Khi đã biết sống trên đời này là khổ thì cũng phải biết đau khổ không phải của riêng ai mà của chung toàn bộ chúng sinh trên cõi đời này đồng thời phải nhận thức được rõ đau khổ từ đâu tới?
Theo Phật pháp, chúng sinh trên cõi đời này phải chịu đựng đau khổ là bởi vô minh, đó là vòng luẩn quẩn sinh tử luân hồi đẩy ta từ kiếp này sang kiếp khác. Đó là do sức mạnh nghiệp lực của mọi người. Đời người, khổ nhiều vui ít, người có chút thông minh tự hỏi: Tại sao con người lại sinh ra đã sinh ra trong thế gian lại phải chịu bao đau khổ?
Theo Trần Thái Tông, con người ta sở dĩ đau khổ là vì chạy theo sáu căn hướng ra ngoại cảnh, chạy theo dục lạc vật chất, phạm các tội ác nên phải chìm đắm trong luân hồi.
Ông khuyên con người nên hướng về nội tâm để đạt tới sự bình tĩnh sáng suốt của nội tâm. Con người có nội tâm sáng suốt sẽ không bị ngoại cảnh chi phối, nắm biết được ngoại cảnh chi phối, khắc phục được ngoại cảnh.
Con người muốn tránh khổ nhưng khổ vẫn bám lấy, muốn vui lại chẳng biết trồng nhân vui, sợ khổ mà vẫn tạo nhân khổ, đó là vô minh.
Biển khổ mênh mông sóng ngút trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền trôi
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió
Ngoảnh lại cùng trong biển khổ thôi
Khổ là do con người khao khát dục lạc, do con người buông lung phóng dật, cho nên Đức Phật dạy phải luôn luôn giữ các căn, không để tai, mắt thấy và nghe những điều bất chính, đừng để miệng chạy theo sự thèm khát còn thân thì không được đua đòi xa hoa, chạy theo các trần say đắm vào dục lạc.
Sinh, già, bệnh, chết là những quy luật tự nhiên xảy ra trong đời này không ai tránh khỏi. Thế mà những kẻ ít hiểu biết khi thấy xảy ra những sự việc ấy thì hoang mang sợ hãi.
Kẻ hiểu biết thì suy nghĩ không phải chỉ có mình ta phải bệnh tật già chết mà tất cả các loài hữu tình hễ có sinh là có diệt. Đó là quy luật tự nhiên, nên họ không sầu não khổ đau. Họ được xem như những người đã nhổ được mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc mà người thế tục vô trí thường bị bắn trúng. Pháp ở trên thế gian này là tương đối cũng như khổ và vui, họa và phúc. Trong họa có phúc trong phúc có họa, nên người trí luôn luôn sống bình thản, sát kề với thịnh suy họa phúc họ không hề động tâm.
Đức Khổng Tử và các đệ tử bị vây hãm bảy ngày mà không lương ăn nhưng Ngài vẫn tươi cười, chơi đàn như không có gì xảy ra. Tử cống hỏi:"Tại sao thầy gặp hoàn cảnh sống như vậy mà không lo buồn?" Ngài đáp: "Không bao giờ buồn việc gì ta cố gắng hết sức mà xảy ra như vậy là mệnh trời, buồn rầu, thuơng tiếc phỏng có ích gì?" Trong trường hợp khác, Ngài nói:"lúc chưa đạt cái chí của mình thì người quân tử vui ở cái chí của mình, lúc đã đạt được thì vui ở chỗ được, cả đời lúc nào cũng vui không một lúc nào buồn! kẻ tiểu nhân thì không thế, khi chưa được thì lo không được, khi đã được rồi thì lại sợ mất cái đã được, bởi vậy chỉ lo suốt đời không một ngày nào vui.
Theo Phật pháp, lo buồn vui khổ cũng tương tự như vậy. Sự ham muốn lệ thuộc vào ba cái khổ chính:
1. Khổ để đạt đến điều mình muốn
2. Khổ để giữ điều mình đã được
3. Khổ khi điều mình có mất đi
Phật dạy càng ham muốn càng khổ não. Ham là tham, không phải là thỏa mãn ham muốn thì ham muốn chấm dứt. Hễ còn củi thì còn cháy, ham muốn được toại nguyện, thì ham muốn càng lớn, túi tham vô đáy, thấy thiếu món này lại thấy thiếu món khác, rồi thèm thuồng khao khát mãi, nên cái khổ luôn luôn đeo đẳng với người tham.
Mình làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, ai giàu mình không so đo, mình nghèo đói, không buồn tủi là luôn vui.
"Phú quý thì xem nó như thứ phù vân, đã không cần đến nó thì lo gì nó mất đi. Nên tấm lòng người quân tử mãi mãi thanh thản, thênh thang có một niềm vui suốt đời, không ngày nào u sầu cả"(Khổng Tử).
Đức Phật không phủ nhận có hạnh phúc trong cuộc sống khi nói cuộc đời có những khổ đau. Ngài chấp nhận có những hình thái khác nhau về hạnh phúc cả vật chất lẫn tinh thần. Trong kinh Tăng nhất bộ (Nikaya), một trong năm tạng kinh nguyên thủy bằng tiếng Pali, có những bài thuyết pháp của Phật nói lên hạnh phúc của đời ẩn sĩ và hạnh phúc về cuộc sống gia đình, về khoái lạc giác quan, hạnh phúc của sự từ bỏ thế tục, hạnh phúc vật lý và hạnh phúc tâm linh. Nhưng tất cả đều bao gồm trong Dukha (khổ). Một cảm giác hoan lạc, một hoàn cảnh hạnh phúc không bao giờ trường cửu bất diệt, sớm hay muộn sẽ có thay đổi, nó sẽ phát sinh đau khổ.
Linh Chi