Thái tử Shidatta sau khi nhận thấy 4 tướng sanh già bệnh chết và bao khổ lụy của đời sống nên quyết chí rời khỏi cung vàng điện ngọc của Ấn Độ cổ xưa để tầm sư học đạo. Trải qua nhiều vị thầy, nhiều năm khổ hạnh và cuối cùng tự thiền tọa và chứng ngộ. Hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Sau khi chứng ngộ, Ngài muốn mang niềm chân phúc cao quý này chia sẻ cho nhân gian nên bắt đầu chuyển bánh xe pháp: Giáo lý tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên, các phương pháp thiền, bát chánh đạo… tùy căn cơ, thời điểm thích hợp mà Ngài truyền dạy. Những nguyên lý, những kỹ thuật, những giới điều cần phải có để ứng dụng cho quá trình chuyển hóa để thăng hoa tâm linh và cho ra đời sống phúc lạc, được đức Phật thuyết ra đầy đủ mà môn đệ đời sau kết tập thành kinh, luật và luận.
Giáo lý của đức Phật thuyết trong 49 năm rất nhiều nhưng không ngoài mục tiêu chuyển hóa những mê lầm, phiền não, nội kết, ngã chấp bên trong để tâm thức trở nên rỗng rang giải thoát. Đạo Phật trở thành đạo giác ngộ và giải thoát. Tu sỹ là một người đi từ vô minh chuyển sang đại trí tuệ, cuối cùng thể hiện một sứ mệnh cao cả thiêng liêng chính là trải rộng lòng từ bi để cứu giúp chúng sanh đang đau khổ trở nên giải thoát hạnh phúc như mình. Hàng trăm hàng vạn tu sỹ cũng như tín đồ theo Phật chính là đi theo con đường của Phật, học tập đức hạnh của Phật, ứng dụng phương pháp của Phật để chuyển hóa tự nội hòng được an lành và giải thoát khổ đau, và trở nên an nhiên tự tại như đức Phật. Con đường truyền thừa đích thực của Phật giáo không hề van xin, ĩ lại, cầu khẩn, hay sợ hãi bất cứ điều gì. Mục tiêu là tự giải thoát khổ não ngay ở đây và bây giờ chứ không hề mong cầu sự gia hộ hay tiếp độ về một cảnh giới nào khác. Đức Phật luôn nhắc rằng hãy tinh tấn thiền tập để chuyển hóa nội kết khổ đau, giải phóng tâm thức cố hữu, làm chủ sinh tử và an trú niết bàn. “Mỗi người là hải đảo tự thân, chớ nương tựa ai khác”. Sau khi Phật nhập diệt thì các đệ tử “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”
Thế gian là vô thường, tất cả là ảo tưởng cho đến khi con người giác ngộ hoàn toàn. Niết bàn không phải là một thế giới khác thuộc không gian và thời gian khác. Niết bàn là trạng thái củi hết và lửa tắt. Củi là nhiên liệu (tài, sắc, danh, thực, thùy…) đốt cháy lửa (tham, sân, si phiền não…), khi củi hết, lửa tắt thì sự thanh lương mát mẽ xuất hiện. Đó chính là trạng thái tịch tĩnh của tâm. Con đường tĩnh tại rốt ráo của tâm thông qua các cấp độ của thiền. Sự an lạc hoàn toàn không còn nhiệt não. Giáo lý của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là con đường giải phóng mọi trói buộc của dục vọng và khát ái. Đó là con đường mà nhân sinh phải trình tự giác ngộ và giải thoát dần dần cho đến khi rốt ráo ngang qua trần gian này, không phải là thế giới khác.
