Một số người thường nghĩ rằng chỉ có toán học, văn chương, triết lý mới tập cho đứa trẻ biết suy luận, biết sử dụng và phát huy trí tuệ của mình. Cũng như chỉ có thể dục cùng những công việc chân tay mới giúp đứa trẻ mạnh sức, dẻo dai, khéo léo, nhanh nhẹn. Người ta đã ít nghĩ rằng âm nhạc là một động lực hiệu nghiệm không kém gì những bộ môn đó, và có thể đóng góp rất nhiều vào việc kiến tạo con người về mọi mặt.
Âm nhạc mở mang trí tuệ:
Về phương diện trí dục, âm nhạc là một thứ thuốc bổ vừa công hiệu, vừa dễ uống. Óc quan sát sẽ nẩy nở mạnh mẽ nhờ ở sự chú ý lắng nghe và phân tích cao độ cũng như trường độ của âm thanh. Nếu lưu tâm định giá mức nỗ lực của thính giác khi nghe một chuỗi âm thanh kế tiếp nhau trong một điệu hát dù ngắn ngủi dễ dàng nhất, thì cũng thấy ngay óc quan sát phải làm việc tinh vi như thế nào. Phân biệt được tiếng cao thấp chưa đủ, còn phải bắt được mức dài của mỗi tiếng. Thính giác càng tinh thì càng phân biệt mức sai biệt giữa những cao độ, mức ấy là 1/9 của một cung đối với người bình thường, nhưng đối với người lão luyện thì mức ấy nhỏ tới 1/100 của một cung tương đương với một vật nặng 0g200 đè lên một sợi dây căng thẳng.
Còn sự khác biệt về trường độ thì thường là 1/10 giây đồng hồ cũng đủ cho người bình thường nhận thấy dễ dàng. Còn đối với người có luyện tập thì mức khác biệt chỉ nhỏ bằng 1/100 giây đồng hồ cũng đủ làm cho họ nhận ra ngay. Không phải lúc nào người ta cũng ghi nhận những thay đổi đó với sự lượng giá bằng toán học như một nhà toán học trong phòng thí nghiệm. Nhưng người ta biểu lộ sự lượng giá đó bằng niềm thích thú hoặc khó chịu như nghe hoặc chính mình đàn, hát lên một âm thanh chính xác hay không. Xét cho cùng thì thích thú hay khó chịu là tán đồng hay phủ nhận cao độ và trường độ của âm thanh mà ta quan sát.
Đó là chưa kể tới sự khác biệt mà ta ghi nhận được khi âm thanh tạo ra mạnh hay yếu, mang màu sắc gì, do một hay nhiều nhạc khí trình tấu lên, một hay nhiều người hát, đồng ca hay hợp ca, có đàn phụ họa hay không, tiếng hát tiếng đàn có diễn tả tâm tình, ý tứ của soạn giả, của mạch văn hay không… Thật là cả hàng trăm sự tế nhị mà âm nhạc mang đến cho con người, cho trí tuệ, cho người học âm nhạc. Và kẻ không được may mắn học âm nhạc sẽ thiệt thòi nói sao cho cùng, nhất là ta lại biết óc quan sát mở đường cho sự phán đoán suy luận, và óc quan sát mà không được tập luyện, không được phát triển thì sẽ làm cùn nhụt sự phán đoán, suy luận. Hoàng Đế Nã Phá Luân mỗi khi sắp quyết định một điều gì quan trọng, thường đòi được nghe một bản nhạc.
Do đó, ngay từ thời văn minh Hy Lạp, La Mã bên Âu Châu và mãi cho hết thời Trung cổ, âm nhạc vốn là một trong những môn học đào tạo con người ngang hàng với triết học, thiên văn, đạo đức học(1)…Ở Á đông, âm nhạc đứng đầu trong bốn hoạt động chính yếu của giới thi thức: Cầm, Kỳ, Thi, Họa (2). Trong tôn giáo nào cũng vậy, âm nhạc khai sáng cho con người thấu hiểu những lẽ huyền diệu của tín lý. Do đó, mọi nghi lễ vẫn thường diễn ra trong tiếng đàn, tiếng hát!
