Trong việc nuôi dạy con cái, cha mẹ luôn nuôi dưỡng hy vọng thấy con thành đạt. Luôn có sự nài nỉ, thuyết phục, nhắc nhở và kể cả dọa nạt để đòi hỏi sự phục tùng của con trẻ trước những mệnh lệnh của các bậc cha mẹ. Trong mối giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, có một tỷ lệ đáng ngạc nhiên những nội dung về việc chỉ thị những điều con trẻ phải làm, về việc thúc đẩy con trẻ thực hiện một việc gì đó bằng cách hứa hẹn tưởng thưởng, và việc đe đọa trừng phạt trong trường hợp con trẻ thành tựu một việc gì đó dưới mức độ được trông đợi.
Chiến lược mang lại hiệu quả chính là sự ganh đua. Có một niềm tin tổng quát cho rằng ganh đua là một công cụ duy nhất giúp con trẻ thành công trong việc học tập và trong sự nghiệp sau này của chúng. Quan điểm đó được chấp nhận rộng rãi đến nỗi ai đó đặt vấn đề về giá trị của sự ganh đua liền bị coi là kẻ không thực tế, lập dị và còn ngớ ngẩn nữa là khác. Tuy vậy, tôi vẫn muốn đứng trên lập trường chống đối sự ganh đua với tính cách là một chiến thuật có hiệu quả trong việc khuyến dụ con trẻ và đề nghị một cách nhìn khác để các bậc cha mẹ và các nhà giáo tham khảo.
Có 5 mái đầu đang cúi xuống cầu nguyện. Đó là 5 người phụ nữ trẻ đang trông chờ vào việc sinh hạ một đứa con. Bằng kỹ thuật cận tâm lý, chúng ta có thể “nghe” được những lời thầm thì van vái của họ. Họ đang cầu nguyện điều gì vậy?
Người thứ nhất: Lạy Trời lạy Phật, xin trời Phật ban cho con một đứa con thật sự thông minh và luôn đứng nhất trong lớp, khi lớn lên con của con thật sự giàu có.
Người thứ hai: Ôi lạy Thiên chúa toàn năng, xin chúc phúc cho đứa con của con sẽ trở thành một kẻ luôn luôn đứng hạng nhất. Con của con phải nhận được nhiều huân chương và bằng tưởng lục.
Người thứ ba: Lạy Đức Chúa lòng lành. Con muốn con mình theo học tiếng Anh tại một ngôi trường danh tiếng va luôn luôn có điểm tốt trong các kỳ kiểm tra cuối tuần, cuối khóa cũng như các kỳ thi cuối năm, các kỳ thi tốt nghiệp.
Người thứ tư: Lạy Phật xin cho con một đứa con khỏe mạnh và hạnh phúc, một đứa trẻ luôn đem lại niềm vui cho mọi người.
Người thứ năm: lạy Trời, ban cho con một đứa con học giỏi, môt đứa trẻ thật sự thông minh. Con của con sẽ thành công suốt từ lúc bắt đầu đi học ở một trường công lập cho đến lúc vào học viện về công nghệ thông tin rồi làm việc ở thung lũng Silicon.
Nghe được những lời cầu nguyện ấy chúng ta có đồng cảm với họ chăng? Việc mong ước con trẻ luôn được nhất lớp, có nhiều tiền của, được nổi tiếng và thành công, rõ ràng là mong ước chung của số đông. Chỉ có rất ít những bậc cha mẹ còn nhớ đến việc cho con mình có được hạnh phúc tự thân, vì lợi ích của chính đứa trẻ.