Đức Phật Thích Ca trước hết là một con người có thật trong lịch sử. Ngài không phải là một đấng nào đó ở trên trời do tâm trí con người tưởng tượng ra. Giáo thuyết của Ngài thực tiễn và hiệu quả ngay hiện tại. Giác ngộ và giải thoát được phần nào hành giả sẽ bớt khổ não và tăng niềm vui chừng đó. Ánh sáng tuệ giác tỏ rạng chừng nào thì bóng tối vô minh, tri kiến sai lầm cố chấp tan biến chừng đó. Tâm định tĩnh an lạc chừng nào thì hành nghiệp phiền não tiêu tan chừng đó. Giáo lý của Ngài có thể ứng dụng cho bất cứ ai có mặt trên trần gian này, bất cứ thời đại và xã hội nào. Một xã hội Ấn Độ với 4 giai cấp giàu nghèo được phân định hàng mấy ngàn năm đã tạo hố sâu phân cách bất bình đẳng. Ngài đích thân thể hiện sự bình đẳng pháp ở thế gian bằng cách tự xóa bỏ giai cấp. Ngài từng nói rằng “không có giai cấp trong khi máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Chính đức Phật là người đầu tiên chấp nhận nữ giới được xuất gia học đạo trong khi hầu hết các tôn giáo đương thời không cho phụ nữ quyền tiếp cận với những gì gọi là cao thượng. trong nhiều kinh điển, Ngài dạy những đạo lý làm người và phương cách xử thế nhằm giải phóng sự mê tín, ngu muội và tà kiến… Nhưng cũng chính vì Ngài là hiện thân của cách mạng và sự giải phóng, nên đã đụng chạm vào lợi ích của những thế lực tà đạo và bị ngoại đạo nhiều lần ám hại.
Cuộc cách mạng nào mà không có sự phản ứng và chống đối. Nhưng chân lý bao giờ cũng chiến thắng. Đạo Phật sau này cũng đã từng bị ngoại đạo cố tình tiêu diệt. Đạo Phật đã từng bị diệt vong tại quê hương Ấn Độ. Tu sỹ Phật giáo đã chết dưới lưỡi gươm ngoại đạo hàng mấy chục ngàn người, một số hoàn tục, một số chạy thoát và thành lập Phật giáo Tây Tạng. Và rồi mầm sống từ bi và trí tuệ lại tiếp tục phát triển khắp 5 châu. Bao nhiêu sự thăng trầm của Phật giáo về mặt hình tướng nhưng bản thể từ bi và trí tuệ vẫn không lu mờ. Ngoại đạo tiêu diệt trực tiếp không được thì họ mượn chính tay tín đồ Phật giáo tiêu diệt bằng cách đánh đồng hoặc làm cho biến chất. Tên tuổi của Phật Thích Ca Mâu Ni đã bị thay thế bởi một danh hiệu khác hòng làm lu mờ giáo pháp thực tiễn kia. Ngoại đạo không dể gì đánh phá được một giáo lý có tính chất khoa học và thực nghiệm, nhưng ngoại đạo khiến chính đệ tử của Ngài làm lu mờ giáo thuyết đó. Ngoại đạo đã viết thêm rất nhiều kinh luận và gán ghép tên Ngài làm chủ thuyết trong đó. Giáo lý biến chất, lu mờ để khiến hậu học lo âu, sợ hãi hoặc là sinh bệnh ảo tưởng, vọng tưởng hướng ngoại mà cầu xin. Nguyên chất giáo lý tự lực giải thoát trở thành thứ giáo lý kích cầu sự tham vọng, hoặc hù dọa để tín đồ sợ hãi, cầu xin, van vái ân huệ và mong được cứu rỗi giống ngoại đạo. Rất nhiều tín đồ Phật giáo đã dần không còn nhớ danh hiệu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni và giáo thuyết của Ngài; thay vào đó họ trì niệm và vọng tưởng mơ hồ về một đấng khác và giáo thuyết khác. Đó chính là thực trạng của sư tử trùng.
Một cơ thể không tự vận động thì sẽ liệt kháng và chỉ còn nhờ vả vào các loại văcxin. Một khi con người đã mất khả năng tự lực thì tất cả dường như suy yếu và chỉ còn là sự van xin dựa dẫm. Lúc ấy, chúng ta chỉ còn là con cừu non nhẹ dạ cả tin sống ngoan ngoãn dưới sự chăn dắt của kẻ chăn cừu và phải chấp nhận số phận bị vặt lông và thậm chí bị mổ thịt. Chúng ta rất ngây thơ không biết rằng kẻ không có bột thường khôn khéo vẽ bánh tưởng tượng trên trời. Họ bảo người khác ngước mắt lên nhìn và thưởng thức bánh vẻ. Hãy tha hồ thưởng thức bánh vẽ trên trời nhưng hãy để bánh thật dưới đất cho họ. Và đó là một mưu chước.
