Câu hỏi của một người trẻ

Nó muốn thoát ra khỏi cái không khí bức bối của cuộc sống giàu sang nơi thị thành. Nó muốn né tránh sự ồn ã, vội vàng đến ngạt thở nơi phố thị phồn hoa. Nó muốn một lần để tâm hồn được lang thang theo những điệu hò trên dòng sông quê hương nó. Nó muốn được lần theo những giấc mơ kỳ vĩ trong những câu chuyện thần thánh qua giọng kể của bà vào những đêm trăng. Những điều mà sau này khi lớn lên, khi nó sống và làm việc ở thành phố đã mãi không thể tìm thấy được.

Những buổi tối mất điện, nó lại cùng đứa em gái ít hơn nó 2 tuổi khệ nệ khiêng cái chõng tre đặt ở giữa sân, trong ánh đèn dầu le lói để nghe bà kể chuyện, bà chậm rãi kể từng chi tiết. Hai đứa cháu ngồi sát bên bà, nó chăm chú nghe bà kể như nuốt từng câu một để rồi nó thỏa sức tưởng tượng, rồi đắm chìm trong những giấc mơ thần tiên.

Nó và đứa em có khi còn tranh nhau là nhân vật này, nhân vật kia. Hai anh em đứa nào cũng muốn được hóa thân thành những vị thần thánh tốt bụng như Sơn Tinh, Thạch Sanh chuyên làm việc thiện. Không đứa nào muốn trở thành Thủy Tinh hay Lý Thông xảo quyệt, gian ác. Cái thiện và cái ác luôn hiện hữu trong mỗi câu chuyện cổ tích, và phần nào anh em nó đã ý thức được đâu là điều tốt và điều xấu, cái gì nên làm và cái gì không nên làm.

Trong mỗi câu chuyện, bà đã mở ra cho nó cả một thế giới diệu kỳ với những cuộc sống, những số phận đan xen được xây nên chỉ bằng những câu chữ qua lời kể truyền cảm của bà. Bà cũng dạy anh em nó những bài hát ru, những làn điệu dân ca, bà dẫn hai anh em ra bờ sông xem những đêm hát ví Đúm của thanh niên làng nó với những cô gái bên kia bờ sông Đáy.

Khi nó 16 tuổi, nó bắt đầu nổi lên như một sự kiện trong làng với giọng ca nam hát ví Đúm đằm thắm làm say đắm lòng người. Niềm say mê không chỉ với riêng nó, hát Đúm những đêm trăng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa ở nông thôn của thanh niên cả làng. Cứ vào những tuần trăng (một tuần trăng thường kéo dài trong khoảng 7 ngày, từ ngày mùng 10 đến ngày 15 hằng tháng), nó lại cùng những đôi trai gái trong xóm túm lại thành từng nhóm và cất lên những câu hò. Bên cạnh dòng sông Đáy trong xanh, dưới ánh trăng vàng mờ ảo, những câu hò đối đáp được trao cho nhau, để rồi sau đó có không biết bao nhiêu đôi trai thanh, nữ tú đã nên vợ nên chồng từ những canh hát Đúm say sưa, đằm thắm ấy.

Hát Đúm như mạch máu chảy trong huyết quản của nó, nó say mê, đắm chìm trong những làn điệu dân ca và nó đã không bỏ qua bất kỳ một canh hát Đúm nào của thanh niên trong xóm. Có một lần nó đi cày bị cày rơi vào chân, làm nó bị bong gân xưng tướng lên cứ tưởng tối hôm đó nó không thể tham gia được, ai dè nó nhờ ngay một cậu trong xóm đến cõng nó đi và nó thừa sự sung mãn cho những canh hát thâu đêm. Hát Đúm không chỉ thu hút những thanh niên chưa vợ chưa chồng, có người trong xóm dù đã có chồng nhưng vì quá say mê, còn trốn cả chồng để đi hát, bị chồng lôi về nện cho một trận để dằn mặt thế mà hôm sau lại trốn đi hát tiếp. Thế mới biết, những lời ca, tiếng hát dẫu không đàn, không trống mà sao vẫn cuốn hút, vẫn làm say mê lòng người đến vậy.