Vậy thì, sự ganh đua cũng giống như lòng nhân ái, đã bắt đầu xuất hiện từ gia đình. Khi đứa trẻ bắt đầu biết bò lê bò la trong nhà hoặc mới bặp bẹ tiếng nói đầu đời, các bậc cha mẹ đã băn khăn tìm kiếm những đấu hiệu cho thấy con mình sẽ là đứa trẻ hàng đầu. Trẻ con ngày nay không hề có tuổi thơ, sự nghèo khó đẩy con trẻ ra ngoài đường và sớm phài đóng vai trò của kẻ trưởng thành. Ở giai tầng trung và thượng lưu, lại có quá nhiều áp lực để đứa trẻ phải là kẻ có thành tựu hay là một nhân vật biểu diễn. Một người mẹ trẻ hào hứng trưng ra tấm huy chương của đứa con trong độ tuổi mẫu giáo, coi đó như sự công nhận tài năng của mình trong vai trò người mẹ. Nếu trong học kỳ kế tiếp mà đứa trẻ không đạt được sự tưởng thưởng tương tự, bà ta sẽ tự giày vò mình. Nói chung những thống kê của sự xếp hạng ấy hoàn toàn không được biết tới. Trong từng lớp học, trước sự vinh quang của một bà mẹ, có hàng chục bà mẹ khác thất vọng.
Trẻ con sống gần nhau trong một khu vực cũng tạo nên một cộng đồng xã hội quan trọng. Một chuyến đến thăm công viên “Giải Trí Dành Cho Thiếu Nhi” với những trò chơi đu quay cuồng nhiệt – một nét đặc trưng rất phổ biến của xã hội ta trong vòng vài chục năm trở lại đây – cũng trở thành đề mục cạnh tranh quyết liệt giữa đám trẻ con. Đại gia đình cùng với cộng đồng xã hội gần gũi cũng có những ảnh hưởng qua lại và hậu quả là trở thành môi trường cạnh tranh khốc liệt cho bầy con nít. Thông thường tình thân ái bị gãy đổ bởi một nhận thức của người lớn tuổi trước một tình thế nào đó. Một vài thí dụ có thể là như sau: “Thằng bé nhà bên cạnh vừa được giải thưởng lớn trong cuộc triển lãm của khu phố, còn con thì sao?” Anh họ của con luôn luôn học bài tới 11 giờ khuya. Tại sao ngày nào con cũng đi ngủ sớm vậy?” “Bố sẽ không đến dự buổi lễ trao giải thưởng ở câu lạc bộ. Con có được giải thưởng nào đâu?”.
Những phản ứng rời rạc như thế trở thành so sánh thường xuyên. Ngay cả những điều không thuộc phạm vi khả năng của đứa trẻ cũng không thoát khỏi sự so bì của người lớn. Tôi đã từng nghe nói về một bé gái thường xuyên bị bố mẹ la mắng chỉ vì nước da của em sậm màu hơn nước da của cô chị họ. Thí dụ về những kiểu bạo hành vô lý như thế có hàng khối.
Những nhận định không suy xét thường gây thương tổn, để lại những vết sẹo không bao giờ lành trong tâm lý con trẻ. Một mối quan hệ tốt đẹp tiềm tàng có thể bị đổ vỡ bởi những sự so sánh thiếu thiện chí đến nỗi đôi khi gây nên sự đố kỵ cả đời.
Con người có vô số cách để học hỏi: tiếp thu thực tế, hiểu biết vế các quan hệ, phân loại thông tin v.v..Ngay từ ban đầu, ngôn ngữ cũng dùng sự so sánh như một phương pháp phát triển nhận thức: “Bố tôi thấp hơn chú tôi” “Cô ấy có thể bơi nhanh hơn chị của mình” “Tôi là người sưu tập tem thành thạo nhất lớp”.
Cho dù đó là hình thái tính từ so sánh thông thường hay tính từ so sánh cực độ thì chúng ta cũng được dùng nhiều lần trong một ngày: “Để mẹ xem xem đứa nào uống hết sữa trước hết nào!” “Đứa nào làm xong bài tập về nhà trước thì đứa ấy được đi mua hàng với mẹ”.