Một triết gia Hy Lạp đã nói: “Thêm một giây đàn hay bớt đi đi một giây đàn cũng đủ làm cho lòng người trở nên thuần lương hay sa đọa”. Aritote quả quyết hơn: “Không thể phủ nhận sức mạnh tinh thần của âm nhạc; mà nếu đã công nhận sức mạnh ấy thì cần phải đem âm nhạc vào việc giáo dục con trẻ”. Âm nhạc quả là một thuật khắc kỷ cao độ. Hát hay đàn một câu nhạc dù ngắn ngủi thế nào chăng nữa cũng phải tôn trọng cao độ và trường độ cũng như cường độ của âm thanh. Tham dự vào một ban hợp ca, một giàn đờn thì sẽ thấy kỷ luật và trật tự còn tinh vi và chính xác đến đâu. Nếu cao hứng mà nâng cao cung bậc lên dù chỉ nhỏ bằng 1/9 của một cung thôi cũng đã chói tai rồi, hoặc chỉ cần hấp tấp bắt giọng vào sớm hơn bà con chỉ 1/10 giây đồng hồ cũng can tội phá đám. Thật không có gì luyện tập cho con người biết tôn trọng kỷ luật cộng đồng và trật tự xã hội bằng âm nhạc. Bởi vậy, người ta thường khen một ông nhạc trưởng điều khiển một ban nhạc như một ông tướng cầm quân giỏi.
Ngay trong cuộc sống cá nhân, âm nhạc cũng tập cho con người một mực thước điều độ. Nếu lời ru êm ái của một người mẹ làm cho đứa trẻ hết khóc mà ngủ đi thế nào, thì những điệu nhạc êm ái cũng làm cho tính tình người ta dịu lại như vậy. Ở những quốc gia phát triển, tại các cơ xưởng mà người thợ chỉ làm một số động tác nhất định, người ta thường cho họ vừa làm vừa nghe âm nhạc, để họ khỏi nhàm chán với phần vụ của mình, khỏi lảng trí mà sai lầm trong động tác.Sở Chiêu Vương, sau một thời gian điêu đứng vì chiến bại lúc về được nước nhà thì lại vui chơi chè chén như để bù đắp. Quan nhạc sử tên là Hồ Tử sợ Sở Chiêu Vương mảng vui quốc sự như vua cha là Sở Bình Vương ngày trước cho nên giữa canh tiệc, Hồ Tử xin gảy một khúc đàn nhan đề Cùng Nột. Tiếng đàn sầu thảm khiến Sở Chiêu Vương hiểu ý, nước mắt chảy ròng. Hồ Tử vừa dứt tiếng đàn thì Sở Vương cũng truyền bãi tiệc, rồi từ bấy giờ chăm lo việc nước.
Câu chuyện Trương Lương làm tan rã hàng ngũ của Hạng Võ bằng những bản ca buồn nhớ quê hương mà ngày nay ai cũng biết. Tất cả các đài phát thanh truyền hình đều phải sử dụng âm nhạc để lôi cuốn khán thính giả nhất là những chương trình có tính cách giáo dục đại chúng… nhưng trong những màn quảng cáo thì qủa thật âm nhạc đã bị lạm dụng.
Những bản hùng ca, lịch sử, ái quốc đã tác dụng thế nào đến lòng quả cảm, hy sinh thiết tưởng qua bao cuộc chiến chinh của dân tộc ta đã chứng minh rồi.
Tóm lại âm nhạc là một động lực quan trọng trong việc trau dồi đức tính và theo đa số những nhà giáo dục thì âm nhạc sở trường nhất về khả năng rèn luyện đức tính.
