Đây là tác phẩm của một triết gia Đức rất trẻ. Khác với các tiền bối hay đồng nghiệp, Precht chỉ dùng triết học để lý giải các vấn đề thường nhật mà đôi khi rất gai góc như phẩm giá, phá thai, trợ tử... Thật khó bỏ dở khi đã bắt đầu mở cuốn này ra, cũng rất khó khi định lọc ra một vài ý tưởng chủ đạo để giới thiệu vì đề tài nào cũng được trình bày rất nhẹ nhàng nhưng thâm hậu, chỉ biết là khi gấp sách lại thì người đọc sẽ hiểu thêm rất nhiều về ý nghĩa cuộc sống và hạnh phúc.
Và riêng với tôi thì có thêm một bài học nữa: thì ra nhiều người không thích đọc sách triết chỉ vì đôi khi triết học bị dùng làm phương tiện chuyển tải những nội dung khiên cưỡng, trong khi nó hoàn toàn có khả năng (và thiện ý) dắt tay ta vào cuộc đời bao la. Trong thời buổi nhiều nhộn nhạo, đặc biệt người trẻ dễ bị lung lạc phương hướng. Tôi tin rằng tác phẩm này sẽ giúp ta suy tư tìm ra ý nghĩa cuộc sống và cách đến với hạnh phúc. Xin dẫn ý của tác giả về hạnh phúc, âu cũng là đúc kết cho hơn 30 chương triết luận:
Trong phim Matrix (Ma trận), con người được nối mạng vào ma trận và có quyền tự chọn một cuộc sống theo ý mình. Giả dụ như được làm George Clooney hay Johansson Scarlett để tung tẩy trong một cuộc sống hoành tráng, hoặc sút những bàn thắng để đời như Ronaldinho hay Kaká, hoặc mỗi ngày lên giường với người tình trong mộng. Bạn nghĩ sao, liệu có ai muốn sống lâu dài trong hoàn cảnh ấy không?
Có thể thoạt tiên bạn thấy đó là một trải nghiệm sung sướng theo nghĩa nào đó - một dạng cuộc đời thứ hai không kèm rủi ro mà bạn được dấn thân vào. Nhưng nếu phải sống vĩnh viễn như vậy? Sẽ là một cuộc sống ra sao, khi ta luôn luôn thành công? Và bất cứ thời điểm nào cũng có được mọi thứ để bảo đảm cho bạn hạnh phúc? Kinh khủng quá!
Vậy thì rõ ràng còn có một cái gì đó quan trọng hơn hạnh phúc, vì hạnh phúc được bảo hành vĩnh viễn sẽ trở nên tẻ nhạt khủng khiếp. Trong cuộc sống, mọi thứ có một giá trị nhờ sự tương phản. Người ta có thể mong muốn có nhiều hạnh phúc, nhưng không phải hạnh phúc liên tục từng giờ từng phút. George Bernhard Shaw, thi sĩ và kịch tác gia người Ireland đồng thời là một triết gia thông thái, biết rõ điều đó từ lâu: “Cả đời hạnh phúc! Không ai chịu nổi; vì đó sẽ là địa ngục trần gian”. Có một hình dung còn tệ hơn, đó là người ta không được tự quyết định về cuộc đời mình. Quyền tự quyết là một tài sản quý giá đến nỗi đa số chúng ta không ưa đeo đuổi một thứ hạnh phúc do người ngoài áp đặt. Có nghĩa là người ta phải tự kiến tạo và xây đắp hạnh phúc của mình, chứ hạnh phúc mà được ban tặng thì mất giá trị. Chiến thắng phỏng có ý nghĩa gì, nếu người ta không thể chiến bại? Và sách truyện sẽ tẻ làm sao, khi độc giả biết chắc chắn là nó sẽ có đoạn kết như mong muốn? Vậy thì, như đại văn hào Nga Lev Tolstoy từng nói, hạnh phúc “không phải là ta được phép làm gì ta thích, mà là ta luôn luôn thích cái ta làm.”
Câu trả lời của Tolstoy đã rất sát cái mà người ta vẫn ưa gọi là “ý nghĩa cuộc sống”. Trong sách này ta sẽ gặp nhiều triết gia, và bằng cách riêng của mình, dù trực tiếp hay gián tiếp, tất cả họ đều cố trả lời chính câu hỏi đó. Triết gia thời cận đại, như Decartes, không nghiên cứu đề tài này. Họ cho rằng ý nghĩa tổng quát của thế giới không phải là câu hỏi của con người, mà là một câu trả lời có sẵn do Chúa ban cho. Ai sống thời Trung Cổ, Phục Hưng hay Baroque, người đó không cần bận tâm đến câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Nhà thờ nói cho họ biết Chúa có ý tưởng và chủ định với con người, và thế là ổn. Mãi đến khi ý thức hệ của chúng ta tiến vào tâm điểm thế giới để thế chỗ cho trật tự thế giới do Chúa định sẵn thì bước ngoặt ấy mới dẫn thẳng đến câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Việc nghiên cứu câu hỏi ấy một cách nghiêm túc mới chỉ diễn ra cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Đối với Immanuel Kant, cuộc sống được định đoạt bằng việc thi hành nghĩa vụ đạo đức. Như đã nói, thế thì hơi ít. Đối với Jean-Jaques Rousseau thì ý nghĩa cuộc sống là được phép và có thể sống theo đúng bản năng tự nhiên. Con người không bao giờ phải làm gì mà mình không muốn. Đối với Jeremy Bentham, ý nghĩa ấy nằm trong hứng thú tối đa cho mình và mọi người. Con William Paley tìm ý nghĩa đó trong số lượng tối đa “các công việc hữu ích.”