Cứ như vậy thế giới cùa ngôn ngữ và nhận thức khái niệm của đứa tre mở rộng dần, thông qua sự so sánh và những tương phản. Sự phát triển của nhận thức và kinh nghiệm tiến triển mau lẹ. Sự so sánh về những đối tượng vật chất và hiện tượng mở rộng tới sự so sánh về con người, xâm phạm mà không hề có sự cảnh báo đến cảm nhận về tính độc đáo của từng cá nhân. Và khi sự so sánh trở thành ngọn roi cảm xúc nằm trong tay người trưởng thành thì thế giới trẻ thơ vỡ vụn. Những người trưởng thành như thế lại có thể coi là người văn minh được ư?
Ganh đua trong trường học
Thầy giáo thường khơi gợi sự ganh đua và những tư tưởng thi đua vì cho rằng chỉ có kích thích lớp học như vậy mới đưa tới sự thành công. Có những trường sắp chỗ cho học sinh trong lớp dựa theo thứ hạng của học sinh từng tháng, căn cứ vào điểm số cả những kỳ kiểm tra. Đó là một đường lối giáo dục thất sách và gây bất hòa cho học sinh. Có người hỏi rằng trường học có được tổ chức ra sao nếu như vắng bóng sự ganh đua, việc xếp hạng, điểm số, phân loại, bảng danh dự và huy hiệu nhất lớp trở thành những vấn đề trọng tâm, chứ không phải là kiến thức và sự hiểu biết. Để tình cảm ganh đua không còn là sự kích thích chủ đạo cho việc thành tựu kiến thức, các nhà giáo phải cố gắng áp dụng những phương pháp sư phạm với tinh thần sáng tạo. Các nhà giáo có thể tổ chức sự ganh đua giữa các nhóm thay vì giữa cá nhân các học sinh. Việc giao bài, nêu dự án, đưa ra cách giải quyết vấn đề cùng nhiều hình thức bài tập khác sẽ sôi động hơn khi được giao cho nhiều nhóm trong lớp. Để tránh sự ganh đua giữa các cá nhân trong những nhóm đã định hình, học sinh nên được thường xuyên phân bổ lại thành các nhóm mới.
Để nghiên cứu học tập và hành động cách làm việc có sự cộng tác với nhau giữa các sinh viên là điều cần thiết. Tính ganh đua không ngừng nghỉ có tính cách hủy hoại không chỉ trong lớp học mà còn trong suốt cả cuộc đời. Không ít những nhà giáo dục nổi tiếng đã nhận biết về khía cạnh sợ hãi và bất an gây nên bởi sự ganh đua trong lớp học. Krishnamurti từng nói: “Điều cao quý nhất mà nhà giáo dục mang lại không chỉ là sự ưu tú trong lãnh vực học thuật mà quan trọng hơn là sự tự do về tâm lý của chính người đi học”. Ông nói tiếp: “Sự ganh đua chỉ hiện diện nơi có sự so sánh, mà sự so sánh chẳng bao giờ mang lại sự ưu tú”. Thường xuyên cạnh tranh chống đối lẫn nhau, con trẻ khó có thể phát triển sự ưu tú của tâm hồn.
Sự ganh đua quá mức trong các kỳ thi đã dẫn tới sự khổ não về tinh thần cho những người đi học cả ở cấp trung học lẫn cấp đại học, đôi khi đã kết thúc trong thảm họa của sự tự sát hay sát nhân. Những bậc cha mẹ mà con cái của họ thành công trong việc ganh đua, thường là những người cổ vũ cho sự ganh đua. Thái độ của họ khi con họ được tưởng thưởng những giải thưởng này, bằng tưởng lục nọ là họ cảm thấy giá trị của sự ganh đua đã được chứng minh. Có bao giờ họ dành ra một chút tư duy để nghĩ đến những kẻ không thắng lợi? Phải chăng cũng có sự ưu tú ở “những kẻ khác” ấy? Có phải chúng ta vẫn thường thấy rằng những người được huy chương vàng không nhất thiết là người được trông đợi? Bao nhiêu người đạt những danh hiệu hàng đầu là những cá nhân hạnh phúc và được xã hội chấp nhận? Bao nhiêu sinh viên đại học đã thử dùng thuốc kích thích để cải thiện thành tích của mình? (Chính là những loại thuốc kích thích thường làm hỏng tư cách của các vận động viên Thế vận hội).