Đối với người Âu Mỹ, âm nhạc làm cho gà mắn đẻ, bò nhiều sữa, heo mau mập, là những chuyện bình thường nhưng ảnh hưởng của âm nhạc về phương diện sinh lý nơi con người mới là điều đáng cho ta chú ý.Không cần phải là một khoa học gia, ta cũng có thể nhận thấy dễ dàng sự hô hấp, sự tuần hoàn của ta tăng nhanh lên khi nghe những bài nhạc hùng tráng dồn dập, và chậm dần lại khi nghe những bài nhạc trầm buồn, chậm chạp.Và khi nghe những bài nhạc giật gân nổi lên, có nhiều người cảm thấy hai chân ngứa ngáy… muốn nhảy.
Tại hội nghị y tế ở Nice năm 1932 người ta đã ghi nhận câu chuyện bà Blensdory chỉ đàn một bản dương cầm mà đã chinh phục được một bạn trẻ mắc bệnh thần kinh hung dữ phải giam vào nhà trừng trị mà trước kia người ta đã dùng đủ mọi cách vẫn không sao dạy được chúng. Bác sĩ Besechinsky đã chứng minh rằng âm nhạc có thể làm thay đổi vị giác. Theo ông ta, khi khai vị nên cho nghe những bản nhạc dồn dập, khi ăn những món ăn nặng như thịt hầm thì nên cho nghe những bài nhạc trầm tĩnh, còn lúc tàn tiệc thì nên nghe những bai nhạc êm dịu du dương là thượng sách. Điều đó cũng đã được bác sĩ Flesch xác nhận khi chứng minh rằng âm nhạc làm tăng sức đại tạ, tức là đẩy mạnh sự tiêu hóa và bồi bổ cơ thể.Đối với những người như chúng ta, không có máy móc để thí nghiệm, nhưng ta cũng nhận thấy ảnh hưởng của âm nhạc một cách dễ dàng, những bản nhạc hay đã làm cho ta khoan khoái dễ chịu bao nhiêu, thì những bài nhạc dở, những tiếng đàn sai cung lỗi nhịp, những tiếng hát lạc điệu đâm hơi cũng làm cho ta bứt rứt khó chịu bấy nhiêu.
Những công việc nặng nhọc cần tới nỗ lực của tập thể, thường được đôn đốc bằng ca nhạc, và nhịp đi của một đoàn quân cũng được âm nhạc hỗ trợ.Vua Quang Trung đã phổ biến mạnh mẽ điệu trống quân để khích lệ quân sĩ trong hai chuyến ra Bắc. Sử Trung Quốc cũng ghi chép Quản Di Ngô đem quân đi đánh nước Cô Trúc phải trèo qua một dãy núi hiểm trở gọi là Ty Nhĩ, Quản Di Ngô bèn soạn ra bài “Thượng Sơn Hạ Sơn” để binh sĩ vừa hát vừa đẩy xe chiến cho vui. Nhờ có bài hát đó, xe chạy nhanh lên sườn núi.
Còn nhiều, nhiều khôn kể xiết những trường hợp âm nhạc tăng bội sức mạnh của con người. Đôi khi ảnh hưởng đó mang một tính chất thần thoại. Kinh thánh kể chuyện ông Fosué lãnh đạo dân Do Thái vây đánh thành Fericho đã sáu lần mà không hạ được. Đến lần thứ 7, ông cho quan quân thổi kèn đánh trống ca reo đi xung quanh thành vài vòng. Thế là tự nhiên, thành cứ thế mà sụp đổ. Ở nước ta, những điệu Hầu Văn (còn gọi là Chầu Văn) chính là thứ ca nhạc giúp người trần liên lạc với thần linh.
