Tham sân si. Đây là cái mà Phật gia gọi là tam độc, ba loại độc làm cho chúng ta đau khổ. Nguồn gốc mọi khổ đau của chúng ta nằm trong 3 chữ này. Hôm nay ta sẽ nói về chữ “tham” trước.
Hầu như bất kỳ điều gì trên đời ta cũng có thể tham được: Tham tiền, tham tài sản, tham tài năng, tham sắc, tham quyền lực, tham danh tiếng, tham an ninh, tham người yêu/tình yêu, tham thành công … Hầu như bất cứ danh từ nào trong quyển tự điển mấy chục ngàn chữ, cũng đều có thể là đối tượng của máu tham của ta cả: Cái bàn, chim bồ câu, lăng tẩm, sách, cá mập, đô la, phụ nữ … Cho nên chỉ một chữ này thôi, ta có thể đi lạc vòng vòng thế giới, luân lưu sáu nẻo luân hồi qua vô lượng kiếp, không bao giờ dứt (Nói theo kiểu nhà Phật). Cho nên có lẽ vì vậy mà “tham” đứng đầu trong ba độc.
* Tham cái xấu như tham ma túy, tham nổi tiếng ăn cướp, tham áp bức… là chuyện xấu, đương nhiên rồi.
* Nhưng tham cái hay cái đẹp cũng là vấn đề, dù ta thường không thấy vấn dề này — như là, yêu em quá, nhưng thấy em có vẻ như có cảm tình với tên búzù kia, bèn nổi máu du côn đập cho anh chàng một trận. Hay, tham học quá, nhưng anh chàng hàng xóm làm ồn học không được, mới cho anh chàng một búa.
* Tệ nhất và nguy hiểm nhất là tham những lý tưởng cao siêu, cao quý, như là mang ánh sáng của Chúa hay của Allah đến cho thế giới mù lòa, bằng cách chi tiền hay mang quân tấn công đất người để “giúp” họ trở lại đạo. Hay, mang lại công bình hạnh phúc cho thế giới bằng cách mạng đẩm máu giết chết hàng triệu người “cản trở” con đường cách mạng.
Cái tham “lý tưởng” này ai cũng thấy là to lớn và kinh khiếp số một cho thế giới con người. Phiền một nỗi là cái tham này lại làm cho người ta mù quáng và điên rồ hơn tất cả mọi cái tham khác—Một tên đồ tể giết hàng triệu người như nghóe, cũng có thể rất thành thật tin rằng hắn ta phục vụ Allah hay phục vụ công bình hạnh phúc cho con người. Và hầu như chẳng có cách nào để khuyên can hay giải bày gì cho mấy đại đồ tể này thấy rõ cái ác của họ.
Vấn đề của chúng ta là “ước muốn” khác với “tham” thế nào?
Trong hàng Bồ tát của Phật gia, ước muốn và tham là một. Còn ước muốn là còn tham.
Nhưng chúng ta chỉ mới đến hàng bị bồ tát, cho nên ta khoan lý giải theo hàng Bồ tát và chỉ lý giải theo hàng bị bồ tát mà thôi.
Ước muốn là những giấc mơ thúc đẩy ta tích cực tiến bước về một tương lai tươi sáng.
* Ước muốn cho chính ta thì ích kỷ, không tốt; và ước muốn vị tha, cho người khác–cho xã hội cho thế giới–là ước muốn tốt, phải không các bạn? Hmm… các bạn đã quên những đại đồ tể vẫn tin mình là thánh mà chúng ta mới nói trên kia sao? Chẳng có gì để bảo đảm là khi ta ước muốn cho xã hội thì ta sẽ không là đồ tể. Và chẳng có gì để bảo đảm là khi ta chỉ ước muốn ta khỏe mạnh giàu có thì ta sẽ không là người tốt cho xã hội. Cho nên ta không thể lấy “ước muốn cho ta” hay “ước muốn cho người” làm kim chỉ nam.