Cũng giống như nó không thể lý giải nổi tại sao những sinh hoạt văn hóa thuần túy ấy đã từng khiến bao lớp người phải mê mẩn lại đang biến mất dần trong đời sống hiện tại của một làng quê nghèo vốn là cái nôi của những làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình.

Cũng phải thôi, xã hội đang chạy đua với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự du nhập của nền kinh tế thị thị trường đã đem lại cho đời sống nông thôn một cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất. Nhưng những gì mà nền kinh tế này và lối sống thị dân đã và đang gây ra và lấy đi của nông thôn thì quả là quá lớn.

Đứng trên cây cầu nhỏ bắc qua dòng sông Đáy, nó chợt nhớ đến nao lòng một dòng sông trong xanh nó có thể nhìn thấy tận đáy những cây tóc tiên đùa giỡn cùng sóng nước, rồi những buổi chiều nó cùng người dân làng nó vẫn đổ ra sông gánh nước về ăn. Hay những buổi tối gió mát trăng thanh nó được nghe những câu hò giao duyên của những đôi trai gái. Bất giác nó đưa tay bịt chặt hai bên mũi, có lẽ nó đã hiểu một phần tại sao những canh hát Đúm đang bị biến mất. Liệu có thể hát hò được không bên dòng nước đen ngòm, đặc quánh bốc lên một thứ mùi kinh khủng, ánh trăng vàng lãng mạn in trên mặt sông thì biến thành một khối hình tròn màu vàng đục phát ra cái thứ ánh sáng nhờ nhờ...? Những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm chỉ còn tồn tại trong tiềm thức. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát với tiếng đầu đĩa, ti vi oang oang những lời bài hát chẳng biết nó thuộc dòng nhạc nào.

Cái thứ nhạc mà chỉ cần đọc nhanh cũng có thể trở thành ca sĩ ấy, có thể bắt gặp ở bất cứ nhà nào trong cái xóm nhỏ này. Điều lạ là, đối với thanh niên bây giờ mà có thể hát được những giai điệu quê hương như nó ngày xưa thì sẽ bị coi là quê mùa, cổ lỗ sĩ, nhưng ngược lại bọn chúng có thể thể hiện rành rẽ từng động tác từ đi đứng, nhún nhảy đến cả cách ăn mặc và biểu diễn y như một ca sĩ thực thụ đang quay cuồng trên sàn diễn với những bản nhạc sến rẻ tiền.

Buổi tối, khi ánh đèn đường bắt đầu bật sáng, cũng là lúc những quán cafe, karaoke với đủ loại đèn xanh đỏ mờ ảo, với những cô mắt xanh mỏ đỏ, váy ngắn, váy dài ra tận cổng đón tiếp để tỏ lòng hiếu khách. Hay những tiệm internet toàn những cậu choai choai tóc xanh, tóc đỏ dựng ngược như bờm ngựa đúng là sự ồn ã chẳng khác gì thành phố nơi nó đã sống. Những buổi sinh hoạt văn hóa tập thể bên cạnh dòng sông, hay những buổi tối bọn trẻ lại chụm đầu nghe những câu chuyện cổ tích, ngay cả những câu chuyện ma rùng rợn dường như đã biến mất hoàn toàn trong đời sống, tâm hồn của những đứa trẻ nơi đây. Cuộc sống càng phát triển, càng hiện đại thì cũng kéo theo đó là những hệ lụy, những nỗi lo.

Từ khi có cái quán nét mọc lên, những đứa trẻ ngoan cũng mon men muốn làm quen với cái gọi là công nghệ thông tin để cho biết, theo như lời chúng ở cái thời này mà không biết mấy thứ ấy thì có mà vứt đi. Ban đầu bố mẹ cũng thấy mừng cứ ngỡ con mình thông minh, không phải mất tiền học thêm mà vẫn được mở mang đầu óc. Họ đâu biết rằng con họ đang học hỏi được gì từ những trò chơi game, những trò bạo lực hay những bộ phim khiêu dâm học đòi làm chuyện người lớn. Chỉ đến khi cô giáo triệu tập, những đồ dùng trong nhà cứ theo chân mấy bà đồng nát, tiệm cầm đồ thì bố mẹ, hàng xóm mới tá hỏa vì đứa con ngoan, học giỏi.

