Ngoại tình hay sự tham lam cố hữu của con người

Thời sinh viên trôi qua nhanh, chỉ để lại trong tôi dấu ấn về vài người bạn thân thiết, vài người thầy kính trọng. Chiều nay quay lại phòng nghiên cứu, các bạn sinh viên TQ vẫn chăm chỉ vậy. Không khi lặng lẽ làm cho tiếng gõ bàn phím của tôi càng lớn hơn. Nhưng sau một thời gian dài không liên lạc, hôm nay được cô T Ftu dành thời gian trò chuyện làm tôi vui quên hết sự phiền hà của mình. Cô sang Mỹ theo chồng trước khi tôi sang học tại đây khá lâu. Chồng cô là một TS. Được cử đi đạo tạo chuyên sau bên đó. Cô vì gia đình nên tạm bỏ sự nghiệp giảng viên tại một trường đại học danh giá của mình theo chồng xa xứ. Tôi nói với cô rằng tôi thường lấy cô làm tấm gương phấn đấu. Cô động viên lại nói sẽ lưu blog ăn chơi này của tôi để tham khảo.

Có lẽ sẽ vui hơn nếu không có câu chuyện với một người cũng lâu lắm không chat là anh H. Phải tính thời gian theo năm mới đủ tính thời gian tôi không liên lạc với anh H. Anh là một đồng nghiệp của tôi, nói thật ngày trước tôi không mấy ấn tượng, có lẽ do thời gian anh ở cty ngắn quá, nhưng anh đủ tốt để tôi quý mến và không quên khi hỏi thăm mọi người cty cũ. Anh chat một hồi với những câu hỏi thăm xã giao rồi bất chợt anh tâm sự suốt thời gian qua “anh không muốn online với ai cả”… “anh buồn chuyện gia đình quá”… “đứt gánh giữa đường rồi em ạ”…

Tôi thiết nghĩ anh là một người đàn ông, hơn nữa do tiếp xúc với nhiều kịch bản gia đình còn tệ hơn nên chuyện này đáng lí ra không đủ làm tôi quá giật mình nếu không vì những câu nói đầy tâm trạng đó. Tôi nhớ lơ mơ rằng vợ anh hình như là một giao viên khá xinh xắn… Anh không nói nhiều, nhưng đủ tôi hiểu cái kết cục của một người đàn ông hiền lành có phần “nhu nhược”, “không năng động và giỏi làm kinh tế” luôn gắn liền với hai từ “mọc sừng”. Có lẽ tôi chưa gặp vợ anh, nên càng không đủ tư cách để phán xét điều gì trong chuyện này, chỉ có thể mạo muội nghĩ rằng như hôm nay có lẽ vì anh không đủ ưu tú nên bị vợ chán, vậy thôi.

Ngoại tình có lẽ là hệ lụy của mọi gia đình khi một trong hai người không đủ sức đáp ứng nhu cầu của người cofn lại. Tôi ngẫm đến gia đình bé nhỏ của mình, tôi tự xét liệu mình có từng ngoại tình và phản bội chồng mình hay chưa? Tất nhiên ngoại tình và phản bội có thể còn cách nhau một khoảng cách nhất định. Riêng ngoại tình thì có nhiều kiểu và cấp độ, nhưng cứ quy về tội ngoại tình thì tôi thấy hơi giật mình vì câu trả lời là có. Với một người mới lập gia đình vài năm như tôi, thì điều này thật khủng khiếp. Đúng, nếu như định nghĩa ngoại tình là “thấy hoặc cảm thấy không hài lòng” hay nói theo cách khác là cảm thấy “chán chồng” và có “nghĩ tới người khác ngoài chồng dù chỉ trong suy nghĩ thoáng chốc hay trong giấc mơ” đều là ngoại tình, nếu vậy thì  đúng là tôi có ngoại tình. Tôi thực sự không hài lòng vì chồng tôi hút thuốc lá, tôi không muốn người đàn ông của mình hút thuốc (dẫu cả chồng và bạn trai đầu của tôi đều hút thuốc nhiều, may là cả hai người sau này vì tôi đã bỏ thuốc). Tôi chán chồng, vì thời gian đầu khi mới về làm vợ anh, anh ngồi chơi game online bắn bùm bùm bên máy tính đến 2-3h đêm để mình tôi ngồi ngủ gà gật trên giường. Và thậm chí tôi đã từng “mơ” tới người đàn ông khác khi chẳng hiều vì lý do gì mà có một hai lần tôi ngủ mơ thấy anh bạn trai cũ từ thời đôi mươi của mình, trong khi luc tỉnh táo tôi cũng không còn nhớ chính xác khuôn mặt của anh ta. Nếu chỉ vậy thì ngoại tình đơn giản quá, có vẻ như chẳng nguy hại tới ai. Nhưng từ ngoại tình kiểu tư tưởng tới ngoại tình thực sự và có hành vi phản bội lại bạn đời của mình chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Tôi sợ.