* Trong xã hội mọi người sống chung, không ai thực sự quan tâm đến chuyện ta ước muốn cho riêng của ta hay ta ước muốn cho xã hội. Điều duy nhất mọi người quan tâm là sự thực hiện ý muốn của ta có thiệt hại đến người khác không.
Nếu ta muốn có nhiều tiền, nhưng ta kiếm tiền thành thật, không dối trá, không quảng cáo láo, không ăn chận, không tham nhũng, không áp bức người nghèo… thì việc làm tiền đó có gì sai? Thực ra, nếu tiền rơi vào tay những người làm ăn thành thật, thì đây là việc tốt cho họ và cho cả thế giới, vì người thành thật thường dùng tiền của mình để giúp xã hội và những người chung quanh.
Nếu bạn muốn rao giảng lời chúa, nhưng xỉ vả người “ngoại đạo” là mê tín dị đoan, lầm lạc hay vô đạo đức, và không kính trọng truyền thống tâm linh của người khác, kể cả người không theo đạo nào, thì sự rao giảng lời Chúa của bạn có lợi gì cho ai?
Nếu bạn đấu tranh cho hòa bình và công lý, mà không giết chóc trù dập ai, cũng không cản trở tiến hóa của xã hội, thì việc làm lý tưởng của bạn chỉ có lợi cho mọi người mà không hại.
Không làm hại người khác khi thực hiện ý muốn của mình, đây là thước đo cách sống của chúng ta.
Dĩ nhiên là nói vẫn luôn luôn dễ hơn làm. Bởi vì nếu bạn tố cáo tham nhũng, đương nhiên là bạn sẽ “làm hại” người bị bạn tố cáo. Thế thì làm sao đây?
Thưa, đây là câu hỏi không có câu trả lời chung, mà tùy theo mỗi trường hợp, bạn phải tự hỏi lòng mình và phải tự quyết định. Có thể bạn tố cáo anh chàng “tham nhũng” này vì hắn lấy mất chức của bạn mấy tháng trước? Nếu thế thì bạn thực sự chống tham nhũng hay bạn đang trả thù? Mà dù là bạn đang muốn trả thù, bạn vẫn nên tố cáo hay không, vì đó là việc tốt cho xã hội? Hay bạn nên đợi khi bạn thực sự không còn ganh tị với người này nữa, rồi hãy tính đến chuyện tố cáo sau, để chắc chắn là mình khách quan trong việc làm?
Rốt cuộc cũng chính cái tâm của mình phải quyết định cho mình. Nếu ta có tâm tốt, không có ý đồ hại ai vì cá nhân mình, lại luôn luôn tránh thiệt hại cho người càng nhiều càng tốt … thì ước muốn và hành động của ta thường là tốt.
Nhưng khi các chính trị gia hại cả triệu người để, họ tin trong lòng, là giúp cả triệu hay cả tỉ người khác, thì chúng ta cần xét lại… vì với các con số lớn như vậy, các tính toán của ta rất khó để chính xác. Thông thường thì, chết chóc và đổ vỡ thấy ngay trước mắt, nhưng hạnh phúc cho xã hội thì chỉ là một cái bánh vẽ của tương lai. Kinh nghiệm của lịch sử thế giới thường cho thấy thế. Vì vậy, khi nói đến đau thương chết chóc cho nhiều người, tốt hơn là đừng tưởng ta là thánh đang “thay trời hành đạo.”
Nói chung là, Không những tâm ta không muốn hại ai, mà hành động cũng không hại ai, thì đó mới là ước muốn tốt.
Suy tư phải tốt, và hành động cũng phải tốt.
Dùng mục đích để biện mình cho hành động là con đường nhanh nhất để biến ta thành đại ác. Như chặt chân con để nó tốt, không đi chơi bậy. “Trong lòng tôi chỉ muốn con tôi tốt mà, tôi đâu muốn hại nó.” Đó là lối suy tư của ác quỷ, các bạn ạ.
Chỉ “ý tốt” không đủ, phải “làm tốt” nữa mới đủ.
Trần Đình Hoành