Hai điều làm tôi ngưỡng mộ và tôn
kính là bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật đạo đức trong tâm tôi.
(Deux choses ne cessent de
remplir mon coeur d'admiration et de respect plus ma pensée s'y attache et s'y
applique: le ciel étoilé au-dessus de ma tête et la loi morale en moi)
Các trường phái sau Kant cho biết
vì sao các "quy luật đạo đức" hiện hữu trong "cấu trúc" của
xã hội và trong tâm của mọi người:
Con người có trong thân tâm mình
những ý tưởng hướng thiện. Đây là một “thảo trình” từng hiện hữu trong tâm trí
của cha ông chúng ta ngay từ giai đoạn hình thành các cộng đồng người. Có thể
gọi thảo trình ấy là “thảo trình hợp tác”. Thật vậy, ý thức “thiện” được nảy
sinh khi chúng ta đối diện với một người khác. Khi ấy, chúng ta lập tức cảm
thấy mình có một trách nhiệm nào đó đối với người này. Trách nhiệm ấy khiến
chúng ta tử tế chào hỏi, nói năng thân thiện, lịch sự, tránh làm mích lòng, và
nếu người ấy gặp phải vấn đề gì, thí dụ như ngất xỉu, lạc đường v.v… thì chúng
ta tự cảm thấy phải làm tất cả những gì có thể làm được để giúp đỡ người này.
Tổng hợp những thái độ ấy được gọi là sự “thiện”, tốt.
Chúng ta cũng có thể chọn thái độ
ngược lại, đó là những thái độ “bất thiện”, xấu. Nguyên nhân của ý thức hướng
thiện là nâng cao sự hợp tác, tương trợ, giao dịch tốt đẹp giữa các thành viên
của một cộng đồng. Cộng đồng người nguyên thủy nào thiếu “thảo trình hợp tác”
này trong cấu trúc tâm lý thì sẽ tàn lụi và biến mất một cách nhanh chóng. Các
thành viên của cộng đồng ấy cư xử ích kỷ, lừa đảo, dối trá, khinh bạc, lạnh
lẽo, thậm chí ác độc đối với nhau, chưa kể đối với người ngoài, và phủ lên môi
trường sống của họ một không khí đối kháng, bạo lực, chia rẽ, đưa đến tàn phá,
hủy diệt. Ngược lại, các cộng đồng hiện hữu và phát triển được trong dòng thời
gian chính là những cộng đồng với nhiều thành viên mang “thảo trình hợp tác”.
Họ truyền cho hậu duệ của họ, là chúng ta, thảo trình ấy. Vì thế đa số chúng ta
đều có ý thức về cái tốt, về sự thiện, trong cấu trúc tâm lý của mình.
Biết thiện ác, không có nghĩa là
bao giờ cũng làm việc thiện. Điều ấy chỉ có nghĩa là người làm ác luôn biết
mình làm ác. Xã hội cũng luôn ý thức rằng điều ác dẫn đến sự hủy diệt của chính
nó.
Xã hội tư bản, với sự khuynh loát
của thị trường, giảm bớt tương quan giữa người và người, thay thế bằng tương
quan giữa người và hàng hóa hay tiền bạc. Hàng hóa và lợi nhuận trở thành trung
gian trong hầu hết giao thiệp giữa người
với người.
Ngay cả trong trường hợp ấy,
"thảo trình hợp tác" được nói ở trên cũng vẫn được áp dụng: tôi không
thể ăn gian bán dối, vì lợi nhuận thu được sẽ không lâu dài, không thể bóc lột
thợ thuyền quá một mức nào đó, vì họ sẽ không đủ tiền tiêu thụ hàng hóa sản
xuất ra, v.v...
Một xã hội mà cấu trúc không đảm
bảo được sự hợp tác ấy (*), thì sẽ suy thoái, và phải trải qua một cuộc cách
mạng (định nghĩa của việc thay đổi cấu trúc).