Có thể vì thế mà cái cảm giác sống và luôn lo sợ một ngày nào đó “chán chồng” khiến tôi thấy mình kém cỏi, yếu đuối. Ngoại tình và phản bội có lẽ là cái vực sâu mà nhiều người đã, đang thậm chí có nguy cơ sa ngã vào mà không hề hay biết (hoặc cứ tự lừa dối làm mình không hay biết). Chỉ đến khi như anh bạn của tôi, chúng ta mới thấy tiếc nối, đau khổ. Tôi không biết trong chuyện của anh ai, vì lí do gì, tại ai làm cho gia đình đứt gánh. Nhưng dẫu sao, dù là rất khó cũng mong không ai nữa phải vì hai chữ “phản bội” mà trở thành nạn nhân của sự đổ vỡ.

Tôi nhớ đã từng nghe một câu chuyện kể về sự trả giá rằng : “Tại nước anh, cách đây vài thập niên, có một đôi bạn trẻ yêu nhau say đắm, khi họ chuẩn bị kết hôn thì chàng trai nảy sinh tình cảm với một người con gái khác. Vì vậy anh ta đưa ra yêu cầu chia tay với cô vợ sắp cưới của mình. Để được vợ chưa cưới chấp nhận, anh ta đồng ý bồi thường tổn thất 600 bảng Anh cho cô. Sau khi được giải thoát chàng trai quyết định lập gia đình với người tình. Nhưng vì để có số tiền 600 bảng anh ta đã phải chọn cách đi vay nặng lãi. Cái giá của anh ta phải trả là gánh nặng trả nợ đeo bám cả gia đình khiến cuộc sống gia đình anh ta trở nên nghèo khó cùng cực. Ác nghiệt hơn là do không chịu đựng nổi cuộc sống kham khổ người vợ đổ bệnh qua đời. Năm đứa con của anh ta phải nghỉ học đi làm kiếm tiền từ nhỏ và rồi cũng lần lượt mắc bệnh hiểm nghèo mà chết. Hơn 30 năm qua đi, số tiền 600 bảng sau khi được thanh toán hết đã lên tới 60000 bảng. Lúc này vị hôn thê cũ vẫn còn độc thân, bà có hỏi anh ta rằng “liệu chúng ta còn quay lại với nhau được không? ”. Chàng trai lúc này đã là một ông già tiều tụy trả lời:  “Không. Sự kết thúc giữa chúng ta anh đã phải trả giá bằng 60000 bảng và 6 mạng người”. Nói rồi ông quay lưng bỏ đi.

Có thể hiểu rằng, khi sự trả giá đã lấy đi của người đàn ông kia quá nhiều, thì tất cả cuộc sống còn lại đối với oong bây giờ chỉ là Bi Kịch. Câu chuyện cũng được hiểu theo hướng khác rằng, nếu một khi con người ta đã dám “ngoại tình” và dám đối mặt tất cả để lựa chọn cái mà họ tin là tình yêu chân chính, thì sau này dẫu cuộc sống có biến động thế nào họ cũng không hề quay đầu lại. Họ chấp nhận cái giá phải trả, dù quá đắt ấy để đi tiếp đến cùng. Nhưng nếu vậy, trên đời có mấy ai được như vậy?

Trên thực tế, tôi chưa gặp người đàn ông như người đàn ông trong câu chuyện. Cũng ít khi bản năng tham lam của họ cho họ cơ hội “dũng cảm” như vậy.  Nên tôi chưa thấy ai dám chấp nhận cái giá quá cao để đổi lại cái mà họ cho là tình yên chân chính đầy bi kịch kia. 