Một yếu tố vẫn mài bén cái cạnh của sự thôi thúc ganh đua có lẽ là hoạt động thể thao. Hoạt động thể thao ngày nay chẳng hề khuyến khích tinh thần thể thao. “Có tinh thần thể thao” là một nhận xét không thể được dùng để nói về bất kỳ ai trong nền thể thao có tính ganh đua. Trên thực tế thái độ thù ghét lẫn nhau giữa các vận động viên cạnh tranh đã được xây dựng một cách vô ý thức. Huấn luyện viên đã đào tạo các vận động viên phát triển “bản năng tiêu diệt”. Một phần trăm của một giây mang sự khác biệt giữa sự nổi tiếng với sự bị lãng quên mãi mãi. Vì thế mà những con người của nền thể thao đã được mài bén cho đến khi họ cắt được chính họ. Trang thể thao trên các tờ nhật báo của chúng ta thật là một quyển từ điển về chiến tranh. Những từ ngữ như “chiếm ngự”, “tấn công chớp nhoáng” “đầu hàng” “đập tan” “nhục nhã” “đánh bại” “bị khuất phục” chiếm vị trí quan trọng trong các hàng tít. Sân đấu thể thao không còn là sân chơi lành mạnh, mà đúng là một bãi chiến trường!
Mới đây, tôi gặp một nhà khoa học đang làm việc cho bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Microsoft ở Seattle . Ông nói rằng từ khóa cho một dự án thành công này nay chính là từ “hợp tác”. Khi những người trẻ có địa vị ngôi sao trong làng điện toán gia nhập một dự án, họ nhanh chóng phát hiện rằng họ chẳng thể nào thành tựu được điều gì nếu không làm việc chung với những người khác, trên căn bản một sự hiểu biết thân tình. Làm việc trong sự hợp tác với nhau không chỉ là một chiến lược quản trị, nó trở thành một điều kiện cho sự thành công, một mệnh lệnh.
Trong lúc không thể hình dung được một thế giới hoàn toàn vắng bóng sự ganh đua (vì thế giới luôn luôn còn có lĩnh vực quân sự và những thị trường), người ta vẫn có thể khẳng định một cách dè dặt rằng nếu một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một không khí không ganh đua, đứa trẻ đó vẫn có thể thành công trong một thế giới đầy rẫy sự ganh đua. Việc không leo lên đỉnh của nấc thanh danh vọng không nghiền nát đứa trẻ đó về phương diện cảm xúc. Như vậy đứa trẻ đó dễ thành công hơn. Nếu thành công, đứa trẻ dễ dàng vượt qua mọi chướng ngại với sự hiểu biết có thiện cảm của những kẻ khao khát danh vọng khác. Đứa trẻ đó không để cho những khổ não về tinh thần của sự so sánh và ganh đua gậm nhấm xương tủy của nó. Cố gắng trong sự ganh đua quyết liệt trở nên một lối suy nghĩ và đưa tới những gánh nặng trong tâm trí với sự qua đi của năm tháng. Việc nhận biết và chấp nhận những tài năng khác nhau nơi mình và nơi người khác nên là một điều được trao giồi. Sự hợp tác với người khác sẽ mang lại sự hài hòa trong tâm thức và trong mối quan hễ với tha nhân.
Nguồn: Child: February 07.1999
The Hindu Falio – Special issue with Sunday Magazine.
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 115 | KALYANALAKSHMY BHANUMURTHY – NGUYỄN HIỀN PHÁC dịch