Sống vặt

Bước vào thời đại Internet, cảm giác đầu tiên: thế giới mở mênh mông, bất tận.

Sống qua ít năm, ngộp thở. Vì thiếu sinh khí.

Đại dương thông tin, nghị luận, không ngờ nghèo đến thế!

Mỗi ngày, nguồn thông tin chính của ta thu gọn trong không tới 10 tờ báo giấy và mạng, tiếng Pháp, Việt và Anh: như nhau. Tin tức như nhau, bình luận như nhau, lý luận như nhau. Dù thuận hay chống điều gì: cùng một nền tảng thông tin (hai ba thông tấn xã quốc tế và một thông tấn xã Ziao Chỉ), cùng một phương pháp suy luận, cùng một nhân sinh quan.

Nhân loại hôm nay gồm gần 7 tỷ người. Mỗi ngày, có hàng trăm, ngàn tỷ hành động thể hiện khao khát làm người ở đời nay, trực tiếp hay gián tiếp chi phối khả năng làm người của chính ta ở đời mình. Tổng kết lại, chỉ có bấy nhiêu thông tin trên sao? Chỉ có lối tiếp cận và suy luận nghèo nàn như trên sao? Ta nỡ sống và chết trong ảo ảnh ấy?

Nghĩa là?

Như nhiều người khác trong cùng hoàn cảnh, có cùng nhân phận, cùng phản ứng, ta là một con gà cục tác lá chanh giữa một bầy gà bị khóa chặt trong một lồng tre, ở đời và trong tâm, trí. Vỗ cánh gáy vang trời tự do, dân chủ, nhân cách mà chưa hề ngờ đó, như lá chanh, là những gia vị không thể thiếu trên đĩa thịt gà hoàn mỹ mà Lịch Sử chiêu đãi bàn dân.

Đương nhiên, ngoài những thông tin và nghị luận trên, ở o ép, qua những loại "mạng lưới xã hội", có vô vàn thông tin và nghị luận khác, tuy ta bị giới hạn trong ba ngôn ngữ, cũng phong phú kinh hoàng. Kiến thức, không ai tiếp thu hết được, ngoài những robots của Google không hề hiểu kiến thức nghĩa là gì. Suy luận cũng phong phú đa dạng chưa từng có trong lịch sử thông tin của nhân loại. Nhưng cũng chỉ đào sâu một khía cạnh kiến thức của học giả hay chuyên gia và phóng đại vào thân phận làm gà trong cũi chung, theo một kiểu suy luận chung. Nếu bất lực, tự nhiên thôi.

Có nhiều thông tin đến thế, tại sao ta vẫn thấy quá nghèo nàn, ngộp thở?

Giấc mơ của các vị "khổng lồ" "encyclopédiste" thời xưa, hôm nay, không ai thực hiện được. Kiến thức của người đời nay quá nhiều, quá sâu, quá chuyên, và đời người quá nghèo, quá ngắn.

Khát khao của các vị hiền triết cổ kim cũng vậy. Có mấy ai "thông cảm" được tư duy khoa học? – nghĩa là: quý trọng nhưng không tôn thờ nó như các đồng chí thích tôn thờ chủ nghĩa Mác-Lênin "khoa học", chỉ coi kiến thức và tinh thần khoa học là một kích thước cần thiết nhưng không đầy đủ để làm người. Không thông cảm được nó, làm sao tạo ra những giá trị và phương pháp suy luận cần thiết để làm người trong một nhân giới đã bị kiến thức khoa học, xuyên qua kỹ thuật và quan hệ kinh tế, chi phối đời sống hàng ngày của cả nhân loại, mỗi lúc càng thêm cưỡng bức, càng bất khả kháng?

Tóm lại? Thông tin vặt nhiều bao nhiêu, suy luận càng vặt bấy nhiêu. Đành sống vặt như thế? Ngoài vài giây phút hiếm hoi bỗng mê một điệu nhạc, một giọng hát, một ý thơ, một câu văn ra hồn văn, một tiếng cười của Lila, e tutti quanti?

Ôi, phải chăng ta đang ngạo mạn vô lối, trừu tượng hoá chính mình, giả vờ nhân danh con người để biến mình thành một con người hão? Có thể lắm. Nếu thế, ta xin lỗi mọi người, theo truyền thống Ziao Chỉ ở ta. Vì, chí ít, tuy đang bước vào cõi vô ngôn, Ziao Chỉ or PhuLăngXa, ta chưa hề cảm được rằng ta đang chết, và an phận. Chán thật. 

Previous Post
Next Post