Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới của Haruki Murakami

Con người khác con vật không chỉ ở đặc điểm con người có một bản ngã, một cái tôi luôn biến động, mấu chốt nằm ở chỗ, con người có thể có nhiều bản ngã khác nhau, tồn tại một cách âm thầm trong những thế giới mà nhiều khi ngay bản thân mỗi cá nhân chúng ta cũng không thể am tường hết.

Trong đời sống, việc điều khiển một cỗ máy phức tạp đã khó khăn, nhưng việc thông hiểu và nắm bắt chính tâm hồn của mình, những cái tôi bên trong mỗi cá thể lại là điều gần như bất khả. Con người luôn là một bí mật với chính nó, và hành trình đi tìm ý nghĩa tâm hồn của mỗi cá nhân, kết nối những cái tôi bên trong bản thân mình là một chuyến hành hương trong tuyệt vọng. Tuy nhiên, cuộc hành hương đó lại mang ý nghĩa và mục đích cao cả của mọi kiếp người, nơi mỗi bản thể chứng minh chân giá trị của mình không phải bằng đích đến, mà chính bằng dấu chân trên những cuộc hành trình. Theo nghĩa đó, tiểu thuyết Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (Hard - boiled wonderland and the end the world) của Haruki Murakami (sinh 1949) là một câu chuyện ẩn dụ lớn lao, đượm buồn và thú vị về vấn đề muôn thủa của con người: vấn đề truy tìm bản ngã của những tha nhân. Mặc dù mới được xuất bản tại nước ta, nhưng Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới lại là một trong những tiểu thuyết đầu tiên (xuất bản năm 1985) đưa tên tuổi H.Murakami trở thành “là một trong những cây bút đương đại bậc thầy” (Der Tagesspiegel). 

Câu chuyện được kết cấu thành hai tuyến, với hai chủ thể trần thuật khác nhau, dần được kết nối và thắt đuôi vào cuối cuốn tiểu thuyết bằng bản nhạc Danny boy của Bing Crosby (trang 564). Cả hai tuyến đều được trần thuật bằng ngôi thứ nhất, ngôi kể ưa thích trong mọi tiểu thuyết của Murakami, và đó cũng là đặc trưng trần thuật của văn học hậu hiện đại. Thế giới trong cách kể của những tác phẩm hậu hiện đại thông thường xuất phát từ góc nhìn cá nhân của nhân vật “tôi”, thể hiện sự mảnh đoạn và hỗn độn như chính những phức tạp và hạn hữu trong mỗi con người. Hai câu chuyện được trần thuật trong tác phẩm khác với những tác phẩm trinh thám kinh điển (lối nối tiếp), giữa một bên là câu chuyện về kẻ gây tội ác (chủ thể là thủ phạm), và một bên là câu chuyện về kẻ phá án (chủ thể là thám tử) theo lý thuyết của Todorov, Murakami đã trần thuật hai tuyến kể của mình theo lối song song. Cách trần thuật này cũng khác với kiểu kết cấu song song theo lối trinh thám của Dan Brow, bởi hai chủ thể trần thuật kì thực là hai “cái tôi” khác nhau của cùng một chủ thể, cho dù hai cái tôi ấy sống trong hai “thế giới” tách biệt và hai chiều thời gian tách rời nhau. Một bên là cuộc hành trình đi tìm kí ức, đi tìm ý nghĩa và hạnh phúc của một “toán sư” (người tạo các mật mã). Phía bên kia là cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa, bí mật của “nơi tận cùng thế giới”, truy tìm lại tâm hồn đã bị đánh mất của một “Người đọc mơ” (người giải phóng những tâm hồn). Cả Toán sư và Người đọc mơ, cùng với nhân vật “Bóng” đều là ba dạng “cái tôi” tồn tại khác nhau của cùng một bản thể. Chính vì vậy, Murakami đã phác thảo nên sự phức tạp trong tâm hồn mỗi con người và kết nối những cái tôi phức tạp ấy trong một câu chuyện đậm tính siêu thực, huyền ảo nhưng cũng đầy không khí và hơi thở của thời đại.

Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới là một trong những tiểu thuyết đồ sộ và phức tạp nhất của H.Murakami, cho dù bạn đọc có thể thấy quen thuộc với một số biện pháp nghệ thuật, motip, hình tượng và cách kể đặc trưng của nhà văn này trong những tác phẩm khác: những bản nhạc jazz, rock của phương Tây, vợ và con mèo cùng bỏ nhà ra đi, sự đam mê whiskey và bia, ám thị tính dục, người không có bóng, các chuyến hành trình truy tìm bản ngã, sự tồn tại song hành của nhiều cái tôi, thế giới của bóng tối… Sự phức tạp và đồ sộ về nội dung tư tưởng đến từ việc tác giả đã dụng công xây dựng một nhân sinh quan trong đó có nhiều “cái tôi” cùng tồn tại, nhưng chúng không đơn thuần tồn tại trong những thời điểm khác nhau theo kiểu: “cái tôi này ngủ thì cái tôi kia thức”, mà được đặt vào trong những không gian nghệ thuật khác biệt, song song tồn tại một cách độc lập. Mỗi cái tôi có riêng cho mình một thế giới, giống như mỗi người có riêng cho mình một tư tưởng. Trong thế giới có hàng tỉ con người, và rất có thể, trong con người có hàng tỷ thế giới. Motip này được lấy cảm hứng từ huyền thoại trong thần thoại Hy Lạp về việc chàng Orpheus xuống địa phủ tìm lại người vợ yêu thương đã mất. Tác giả từng tiết lộ: “Có thể hình dung thế giới chúng ta đang sống là một ngôi nhà. Có tầng trệt và tầng hầm. Tôi tin bên dưới tầng hầm vẫn còn tầng hầm nữa. Nếu thực sự muốn, chúng ta sẽ tìm được đường đi xuống. Cuốn tiểu thuyết này dẫn dụ theo hướng đó” (Murakami, 2003).

Sự đồ sộ và phức tạp về mặt tư tưởng trong tác phẩm nằm ở chỗ, Murakami đã thách thức chúng ta về quan niệm thực tại và thế giới. Tác giả không đặt mối quan tâm của mình ở vấn đề: đâu là thế giới bản nguyên? Đâu là thực tại chân xác? Mà buộc người đọc phải lựa chọn khó khăn về việc hiểu và cắt nghĩa: Đâu là điểm đáng nghi ngờ trong thế giới của chúng ta? Đâu là thế giới mà chúng ta mong muốn? Đâu là thế giới mà chúng ta tìm thấy hạnh phúc của mình? Giá trị và nội hàm của hạnh phúc là gì trong thế giới của chúng ta? Để cuối cùng, tất cả những những “cái tôi” đều lựa chọn cho mình một cách ứng xử đầy tính nhân văn, đượm chất bi quan nhưng cũng đầy tính hiện sinh. Về nhân sinh quan, đó là quan niệm cần thực hữu và dám sống với chính mình, cho dù đó là một cái tôi đầy bất toàn và đầy đau khổ: “Nhưng, nếu có khả năng làm lại cuộc đời một lần nữa thì tôi linh cảm mình sẽ sống hệt như vậy. Vì cuộc đời mất mát ấy chính là tôi. Tôi sẽ trở thành tôi, không còn con đường nào khác… không bao giờ tôi có thể trở thành gì khác với chính mình” (trang 520). Về thế giới quan, đó là một thế giới mà mọi khổ đau và hạnh phúc đều do chúng ta tạo nên, thế giới không nhiều hơn và cũng không ít hơn những điều mà chúng ta ngẫm suy về chính nó: “Tôi phải gánh trách nhiệm đó… Tôi không thể kệ thây những con người và cái thành phố do tôi tạo ra và cứ thế ra đi... Nhưng tôi phải chịu trách nhiệm cho những gì mình đã làm. Thế giới của tôi là ở đây” (trang 614).