Hiển nhiên rằng, khi sự nguy hiếp tới hạnh phúc gia đình, tới an toàn danh dự cá nhân không còn, con người lại tự cho phép mình vận hàng vạn lí do để lấn sâu tiếp vào “con đường tội lỗi”. Con người vô tình đã đồng lõa làm cho sự tham lam trong họ trở nên mãnh liệt, họ tự khuất phục trước sự hấp dẫn của những trò chơi tình ái mà bán rẻ trách nhiệm và đạo đức nhân phẩm đáng phải có của mình cho một thứ gọi là “tình dục” hay nhiều lúc chỉ là một sự “thỏa mãn” mới mẻ rẻ tiền vốn được đặt tên bằng những mĩ từ đẹp đẽ.

Cuộc sống hiện đại vẫn đang trình ình những hành vi như vậy, trước mặt có, sau lưng có, gần có, xa có, biết có, không biết có. Nhiều lúc, nhiều người phải tự hỏi, phải chăng chuẩn mực vốn có bao lâu nay của xã hội loài người đã bị thay thế bằng một định dạng mới: BUÔNG THẢ, BẢN NĂNG VÀ VỊ KỶ? Hay chăng do cuộc sống của chúng ta chưa đủ bất hạnh? Công việc chưa đủ vất vả và bận rộn ?

Con người, ai chẳng có tính tham. Nhưng nếu ai may mắn thì biết điều hòa sự tham lam cố hữu đó. Trong cuộc chơi tình ái, sự tham lam của người đàn bà và người đàn ông khá giống nhau. Họ tham lam khi mong muốn được hấp dẫn nhiều hơn kẻ khác giới khác ngoài bạn tình hiện tại của mình. Khi kết hôn, đồng nghĩa với việc họ đã bị gói chặt vào trong trách nhiệm gia đình thì sự tham lam này càng trở nên đáng sợ hơn cả. Với đàn bà, ai mà chẳng mơ tưởng rằng đàn ông xung quanh mình sẽ luôn dành cho mình ánh mắt trìu mếm ngưỡng mộ, thậm chí đối với nhiều người là thèm muốn. Còn với đàn ông, cái mà tọa hóa hay lịch sử cho phép họ buông thả thậm chí được phép công khai đó là bản năng “chinh phục phụ nữ”. Đàn ông thường ngụy biện rằng, tình dục hay sự tham muốn chiếm hữu một thân thể của người đà bà khác ngoài vợ mình chỉ đơn giản là một sự chinh phục… đầy nam tính. Nó dường như là thứ làm cho họ thỏa mãn sự tham lam cả về phần xác lẫn phần hồn. Nhiều kẻ vì thế quên mất cảm giác bỉ ổi và khinh bỉ khi giày vò trên cơ thể kẻ đồng lõa kia, thay vào đó là vô vàn ánh sáng của sự hả hê, hưởng thụ làm lu mờ tất cả. Lúc này sự vụ lợi càng làm cho con người trở nên nhục dục hơn bao giờ hết.

Người ta thường đưa ra phép toán “đánh đổi” để kiểm nghiệm mối quan hệ giữa sự tham lam của con người và chuẩn đạo đức mà họ bị ràng buộc. Nếu khi sự ràng buộc gây ra phản ứng thuận chiều thì mức độ tham lam của con người càng có cơ hội tăng lên vô độ, Ngược lại khi sự ràng buộc phản ứng ngược lại thì sự tham lam mới hi vọng có cơ hội giảm thiểu.

Hành vi phản bội gia đình, sự buông thả trong lối sống của một số người không phân độ tuổi ngày càng diễn ra phổ biến và đa dạng. Từ những đứa trẻ ranh chưa thể hiểu thế nào là tình yêu, đến những kẻ đã tự làm hào nhoáng mình bởi những bằng cấp văn hóa, thậm chí cả những người đã gần bước tới nấm mộ đặt dấu chấm hết cho cái gọi là kiếp người đều nằm trong con số kẻ đã đang rồi sẽ đi ngoại tình ấy.

Chẳng hiểu vì sao khi ngày xưa thâm chis tôi không nhớ cách mở khóa máy di động của chồng, thì giờ đây tôi thường xuyên cầm nó lên và muốn kiểm tra tin nhắn cả inbox và sent. Tôi luôn nghĩ khi càng ngày anh càng có phần “phong độ” và “gợi cảm”, thì tôi càng trở nên “quá date”, “cũ kĩ”. Tuy tôi không thích làm chuyện đó, nhưng tôi vẫn muốn biết trong số những tin nhắn kia có tin nào đủ để tôi “sụp đổ”?. Khi không đủ tự tin để kiểm tra trộm điện thoại, tôi hỏi thẳng anh “có cô em gái xinh xắn nào theo đuổi anh à?”, anh trả lời “em hỏi cứ như muốn anh có gái theo lắm ấy?”. Tôi không thể nói với anh vì sao tôi trở nên đa nghị và lo sợ như vậy…