Giữa thế kỷ 19 câu hỏi này mới thật sự bùng nổ. Giới hậu sinh của Kant, Fichte và Hegel nhún vai ngơ ngác khi đối diện với khối tác phẩm kỳ vĩ của tiền bối. Trước đó triết học thắng thế và tự tôn mình lên thành bộ môn tổng quát giải đáp mọi câu hỏi của cuộc sống bao nhiêu, thì giờ đây kiến thức về một cuộc sống thành đạt là gì lại càng ít ỏi bấy nhiêu. Đó là những tòa nhà tư tưởng đồ sộ, song lại đứng trên một nền móng mỏng manh của sự nhận biết về cuộc sống thực tế. Arthur Shopenhauer, Sören Kierkegaard, Ludwig Feuerbach và cả Karl Marx, mỗi người một cách, nỗ lực tìm câu trả lời mới. Schopenhauer cương quyết phủ nhận rằng con người “sinh ra để hạnh phúc”. Vì con người là nô lệ bất khuất cho ý chí của chính mình nên một ý nghĩa tự do và cao siêu sẽ ít có đất dụng võ. Cả Nietzsche và Freud đi theo hướng đó. Họ cho rằng, ngay câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống đã là biểu hiện của yếu nhược về thể chất hay tinh thần. Người khỏe mạnh thì không cần biết đến ý nghĩa cao siêu.
Các bậc thầy tư tưởng thế kỷ 20 có đặc điểm là họ từ chối trả lời rõ ràng và tuyên bố không quan tâm chuyện đó. Một ví dụ đặc biệt nổi bật là Ludwig Wittgenstein. Ông xếp câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống vào mục “các câu hỏi ngớ ngẩn”.
Dễ hiểu là môn nghiên cứu não bộ cũng không trả lời được câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. “Ý nghĩa” không là một đơn vị đo lường khoa học, không là một đồ vật, và cũng không là một quá trình điện sinh lý. Như vậy thì ý nghĩa tàng hình với chính mình. Hay nói một cách khác: cái cân cũng không được được trọng lượng của mình.
Hôm nay chỉ có thể trả lời câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống một cách chủ quan: tôi nhìn thấy ý nghĩa gì trong cuộc sống của tôi? Nguyên nhân rất đơn giản. Ý nghĩa không phải là đặc tính của thế giới, mà là một cấu trúc đặc thù nhân tính. “Ý nghĩa” là một nhu cầu và một ý tưởng của chúng ta, những động vật có xương sống. Xét như vậy thì vấn đề không phải là đi tìm một ý nghĩa trong thế giới, mà chúng ta phải tạo nó ra cho mình. Vậy câu hỏi về ý nghĩa là một câu hỏi nhân tính. Ngay cả khi cần tìm ý nghĩa khách quan trong thiên nhiên thì điều đó cũng luôn luôn diễn ra theo hình dung của con người. Và những hình dung đó phụ thuộc vào ý thức hệ của chúng ta, nghĩa là phụ thuộc vào tính logic và ngôn ngữ của con người.
Có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất của nhu cầu đi tìm ý nghĩa của chúng ta là do chúng ta biết, một ngày nào đó chúng ta sẽ chết. Bộ óc của chúng ta biết rằng mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây nó lại tiến gần hơn tới thời điểm lụi tàn, quả là một ý tưởng không hay ho cho lắm. Một số nhà nhân loại học coi sự biết đó là ranh giới giữa người và vật.
Có người nói nhẹ nhàng mà súc tích: “Thực ra không có gì đặc biệt cả. Đơn giản là hãy thân thiện với mọi người, tránh ăn đồ nhiều mỡ, thỉnh thoảng đọc một cuốn sách hay, mời bạn bè đến nhà chơi, cố gắng sống trong hòa bình và hài hòa với mọi người.” Còn nếu các bạn hỏi Precht thì sẽ nhận được câu trả lời hay hơn nhiều: “Hãy giữ tính tò mò ham hiểu biết, hãy thực hiện các ý tưởng tốt đẹp của mình, hãy làm cho năm tháng chứa đầy sự sống chứ đừng để cuộc sống đầy phè những năm tháng.”
Hữu Hảo giới thiệu
Xem thêm: [Trích đoạn] Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu
Triết gia, nhà báo và nhà văn Richard David Precht sinh năm 1964 tại Solingen (Đức), bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1994 tại Đại học Tổng hợp Cologne, từ đó đến nay cộng tác với hầu hết các tờ báo và kênh truyền thông lớn ở Đức.
Precht được trao học bổng Arthur F. Burns Fellowship 1997, một trong những học bổng danh giá nhất cho người làm báo, để làm biên tập viên của tờ Chicago Tribune.
Năm 2000 ông được tặng giải báo chí về Y sinh học. Ông đã xuất bản hai tiểu thuyết và ba cuốn sách chuyên môn. Hiện nay Precht sống tại Cologne và Luxembourg .