Ở bến Metro gần nhà tôi, có một
ông già vô gia cư, ông ấy lúc nào cũng ngồi ở ngay bên cạnh cầu thang dẫn xuống
ga tàu điện ngầm, đôi khi trò chuyện với ai đó, còn phần lớn là ngồi không, ai
đi qua thì xin điếu thuốc lá, xin ít tiền xu lẻ, có vài người đi chợ về thấy
thương cảm thì cho ông già ổ bánh mì hoặc chai nước. Ngày nay qua ngày khác,
trừ những ngày mưa, còn tôi luôn luôn thấy ông ấy ngồi đấy. Tôi không lại bắt
chuyện vì bản thân tôi không phải là người giỏi nói chuyện với người lạ, nhưng
ông lão cho tôi nhiều suy nghĩ về câu hỏi về cuộc sống, và về bản thân mình.
Tôi không biết cuộc sống trước
đây của ông như thế nào, sau này sẽ ra sao, tôi chỉ tự hoài nghi về câu hỏi cho
sự tồn tại của mình. Sự tồn tại hay cao hơn là sự sống của mỗi cá thể có ý
nghĩa gì trong cuộc đời này, ông lão đấy có ý nghĩa gì trên đời, phải chăng đó
là người mà dù tồn tại hay không tồn tại cũng chẳng là vấn đề gì cả, không ảnh
hưởng đến ai, không ai đoái hoài thương xót, có chăng chỉ những người như tôi,
hay suy nghĩ, hay quan sát chợt thấy một ngày sự thiếu vắng khuôn mặt già nua
đã từng ở đâu đó. Rồi tôi tự hỏi câu hỏi muôn đời của hầu hết mọi cá thể người
là “tôi là ai”?
Nhà triết học đương đại người Đức
Richard David Precht đã viết một cuốn sách với nhan đề “Tôi là ai và thế thì
bao nhiêu” đã được dịch ra tiếng Việt. Cuốn sách là một nghiên cứu tổng hợp
thông qua hành trình khám phá bộ não, tâm lý, văn hóa đại chúng và lịch sử
triết học để trả lời những câu hỏi cơ bản nhất trong cuộc sống thường ngày như
hạnh phúc, đức tin vào tôn giáo, giá trị đạo đức, luân lý thường thức trong
cách hành xử trong xã hội… Ở đó, không chỉ dựa vào những xét đoán tâm lý học,
những nghiên cứu về bản chất con người từ thời triết học Platon, Richard Precht
đã dẫn nhập vào đó những nghiên cứu khoa học về bộ não với những trung khu chức
năng riêng biệt để định lượng được giá trị cảm xúc, về những cảm nhận của chúng
ta với thế giới.
Tôi khá thích cuốn sách, nó giống
như một bản tổng hợp kiến thức với sự hòa hợp của triết học và y sinh lý. Và ở
đó, ông đã trả lời câu hỏi tôi là ai với việc xét bản thân mình trong các mối
quan hệ xã hội, các giá trị luân lý đạo đức bị ràng buộc giữa người với người,
thế nào là hạnh phúc, thế nào là tự do… tất cả mọi câu hỏi thường thức đơn giản
đều được mổ xẻ để trả lời mặc dù không phải câu trả lời nào cũng đầy đủ và rõ
ràng. Nhưng đối với tôi, quyển sách như tôi đã nói chỉ là một sự tổng hợp kiến
thức triết học và não bộ mà tôi còn thiếu hơn là một quyển sách có giá trị cho
chính bản thân tôi khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của mình. Cái cách trả
lời của Richard Precht là cách trả lời chung nhất và tổng quát nhất.
Tôi hiểu rằng để trả lời câu hỏi
tôi là ai? không ai khác ngoài chính bản thân mình tự ngộ và lĩnh hội ra cá
tính và câu chuyện của đời mình, chúng ta không thể dựa vào một định hướng,
định lượng, một cách đong đếm hàm lượng “tồn tại” của mình đối với xã hội để
hiểu mình.
Friedrich Nietzsche nhà triết học
người Đức mà tôi rất thích đã trả lời câu hỏi ông là ai bằng chính tác phẩm
viết về mình vô cùng nổi tiếng Ecco Homo, bản dịch tiếng Việt của Phạm Công
Thiện. Qua tác phẩm đó, ông đã mô tả mình như một kẻ có lúc “xuống dốc”, có lúc
“lên dốc”, mô tả sự bệnh hoạn, bất hạnh, suy sụp của mình, hành trình của tâm
hồn và thể xác ông để dẫn đến những tư tưởng triết học siêu việt với những
“Zarathustra đã nói như thế”, “Hoàng hôn của những thần tượng”… Tôi không định
mở lời kiến giải một cách hời hợt về những điều F.Nietzsche muốn chia sẻ về câu
chuyện của mình. Tôi chỉ muốn nói rằng, để trả lời cho câu hỏi đó, người ta cần
phải trải qua đủ những sự lên và xuống của cuộc đời để nhìn thấy khả năng và
bản lĩnh của mình, để nhìn thấy những lớp lang sâu bên trong mà chưa có dịp
phát lộ.