Chúng ta được sinh ra từ đất, được nuôi sống bởi đất thì tại sao không xây dựng, bảo vệ và cảm ơn trái đất? Có những thế giới được sinh ra từ trí tưởng tượng của con người, sau khi thông qua sự thuyết trình khôn khéo, con người lại cả tin và ra sức dùng trí tưởng tượng để tô bồi, xây dựng và trang trí thêm cho nó. Một ngôi nhà tưởng tượng, một thiên quốc tưởng tượng dù có được trang hoàng lộng lẫy đến mấy thì nó cũng không thực. Thông qua những tham vọng thầm kín của mình, con người khéo tưởng tượng ra điều đó bằng một ước mơ. Nhưng ước mơ mãi chỉ là điều mơ ước.
Đành rằng thực tế chúng ta sống trong một thế giới không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Sống trong môi trường không như ý nhưng điều tốt đẹp đại đồng có hiện ra hay không đều tùy thuộc vào tất cả chúng ta. Trách nhiệm của tất cả con người trên thế gian này là phải tu sửa, xây dựng cho đời sống tốt đẹp. Chúng ta không thể bỏ bê thế giới này mà chạy đi trú ẩn ở một nơi nào khác. Khi thiếu vắng tình yêu thương và trí tuệ, chúng ta dẫu có ở đâu cũng không bao giờ hài lòng và hòa thuận. Đức Jesus cũng đã từng nói rằng nếu ngươi chưa yêu thương được anh em chung quanh ngươi thì ngươi không thể nào yêu thương đồng đạo của ngươi ở trên trời. Điều đó cho thấy sự cải tạo tâm tính, mở rộng tình người ở đây và bây giờ là điều cần thiết.
Đạo Phật không phải yếm thế bi lụy, hoặc tránh đời mà vô cùng hiện sinh. Giáo lý đạo Phật không phải là hoang tưởng phi thực mà là khoa học và thực tiễn. Phật giáo đồ không phải là tiêu diệt sự sống mà gieo mầm và tưới tẩm cho một sự sống tốt đẹp mới. Nhìn chung, đạo Phật không phải là một mớ giáo điều hay triết lý khô khan mà rất tươi mát. Đây không phải là một tôn giáo tín ngưỡng theo kiểu thần quyền van xin và cầu khấn; nó hiện thực trong đời sống hằng ngày trong tinh thần chuyển hóa sự xấu xa, đau khổ thành điều tốt đẹp và an vui theo lộ trình nhân duyên quả. Đạo Phật mang trong mình đầy đủ tính khoa học, triết lý và hiện thực cuộc sống. Chỉ có đạo Phật mới tôn trọng nhân cách, đề cao nhân phẩm và dần nâng nó lên hàng Phật tính bình đẳng tuyệt đối. Giải phóng sự sợ hãi và mặc cảm tội lỗi, giúp con người tự chủ hơn về mặt nhân quyền, chịu trách nhiệm và thừa hưởng mọi nghiệp quả do hành động mình tạo tác. Giải thoát được những trói buộc mê lầm của tri kiến.
Nhưng chúng ta nên nhớ rằng Phật pháp chỉ là ngón tay chỉ trăng chứ không phải mặt trăng. Nó là phương tiện dẫn người vào đạo chứ không phải đạo. Học Phật là mượn pháp Phật để thể nhập chân tính chứ không phải ca ngợi pháp Phật và cầu mong Phật lực gia hộ. Thể nhập chân tính là chân tính của mình ngay tại đây và bây giờ. Tự mình làm hiển lộ Phật tính có sẵn trong tâm chứ không phải nhờ Phật bóc giùm hết vô minh và cho mình một Phật tính. Phật quốc thanh tịnh, niết bàn diệu tâm có ngay trong bản thể thanh tịnh của chúng sinh chứ không phải là một thiên đàng hay cực lạc nào khác. Đó chính là pháp môn thực tại, là con đường thực tại.
Thông Nhã