Các thương hiệu nổi tiếng thế giới đang đẩy nhân loại vào một cái bẫy. Họ luôn nâng cấp sản phẩm mới trong khi sản phẩm cũ còn rất nhiều và khá tốt. Chẳng hiểu là những người tiêu dùng luôn muốn có những sản phẩm tốt hơn, hay có những âm mưu gì từ phía nhà sản xuất. Từ các hãng máy bay, ôtô, điện thoại, máy tính, tivi, tủ lạnh, máy giặt… đến các hãng quần áo, mỹ phẩm… luôn ra những mô-đen mới. Các phiên bản sau tốt hơn phiên bản trước thế nào thì mọi người sẽ biết trong buổi lễ ra mắt, qua các lời giải thích và cảm nhận trực quan qua ngoại hình. Bên trong chúng hoạt động thế nào thì chỉ có các nhà sản xuất mới hiểu. Và cũng chỉ họ mới hiểu mỗi một loại hàng có một “lý do riêng” khi cập nhật lên phiên bản mới.
Kết quả là toàn thế giới luôn vật lộn trong một cuộc đuổi bắt: giữa các nhà sản xuất với nhau, giữa những người tiêu dùng với nhau, giữa phần cứng với phần mềm, thậm trí giữa cái cũ và cái mới trong nội tâm một con người. Chúng ta đang mắc bẫy các nhà sản xuất, đang tự làm khổ mình qua yếu tố tâm lý và sự đố kỵ. Và bản thân các hãng sản xuất cũng đang mắc vào những cái bẫy đồng tiền, lợi nhuận, công nghệ… Viết ra những dòng này không phải là tôi đồng tình với quan điểm của khối cho rằng: có đầy đủ cách thiết bị cho cuộc sống là đủ, việc nâng cấp hay thay đổi chúng là không cần thiết. Điển hình cho quan niệm này là khối Liên Xô cũ với những thiết bị hàng chục năm không được nâng cấp. Đó là phản lại cái động, cái sự vận động đi lên tiến bộ trong khoa học kỹ thuật và phản lại mong muốn chính đáng của con người. Văn minh là sự vận động thay đổi theo chiều đi lên của xã hội và mục đích phát triển khoa học kỹ thuật để phục vụ cuộc sống con người. Mà viết ra những dòng này là để tôi phản đối sự thay đổi quá nhanh của phiên bản sản phẩm, nhiều khi chỉ cần một thay đổi rất nhỏ trong một thiết bị, nó đã được gọi theo một cái tên mới. Đã đến lúc cần phải có quy định trong việc này, quy định về bước nhảy của công nghệ bắt buộc khi muốn nâng sản phẩm lên thành một thế hệ mới.
Từ sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II các tập đoàn kinh tế đã thay thế các cường quốc để ảnh hưởng trên toàn thế giới. Họ có doanh thu lớn hơn cả một quốc gia, họ phân phối lao động, họ phân chia lợi nhuận, phân chia thị trường… Họ thúc đẩy nền văn minh, họ lập nên các phương thức sống, làm việc mới hiện đại… nhưng họ cũng gây ra phân biệt giàu nghèo và tạo ra sự lãng phí mới. Tôi không hiểu là họ đang đưa loài người chúng ta đi lên hay tụt lùi nhưng tôi thấy sợ thấy khi có những nơi còn người đang chết đói nhưng cũng có những nơi người ta xây nghĩa trang cho chó.
Các tập đoàn kinh tế tạo ra một guồng quay lớn cho nhân loại. Thúc đẩy cái guồng quay đó là những đầu não kinh tế, những bộ sậu chính trị. Họ giật dây toàn nhân loại làm con rối nhưng không phải để vui mà để làm lợi cho họ. Thật bất hạnh cho những ai không bám được guồng quay đó. Họ bị đánh bật ra lề đường, bị văng ra các khu ổ chuột hay tệ hơn là cái gọi là thế giới thứ ba: nghèo đói, thất học, tệ nạn, bệnh tật, chiến tranh… Guồng quay ấy không phân biệt quốc tịch, chẳng có sự sang hèn nào trong tấm hộ chiếu cả. Đó là những ảo tưởng do các chính quyền tạo ra để huyễn hoặc dân chúng. Những người nghèo ở các đất nước giàu cũng là những người bị rơi rớt ra khỏi guồng quay đó. Họ cũng bị nghèo đói, thất nghiệp như thường khi thị trường lao động đang dịch chuyển dần sang Ấn Độ và Trung Quốc. Trợ cấp thất nghiệp chỉ là để nói với họ rằng hãy yên phận đi đừng có quấy rối gì nhé. Thậm trí có thế cả những người có học cũng có thể bị như thế khi mà mức lương yêu cầu của họ cao hơn nhiều một anh làm văn phòng bên Ấn Độ hay một anh kỹ sư bên Trung Quốc. Đúng là một thế giới phẳng – phẳng nhưng không nhẵn!
Nguồn: vienhanlam.wordpress.com