Bất chợt tôi có lần cũng thấy anh loay hoay muốn xem điện thoại của mình, tôi cười và lẳng lặng quay đi. Tôi muốn anh xem, xem để anh yên tâm về tôi vì có lần anh từng nói anh luôn lo lắng khi tôi một mình sống tại trường. Nơi “kinh viện”, với nhiều anh chàng đeo kính cận đầy học vấn sẽ hấp dẫn tôi, anh biết rõ đó là style đàn ông tôi từng ngưỡng mộ, có điều tôi đã không còn là đưa sinh vien ngu ngơ ngày xưa đam mê những thứ kiểu như vậy nữa. Tiếc là lần ấy anh không đọc tin mà vào xem ảnh. Nhưng như vậy cũng đủ hiểu, dù gì, thì chúng tôi vẫn chưa đủ tin tưởng nhau, hay nói đúng hơn cả hai chúng tôi đều lo sợ một ngày mình không còn đủ sức kiềm chế cái con thú tham lam bản năng kia thức tỉnh.

Ai cũng vậy cả, nếu đặt trước sự mất mát hạnh phúc, danh vọng và sự yên bình trong nội tâm, chẳng kẻ nào là không hốt hoảng muốn cứu vớt và tự giày vò bản thân bởi những phút giây mà họ cho là nông nổi trước kia. Tất cả họ đều mang trong lòng sự bất ổn và dày vò trong tâm can. Nhưng khi sự đánh đổi chưa được bày ra, họ vẫn chưa muốn nghĩ đến hai chữ “thức tỉnh”. Sự giày vò mau chóng qua đi, vì họ biết gia đình họ sẽ chưa bị ảnh hưởng. Họ tiếp tục ngoại tình. Tại sao vậy? Câu trả lời hết sức đơn giản, bởi con người sinh ra vốn đã tham lam và ích kỷ. Lâu dần nếu không thể kiềm chế, sự tham lam và ích kỷ đó sẽ giết chết những chuẩn mực đạo đức mà xã hộ ràng buộc họ.

Cũng nhiều kẻ, khi đứng trước sự đánh đổi, họ thừa thông minh để chọn cho mình giải pháp an toàn, đó là gìn giữ hạnh phúc và danh tiếng. Họ làm vậy, nhìn ra có vẻ phù hợp với chuẩn mực đạo đức và logic tâm lý con người vốn có. Nhưng quy căn đến cùng, đấy dù chăng cũng chỉ là hệ quả của sự tham lam cố hữu. Họ không dám đánh đổi cái mà họ xây dựng bấu lâu, cái mà họ đầu tư gấp nhiều lần thứ mà họ đang cho là “tình yêu đến muộn”. Họ chọn giải pháp quay lại giai đình, khi họ giải xong bài toán so sánh: cái mà họ phải bỏ cả cuộc đời ra xây đắp, cái mà họ được cả xã hội nhìn nhận mang tên gia đình lớn hơn, và là cái họ chẳng dễ gì từ bỏ được. Trớ trêu rằng, khi sự giày vò và sóng gió trôi qua, sự đánh đổi không còn, họ cho rằng cuộc sống đã tự thả sợi dây xích ràng buộc, họ lại cho phép mình được cái quyền tham lam thêm lần nữa, và giờ lên tới cao độ. Một vòng xoay chân ốc lại lặp lại. nhưng cấp đó cao hơn nhiều.. Muốn xóa bỏ nó đòi họ sự đánh đổi một mất một còn tàn nhẫn hơn gấp nhiều lần.

Nói đến tình yêu chân thành, nhiều lúc tôi chỉ biết cười gượng. Bản thân tôi còn đang mơ hồ với cái mà tôi chẳng sờ, mo, cảm được ấy. Vậy mà đấy là thứ bảo bối vạn năng, là tấm bùa hộ mệnh, là tấm phao cứu sinh, là lá bài ngụy biện mà nhiều kẻ lấy đó làm bàn đạp cho sự phản bội của mình. Họ cho rằng có một tình yêu chân thành đang làm cuộc sống họ trở nên tươi sáng hơn. Tiếc rằng đại đa số đó chỉ là sự đồi bại nhất thời giết cuộc sống của họ, giết chết trách nhiệm họ cần có với gia đình và xã hội. Chẳng ai đủ bằng chứng để phản đối mệnh đề “tình cảm giữa hai cá thể là thứ có thể thay đổi theo hoàn cảnh và xã hội, thay đổi theo chính sự thay đổi của con người họ”, chỉ có trách nhiệm mới là thứ người ta suốt đời không tháo gỡ ra được. Một tình yêu chân thành chỉ được tồn tại khi nó được khẳng định bằng thứ bất biến khác đó là TRÁCH NHIỆM.

