Gốc rễ của những tội ác bột phát đó là do đâu? Vì sao những giá trị nhân bản ngày càng dễ bị tổn thương? Chúng tôi giới thiệu hai ý kiến của chuyên gia lý giải vấn đề này và mong tiếp tục nhận được những kiến giải khác của các nhà xã hội học, chuyên gia tâm lý, luật học, giáo dục và bạn đọc.
Mầm mống cái ác được nuôi dưỡng từ trước
Thoạt tiên, có thể nhận thấy phần lớn những hành vi phạm tội bột phát đều thuộc nhóm những người trẻ của xã hội. Đặc tính của người trẻ là hay bốc đồng, muốn thể hiện mình là anh hùng, cộng thêm các yếu tố kích động bên ngoài dẫn đến khó kềm chế được hành vi. Khi xảy ra sự cố, họ dễ hành động mà không lường trước hậu quả.
Cụ thể như trường hợp thương tâm vừa xảy ra tại đường Cống Quỳnh, nạn nhân Phạm Hoàng Đình Hùng (một trong ba người bị đâm, nhưng sống sót – PV), theo lời khai của nhân chứng, lại là kẻ chủ động tấn công trước khiến hung thủ rút dao ra đâm dẫn đến hậu quả thảm khốc.
Bất cứ hiện tượng nào khi xảy ra với tần suất ngày càng cao cũng cần được xem xét dưới góc độ khoa học. Những hành vi giết người tàn nhẫn, dù có nguyên nhân vô lý đi nữa, đều đã được nuôi dưỡng từ trước: thói quen bạo lực lặp đi lặp lại trong gia đình; những gia đình khá giả nhanh chóng quá nuông chiều con cái; phim ảnh, ấn phẩm, trò chơi bạo lực dễ dãi tiếp cận giới trẻ; giáo dục lối sống, giáo dục pháp luật bị buông lỏng; xã hội tha hoá về đạo đức… Tất cả đều có nguyên nhân của nó, ai cũng có thể thấy, có thể chỉ ra được, chỉ có điều là không ai hành động và chịu trách nhiệm!
Tất cả mầm mống tội ác đều phải được nuôi dưỡng từ trước. Cái nôi của nó chính là sự vô cảm.
(Tiến sĩ Trương Văn Vỹ, nhà nghiên cứu xã hội học tội phạm (trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM))
Sự tan rã ý thức cộng đồng
Chính do quan hệ bất hợp lý giữa tiêu dùng và sản xuất mà nhiều người đánh mất ý thức cộng đồng, đồng thời sự suy thoái chức năng trong việc định hướng và kiểm soát hành vi của các hệ thống giáo dục và pháp luật cũng dung dưỡng nơi nhiều nhóm xã hội thói quen xử sự với mọi người, kể cả người thân, theo một cung cách nguyên thuỷ, nghĩa là bản năng dùng bạo lực kiểu thú tính.
Cần nhắc lại rằng Việt Nam đang trong một quá trình tái cấu trúc xã hội, ở đó các hệ giá trị vốn có phải liên tiếp lùi bước, mà không có hệ giá trị chung tức hệ thống chuẩn mực và tiêu chuẩn đạo đức thống nhất, thì cộng đồng không còn là lực lượng bảo vệ được quyền lợi chính đáng trong đó có sự an toàn cho mỗi cá nhân. Cho nên, có khi chuyện chẳng đáng gì mà một số người vẫn sử dụng bạo lực vì họ không có năng lực hay điều kiện giải quyết những xung đột lặt vặt trong cuộc sống bằng những cách thức phù hợp với lợi ích cộng đồng.
Một cơ chế tái sản xuất mở rộng của tội ác bằng bạo lực là nó kích thích thú tính. Không nói tới đám côn đồ lưu manh, không nói tới những người trẻ tuổi chưa đủ khả năng kiềm chế hành vi của mình, không nói tới những người ít học cạn nghĩ, hiện tượng sử dụng bạo lực đã trở nên phổ biến hơn ở nhiều nhóm xã hội khác. Bảo vệ siêu thị, dân phòng, có khi cả cảnh sát giao thông, công an cũng đã dùng bạo lực không cần thiết hoặc sai trái nhưng nhân danh pháp luật. Có thể nói hàm lượng thú tính trong hệ thống giao tiếp xã hội của chúng ta đã trở nên đặc biệt cao.
(Ông Cao Tự Thanh – nhà nghiên cứu xã hội – đô thị)
NHƯ THUẦN (GHI)