Cuộc đời ta giống như một con
đường dài bất tận, ta lang thang trong đó đến nơi này nơi kia ta lại thấy ta như thế này thế
khác, ta chỉ luôn luôn khám phá chính ta ở những điều mới mở mẻ. Nếu tôi không
yêu tôi không thể bắt được cái nhịp tình yêu của chính bản thân mình để hiểu cách
mình yêu sẽ điên cuồng da diết như Napoleon yêu nàng Josephine, hay tôi chỉ đơn
giản là kẻ coi tình yêu giống như một trải nghiệm hời hợt như Casanova. Tôi đã
nghĩ tôi chỉ là kẻ hời hợt, yêu vụng dại và rồi nhanh chán cho đến khi tôi gặp
được một người khiến tôi yêu thực sự hết cả tâm hồn mình. Tôi là ai? nếu tôi
không thất tình tôi có biết tôi sẽ như thế nào không? Tôi sẽ dở sống dở chết
hay rồi mọi chuyện lại trở về như bình thường trong một cuộc sống một mình chỉ
cần ở đâu đó xa xôi có một đôi mắt một nụ cười nào đó để trò chuyện để nghĩ về.
Vậy Tôi là ai? Tôi không thể nói
được chính xác mình là ai, vì bản chất thực sự là điều tôi không thể đọc được,
đôi khi tôi nghĩ bản chất của tôi chính là cái thằng tôi đang thả rông cho tự
do suy nghĩ và tư tưởng, tự do với những đam mê và những huyền hoặc trong cuộc
sống của mình. Tôi là gã lãng tử thích lang thang đây đó, thích góp nhặt cho
đời mình những mẩu chuyện của người khác, thích yêu cái đẹp, nhìn ngắm dung
nhan của thế giới này tuần hoàn trong sự luân chuyển vĩ đại của vũ trụ, thích
khám phá tâm tính con người qua những tác phẩm của Dostoievsky, của Franz
Kafka, của Murakami… thích thấu hiểu được nỗi cô đơn vô cùng vô tận của mưa,
của gió, của mây mù, của những ảm đảm không nguôi trong cuộc sống….
Vậy tôi thích và muốn làm tất cả
những việc đó có chứng tỏ tôi là ai không? Tôi không biết nhưng rõ rằng tôi còn
một phần khác, tôi là một đứa con ngoan biết nghe lời, tôi sống với gia đình
tôi trong một diện mạo tư duy hoàn toàn khác, một diện mạo tư duy điềm đạm và
đầy lý tính, tôi luôn cố gắng gạt hết tính ích kỷ của chính minh để mang đến
một bộ mặt cầu toàn nhất có thể cho bộ mẹ tôi hài lòng. Vậy đấy có phải là tôi
không hay tôi đang giả dối? Tôi nghĩ đó chính là tôi vậy, đó là phần khác của
tôi, phần nổi của một tảng băng mà tôi luôn luôn cố gắng không để bị ảnh hưởng
bởi biến đổi khí hậu khiến tôi tan chảy.
Trên trang cá nhân goodreads của
tôi, tôi có để trích dẫn của Ferdinand von Schrubentaufft (tôi cũng chẳng biết
là ai) như này:
“I’m almost never serious, and
I’m always too serious. Too deep, too shallow. Too sensitive, too cold hearted.
I’m like a collection of paradoxes.”
Tôi là tập hợp của những điều đối
lập. Chắc nói chung chung đại khái thế lại cho tôi thấy rõ về mình nhất. Sự đối
lập của bản thể mình khiến cho nội tâm và cảm thức của tôi lúc nào cũng day
dứt, bối rối, lúc nào cũng chấp chới ở
trong mọi vấn đề của giác tính và lý tính. Tôi thiết nghĩ, chắc không
chỉ có tôi như vậy, mà mỗi cá tính nói chung, khi nó đủ mạnh, thì nó sẽ mang
đển rắc rối cho chính bản thể mang nó, rắc rối của những vũ trụ song song tồn
tại bên trong mình, khi chúng ta phải thể hiện như này, khi lại phải xoay vần
giống như ta đang nằm trong hang có rất nhiều cửa xung quanh mình để tiếp cận
thế giới bên ngoài, ta sẽ chọn cánh cửa để ra về phía mà đúng lúc đấy ta cần
đến.
