“Chúng ta đang trên chiếc bè Méduse”

Bức tranh “Chiếc bè của chiến thuyền Méduse” đã vượt ra khỏi ranh giới của hội họa để trở thành một trong những bài học sâu sắc nhất về đạo đức xã hội, chính trị.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong tiến trình lịch sử nhân loại, dù là một cuốn tiểu thuyết, một bức họa hay một cái gì khác, đều đem đến cho nhân loại những thông điệp mà nhiều khi khiến ta phải rùng mình kinh hãi và chợt  run sợ cho hiện tại và tương lai của loài người.

Tác phẩm hội họa "Chiếc bè của chiến thuyền Méduse" (Le Radeau de la Méduse/The Raft of the Medusa) của danh họa Théodore Géricault - một trong những người "khai sáng" ra "chủ nghĩa lãng mạn" (Romanticism) trong hội hoạ - một bức tranh làm bùng nổ một vụ "scandal" chấn động nước Pháp và thế giới những năm đầu thế kỷ 19, là một tác phẩm như vậy.

Bức tranh mô tả một nhóm người tuyệt vọng vô cùng cực trên một chiếc bè đang trôi nổi lênh đênh giữa biển khơi, bỗng thấy một con tàu xuất hiện nhỏ xíu ở tít đằng xa phía chân trời, hy vọng đẩy họ lao về phía trước để vẫy gọi cầu cứu.

Tai họa đắm tàu, bơ vơ đói khát giữa biển khơi mênh mông đâu đó và của ai đó... đâu có gì phải nhớ nhiều trong sự bộn bề của cuộc sống thường nhật hôm nay với con người bình thường. Nhưng bức họa "Chiếc bè của chiến thuyền Méduse" đã gợi nhớ một chi tiết thú vị trong cuốn sách "The Wreck of the Medusa" (Vụ đắm con tàu Méduse) của Johnathan Miles xuất bản năm 2008, kể lại toàn bộ vụ việc đắm tàu bắt đầu từ ngày 17-06-1816: "Méduse là tên một nữ quỷ hung dữ trong thần thoại Hy Lạp, cuối cùng bị Perseus (con trai của thần Zeus) tiêu diệt. Người Pháp không "kiêng kị" nên đã lấy tên nữ quỷ này làm tên của chiến hạm bậc nhất của họ".

Đặc biệt là Meduse đã từng đến Việt Nam: "Chiến hạm này đã từng chinh chiến khắp "bốn biển năm châu", trong đó đã có lần tới Việt Nam: Ngày 24-07-1789, Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) và Hoàng tử Cảnh (con trai Nguyễn Ánh) đi trên chiến thuyền Méduse cùng với khoảng 300 thủy quân, 80 pháo binh và 50 lính da đen, cập bến Bãi Dừa, Cap Saint-Jacques, thuộc Vũng Tàu".

Có một sự thật nhớp nhúa đằng sau bức tranh này, và bất chợt hiểu ra thông điệp mà danh họa Théodore Géricault đã gửi gắm qua bức tranh. Đó là sự thật đánh động lương tâm mọi người để nhận ra rằng con người không bao giờ được phép tự phụ về trình độ tiến hoá của mình: khi bị dồn tới bước đường cùng, bản năng hoang dã có nguy cơ trỗi dậy để huỷ hoại toàn bộ thành tựu của tiến hoá, biến con người trở lại thành con vật!

Và với tất cả những hệ quả do nó tạo ra, bức tranh "Chiếc bè của chiến thuyền Méduse" đã vượt ra khỏi ranh giới của hội họa để trở thành một trong những bài học sâu sắc nhất về đạo đức xã hội, chính trị. Và đặc biệt, nó đã rung lên tiếng chuông báo động về sự tha hoá trong đạo lý làm người của xã hội đương thời đến tận xã hội ngày nay trong vòng xoáy quyền lực, giàu sang...

Chuyện bắt đầu tại Paris năm 1816, tức một năm sau khi Napoléon bị quân Anh và đồng minh đánh bại tại Waterloo. Để thể hiện sự ủng hộ đối với dòng họ Bourbon mới được phục hồi ở Pháp, người Anh trao trả cho nước Pháp hải cảng Saint Louis trên bờ biển Tây Phi thuộc Sénégal.

Để tiếp nhận chủ quyền đối với hải cảng này, nhà nước mới của Pháp chuẩn bị một hạm đội để đưa viên tổng toàn quyền mới Pháp tại Sénégal cùng với một số quan chức và binh lính tới hải cảng đó.

Thuyền trưởng lãnh đạo hạm đội là Hugues Duroy de Chaumereys đã hơn 20 năm không hề ra biển, chưa bao giờ chỉ huy một con tàu, ông ta chỉ là một sĩ quan hải quan. Lý do chủ yếu để De Chaumereys được bổ nhiệm đơn giản vì ông ta là một nhân vật bảo hoàng tuyệt đối trung thành với nhà vua. Cùng đi trên tàu có vợ chồng đại tá Julien-Désiré Schmaltz, tổng toàn quyền Sénégal mới được bổ nhiệm, cùng nhiều nhân vật "quyền quý" khác. Tổng số hành khách trên chiến thuyền là 400, bao gồm đàn ông, đàn bà, trẻ em, trong đó có 160 thuỷ thủ.

