Chúng ta đang để lại gì cho thế hế mai sau?

Tôi không có ý định theo đóm ăn tàn chuyện tẩy chay báo lá cải. Bởi vì làm truyền thông vài năm tôi cũng chán cái chiêu “để lâu cứt trâu hóa bùn” ở nước mình. Hôm nay mọi người lên án nhưng chẳng ai thay đổi thì “khi xong xuôi tất cả lại về”. Vẫn nguyên những đống vấn đề bốc mùi chẳng những không được dọn mà chỉ tiếp tục thêm lắm ruồi bu.

Tuy nhiên, hôm nay tôi viết bài này, hy vọng những người đang làm báo hoặc làm nghề báo thử nghĩ lại xem mọi người đang để lại gì cho chính mình của vài chục năm sau.

Làm báo bây giờ dễ lắm. Thế hệ báo mạng ngày đầu còn khác nhưng bây giờ thì tuyền những “cơ quan ngôn luận” được vận hành bởi sinh viên với nhân công rẻ mạt, lâu lâu lại bị thay máu phũ phàng để giữ cho quỹ lương không bị phồng lên. Thế nên cứ lớp sinh viên làm báo mạng này đến lớp khác chẳng mấy người có thể tiếp tục phát triển để biết làm ra nội dung có chất lượng. Và có vẻ cũng lâu lắm rồi, không ai biết viết một bài phóng sự tử tế, trọn vẹn để người khác đọc mà vỗ đùi khen hay. Sở dĩ chẳng ai sống được tử tế với nghề, nên cũng chẳng ai quan tâm rèn dũa cái nghệ của mình.

Làm báo bây giờ bỉ lắm, cứ đinh ninh trong đầu công thức kinh điển Cướp Giết Hiếp Máu Gái là đủ để lắm view. Thế nên đống tin lá cải cứ thế mà mọc lên hàng ngày như nấm độc, nhồi sọ cộng đồng về một xã hội thối và nát. Nói gì về chuyện phát triển đất nước khi mà chỉ số lòng tin thì thấp hơn ngọn cỏ. Tin tưởng gì vào chuyện Việt Nam là một trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới khi chuyện GDP vẫn tăng trưởng đều đặn chỉ được chứng thực bằng vài con số mà bạn chẳng biết kiểm chứng ở đâu, chỉ có một thứ rõ ràng nhất là đi hỏi loanh quanh các gia đình đã thấy rất lắm vấn đề như ly thân hay ngoại tình.

Hay như những câu chuyện nặc danh “bạn đọc gửi” nhưng được viết bởi chính những con người mang danh “nhà báo”, cố tình kích những mối hiềm khích giữa Hà Nội và Sài Gòn. Bản thân tôi sinh ra sau cái ngày giải phóng đến hơn 13 năm, chưa từng mang một chút ký ức nào về bom đạn, cũng chưa từng biết ở thế hệ trước đã có những con người gây ra những tội ác ám ảnh nào khiến đồng bào phải gọi nhau bằng hai chữ Bắc Kỳ và Nam Kỳ vừa xa lạ, vừa cay nghiệt. Tôi lớn lên trong cái thời đại hội nhập mà sự khác biệt được tôn trọng bằng những con mắt hiếu kỳ và tinh thần cầu thị. Chính vì thế mà tôi yêu quý những người bạn Sài Gòn của mình, yêu cả sự khác biệt về văn hóa giữa Hà Nội và Sài Gòn như hai phần thú vị của một đất nước. Thế nhưng trong những câu chuyện với tất cả mọi người, từ người trẻ cho đến những vị lão thành về những lí do khiến đất nước chúng ta như ngày hôm nay, việc người Sài Gòn “sợ” hoặc “ghét” người Hà Nội vẫn cứ xuất hiện và để lại một dấu hỏi thật sự lớn.

Chúng ta là một dân tộc nhỏ, đến bây giờ vẫn còn chưa là gì so với các nước bạn. Vì cớ gì mà lại đi phân tán, chia rẽ lẫn nhau rồi cứ vì những hiềm khích không tên, được kế thừa từ đời cha chú, thù ghét nhau rồi phân biệt kỳ thị đến như vậy. Một người Việt chẳng khác gì một hạt cát giữa đại dương, nhỏ bé như phù du và vô dụng đến thảm hại. Nếu không đoàn kết thì đến đời con cháu còn khổ hơn, đừng mơ hão về cái thứ gọi là “tự tôn dân tộc” hay nhỏ hơn là chuyện tự hào về đất nước.

Thế mà có những kẻ vì vài triệu view vô nghĩa trên một bộ đếm, vài chục nghìn tiền nhuận bút và vì vài sự khoái trá ích kỷ khi câu view, đang tâm thỉnh thoảng lại chia rẽ dân tộc.