Bởi vậy, có một thầy dạy âm nhạc nọ đã nghiêm trang khuyên nhủ học sinh rằng: Muốn mạnh khỏe các em hãy học âm nhạc cho chăm. Nếu với con mắt của một triết gia ta không còn hồ nghi rằng âm nhạc là một động lực chẳng những chi phối cuộc sống sinh lý của con người mà còn giúp con người thích nghi những kích thước của vật chất, của kiếp thụ tạo để vươn tới cao hơn. Goethe có nói: “Ai không yêu chuộng âm nhạc, không đáng cái danh nghĩa làm người. Ai yêu âm nhạc mới chỉ là người có một nửa. Ai thực hành âm nhạc mới thật là người hoàn toàn.”
Các nhà giáo dục tại nước ta cũng đã đồng ý như vậy từ lâu rồi, nhưng đến hôm nay âm nhạc vẫn còn là một môn học phụ thuộc- một bà con nghèo trong chương trình học vấn từ tiểu học đến đại học, và một môn học mang tính nhiệm ý.
Oái oăm là lúc bình thường thì âm nhạc bị xem như dư thừa, không ai thèm để ý. Nhưng mà mỗi khi nhà trường phải tiếp đón một vị quan khách nào, hoặc tổ chức một lễ thức nào, thì bấy giờ âm nhạc được đưa lên hàng đầu. Những “tài năng” lâu nay mai danh ẩn tích được vời ra. Một chương trình văn nghệ miễn cưỡng được dựng lên trong không khí hấp tấp, vá víu, sáu bỏ làm mười, cốt cho xong thì thôi. Sau đó âm nhạc lại xếp vào xó chờ một dịp tiện dụng khác.
Đem âm nhạc vào học đường là nhằm ứng dụng những khả năng đặc biệt của âm nhạc vào công việc kiến tạo Trí – Đức dục cũng như hỗ trợ những môn học khác. Không nên đòi hỏi con trẻ phải có năng khiếu thiên bẩm mới cho học. Theo kết quả của hội tâm lý học Binet thì bất cứ một đứa trẻ bình thường nào cũng có thể học âm nhạc. Sở dĩ những loại nhạc rẻ tiền mà sống và hái ra bạc nhiều được vì thính giả quá dễ dãi. Sự dễ dãi đó, truy nguyên ra thì thấy nó bắt nguồn từ sự thiếu hướng dẫn học tập ngay từ hồi còn cắp sách đến trường.
Thời buổi làm ăn khốn khó này, học cho đủ các môn chính thôi cũng đủ kiệt sức rồi, hơi sức thời gian đâu mà học nhạc nữa? Nhưng nếu được hướng dẫn thỏa đáng từ lớp một, mỗi năm một ít, thì âm nhạc chẳng có gì nặng nhọc ghê gớm, mà lại còn hấp dẫn, dễ dàng, thú vị nữa là đằng khác. Ít nhất cũng không đòi hỏi nhiều nỗ lực như những môn học khác. Không được học tập đứng đắn thì học sinh sẽ dễ tiếp cận những loại nhạc hạ đẳng, bởi vì âm nhạc là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống ngày nay. Nếu chịu cất công ngồi cân nhắc lợi hại của âm nhạc thì sẽ thấy thêm một giờ mỗi tuần lễ chương trình học vấn sẽ được lợi ích khôn kể xiết, và bớt đi một giờ âm nhạc thì con em chúng ta thiệt thòi không kể đâu cho hết.
Nguồn: http://hitproduction.vn/music/am-nhac-voi-giao-duc/
Chú thích:
1) Đường hướng giáo dục ở Âu Châu từ thời Trung Cổ đến thế kỷ XIX có:
Tam khoa (Văn phạm – Hành văn – Biện luận).
- Tứ thuật (Nhạc – Toán học – Hình học – Thiên văn).
2) Theo sách CHU QUAN, nền giáo dục xưa ở Á Đông cốt dạy cho người:
- Lục đức ( Trí – Nhân – Thánh – nghĩa – Trung – Hòa).
- Lục hạnh (Hiếu – Hữu – Mục – Nhân – Nhâm – Tuất).
- Lục nghệ ( Lễ – Nhạc – Xạ – Ngự – Thư – Số).