Đối với bọn chúng, internet cũng là nơi để bắt đầu những câu chuyện tình con trẻ, và sự thăng hoa thường là trong những ngôi nhà nghỉ ngay cả khi mới ở cái tuổi 14-15. Đâu như cái thời của nó, tình yêu bắt đầu từ những buổi hát ví Đúm bên cạnh dòng sông thơ mộng có sự chứng kiến của ánh trăng vàng lãng mạn. Hay những buổi hẹn hò trên dọc triền đê ngồi nghe tiếng sao diều u... u trong gió.

Mẹ thì lo giữ con, vợ thì lo giữ chồng, trẻ con thì bỏ học đua đòi, người lớn thì tụ tập rượu chè cờ bạc. Một sới bạc được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp có cả những bảo kê đứng canh từ đầu làng đến cuối làng cách đến hàng cây số. Ban đầu người ta còn tò mò, bàn tán, lâu rồi thành quen họ cũng kệ, ai có của thì lo mà giữ. Những chiếc xe con ở tận Hòa Bình, Sơn Tây rồi Hà Nội... có đủ cả các loại biển số, xe công cũng có mà xe tư cũng có, cứ ra ra, vào vào như trong làng đang mở hội thi xe ấy. Rồi thì với đủ kiểu người, có người còn khoác nguyên trên mình bộ trang phục công an, bộ đội, người thì khệ nệ vác cái bụng bầu to vượt mặt cũng cùng chui vào một chỗ.

Để rồi, với vợ thì chồng thành kẻ vũ phu, phụ bạc. Với con, bố thành người cha vô trách nhiệm, bị coi thường khinh rẻ. Gia đình tan nát, vợ chồng bất hòa đánh lộn, cãi vã vì mấy cuộc truy xét đòi tiền của vợ để nướng vào những canh bạc thâu đêm. Những đứa con thì chán nản, sa ngã, trở thành những tội phạm khi còn đang ở cái tuổi chưa vị thành niên là hậu quả tất yếu từ những bi kịch gia đình.

Đời sống nông thôn đang thay đổi, người nông dân đang sống những ngày tháng đầy đủ và hiện đại hơn. Còn không nhiều cảnh những người nông dân quần quật chân lấm tay bùn từ sáng đến tối vẫn không đủ ăn. Hay cảnh những bữa cơm độn khoai, sắn trong những gia đình đông con, những bộ quần áo vá chằng vá chịt mà vẫn mặc đi mặc lại.

Nhìn quê hương đang giàu lên từng ngày, nó thấy tự hào vì những gì mà người dân quê nó đã làm được. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng thật sự xót xa, tiếc nuối trước những giá trị văn hóa của quê hương đang bị mai một, lãng quên. Những buổi sinh hoạt văn hóa nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm chất nhân văn, những câu chuyện kể thâu đêm của người già, hay những buổi tối mất điện rủ nhau lên triền đê nghe tiếng sao diều vi vu. Tất cả những thói quen đẹp đẽ, những bản sắc văn hóa thôn quê đang biến mất hoàn toàn trong đời sống hiện đại mà đáng lẽ ra những bản sắc ấy phải được lưu giữ và tôn vinh. Và không ít những người già chốn thôn quê của nó thi thoảng lại thức giấc trong khuya và tự hỏi: vì sao trước kia, khi con người còn nhiều thiếu thốn và cả khi con người đứng trước sống chết trong chiến tranh mà lòng người vẫn tràn ngập niềm tin yêu và thực sự thấy hạnh phúc. Còn bây giờ, chiến tranh đã không còn, đói rét chỉ còn rơi rớt một vài nơi nào đấy mà lòng người lại đầy lo âu và bất trắc?

Và nó, một người của thế hệ mới đã mang câu hỏi của những người già chốn thôn quê kia để hỏi chính nó và những người quanh nó. Và nó hiểu rằng: nếu không tìm được câu trả lời thì nghĩa là con người không tìm thấy hạnh phúc đích thực của đời sống.

Nguyễn Vũ Lam
Nguồn:  Tuần Việt Nam
Previous Post
Next Post