Đức Phật Thích ca mâu ni bài bác Niết Bàn

Hỏi: Kính thưa Thầy, con thấy bia đá sau Tổ đường, qua bài kệ.

Thiên thượng thiên hạ.
Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết thế gian.
Sanh, lão, bệnh, tử.

Lời chú giải của Thầy, con e rằng không đúng trong kinh Nguyên Thủy chăng? Vì trong kinh Nguyên Thủy Ðức Phật cũng có nói đến Niết Bàn mà ở đây Thầy lại bài bác Niết Bàn, vậy như thế nào? Xin Thầy giảng rõ cho chúng con hiểu.

Ðáp: Niết Bàn là một danh từ mà các tôn giáo từ xưa đến nay đều dùng. Niết Bàn nghĩa thông thường là để chỉ cho một cảnh giới siêu hình, hay để chỉ cho một trạng thái ảo tưởng, khiến cho người ta khó hiểu, hiểu một cách lầm lạc, một cách sai lệch. Vì thế mà kinh sách thường chia ra nhiều cảnh giới Niết Bàn, để lừa đảo mọi người.

Ở đây Thầy không bài bác Niết Bàn. Con hãy đọc lại kinh sách Nguyên Thủy, Ðức Phật đã xác định: Mục đích của Ðạo Phật không phải vì giới luật, không phải vì thiền định, không phải vì trí tuệ, không phải vì thần thông, không phải vì Niết Bàn, mà cũng không phải bất cứ một điều gì khác mà chính là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.

Cho nên bảo rằng Thầy bài bác Niết Bàn là không đúng. Vì chính Thầy lập lại lời Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã dạy những lời trên đây, Ngài đã xác định mục đích Ðạo của Ngài là không phải đi tìm Niết Bàn, mà để giải quyết tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Như vậy chính Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bài bác Niết Bàn. Mặc dù trong các bài kinh khác Ðức Phật có nói đến một ngàn lần Niết Bàn, nhưng Niết Bàn của Ðức Phật phải hiểu nghĩa là tâm bất động như lời xác định trên đây. Do đó chứng tỏ Ðức Phật không chấp nhận Niết Bàn theo nghĩa của ngoại đạo.

Như vậy khi đọc chú giải của Thầy thì con phải hiểu được ý Thầy chứ đâu phải hiểu chữ nghĩa. Chữ nghĩa chỉ dùng để diễn tả ý của con người, nhưng chữ nghĩa không thể diễn tảhết ý nghĩa của con người. Cái hiểu của con chỉ là hiểu chữ nghĩa, chứ không phải hiểu ý người. Như vậy cái hiểu của con, con thử nghĩ cái hiểu đó có đúng hay không?

Dùng chữ nghĩa để hiểu người chứ không phải dùng chữ nghĩa để hiểu chữ nghĩa.

Các nhà học giả Nam Tông và Bắc Tông không phải là hành giả nên đọc kinh Nguyên Thủy của Phật không có kinh nghiệm tu hành không hiểu nghĩa chân thật, cứ theo chữ nghĩa mà kiến giải ra, làm lệch pháp hành, rơi vào thiền tưởng mà không biết, để sự tu hành bước vào đường cùng. Nhìn lại người tu hành theo Phật Giáo thì đông mà bất động tâm ly dục ly ác pháp thì chẳng có người nào cả, chỉ lòe những thiền tưởng để lừa đảo tín đồ, thật là đau lòng.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Trích Giáo án tu tập cho người cư sĩ vì chánh Phật pháp, tập 3
Previous Post
Next Post