Người đọc báo mạng hàng ngày phần đông là người trẻ. Chúng tôi sinh ra, trần trụi, ngây thơ trước gần như mọi thứ của những thời đại cũ và chỉ muốn có một thứ cơ bản nhất, đấy là hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình, cho bạn bè và lớn hơn là cho cái nơi mình sinh ra, lớn lên và yêu. Việc phải trả những cái nợ của thế hệ cũ là một điều không đáng có. Bản thân tôi là một người nuôi nhiều hoài bão, nhưng tôi không hề có suy nghĩ muốn con trai mình phải tiếp tục cái gánh nặng từ tội lỗi dang dở của bố. Chúng ta phải nhận ra rằng khi nào thì ước mơ của mình trở nên quá lớn và thứ gì mới đáng để lại cho thế hệ sau. Tôi muốn con trai mình có lựa chọn được tiếp tục xây giấc mơ của bố (hoặc không) chứ không phải bắt buộc phải trả một món nợ cắt cổ, bốc mùi và ô nhục mà nó không hề hiểu là phát sinh từ đâu.

Bản thân tôi cũng là một con người đại diện cho một thế hệ mất gốc. Một lớp trẻ với đất nước nghèo nàn về văn hóa. Một xứ sở mà ngày mùng một Tết, đạp xe lên dọc hàng Ngang hàng Đào ngắm xác pháo đỏ hồng cả chân trời là thứ chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người sinh năm 83 trở về. Một cái ao tù đọng và có rất nhiều người ra rả nói về việc bảo tồn văn hóa trong khi chẳng mấy người nói đến chuyện phát triển văn hóa – vốn là một thứ tất yếu bên cạnh việc bảo tồn các giá trị cũ. Việt Nam và Nhật Bản rất khác nhau, khác ở điểm trước khi nói về chuyện bảo tồn những nghệ thuật truyền thống, họ đã có một thời gian rất dài phát triển biệt lập với các vùng xung quanh để tạo thành một văn hóa với bề dày đáng ngưỡng mộ. Đương nhiên họ cũng phải trả những cái giá dài cả nghìn năm từ một xã hội bị phân chia giai cấp nhưng việc này hơi xa chủ đề mà chúng ta đang nói.

Giờ là thời đại mà Trung Thu ở Hà Nội nhố nhăng như một kiểu Halloween nửa mùa với toàn đồ chơi Trung Quốc, còn những đồ chơi văn hóa thì chết sặc sụa vì các nghệ nhân không tiếp tục sống được với nghề mà phát triển chúng. Trẻ nhỏ không có sân chơi, đồ chơi duy nhất là iPad (với các nhà có điều kiện). Tôi được nhìn thấy những người trẻ đói văn hóa đến thế nào. Chính vì thế mà họ hết sức ủng hộ những thứ như hợp tác xã nghệ sĩ của Zone 9 hay các hoạt động văn hóa tương tự.

Tôi yêu đất nước này, nên tôi không cho phép mọi người nhuốm lên nó những màu sắc hủ bại của đống rác thời xã hội thông tin câu view bán quảng cáo. Hơn mười năm trước khi FPT đem báo mạng về Việt Nam với VNExpress, tôi không nghĩ những con người như Trương Gia Bình hay Trương Đình Anh từng nghĩ thế hệ sau lại gây ra hệ lụy như bây giờ.

Tôi nghĩ những người cầm bút như mình bây giờ đã trở về cái thời báo chí Cách Mạng của ngày xưa. Và như ông bạn tôi nói: “Đéo có giấy phép mới là Cách Mạng”. Thà rằng hàng ngày từng con người vô danh cứ vững lòng chia sẻ về những thứ hay ho đến mọi người, còn hơn là có thẻ nhà báo rõ oai nhưng cũng chỉ viết ra những thứ lá cải kiểu báo mạng (giờ cứ có bằng Đại Học với làm cho một tờ báo mạng là cũng có thẻ nhà báo, nói thẳng ra là dễ lắm, chẳng vinh quang gì). Cái lối làm ăn chộp giật, câu view bất chấp thủ đoạn để bán quảng cáo kiếm tiền có các vàng, tôi cũng không thèm tiếp tục làm.

Tôi vẫn luôn tôn trọng những người làm truyền thông, bất chấp mọi thứ tiêu cực thì họ vẫn đang làm một phần việc tử tế đấy là đáp ứng nhu cầu thông tin cho tất cả mọi người. Cũng có người nói đúng khi họ biện bạch rằng có người thích đọc tin lá cải mới có những người trồng cải. Nhưng nói thật là khi lên báo suốt ngày toàn phải ăn cải thối trong khi những thứ nội dung hay ho khác không có người có đủ kiến thức và tâm huyết sản xuất thì thật sự nhảm. Bão hòa cái tốt thì còn được chứ bão hòa toàn tin rác như báo mạng Việt Nam bây giờ thì đáng thất vọng lắm.

Tôi luôn nghĩ, mình ở hiện tại, đang xây dựng nên tương lai của chính mình của ngày mai, tuần sau, tháng sau, năm sau hoặc bốn chục năm sau. Nếu muốn nó không nát thì tốt nhất là nên đầu tư tâm huyết và bền chí.

Gửi các bạn “lều báo”, mọi người đang xây dựng nên cái đất nước kiểu gì của 40 năm sau?
Nguồn: mannup.vn
Xem: Này các nhà báo, hãy thôi “cướp-giết-hiếp-lộ hàng” đi!Ăn cứt hay không ăn cứt, đó mới chính là câu hỏi; Đạo đức truyền thông cần được "giải phẫu"?"Người rừng": Hay sự khốn kiếp của người hiện đại?
Previous Post
Next Post