hổ không thể “mũ ni che tai”, nhắm mắt ngó lơ! Phải truy cho ra do đâu, tại ai, tại sao mà “người mình” lại “ra nông nỗi này”?
Bình rằng:
Cũng như chiều cao cơ thể và chỉ số IQ, thói hư tật xấu, cái ác cái kém cỏi của người mình 1/3 là di truyền, 1/3 tại dinh dưỡng và 1/3 bởi môi trường. Di truyền xoắn kép tốt - xấu, thiện - ác đan bện khi nổi khi chìm! Dinh dưỡng là kinh tế dần được nâng cao. Xóa bớt nghèo, thêm hiểu biết, phú quý lên thì mỗi người sẽ có lễ có nghĩa. Bức xúc nhất là môi trường tức là các quan hệ mà chúng ta tạo ra trong các cộng đồng.
Chủ nghĩa Mác cho rằng, con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội. Con người xấu xí như vầy là bởi nó tổng hòa các quan hệ xã hội xấu xí, mâu thuẫn, lạc hậu với các xung đột, bế tắc tích tụ thành ung bướu! Không cải tổ bộ máy cơ chế, chấn/ điều/ chỉnh các quan hệ xã hội thì thậm cấp chí nguy!
Lời cảnh tỉnh thậm xưng là: Mỗi chúng ta đều 1/3 vốn xấu xí và 2/3 là đang trở nên xấu xí hơn!