Tôi nhớ đến cô gái Clementine
trong bộ phim Eternal Sunshine of the Spotless mind của Michel Goldry, cô ấy là
minh chứng rõ nhất của sự đối lập và những tri kiến nghịch lý trong cuộc sống
của mình, chính vì thế cô ấy bồng bột và dễ vỡ, cô ấy mạnh mẽ nhưng đầy yếu
đuối, cô ấy để bản năng xui khiến để rồi chìm trong đau khổ vì nhận thức đến
muộn. Tất nhiên vì cô ấy là phụ nữ, phụ nữ với thiển ý của mình tôi luôn thấy
họ luôn luôn để cho cảm xúc bộc lộ mà không thể che đậy. Còn tôi, tôi đủ sức
khiến cho sự đối lập của mình luôn ẩn khuất, luôn luôn bị che giấu đằng sau nụ
cười nửa miệng đôi khi khinh đời mà đôi khi bị đời khinh khi.
Quay trở lại với người đàn ông vô
gia cư tôi kể ở trên, tôi muốn nhìn nhận thêm 1 chiều khác về tôi là ai, một
hình dung từ bên ngoài, một tham chiếu từ những góc nhìn khác, một đánh giá dựa
trên những mối quan hệ xã hội xa gần. Liệu tôi là ai liên quan đến việc tôi tồn
tại? Liệu tôi là ai cần được trả lời từ việc tôi là một tế bào quan trọng trong
sự sống của xã hội này, hay tôi chỉ là một hạt bụi bám trên cơ thể mà sự xóa bỏ
là điều không đáng quan tâm và không ảnh hưởng đến bất cứ hành vi và bộ phận
nào khác. Phải chăng đòi hỏi một vai trò để trả lời tôi là ai là một sự tham
lam và thiếu khiêm tốn?
Tôi cũng không rõ, tôi chỉ muốn
đơn giản hơn, đó là việc có mặt của mình, việc thể hiện mình là ai, không ít
thì nhiều tôi đã hằn tôi vào một nếp gấp quá khứ nào đó của ai đó, tôi sống và
tồn tại không phải là một sự độc lập và luôn có những sợi dây kết nối với những
cá nhân khác, trong một tổng thể mà không như người đàn ông kia, khi tôi ra đi
tôi sẽ vô tình để lại một chỗ trống, dù nhỏ thôi, dù chỉ giống như một cái cây
bị đốn mất sau một đêm dài tình giấc của ai đó, vậy tôi đã có thể dám nói tôi
là ai?
Phải chăng vậy, phải chăng tôi
chỉ có thể tự đặt câu hỏi và trả lời tôi là ai khi tôi nhận ra vai trò của mình
trong cuộc sống, khi tôi nhận ra tôi vẫn được nhận sự quan tâm, tôi vẫn là một
nhu cầu cần thiết cho ai đó mỗi khi tôi mở email của mình lên. Ta không thể hay
chẳng cần thiết trả lời tôi là ai nếu như tôi đang sống trên một ốc đảo, giữa
bầy thú vật, giữa những cây dừa khổng lồ
ở bờ biển, giữa một khu rừng tăm tối, khi đó tôi đâu có biến số tham chiếu để
tự băn khoăn về mình, khi đó ta đâu có nhìn vào những giá trị khác để định
lượng giá trị của mình trong cuộc sống, khi đó ta đâu có được tung hê những đam
mê theo đuổi của mình để nắm được phần lõi của cá tính mình.
Tôi đang thử bóc tách một tí chút
về sự băn khoăn của mình đối với sự tồn tại của mình trong khả năng quan sát
của mình đối với thế giới. Tôi không và có lẽ chẳng bao giờ đủ mạnh trong tư
duy để có thể trải mình ra như cái sa bàn và phân tích chính bản thân mình như
Nietzche có thể làm, nhưng thiết nghĩ, đặt và trả lời câu hỏi dù cho câu trả lời
chỉ mới ngấp nghé ở mức độ có trả lời chứ không đủ sức để lột tả được cái ý
thực sự mà câu hỏi đưa ra thì cũng đáng để thử làm, để hiểu hơn bản thân mình,
để cảm nhận được chiều sống của mình đang đi không phải quá nửa vời và thiếu
những mối liên kết xã hội cần có. Tôi lúc nào cũng nghĩ, nghĩ đến bạc đầu mà
chẳng làm được gì, đặt hàng triệu câu hỏi cho mình mà không trả lời được thấu
đáo, nhưng tôi cứ phải nghĩ và đặt câu hỏi, tôi cứ trăn trở và bối rối với
chính cuộc sống của mình. Có lẽ để rốt cục tôi chỉ muốn biết. Tôi là ai?
“I am not a man, I am dynamite!”
– Friedrich Wilhelm Nietzsche
Nguồn: lalarme23.wordpress.com