So với các loài động vật, con người tiến hoá hơn rất nhiều nhờ có quá trình giao tiếp và phát triển các mối quan hệ trong xã hội. Tuy nhiên, ở con người vẫn tồn tại nhiều biểu hiện tâm lý tiêu cực, xuất hiện một cách hết sức tự nhiên hoặc những thói quen xấu mang tính bản năng. Những biểu hiệu tiêu cực này được lý giải dưới góc độ khoa học.
Thói ngồi lê đôi mách
Mặc dù giao tiếp là hoạt động thường xuyên trong cuộc sống của loài người, song thói quen ngồi lê đôi mách lại là một biểu hiện của thói quen xấu mà không ít người vô tình mắc phải. Tiến sĩ Robin Dunbar - nhà nghiên cứu về động vật linh trưởng thuộc Trường đại học tổng hợp Oxford cho biết: Đôi khi con người, ngay cả trong xã hội hiện đại cũng rơi vào thói quen xấu này. Đó giống như là một chất keo kết dính tự nhiên trong xã hội. Trong không ít trường hợp ngồi lê đôi mách không đúng sự thật hoặc thiếu chính xác, song vẫn cuốn hút khá nhiều người.
Đam mê cờ bạc
Cờ bạc không hề đơn giản là niềm đam mê của một số người, mà còn bị chi phối bởi yếu tố gen và hoạt động của các vùng trong não. Điều này lý giải cho việc xuất hiện một số tâm lý ham mê cờ bạc một cách điên cuồng và hành xử bất thường ở nhiều người. Kết quả một nghiên cứu được đăng trên tạp chí The Journal Neuron đã chỉ ra rằng hầu hết các hoạt động bài bạc, cá cược được mất đều chịu sự chi phối của một phần trong não bộ. Chính vùng não này đã kích thích cảm giác của người chơi đối với cờ bạc và đẩy ham muốn của họ lên cao hơn.
Trạng thái stress
Stress là trạng thái tinh thần căng thẳng và được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim và suy nhược. Trong nhiều trường hợp, stress còn là nguyên nhân dẫn tới hành xử bất thường, thậm chí là việc tự tử ở nhiều người.
Trong xã hội hiện đại, stress đã trở thành một trong những căn bệnh mà hầu hết ai cũng từng có lúc gặp phải. Công việc căng thẳng, thiếu ngủ, tiếp xúc nhiều với máy tính, các thiết bị công nghệ cao... là những nguyên nhân khiến cho hệ thần kinh trở nên căng thẳng, kích thích hormon cortisol sản sinh mạnh, đẩy trạng thái lo lắng, mệt mỏi lên cao dẫn tới stress.
Hội chứng nghiện xăm hình lên cơ thể
Hiện tượng này được coi là hội chứng, bởi nó xuất hiện và nhanh chóng lan tràn trong nhiều lớp người trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Mặc dù không ít người phải trả giá bằng cả tính mạng cho việc nghiện xăm hình và phẫu thuật thẩm mỹ, song, loại hình này vẫn tiếp tục thu hút được sự yêu thích của rất nhiều người. Một số trong giới trẻ còn có sở thích với những kiểu "hành xác" bằng phẫu thuật thẩm mỹ đáng sợ hơn như: tạo lại hình dáng cho đầu, kéo dài cổ, tai và chỉnh hình cho môi... chứ không chỉ đơn thuần là xăm, vẽ các hình, hay gắn đá lên cơ thể.
Thói côn đồ
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng: có tới hơn một nửa số trẻ em trong độ tuổi tiểu học từng đánh nhau khi ở trường. Một điều tra của năm 2009 đã chứng minh: việc trẻ em thường xuyên đánh nhau ở trường ban đầu chỉ đơn giản xuất phát từ thói quen bắt nạt các anh chị em trong nhà, sau đó, dần dần là việc lấn át, bắt nạt mọi người xung quanh mà đôi khi không vì lí do gì. Đặc biệt, một số người lớn thích cảm giác khi "bắt nạt" được người khác, coi đó là việc kích thích sự hưng phấn của chính bản thân.
Nói dối
Không ai lý giải được vì sao có nhiều người rất hay nói dối, song hiện tượng này lại xảy ra khá phổ biến và có liên quan đến yếu tố tâm lý. Nhà tâm lý học Robert Feldman - Trường đại học Massachusetts - Mỹ cho biết: ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng: nói dối có liên quan với tính tự trọng của con người. Khi một người cảm thấy lòng tự trọng của họ bị đe doạ, thì việc nói dối cũng giống như một phản xạ tự nhiên. Khi đó, tần suất nói dối xuất hiện cao nhất (khoảng 60% trong số họ nói dối ít nhất một lần trong vòng 10 phút trò chuyện với người khác).
Thiếu chung thủy
Là một thói xấu không kém phần phổ biến và thường gặp ở một số cặp vợ chồng. Điều tra xã hội học tại riêng nước Mỹ cho thấy: khoảng 10% số người được hỏi cho biết: họ đã từng lừa dối bạn đời của mình.
Trộm vặt
Trộm không chỉ đơn thuần là một loại tội phạm mà đôi khi còn là sở thích đặc biệt của một số người. Với những người này, họ cảm thấy thích thú và hưng phấn khi trộm được đồ mà không mất tiền mua mặc dù không hẳn họ có mục đích xấu hoặc thiếu tiền. Ngoài ra, tính trộm vặt cũng bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố lỗi gen. Sự lỗi gen này tạo ra ở họ những hành xử bất thường và thích "táy máy" đồ của người khác.
Thích bạo lực
Bạo lực không chỉ xuất hiện bột phát mà còn có liên quan khá mật thiết tới hoạt động não bộ của con người. Nó được chi phối bởi nhóm các tế bào não kiểm soát sự thích thú đối với các hoạt động mang tính bạo lực. Nghiên cứu năm 2008 của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng, ở nhiều người, hành động bạo lực khiến họ cảm thấy hưng phấn và kích thích hơn trong nhiều hoạt động, chẳng hạn như trong ăn uống, trong tình dục và trong nhiều hoạt động cá nhân khác. Điều này dẫn tới tình trạng biểu hiện ra bên ngoài dưới các hành vi như: phàm ăn, bạo dâm... Khi thực hiện những hoạt động đó đi kèm với hành vi bạo lực, trong các tế bào não của họ xuất hiện sự sản sinh của hormon dopamine, làm tăng sự thích thú.
Theo ABC