Thông qua tác phẩm của mình, Murakami cũng đã làm hoang mang tất cả chúng ta khi đặt lại toàn bộ ý nghĩa và thực chất của thế giới, sự sống và cái chết. Liệu con người sẽ hạnh phúc hơn khi sống trong một thế giới bất toàn mà ở đó, nó là nạn nhân chịu cuốn đi giữa những sai lầm, tội ác, bất công, hay chấp nhận sống trong một thế giới tuyệt đối lặng lẽ, hoàn hảo và công bình do chính bản thể con người tạo ra? Ý nghĩa của thế giới nằm ở sự bất toàn của nó, nơi con người được phép tồn tại tâm hồn của mình, hay ý nghĩa của thế giới nằm ở sự vĩnh cửu nhưng con người chỉ còn là những cái bóng âm không tâm hồn? Ý nghĩa của sự hiện hữu nằm ở hành trình, có sinh tạo và có hủy tàn theo đúng quy luật sinh - lão - bệnh - tử, hay ý nghĩa nằm ở sự bất tử nhưng phải chấp nhận câm lặng mọi cảm xúc, không kí ức, không nhạc cụ, không tình yêu? Mặc dù mang cái nhìn bi quan, nhân sinh như những cuộc hành hương tuyệt vọng, và thế giới là một ẩn dụ do con người vẽ nên, kết cục tác phẩm cũng là những cái tôi cô độc như trong Biên niên ký chim vặn dây cót, nhưng tiểu thuyết của Murakami luôn ngợi ca tình yêu, cho dù đó là một tình yêu mỏi mòn và chờ đợi. Tình yêu giữa Người đọc mơ và cô thủ thư (trong nơi tận cùng thế giới), Toán sư và cô gái làm ở thư viện (trong thế giới “bên trên”) đã cứu chuộc và đem lại ý nghĩa cho tồn tại, cho hy sinh và cả cho cái chết. Ai cũng có thể có riêng một đáp án cho chính mình, một sự lựa chọn mà đôi khi ngay bản thân cũng không thể nào giải thích nổi, và cuối cùng, ba nhân vật (kì thực là ba cái tôi khác nhau của cùng một bản thể) “Người đọc mơ”; “Toán sư” và “Bóng” trong tác phẩm cũng đã có sự lựa chọn riêng theo những hướng khác nhau.

Mặc dù không tự nhận mình là một tiểu thuyết gia hậu hiện đại, nhưng trong Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, Murakami đã hoàn toàn sáng tạo nên tác phẩm dựa trên tâm thức hậu hiện đại cùng những kĩ thuật viết đặc trưng của trào lưu nghệ thuật này. Trong thế giới hiện thực thậm phồn (hyper - reality) mà nhân vật Toán sư đang sống, với sự thống ngự toàn diện và vô cảm của máy móc, các thiết chế quảng cáo và các sản phẩm tiêu dùng hàng loạt (văn hóa đại chúng), đặc biệt là sự lấn át của máy tính với vai trò của con người đã đặt các bản ngã vào sự cô đơn cùng cực. Những giá trị vật chất được biểu hiện thông qua các thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, đã lộ rõ sự bất lực và vô nghĩa tuyệt đối một khi con người đối diện với cái chết. Ngược lại, trong “thế giới tận cùng”, cách xây dựng hình tượng nhân vật của tác giả lại đậm tính “giải nhân cách hóa” (depersonalization), khi con người đánh mất tâm hồn, nó chỉ là cái bóng của chính nó. Thủ pháp “dễu nhại” (pastique) cũng được tác giả sử dụng khá tinh tế khi mỉa mai các sự kiện trên thế giới: xung đột giữa Israel và Syria, các nhà cách mạng, kinh tế toàn cầu… nhằm làm rõ sự trống rỗng và vô nghĩa của thế giới hậu hiện đại, từ đó biểu lộ tâm trạng “bất tín nhận thức” (epistemological) của mình. Hình thức phê phán và làm rõ sự giả trá của hai tổ chức là Hệ thống (tổ chức tạo mật mã và bảo vệ mật mã) và Nhà máy (ăn cắp và giải các mật mã) cũng chính là sự mất niềm tin và các đại tự sự. Hai tổ chức trên chính là cách viết ẩn dụ về những thiết chế cạnh tranh đối kháng nhau, nhưng thống nhất và có cùng bản chất: đều mang tính toàn trị, hoạt động chỉ nhằm mục đích lợi nhuận, sẵn sàng thủ tiêu con người nếu người đó không còn có giá trị sử dụng.

Với tất cả sự phức tạp và đồ sộ của mình, Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới xứng đáng vinh dự nhận giải thưởng Tanizaki (năm 1985) uy tín của Nhật Bản, là điểm gạch nối, chính xác hơn, đó là điểm xóa nhòa giữa hiện thực và mộng ảo, giữa bất tử và cái chết, hạnh phúc và đau khổ, tình bạn và tình yêu… Murakami đã kết hợp một cách tinh tế và sâu sắc cảm hứng và bối cảnh phương Tây với tinh thần và tư tưởng phương Đông, xứng đáng là sứ giả xuất sắc nối liền hai nền triết học Đông - Tây trong văn học ở thời kì toàn cầu hóa. Như thế, Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới là một cuốn sách lớn lao không chỉ nhằm hiểu về thế giới, quan niệm về thế giới mà còn nhằm hiểu về chính cái tôi của con người, về quan niệm cái tôi của con người trong thời đại chúng ta.

F.A
Previous Post
Next Post