Ngày 17/6/1816, dưới sự lãnh đạo của De Chaumereys, đoàn tàu hải quân của Pháp gồm 4 con tàu: chiến thuyền Méduse, tàu chở hàng Loire, thuyền hai buồm Argus và tàu hộ tống nhỏ Écho - khởi hành từ Rochefort, rầm rộ hướng tới Saint Louis....

Thế rồi tai họa xảy ra, con tàu Méduse tuy không bị vỡ, chỉ mắc kẹt, nhưng rất khó để kéo nó ra khỏi một dải đá ngầm. Vì vậy con tàu từ từ chìm xuống tới những mực nước nhơ bẩn mà nó có thể chìm... De Chaumereys quyết định rời bỏ con tàu. Ông ta tập hợp những người "tin cẩn" để thảo luận phương án cấp cứu, tất nhiên thuỷ thủ không được mời tham dự.

De Chaumereys nêu khó khăn rằng số thuyền cấp cứu không đủ để chở tất cả vào đất liền, Schmaltz lập tức đưa ra "sáng kiến": làm một chiếc bè để chở thuỷ thủ vào đất liền, ưu tiên dành thuyền cấp cứu cho những hành khách "quan trọng", và những thuyền này sẽ kéo chiếc bè vào bờ an toàn.

"Sáng kiến" này lập tức được thi hành: một chiếc bè gỗ kích thước khoảng 20m x 7m được chế tạo vội vàng từ những cột buồm và xà ngang của con tàu, không có phương tiện để lái và chèo. Tổng cộng có 146 đàn ông và một phụ nữ đã bước lên đó. Trong khi đó, 5 trong số 6 thuyền cấp cứu lại rất thưa người.

Ít người hơn trên một chiếc thuyền cấp cứu có nghĩa là khẩu phần ăn cho mỗi người trên con thuyền đó sẽ lớn hơn, đó là cách tính toán của đám người "quan chức quyền quý". Cuối cùng thì những chiếc thuyền cấp cứu cũng bắt đầu giương buồm lướt sóng chạy vào bờ, kéo theo chiếc bè. Chẳng bao lâu đám người trên bè bắt đầu phản ứng với cách đối xử bất công đê tiện quá lộ liễu đó. Vì quá thất vọng, họ rắp tâm sẽ nhảy lên bất cứ chiếc thuyền cấp cứu nào đi gần tới họ.

Tình hình đó làm De Chaumereys hoảng sợ và hắn lập tức ra lệnh cắt đứt dây nối với chiếc bè, để mặc cho nó trôi nổi lênh đênh trên biển. Những người trên chiếc bè lúc đó thất vọng và hoảng loạn, khi họ trông thấy những chiếc thuyền cấp cứu dần dần khuất khỏi đường chân trời, để mặc họ ở lại trơ trọi giữa lòng biển khơi xa cách đất liền... Đói khát, mất ngủ, và vô vọng, thuỷ thủ càng ngày càng trở nên hung dữ, họ tấn công nhau bằng dao rựa.

Khi thảm họa kết thúc chỉ còn 15 người sống sót, trong đó có Jean Charles, thuỷ thủ da đen cuối cùng, người vung khăn vẫy gọi cầu cứu trong bức tranh của Géricault...

Bản thân bức tranh "Chiếc bè của chiến thuyền Méduse" của Géricault cũng là một kẻ sống sót sau thảm hoạ. Sau 2 năm dốc kiệt sức lực cho bức tranh, bệnh lao của Géricault trở nên trầm trọng. Ông đã ra đi khi tài năng đạt tới độ chín nhất. Bức tranh sau đó đã được đem đi triển lãm và làm sợ hãi khắp Châu Âu. Cuối cùng nó được đem bán.

Bức tranh có hai khách mua sẵn sàng trả giá cao: một thương nhân Anh giầu có và một nhóm quý tộc Pháp - nhóm này định cắt bức tranh ra làm nhiều phần nhỏ rồi đem bán đấu giá từng mảnh. Mỉa mai thay, người "cứu" nó khỏi bị "đày" ra nước ngoài và không bị cắt vụn ra thành nhiều mảnh lại chính là vua Louis XVIII. Ông này đã biếu tặng Bảo tàng Louvre, nó còn ở đó cho đến tận ngày nay để cảnh báo xã hội đương thời và ẩn dấu thông điệp gửi cho mãi mai sau, như  Nhà sử học Jules Michelet đã từng tuyên bố: "Toàn bộ xã hội chúng ta đang đi trên chiếc bè Méduse"...

Tác giả: THƯ NGÂN
Previous Post
Next Post