 Nhà kinh tế học nổi tiếng thề kỷ 20 John Maynard Keynes từng nói rằng “Nhìn về tương lai dài ư? con người chúng ta ai cũng phải chết”. Nhưng biết bao kẻ lại thuộc lòng câu nói khác rằng, “tương lai sẽ tươi sáng, dài hạn sẽ thành công”. Vì thế mà cứ ngoại tình đi, cứ phản bội đi, lâu dài mình vẫn còn đủ thời gian để làm lại. Gia đình và trách nhiệm xã hội là thứ dài hạn tốt đẹp mà con người ta cứ nhìn về tương lai là có, chẳng cần phải bắt đầu từ ngày hôm nay, từ ngắn hạn. Tiếc rằng, họ quên mất rằng đích đến cuối cùng tất cả mọi người chỉ gói gọn trong khuôn đất hình chữ nhật đủ để vùi thân xác hay đủ để cất trữ lo tro bụi xương cốt vô hồn của chính họ mà thôi. Tôi chợt nhớ đến câu nói “Mỗi ngày qua di là con người ta bước gần hơn một ngày tới nấm mồ của chính mình”.

Giới chính khách Đài Loan đã từng chứng kiến một sự trả giá tương tự, nhưng tiếc rằng sự tham lam này lại kéo dài hai thế hệ. Chuyện rằng có một người con gái sau khi quen và yêu một cậu con trai của một chính khách đã được hai gia đình đồng ý và chuẩn bị lễ cưới. Cô ta có lẽ chẳng thể ngờ rằng khi giây phút trong đại của đời mình đáng lẽ phải diễn ra với rượu mừng và nhạc lễ lại thay bằng sự tố giác của một người phụ nữ vai vế khác rằng chính người mẹ hơn 20 năm một mình nuôi cô khôn lớn là kẻ kiếm tiền nuôi cô bằng cách “bán dâm”  cho chồng ba ta suốt hơn 20 năm qua. Hay nhân văn hơn thì mẹ cô đã tình nguyện làm người thứ ba trong cuộc sống hôn nhân của người đàn bà khác. Có thể nói rằng sự trả thù của người đàn bà đó đúng vào ngày cưới của cô gái là quá tàn nhẫn khi cướp đi hạnh phúc sắp trong tầm tay của một người con gái. Nhưng nỗi đau mà bà ta phải chịu đựng khi chấp nhận sự phản bội chồng với người đàn bà khác suốt mấy chục năm qua là thứ không phải ai cũng hiểu nổi, và cũng không phải người đàn bà nào cũng chịu đựng nổi. Chỉ bởi vì chồng bà ta và mẹ của cô gái kia đã vì thỏa mãn sự tham lam của họ mà chấp nhận đánh đổi bằng hạnh phúc của chính vợ mình và con gái mình.

Khi thế giới vật chất của con người càng được hỗ trợ bởi sự tiện lợi của công nghệ, thì thế giới bên trong bản thân con người càng trở nên yếu đuối, nhu nhược.

Nhà kinh tế vốn được mệnh danh là Nobel trong các Nobel, ông nói “chẳng có gì tự rơi từ trên trời xuống” (Nguyên gốc “There is no such thing as free lunch”, tạm dịch là “trên đời này chẳng có bữa ăn trưa nào là miễn phí cả”). Đơn giản hơn, có thể hiểu đấy chính là quy luật của sự “đánh đổi” trong cuộc sống. Được và mất. Tham lam và trả giá.

Cũng không hiểu vì sao tôi lại muốn viết bài này. Tất nhiên tôi chẳng có hoài bão giúp ai thức tỉnh, càng không nghĩ sẽ đủ tư cách để phê phán ai, hay lên án điều gì. Có chăng, có lẽ chỉ là, sau cái kết buồn của anh bạn đồng nghiệp xưa kia, mong rằng bản thân tôi cũng như những người thân thiết quanh tôi sẽ đủ mạnh mẽ đẩy lùi sự tham lam cố hữu trong mình .



Previous Post
Next Post